Hoa hậu 22 tuổi hướng về Chúa!
Nói chuyện về Đức Giáo hoàng, về Thánh sử Luca, về triết gia Platon với Hoa hậu Thụy Sĩ là chuyện khá kỳ lạ. Vào đầu buổi phỏng vấn, cô Lauriane Sallin e sợ nói, “tôi không phải là chuyên gia về tôn giáo”. Nhưng lời e sợ này được thấy nhanh là không có căn cứ: cô gái Thụy Sĩ có khả năng trải rộng suy nghĩ nhất quán của mình về Chúa, đức tin công giáo và các liên hệ luân lý theo đó – và cả thẩm mỹ nữa.
Nói chuyện về Đức Giáo hoàng, về Thánh sử Luca, về triết gia Platon với Hoa hậu Thụy Sĩ là chuyện khá kỳ lạ. Vào đầu buổi phỏng vấn, cô Lauriane Sallin e sợ nói, “tôi không phải là chuyên gia về tôn giáo”. Nhưng lời e sợ này được thấy nhanh là không có căn cứ: cô gái Thụy Sĩ có khả năng trải rộng suy nghĩ nhất quán của mình về Chúa, đức tin công giáo và các liên hệ luân lý theo đó – và cả thẩm mỹ nữa.
Ngày 7 tháng 11 vừa qua, tại thành phố Bâle, cô được bầu làm tân Hoa hậu Thụy Sĩ. Cô trả lời không che giấu ngay cả hoài nghi và những câu hỏi tò mò. Nếu các câu hỏi về hiện sinh luôn ở trong lòng cô thì đức tin là kết quả của một suy nghĩ phát triển dần qua các thử thách trong đời mà cô gặp, nhất là sau cái chết của người chị cả Gặlle vào mùa xuân vừa qua vì bị ung thư óc.
Cô đã trả lời báo chí về các vấn đề tôn giáo mà cô quan tâm. Cô thấy điều gì hấp dẫn ở đó?
Lauriane Sallin: Về mặt văn hóa, tôn giáo là sợi chỉ mà người ta có thể lần theo đó, qua các thời kỳ, để tiếp cận được với các bối cảnh khác nhau của tư tưởng. Về mặt cá nhân hơn, từ lâu tôi đã tự đặt cho mình các câu hỏi về cuộc hiện sinh. Đã có một thời gian tôi cảm thấy mình đơn độc với loại chất vấn này, và rồi khi đọc sách vở, tôi khám phá ra nhân loại đã không ngừng đối diện với các thực tế này. Và ngay lập tức, tôi cảm thấy mình được bảo bọc che chở.
Những câu hỏi hiện sinh… Những câu hỏi nào?
Đặc biệt là câu hỏi về hạnh phúc và trong suốt thời gian chị tôi bệnh. Dù gặp tất cả những chuyện này, con người có thể có hạnh phúc không? Tôi đã đi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Một vài tư tưởng gia cho rằng khái niệm hạnh phúc là không có. Nhưng nếu như vậy thì tại sao người ta sống? Tôi nghĩ hạnh phúc là điều có thể, nhưng phải biết chính xác thế nào là hạnh phúc. Cá nhân tôi, tôi tiếp cận với một vài nguyên tắc đầu tiên của đức tin kitô: sự tôn trọng, tình yêu cho người thân cận – không phải là người cách tôi 6.000 cây số, nhưng người ở bên cạnh tôi.
“Đứng trước cái chết của chị tôi, tôi không thể cứ ở trong tình trạng tức thời.”
Như thế cô liên hệ vấn đề hạnh phúc với mệnh lệnh phúc âm “hãy thương nhau”?
Đúng. Tôi không thể nào hạnh phúc nếu tôi chỉ nghĩ đến tôi. Trong nhãn quan này, vấn đề tha thứ là chính yếu. Vào dịp lễ Phục Sinh, tôi đi lễ khi tôi còn rất đang giận một người. Lần đầu tiên trong đời, tôi đọc Kinh Lạy Cha mà tôi suy nghĩ từng chữ. “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ con”. Trong hoàn cảnh này, tôi nhận ra tôi có chọn lựa. Tôi có thể nuôi hận thù và làm cho người kia không sống được. Nhưng đó là một việc làm vô tận, oán oán trùng trùng. Người ta có thể ghét ai và ghét suốt đời. Tôi chọn thái độ tha thứ: tôi không muốn mình là người hận thù.
