Iran: "Các cuộc trở lại làm cho các chế độ hồi giáo lo ngại"
Linh mục Humblot ở địa phận Prado từ năm 1961, cha buộc phải rời gấp Iran sau 45 năm ở đây. Cha làm chứng cho một hiện tượng không còn nghi nhờ gì, rất nhiều vụ trở lại theo kitô giáo.
“Theo lời khuyên tối thượng của giám mục của tôi, tôi phải vội về Paris mang theo hai va li đầy các bản dịch thuật tiếng Ba tư trong đó có bản dịch Thánh Kinh cần phải làm xong. Sau khi tôi đi, cảnh sát của chế độ hồi giáo đã lấy hết tất cả sách vở, máy tính và tài liệu chúng tôi còn để đó”, linh mục Pierre Humblot nhớ lại. “Tất cả đều bị phá hủy trong nhà nguyện của chúng tôi, nhưng cám ơn Chúa, các cộng sự viên của chúng tôi đã kịp giải tán, đi trốn hay lưu vong.”
Là công dân Iran, bây giờ cha Humblot ở Paris, cha làm việc trong một căn phòng nhỏ, vừa là văn phòng, vừa là phòng ngủ, vừa là nhà bếp của cha. Địa chỉ của cha sẽ không được tiết lộ cũng như tên các cộng sự viên của cha, vì cha phải làm một công việc kín đáo: ngài tháp tùng những người Iran và Afghan hồi giáo trở lại kitô giáo ở Âu Châu cũng như ở các nước gốc của họ.
Ít nhất là có 300 000 người!
Theo con số thống kê, cha Humblot ước lượng số người trở lại là 300 000 người, và Chế độ hồi giáo ý thức tầm quan trọng của làn sóng trở lại này bởi vì họ càng ngày càng đánh vào phong trào này. Ở Iran, những người trở lại phải sống chui: họ vi phạm luật hồi giáo, luật hồi giáo cấm thay đổi tôn giáo, họ thường bị gia đình họ đối xử hung bạo và không được các cộng đoàn Đông phương hay Latinô chấp nhận trong các nhà thờ của họ.
Những người trở lại là một nguy hiểm thật sự cho các cộng đoàn này: họ bị buộc tội là đi chiêu dụ và sẽ bị chính quyền địa phương triệt hạ, họ không dung thứ. Nhà cầm quyền khẳng định họ tôn trọng các sắc dân thiểu số và việc tự do thờ phượng. Nhưng không có một cách nào để có tự do lương tâm và tôn giáo vì họ cấm các người đạo dòng giữ đức tin của mình.
“Nếu mày không trở lại hồi giáo, tao sẽ đốt mày!”
Dù bị bách hại như thế nhưng vẫn có rất nhiều người trở lại. Họ càng ngày càng nhiều và rất kín đáo, họ có “nhà thờ tại nhà” do các người âm thầm đi rao giảng Tin Mừng đến giảng, những người này bị cảnh sát tôn giáo lùng tìm. Rất nhiều người bị chính gia đình họ đối xử hung bạo. Và cha Humblot tháp tùng cô tân tòng này. “Cô trở lại theo một giấc mộng”, cha làm chứng. Khi gia đình biết cô muốn trở lại, họ nghị cô bị quỷ ám. Cha của cô đánh cô dữ dội, nhưng trước sự thất vọng của mình, cha của cô đã tưới xăng vào người cô, ông lấy cây diêm đe dọa cô: “Nếu mày không trở lại hồi giáo, tao sẽ đốt mày!”.
Đứng trước sự cương quyết của con mình, ông đã bật que diêm nhưng que diêm bị ướt nên nó không cháy, dù người cô đã bị tẩm xăng. Rồi cô gái bị nhốt dưới hầm với lời đe dọa: “Trong ba ngày, nếu mày không thay đổi ý kiến, chúng tao sẽ giết mày!”. Một trong các chị của cô đã cứu cô và bây giờ cô gái đã trở lại đạo và sống ở nước ngoài, cô đã mất sức khỏe, gia đình, xứ sở và tất cả những gì cô đã có. Dù vậy, cô cầu nguyện mỗi ngày để xin làm sao có thể tha thứ được cha mình.
Một Giáo hội với các người thánh trên tiến trình thiêng liêng
Ở Iran, lúc nào cha Humblot cũng được mọi người đến xin giúp. “Người ta cáo buộc tôi đi chiêu dụ, cha nói đùa. Nhưng tôi không bao giờ làm, đơn giản đó không phải việc của tôi, và tôi cũng không có thì giờ làm!” Cha tiếp những người đến tìm mình và họ phải học giáo lý ba năm trước khi được rửa tội, cha rất cẩn thận với các cuộc trở lại nhanh chóng. Sau một thời gian, biết mình bị theo dõi, cha thay đổi chỗ gặp liên tục, lúc thì dạy giáo lý trong xe, lúc thì ngoài công viên. Mục đích của cha là các tân tòng phải “đứng vững”, họ phải được đào tạo đúng, để đến lượt họ, họ đào tạo các tân tòng khác.
