Irắc, nơi nương náu thành bãi tàn sát

Trong các cuộc tấn công của ISIS, các nhà thờ và tu viện bị phá hủy, các bản thảo có từ hàng thế kỷ trước bị đốt, và quá nhiều Kitô hữu bị giết, thường là bằng những cách man rợ kinh hoàng, bị đánh đến chết, chặt đầu, và thậm chí còn bị đóng đinh thập giá.

Irắc, nơi nương náu thành bãi tàn sát

ERBIL, Irắc – Xét theo hầu hết tiêu chuẩn, thì cộng đồng Kitô giáo bị tàn phá nhất ở Trung Đông hiện nay chính là Irắc, nơi cuộc chiếm đóng do Hoa Kỳ dẫn đầu vào năm 2003 đã khiến bộc phát ra các căng thẳng bè phái, và là nơi ISIS cực đoan của vùng Cận Đông chiếm đóng phần lớn đất nước.

Một cuộc khảo sát dân số năm 1987 cho biết có 1triệu4 Kitô hữu ở Irắc, như thế, nếu chính xác thì nước này là cộng đồng Kitô giáo lớn thứ nhì ở Trung Đông, sau Ai Cập. Nhưng hiện tại, các giám mục Công giáo ở Irắc ước tính con số này chỉ còn không hơn 200.000.

Hồi tháng 8, là tròn một năm ISIS tấn công đồng bằng Nineveh ở Bắc Irắc, nổ ra từ 06 đến 07-8-2014, khiến cho hàng ngàn Kitô hữu và người Yazidi thiệt mạng. Các cuộc tấn công của ISIS cũng khiến cho khoảng 120.000 Kitô hữu phải bỏ xứ mà đi, dù là đến các nơi khác trong nước như Kirkur và Erbil, hay đến các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Trong các cuộc tấn công của ISIS, các nhà thờ và tu viện bị phá hủy, các bản thảo có từ hàng thế kỷ trước bị đốt, và quá nhiều Kitô hữu bị giết, thường là bằng những cách man rợ kinh hoàng, bị đánh đến chết, chặt đầu, và thậm chí còn bị đóng đinh thập giá.

Trong các cuộc bách hại trước đây, nhiều Kitô hữu đã đến trú ẩn ở đồng bằng Nineveh, biến nơi đây thành nơi nương náu truyền thống đầy sinh khí. Một Kitô hữu Irắc xem việc đồng bằng này bị biến thành một cánh đồng giết chóc cũng như việc một đứa trẻ bị lôi ra khỏi giường của mình, một nơi tưởng như là an toàn nhất.

Các câu chuyện kinh hoàng đến quá nhanh, quá nhiều.

Mục sư Anh giáo Andrew White, trước đây chia đôi thời gian, lúc ở Anh lúc ở Irắc, nơi ông được gọi là ‘Cha sở của Baghdad.’ Ông đã rời Irắc hồi 2014, sau khi Tổng Giám mục Canterbury lệnh cho ông phải làm vậy vì các nguy cơ an ninh và vì chính sách của giáo hội không chấp nhận trả tiền chuộc con tin.

Tháng 12, 2014, mục sử White đã cho biết, sau khi ông rời đi, 4 trẻ em Kitô hữu chưa đến 15 tuổi, đã bị ISIS hành hình vì không chịu cải sang Hồi giáo.

‘ISIS xuất hiện và bảo các em, ‘Các ngươi hãy nói là các ngươi theo Muhammad.’ Nhưng các em … nói, ‘Không, chúng con yêu Chúa Giêsu, chúng con luôn luôn yêu Chúa Giêsu.’

Và chúng chặt đầu các em. Trước chuyện này, bạn làm gì? Khóc, chỉ biết khóc.’

George Marlin, tác giả quyển ‘Bách hại Kitô giáo ở Trung Đông,’ cũng là chủ tịch phân bộ Hoa Kỳ của Trợ giúp Giáo hội Cần giúp đỡ, một tổ chức nhân đạo Công giáo quốc tế và là nhóm biện sư nâng đỡ cho các Kitô hữu bị bách hại. Ông đã trích lời một linh mục bản xứ nói về việc các Kitô hữu đang sống biệt xứ ‘có lẽ sẽ không bao giờ về lại Irắc và Trung Đông.’

tinan.jpg

Bé Roaa Hussam, 15 tuổi là tiêu biểu cho xu hướng này.

Hồi tháng 12, 2014, bé đang sống ở Erbil Mall, trung tâm mua sắm 4 tầng ở thành phố Bắc Irắc này, đã được biến thành trại tị nạn tạm thời cho gần 400 gia đình Kitô giáo chạy trốn bạo lực của ISIS.

Không lâu trước đây, Erbil là một thành phố đang phát triển thương mại, nhưng ngày nay, phần lớn thành phố là đổ nát. Phía sau các bức tường nhà thờ,các trung tâm thể thao bị bỏ hoang, thậm chí là các tòa nhà xây dở, là 400.000 người tị nạn đang chờ đợi số phận của mình.

Tháng 8, 2014, Hussam, cha mẹ em, và 3 đứa em, đã bỏ trốn khỏi quê nhà, thành phố Qaraqosh với phần đông là Kitô hữu. Với giấc mơ làm bác sỹ, cô bé đã cố gắng tiếp tục việc học bằng cách chụp hình các trang sách ít ỏi quanh trung tâm tị nạn.

Cô bé nói với phóng viên tờ Crux là ước mơ được định cư ở Úc, nơi các thành viên khác trong gia đình cô đã có cuộc sống mới ở đó.

Còn có Nareman Jameel Oolo, một kỹ sư vi tính trẻ, cha của anh bị phiến quân Hồi giáo giết chết khi anh mới 14 tuổi, và anh đã học tiếng Anh thông thạo bằng cách chuyện trò với lính Mỹ trước khi họ rút quân về.

Cả anh Oolo cũng muốn bỏ gốc rễ của mình.

‘Tôi đã để tất cả mọi thứ lại. Ở đó còn gì nữa cho tôi đâu?’

Tình hình quá vô vọng đến độ lãnh đạo của cộng đồng Công giáo Irắc, thượng phụ Sako của Giáo hội Công giáo Chaldea, hồi cuối năm 2014 đã ra một mệnh lệnh rằng các linh mục đã trốn khỏi Irắc mà không có ủy lệnh, thì phải trở về, bởi nếu không làm như thế thì không cách nào giữ được Giáo hội ở đây.

Đa số các linh mục này, 9 người đã tị nạn ở Hoa Kỳ, bất tuân lệnh, và thỉnh cầu Đức Giáo hoàng Phanxicô xem xét.

Cha Noel Gorgis, bây giờ đang sống ở San Diego, nói rằng một linh mục trở về lại Irắc, là ‘tự sát.’ Cha nói rằng, nếu Đức Phanxicô ra lệnh, thì cha sẽ làm, nhưng ‘tôi không tin ngài sẽ bảo, ‘Đi tự sát đi.’ đâu’

Có lẽ không có gì diễn tả tình thế tuyệt vọng của Kitô hữu Irắc cho bằng hình ảnh một linh mục nài xin Đức Giáo hoàng đừng sai cha về quê nhà.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 18.12.2015/
Crux  | John L. Allen Jr. và Inés San Martín | 13-12-2015)