“Lần đầu tiên trong đời, tôi đọc Kinh Lạy Cha mà tôi suy nghĩ từng chữ tôi đọc”
Như vậy đức tin công giáo là một tiến trình phát triển dần dần?
Trong gia đình tôi, mọi người đều tin nhưng mỗi người mỗi cách. Chúa nhật nào cha tôi cũng đi lễ nhưng chúng tôi không nói với nhau nhiều về chuyện này. Đối với tôi, đức tin không phải là chuyện vì cha mẹ bắt, nhưng đó là một cái gì rất riêng tư. Nó thuộc về tôi. Nó được xây dựng dần dần qua các sách vở tôi đọc, từ các triết gia Aristote, Descartes đến Phúc Âm Thánh Luca. Tôi muốn tìm hiểu Phúc Âm này. Vì thế tôi phải đọc kỹ, nó đòi hỏi tôi phải cố gắng, nhưng đó là cách duy nhất để nắm được ý nghĩa của Phúc Âm.
Tôi cũng nhận ra, tôn giáo giúp tôi có một độ lùi về các sự việc trong một thế giới mà con người thường xuyên phải sống trong tức thời. Có một ngày, một người bạn nói một câu làm tôi chấn động: “Trong mỗi người, có một phần của Nước Chúa trong đó”. Đứng trước cái chết của chị tôi, đích xác là tôi không thể sống tức thời, trong những chuyện mình sống từng giây – vì người sống từng giây là chị tôi, chị sắp chết. Phải nhìn cái gì xa hơn và tư tưởng nhỏ này đã giúp tôi rất nhiều.
Cô không phẫn nộ chống Chúa? Làm sao cô hòa giải được cuộc hiện sinh với cái chết của chị cô?
Tôi không có cảm tưởng Chúa dính gì trong việc chị tôi chết. Mình phải biết mình đang nói chuyện với một Chúa nào. Với tôi, Chúa là khả thể. Chúa là Đấng giúp mình vượt lên. Tôi không hình dung một Thiên Chúa lại đi phạt. Nếu có Chúa, Chúa vượt lên hình phạt.
Thiên Chúa là Đấng giúp chúng ta vượt lên.
Ông biết đó, luật chơi thì rõ ràng: chúng ta sống và như thế thì chúng ta phải chết. Thảm kịch lớn không phải ở đó, nó ở trong ảo ảnh mà mình tự khắc cho mình, để mình tin chắc, mình không chết ở tuổi 24. Chị tôi bị bệnh từ khi chị 14 tuổi. Tôi nói việc này với người lớn và tôi thấy họ bối rối hơn tôi. Họ sợ không dám nói đến chuyện này. Một đứa trẻ, nó nhìn thẳng mọi sự trước mặt. Nó có thể khổ nhưng nó không che cái sợ này bằng cách tránh trong các khái niệm sai. Thế giới này cho rằng tốt hơn nên chết ở nhà già. Như thế là sai!
Bệnh tật là dự phần vào sự sống. Chị tôi đau, tôi không đặt câu hỏi đó là lỗi của ai. Chỉ là mình phải cố gắng sống cho đến giây phút cuối cùng.
Cô có cầu nguyện được không?
Được, nhưng một cách khá đặc biệt. Tôi cầu nguyện khi có chuyện gì khó khăn. Chúa là Đấng giúp chúng ta vượt lên. Từa tựa như trong phim Star Wars, mình có một nội thần lực (cười). Đó là cái nhìn lạc quan. Có những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong cuộc sống nhưng một “tình trạng tốt nhất” (Optimum) là điều có thể có được. Để được như vậy, tôi cần được giúp đỡ, vì thế tôi cầu nguyện.
Cô có cầu nguyện để được là Hoa hậu Thụy Sĩ không?
Không.
Cô tự giác với đức tin công giáo của mình. Cô nhìn Giáo hội bây giờ như thế nào?
