Tại sao người ta không quan tâm hơn đến các nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp khắp thế giới?

...những sự tàn ác như thế phải khiến cho cộng đồng quốc tế đứng ra bảo đảm rằng tự do được tôn trọng và các nhóm thiểu số được bảo vệ. Nhưng thay vào đó, chúng ta thấy các nhóm tôn giáo yếu đuối bị lờ đi, cả trong việc phân bổ cứu trợ tị nạn của LHQ, lẫn trong các chương trình được hoạch định để xử lý những vùng bất ổn nhất.

Tại sao người ta không quan tâm hơn đến các nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp khắp thế giới?

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, Tuyên ngôn của Vatican II về Tự do Tôn giáo đang mang tính sống còn hơn bao giờ hết.

Mới tháng trước, ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, các Kitô hữu bị lôi ra khỏi nhà thờ và đánh bằng gậy, bị các kẻ tấn công ép phải cải sang Ấn giáo. 

Sau cuộc tấn công này, giám mục Patras Minj của Ambikapur cho biết các linh mục đang ‘cực kỳ lo sợ’ sau khi chính quyền địa phương ra lệnh cấm ‘bất kỳ tuyên truyền, cầu nguyện, và bài nói chuyện tôn giáo nào ngoài Ấn giáo’. 

Những người Ấn giáo cực đoan đang vung tay đàn áp các đức tin thiểu số, có khi quá sức tàn bạo. Hồi tháng 6, một nữ tu ở Chhattisgarh bị hãm hiếp. 

Nhưng, Ấn Độ không chỉ là quốc gia duy nhất các nhóm tôn giáo thiểu số đang phải đối mặt với đàn áp, bách hại và cưỡng bức. Có thể nêu tên một loạt quốc gia như Bắc Hàn, Sudan, Trung Quốc, Pakistan, Eritrea, tất cả đều ngăn cấm các quyền tự do sống đức tin của công dân. 

Và những chuyện kinh khủng thì quá nhiều: 

- Cha Pedro Yu Heping, lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc, và rồi người ta tìm thấy xác cha chết trôi trên sông, rất đáng ngờ. 

- Nghị viện Irắc cố gắng thông qua một luật buộc các trẻ em không theo Hồi giáo phải cải sang Hồi giáo khi cha hay mẹ của bé tái hôn hay thay đổi tôn giáo. 

- Một nhà thờ ở Jakarta, Indonesia, đã bị chính quyền địa phương ra lệnh phải di dời, theo một luật ‘hòa hợp tôn giáo’ đã khiến 1000 nhà thờ bị đóng cửa kể từ năm 2006. 

Có lẽ trước những sự kiện thế này, càng cần phải chú tâm hơn nữa đối với Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, Dignitatis Humanae của Công đồng Vatican II. 

Tuyên ngôn Phẩm giá Con người là lời đáp trả những sự dữ trong thế kỷ XX chứng kiến các nhóm tôn giáo bị đàn áp khốc liệt do tay Đức Quốc xã và Xô-viết. 

Các Kitô hữu đã chiếm tỷ lệ lớn trong số những người khốn khổ dưới tay cảnh sát mật của Stalin, và cuộc diệt chủng người Do Thái ở các trại tập trung đã kiến thế giới chấn động. Giáo hội đã thấy phẩm giá con người bị phỉ báng, và Giáo hội muốn bảo đảm rằng các quyền lực thế tục không được xâm phạm ‘tự do chính đáng của một con người hay tổ chức.’ 

Tuyên ngôn Phẩm giá Con người kêu gọi tự do cho các nhóm tôn giáo, gởi đến những quốc gia, nhóm, hay cá nhân đang tìm cách đàn áp và triệt hạ những ai bất đồng với họ về đức tin. Thật vậy, chiến dịch khủng bố của ISIS ở Trung Đông, cũng như của Boko Haram ở Nigeria, đang minh họa cho thấy, không phải lúc nào cũng do các nhà nước bách hại tàn bạo các nhóm tôn giáo thiểu số, mà có khi là do tay các nhóm. Nhưng những sự tàn ác như thế phải khiến cho cộng đồng quốc tế đứng ra bảo đảm rằng tự do được tôn trọng và các nhóm thiểu số được bảo vệ. Nhưng thay vào đó, chúng ta thấy các nhóm tôn giáo yếu đuối bị lờ đi, cả trong việc phân bổ cứu trợ tị nạn của Liên Hiệp Quốc, lẫn trong các chương trình được hoạch định để xử lý những vùng bất ổn nhất. 

Trong Tuyên ngôn Phẩm giá Con người, Giáo hội đã mở lời ngôn sứ đòi buộc rằng phẩm giá con người và tự do về tôn giáo phải được nhìn nhận và thực hiện. Nhưng khi nhìn lại năm 2015, kỷ niệm tuyên ngôn của Công đồng Vatican II, người ta vẫn sẽ thấy các nhà thờ bị đập phá, các linh mục bị giam giữ mà không cần xét xử, các phụ nữ Kitô giáo bị đánh đến chết, và rồi chúng ta nhận ra rằng lời kêu gọi ngôn sứ đó vẫn còn chưa được nghe thấu. 

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 21.12.2015/
Catholic Herald | John Newton | 07-12-015)