Ở Iran cũng như ở Âu Châu bây giờ, cha ở gần những người, những cuộc sống vượt quá những gì con người có thể hình dung được. Trong cuộc cách mạng Iran, một trong các bạn của cha, một người hồi giáo đã trở lại, người này trở thành mục sư và đã bị tù ba năm. Khi người bạn trở về, cha Humblot buồn vì thử thách này, nhưng mục sư khẳng định: “Càng tuyệt vời! Vì trong vòng hai năm, tôi có thể ca tụng Chúa liên tục mà không bị ai làm phiền!”. Sau cuộc gặp gỡ này hai tuần, mục sư bị một nhóm người lạ mặt ám sát chết trong một góc rừng…
Trong hỗn loạn của cuộc cách mạng 1979
Sau cuộc Cách mạng Iran, đa số các linh mục Tây phương phải rời khỏi xứ. Các nhà thờ làm lễ và giảng bằng tiếng Ba tư đã phải đóng cửa và bảy vị mục sư bị giết chết. Linh mục Humblot có thể ở lại vì có quốc tịch Iran, với một chút khôn khéo và được Chúa Quan phòng trợ giúp. Vì trong lúc làm nghĩa vụ quân sự, cha làm lính cứu thương, cha được chỉ định lo phần cứu cấp cho một bệnh viện ở Téhéran.
Trong một lần cứu cấp, cha bị một người cùng tầng nhận ra, một “người có râu” mà từ lâu ông đã nghi cha, ông rất cảm kích vì Kitô hữu này đã giúp người Hồi giáo một cách nhưng không. Ông “râu” này hoạt động tích cực trong cách mạng và sau này là một nghị sĩ. Với sự giúp đỡ của ông này, linh mục Humblot đã có thể trình diện với cảnh sát với thẻ công dân Iran mới toanh, khi họ đến định trục xuất cha: “Họ rất giận”, linh mục nhớ lại, cha không giấu nét tinh nghịch của mình.
8 năm chiến tranh và vô số vụ trở lại
Vụ xung đột giữa Irak và Iran (1980-88) đầy cay đắng với các chính phủ Phương Tây. “Các kỹ sư Pháp làm việc tích cực cho đến khi các tên lửa của Irak đến tận Téhéran”. Nhưng cuộc chiến tranh này kèm theo những trói buộc rất mạnh đã đưa nhiều người Iran về với cha Humblot. Tuổi trẻ của nước này không chịu đựng được các bó buộc về tôn giáo cũng như sự kiểm soát của cảnh sát. Một số rơi vào tình trạng nghiện ngập, số khác tìm cách thay đổi đạo, thờ súc vật, theo đạo Hinđu hoặc Kitô giáo.
“Con có thể rửa tội cho chính con được không?”
Cha Humblot không thất nghiệp, cho dù bây giờ cha không còn nghĩ mình có thể quay trở về Iran, nhưng hàng ngày cha vẫn còn làm việc bằng tiếng Ba tư là chính. Để dịch các văn bản thánh, để làm các video, để trả lời qua Internet các câu hỏi của người Iran, đúng là cha có một “công ty nhỏ” với 14 người Iran làm việc với cha. Trong số những câu hỏi cha nhận qua e-mail, có một câu hỏi của một cô người Iran hồi giáo, cô ở một mình trong thành phố bao bọc bởi sa mạc, cô muốn trở lại. Cô viết cho cha: “Con chỉ muốn có Chúa Giêsu Kitô, nhưng bây giờ không còn kitô hữu nào trong thành phố của con. Vậy, con có thể tự rửa tội cho mình được không?”.
Cha cũng gặp những đời sống bị tang thương như người đàn ông kitô hữu người Afghan, ông tị nạn ở Paris, vợ và con gái ông còn ở Afghan: “Để gặp lại vợ con tôi phải từ bỏ Giêsu và trở về nước, tôi không muốn làm như vậy.”
Linh mục Humblot vui trong thử thách: “Công việc của tôi thì đơn giản: tất cả đã được Thần Khí, Đấng Phù Trợ, Đấng Bào Chữa chuẩn bị trong các tâm hồn. Tôi chỉ đón nhận, kinh ngạc, tháp tùng và tạ ơn Chúa. Làm việc với những người trở lại, những người đã bị bách hại và đã rời tất cả vì Chúa Kitô là sự nâng đỡ hàng ngày cho tôi.”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 22.12.2015/
aleteia.org, Sylvain Dorient, 2015-12-20)