Syria – Núi Sọ bất tận
Cách đây không lâu, thợ máy 53 tuổi, George Shenekji Chankji, đang có một cuộc sống trong mơ đối với người dân Syria.
Ông là một phần trong giai cấp trung lưu Kitô hữu ở Syria, nơi mà các Kitô hữu từ lâu chỉ chiếm 10% dân số nhưng lại chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều trong thành phần ưu tú chuyên nghiệp.
Cùng với vợ Rima, và con trai Fadi, ông Chankji có một ngôi nhà lớn ở Aleppo, một căn hộ ở thủ đô Damascus, và một ngôi nhà ngoại ô ở làng Kafrun. Cuộc sống sung túc của ông còn được bổ sung thêm khoản thu nhập từ 3 cửa hàng làm ăn phát đạt của bà con Rima.
Nhưng, ngày 09-11-2014, Chankji và gia đình bị buộc phải bỏ hết của cải mà trốn khỏi Aleppo khi ISIS tấn công vào thành phố.
Khi cố gắng trốn chạy chiến sự, họ bị rơi vào ổ phục kích của các phiến quân Al Nusura, một chi nhánh của Al-Qaeda, bị cướp hết sạch số tiền mang theo mình và cả chiếc xe đang dùng.
Chankji vẫn thấy mình thật may mắn khi không bị giết, và cho biết một người lính trẻ có râu, sau khi chĩa súng lăm lăm suốt nửa giờ, đã quyết định cho gia đình ông đi, nói rằng ‘Tôi sẽ thương xót cho ông, bởi Allah có lòng thương xót.’
Sau vài ngày, gia đình ông đến được Li Băng, trú tạm một góc của trại tập trung trong khi chờ được phép nhập cư đến Turin, Ý. Hôm nay, họ đang sống nhờ quỹ từ thiện của một giáo xứ của các cha Salesian.
Ông Chankji là hậu duệ của các Kitô hữu Armenia đã sống sót qua cuộc diệt chủng do tay người Thổ cách đây 1 thế kỷ, và hồi tháng 8, trả lời tờ Famiglia Cristiana của Ý, ông cho biết hồi nhỏ đã từng nghe ông bà kể về những chuyện kinh hoàng họ từng trải qua.
Nhưng, ông nói, không gì có thể so sánh với cảnh tàn sát mà ông và gia đình phải chứng kiến trước khi chạy trốn khỏi Syria.
‘Đây là một Núi Sọ bất tận.’ ông Chankji nói đến ngọn đồi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. ‘Vấn đề với tôi và với rất nhiều Kitô hữu Syria khác là, con cái chúng tôi có tương lai nào hay không?’
Từ khi cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra từ tháng 3, 2011, Syria đã vươn lên ngang tầm với Irắc, đau đớn thay, là về sự khốn khổ của các Kitô hữu trong nước.
Mở Cửa [Open Doors] một nhóm Tin Lành quan sát về nạn bách hại bài Kitô giáo, cho biết có 1213 Kitô hữu Syria bị giết trong năm 2013, vì những lý do liên quan đến đức tin.
Ngoài mối đe dọa bị giết, các Kitô hữu Syria còn bị đè nén đủ đường.
Tháng 9, 2013, các lãnh đạo Hồi giáo ở Douma, ngoại ô Damascus, đã ban hành một sắc lệnh fatwa cho phép người Hồi giáo được chiếm nhà cửa và các tài sản của những Kitô hữu trong vùng. Và kết quả là, hầu như tất cả Kitô hữu trong vùng đều chạy trốn. Ở những vùng khác của Syria đang bị ISIS chiếm đóng, các Kitô hữu chỉ có 3 lựa chọn: cải sang Hồi giáo, đóng thuế công dân hạng hai, hay bỏ đi mãi.
Các lãnh đạo Giáo hội ước tính, trước chiến tranh có từ 1.5 đến 1.75 triệu Kitô giáo ở Syria, và tính đến cuối năm 2014, ít nhất 600 ngàn người đã chạy trốn khỏi nước, hay phải biệt xứ.
Bắt cóc là một vấn nạn khác đang lan tràn trên Kitô hữu ở Syria. Nó đang trở thành một ngành công nghiệp của các nhóm vũ trang, website có tên Ora Pro Siria [Cầu nguyện cho Syria] của các nhà truyền giáo người Ý cho biết, trong vòng tháng 2 năm 2013, giá cho một linh mục bị bắt cóc vào thời điểm đó là 200.000$.
Tổng Giám mục Jean-Clément Jeanbart, của tòa Aleppo của người Hi Lạp Melkite, là một trong những mục tử Kitô giáo đang ở tiền tuyến đối mặt với các mối đe dọa của ISIS. Những người Hi Lạp Melkite, tập trung sống ở Syria và Li Băng, là một trong 23 giáo hội Đông phương thuộc Giáo hội Công giáo.
Đức cha Jeanbart cho tờ Globe biết là ngay ngày lễ Phục Sinh 2015, cha đi đào đống đổ nát sau khi một trái bom phát nổ ở khu vực Kitô hữu ở Aleppo, giết chết 15 người. Trong đó có 4 người thuộc đàn chiên Hi Lạp Melkite của cha, là cặp vợ chồng và hai người con, 10 và 12 tuổi.
‘Bây giờ chúng tôi gặp vấn đề về việc chôn cất, bởi quanh nghĩa trang đầy các tay súng bắn tỉa và chúng tôi buộc phải người chết ở nơi khác.’
Nhìn chung, đức cha Jeanbart bi quan về tương lai:
‘Chúng tôi đang trong nguy kịch, chúng tôi sẽ bị biến mất sớm thôi. Không một hi vọng ôn hòa nào tồn tại nổi, bởi những phái Hồi giáo cực đoan cứ luôn kêu gọi thánh chiến jihad và loại trừ, một dạng khinh miệt kỳ thị với bất kỳ ai không phải Hồi giáo.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 18.12.2015)