Một giáo hoàng sẵn sàng từ nhiệm
David Willey là niên trưởng của các đặc phái viên nước ngoài ở Vatican. Từ năm 1971, ông đã đi theo năm giáo hoàng khắp nơi trên thế giới. Ông nghĩ gì về Đức Phanxicô?
Đức Phanxicô là một nhân vật kỳ lạ. Từ nét u buồn, e ngại khi còn làm Tổng Giám mục ở Buenos Aires, ngài trở thành một giáo hoàng tươi cười, thiện cảm, thân tình! Sự mến chuộng ngài vượt biên giới Giáo hội công giáo. Đối với các tín hữu và ngay cả với người vô thần, ngài thực hiện hy vọng, hứa hẹn một Giáo hội ít “tòa án” hơn, cởi mở đón nhận hơn.
Nhưng hứa hẹn này của Đức Phanxicô có thực tế không? Đối với David Willey, phóng viên của BBC ở Vatican từ năm 1971 thì giáo triều trẻ của Đức Phanxicô tựa như một trận chiến, nơi chạm trán của hiện đại và truyền thống, của tái sinh và xuống dốc, của tương lai và hồi kết của một thể chế xưa cũ hai ngàn năm.
|
David Willey là chứng nhân ưu tuyển của thời điểm nguy kịch này, thời điểm quyết định cho tương lai của Giáo hội Công giáo. Tác phẩm của ông:
Hứa hẹn của Đức Phanxicô: Con Người, Giáo Hoàng, và Thách Thức của Thay Đổi
(‘The Promise of Francis: The Man, the Pope, and the Challenge of Change’ (Simon & Schuster) không phải chỉ là quyển tiểu sử từ khi Jorge Mario Bergoglio trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Với các giai thoại, các chi tiết phát giác, đây là cả một phối cảnh các thách đố của triều Giáo hoàng Phanxicô mà tác giả trình bày cho chúng ta xem. Ông còn báo trước Đức Phanxicô sẽ có thể từ nhiệm và trở về sống ở Argentina.
Ông có nghĩ các Hồng y biết rõ chọn lựa của mình khi họ bầu cho Đức Bergoglio tháng 3-2013 không?
Tôi nghĩ đó là một chọn lựa có cân nhắc. Lúc đó Giáo hội đang ở trong một tình trạng hỗn độn; vụ các linh mục ấu dâm, vụ ngân hàng Vatican, vụ khủng hoảng ơn gọi. Đó là lúc rối loạn lớn. Vậy thì, theo một nghĩa nào đó, các Hồng y có thể đã có một ý nghĩ nào đó trong đầu về nhân vật họ chọn. Nhưng chắc chắn họ không lường được tầm rộng lớn của cơn bão sắp giáng xuống Giáo hội!
Các Hồng y nói với tôi họ hàng loạt bầu cho ngài. Một trong các Hồng y còn nói “toàn bộ”… Tất cả đều nói họ chọn quyết định thay đổi. Nhưng họ có hiểu họ đã bầu một người nước ngoài vào Vatican không?
Ngay từ đầu, khi từ chối không ở dinh Tông Tòa, Đức Phanxicô đã cho biết mình là người ‘ở ngoài’. Ngài thích đặt trụ sở trung ương và phòng ở của mình dưới bóng Đền thờ Thánh Phêrô, nơi nhà trọ Thánh Mácta, nơi quá vãng của những người có công việc cần về Vatican. Đó là một biểu tượng quan trọng, sự tách về thể lý mà ngài đặt ra giữa mình, các cố vấn và giáo triều, guồng máy của Giáo hội.
Các căng thẳng mà chúng ta thấy trong kỳ họp Thượng Hội Đồng Gia đình vào tháng 10 vừa qua cho thấy rõ, đến mức như thế nào ngài đã không ở cùng tần sóng với một vài vị lãnh đạo khác của Giáo hội.
Có những người công giáo thấy Đức Phanxicô đi quá xa, ngài đang giải thiêng hoặc đang tầm thường hóa cương vị giáo hoàng. Đức Phanxicô sẽ trả lời cho họ, ngài không giải thiêng cương vị giáo hoàng gì hết. Đó là người mộ đạo, một người cầu nguyện rất nhiều, mỗi ngày đều giảng các bài giảng về các vấn đề tôn giáo. Và đó cũng là một con người dính với đời sống thực tế hàng ngày. Ở Argentina, ngài có cuộc sống đơn sơ, ngài dùng phương tiện công cộng để di chuyển và rất gần với người dân.
Ngài có tư tưởng độc đáo! Đó là một linh mục Dòng Tên! Ngài thích suy tư sâu đậm hơn là quyết định vội vã. Nhất là ngài đặt lên hàng đầu sự tiếp cận nhân bản, không phê phán những người vi phạm luật đã hiện hành, trái với các vị tiền nhiệm của mình. Vì Đức Phanxicô là một giáo hoàng của hòa giải, ngài muốn giữ mọi người trong Giáo hội, không muốn loại trừ họ.