Tôi nghĩ nếu Giáo hội không nói một cách cụ thể những gì xảy ra trong thế giới ngày nay thì Giáo hội không còn tính hữu ích của mình. Trong nghĩa này, Đức Phanxicô là một may mắn cho Giáo hội. Tôi đã đọc Thông điệp “Chúc tụng Chúa” và tôi thấy khái niệm môi sinh toàn diện là cực kỳ hấp dẫn. Đức Phanxicô vượt quá cương vị mà bình thường người ta chỉ định cho một giáo hoàng. Đó là một người có suy nghĩ tự do, không tìm cách làm vừa lòng mọi người. Ngài nhìn những gì đang xảy ra trên thế giới và ngài cố gắng làm một cái gì.
Có một dễ dãi chắc chắn khi tự cho là bất khả tri.
Đôi khi người ta nghĩ một Giáo hội bất biến và thụ động. Đức Phanxicô năng động, ngài làm nhúc nhích mọi sự. Nhờ ngài mà Giáo hội suy nghĩ lại về cương vị của gia đình theo tình trạng ngày nay, chứ không phải như một vài người muốn nó phải là. Khi người ta nghe nói về gia đình tái tạo, về kết hợp đồng tính ở Thượng Hội Đồng thì người ta nghĩ rằng, mọi sự đang nhúc nhích.
Còn về vấn đề hôn nhân, tôi đọc và biết khái niệm của Giáo hội đã tiến triển theo dòng lịch sử. Tôi nghĩ đã có một thời mà hôn nhân đến sau khi sinh con. Và người ta đã chính thức hóa theo đó. Lịch sử dạy cho chúng ta nhiều chuyện.
Bởi vì cô vừa nói đến lịch sử, bây giờ chúng ta trở lại với lịch sử. Từ khởi đầu Kitô giáo, thẩm mỹ đóng một vai trò nền tảng trong Giáo hội. Cô có thấy một liên kết giữa cái đẹp và Chúa không?
Rõ ràng là có. Cái đẹp và sự hài hòa giữa các hình thể, nó luôn lôi cuốn và làm dịu mắt. Cũng như tôi đặt câu hỏi về hạnh phúc, tôi cũng tìm để hiểu cái đẹp là gì. Để nắm được ý nghĩa, phải vượt lên sự tạo hình. Theo tôi, nét đẹp là con đường tiến đến sự hài hòa, tiến đến “tình trạng tốt nhất” (Optimum) như tôi vừa nói ở trên. Nó phải hướng về đó.
Như thế một cô Hoa hậu Thụy Sĩ là như thế nào?
Đó là một cái gì toàn diện, vượt lên sự tạo hình. Thân thể của tôi là một trụ đỡ. Tôi cố gắng là một chút gì như bức phúng dụ để đưa mọi người đi xa hơn.
Về cái gì?
(Im lặng) Tôi muốn chuyển tải sự tự do suy nghĩ. Phải suy nghĩ. Rất nhiều người dính chặt hoặc chống đối cái gì đó chỉ vì nguyên tắc, họ không thể nào giải thích rõ lý do. Trong lãnh vực mà tôi quan tâm, có một sự dễ dãi chắc chắn để tự cho mình theo thuyết bất khả tri. Đó là vòng ảnh hưởng hiện đại ngăn không cho chúng ta biện minh: lúc mà người ta không tin ở Chúa, người ta không cần giải thích.
Như thế đức tin kitô là một loại “lật đổ”?
Gần như vậy. Và nó còn làm tôi thích mười lần hơn: tôi có tinh thần phản biện. Cùng một lúc, tôi cởi mở với việc có một ngày nhận thấy Chúa không tồn tại. Cởi mở đến đó. Tôi không có một sự thật độc quyền, có thể một người vô thần họ có lý của họ. Phận sự của tôi là không được ngừng suy nghĩ.
Lauriane Sallin
Tân Hoa hậu Thụy Sĩ 22 tuổi, người vùng Belfaux, ở hạt Fribourg. Cô học lịch sử nghệ thuật và tiếng Pháp ở Đại học Fribourg. Ngày 7 tháng 11-2015, cô được bầu là người đẹp nhất nước Thụy Sĩ. Một chức vị mà cô tặng ngay cho chị cả Gaelle của cô vừa chết vì ung thư óc mùa xuân vừa qua. Trong cương vị Hoa hậu Thụy Sĩ, cô là người trung gian cho tổ chức Corelina, một hiệp hội giúp các em bé bị bệnh tim.
Marta An Nguyễn chuyển dịch