Sau khi ngài được bầu chọn, tôi đã đi đến các thành phố ổ chuột ở Buenos Aires để xem báo chí Vatican có dựng lên một nhân vật giả tưởng Bergoglio giáo hoàng của người nghèo không. Rất nhiều người nói với tôi với một tấm lòng chân thành và thật kỳ lạ. Khi đó tôi hiểu Phanxicô không giống một chút gì với các vị tiền nhiệm của ngài.
Phanxicô diễn tả không giống một chút gì với các vị đi trước ngài, ngài diễn tả đầy sắc thái và sống động. Với những ý tưởng đơn giản ai cũng hiểu và với những ý tưởng này, ngài có thể nện búa. Ngài không ngần ngại chỉ trích gay gắt các lãnh đạo Giáo hội trước mặt mọi người: ngài nói họ là những người đạo đức giả, người thích nói hành nói tỏi. Ngài dùng một ngôn ngữ mà chúng ta chưa bao giờ nghe ở Vatican, nơi thường quen với loại ngôn ngữ hoa mỹ, che giấu ý của mình trong những câu dài dòng văn tự. Ngài làm cho người ta ngồi thấp thỏm trên ghế. Thật phấn khởi khi thấy ngài làm như vậy ở Vatican!
Điều này giải thích vì sao một vài người trong Giáo hội muốn hạ uy tín ngài! Cách đây vài tuần, có các bản kiến nghị không được đẹp với ngài được lưu hành. Một trong các bản kiến nghị này còn dám xin ngài đừng mở cửa cho những người ly dị tái hôn. Hơn 800.000 người đã ký, trong số này có cả các Hồng y và Giám mục.
Thế giới đang ở thời buổi của các trang mạng xã hội, nơi mọi người phát biểu dễ dàng. Bản kiến nghị được các người công giáo theo truyền thống xưa ủng hộ, họ sợ Đức Phanxicô thay đổi giáo huấn của Giáo hội. Nhưng cũng có hàng triệu người công giáo ly dị tái hôn mong Đức Phanxicô tìm một cách nào đó để cho họ lại một chỗ trong Giáo hội.
Đức Phanxicô chưa có một quyết định nào. Nhưng tôi nghĩ mọi người sẽ ngạc nhiên vì Giáo hoàng này đang chuẩn bị. Ngài muốn chứng tỏ tinh thần tiếp nhận đối với những người đã ly dị. Ngài muốn họ có thể chọn sống tiếp tục với người phối ngẫu mới nếu họ muốn, và dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng không cảm nhận mình bị loại ra bên ngoài. Đó là một thay đổi tận căn trong thái độ của Giáo hội. Ngài biết, nếu Giáo hội không thay đổi thái độ - ở đây tôi không nói đến sự thay đổi giáo huấn của Giáo hội, nhưng là thay đổi thái độ -, thì Giáo hội sẽ đi đến hồi kết thúc.
Ngài sắp 80 tuổi, thời gian không còn nhiều.
Với tất cả những gì các hồng y biết bây giờ, họ có sẽ bầu cho người gieo hoang mang như Phanxicô này không?
Tôi nghĩ họ sẽ bầu một cách khác. Phải canh kỹ mật nghị kỳ tới. Đó sẽ là mật nghị của tất cả các mật nghị! Chọn lựa người kế vị Đức Phanxicô sẽ là thông điệp quyết định cho tương lai của Giáo hội. Nếu các Hồng y chọn con đường đi lui thì sự suy tàn của Giáo hội sẽ đi tiếp theo. Nhưng nếu họ chọn một người theo đường hướng của Đức Phanxicô thì họ sẽ chứng kiến những thay đổi tận căn cần thiết cho sự sống còn của Giáo hội Công giáo.
Các tu sĩ Dòng Tên và nhận định
Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên làm giáo hoàng. Trên nguyên tắc, các tu sĩ Dòng Tên không đi tìm chức quyền. Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, sau khi đã thảo luận với các bề trên cộng đoàn, họ có thể làm giám mục hay tổng giám mục.
Người ta nói các tu sĩ Dòng Tên là thành phần ưu tú của Giáo hội công giáo. Đó là những nhà trí thức uyên bác, họ sáng lập các cơ sở giảng dạy danh tiếng. Họ thực hành việc nhận định, suy nghĩ sâu xa thay vì có quyết định theo xung năng. Họ thường viện dẫn đến các bài tập linh thao của Thánh I-Nhã, người sáng lập Dòng Tên. Thánh I-Nhã dùng bài tập linh thao để nói đến nghệ thuật chọn cách làm phù với Phúc Âm.
Các công trình của Đức Phanxicô
Mùa xuân-hè năm 2013
Ủy ban điều tra tài chánh Vatican, (đã tìm được các vụ bê bối ở đây)
Nhóm bảy hồng y giúp làm dự án cải cách giáo triều La Mã.
Ủy ban cải cách Ngân hàng Vatican
Mùa thu 2013
Thăm dò toàn cầu để hiểu các tín hữu nghĩ gì về gia đình hôm nay.
Tháng 10 năm 2014 và năm 2015
Hai Thượng Hội Đồng về gia đình trong vòng một năm, qua đó cho thấy các bất đồng sâu đậm trong giới ưu tuyển công giáo.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 16.12.2015/
lactualite.com, Alain Crevier, 2015-12-14)