Bài học khiêm nhượng của Đức Phanxicô cho các lãnh đạo hào nhoáng của châu Phi

Đức Phanxicô đã không dùng chiếc xe chống đạn như của tổng thống Uhuru Kenyatta và đoàn tùy tùng của ông. Ngài cũng không làm theo kiểu tổng thống Barack Obama, với một đội quân bảo vệ tháp tùng, kèm theo chiếc limousin chống đạn mang biệt danh ‘Quái thú’. Thay vào đó, ngài vẫy chào đám đông từ chiếc xe chuyên dùng mở cho dù trời đang mưa lất phất...

Bài học khiêm nhượng của Đức Phanxicô cho các lãnh đạo hào nhoáng của châu Phi

Trong hành động và lời nói trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên đến lục địa nghèo nhất này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gởi đến các lãnh đạo của Phi châu một thông điệp rằng họ có thể bớt phô trương và biết khiêm nhượng hơn một chút. 

Ở một vùng, nơi mà các tổng thống ngồi trong đoàn xe sang chạy vút qua những khu ổ chuột, còn dân chúng thì than van về nạn tham nhũng, thì nhiều người phấn khởi khi thấy Đức Giáo hoàng đi trong một chiếc Honda nhỏ, và lên tiếng nhắn nhủ các lãnh đạo quốc hãy có sự liêm chính. 

Các tài khoản Twitter nổi bật ở Kenya cũng sớm nhận ra sự tương phản này. @Kunj_Shah viết rằng ‘Các chính trị gia kẻ cắp đến trong những chiếc SUV và Mercedes để lắng tai nghe Đức Giáo hoàng, người đi chiếc Honda. Thật là các ‘lãnh đạo’ không biết xấu hổ.’ 

Đức Phanxicô, người từng bỏ đi nhiều thứ sang trọng thâm căn của Vatican, đã không dùng chiếc xe chống đạn như của tổng thống Uhuru Kenyatta và đoàn tùy tùng của ông. 

Ngài cũng không làm theo kiểu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đến Nairobi hồi tháng 7, với một đội quân bảo vệ tháp tùng, kèm theo chiếc limousin chống đạn mang biệt danh ‘Quái thú.’ 

Thay vào đó, ngài vẫy chào đám đông từ chiếc xe chuyên dùng mở cho dù trời đang mưa lất phất, và rồi đi quanh Nairobi trong chiếc Honda với giá thị trường Kenya là 14.700 mỹ kim. 

Lucy Musyoka, đội mưa đến dự thánh lễ ngoài trời do Đức Phanxicô chủ tế tại sân Đại học Nairobi nói rằng, ‘Giáo hoàng sống thực tế. Đáng để các lãnh đạo của chúng tôi phải lưu ý. 

Họ thích tiền tài thế gian, nhưng họ không thể hiểu được người dân trong nước. Đó là phù phiếm.’ 

Giáo hoàng sống trong căn hộ nhỏ tại nhà trọ ở Vatican, thay vì sống trong căn hộ lộng lẫy của giáo hoàng trong Dinh thự Tông Đồ tráng lệ như các bậc tiền nhiệm. 

Ngay sau ngày được bầu, ngài đã về nhà trọ, tự tay trả tiền phòng, và mới đây cũng đích thân đến tiệm kính ở Roma để sửa kính. Hồi tháng 9, ngài đi quanh Washington trong chiếc Fiat nhỏ. 

Chuyến công du Phi châu lần này, Đức Giáo hoàng sẽ dừng chân ở Uganda và Trung Phi, một quốc gia đang xung đột. Ngài bỏ qua các quan ngại an ninh mà đùa rằng, ‘chỉ có một điều tôi lo, là chuyện muỗi mòng mà thôi.’ 

PopeFrancis-Kenya-38.jpg
Chiếc Honda biển số SCV1 của Đức Giáo hoàng lại lọt thỏm giữa các xe hào nhoáng khác

 

Công ích 

 

Chỉ hai giờ sau khi đến Nairobi, Đức Phanxicô đã nói với ngài tổng thống và các quan chứ rằng họ có trách nhiệm chăm lo cho người nghèo và nâng đỡ tinh thần của giới trẻ. 

 

‘Tôi khuyến khích các ngài làm việc với sự liêm chính và minh bạch vì công ích, và vun đắp tinh thần tương thân tương ái ở mọi tầng lớp xã hội.’

 

Một ngày trước đó, tổng thống Kenyatta đã sắp xếp lại nội các sau khi vài bộ trưởng bị cáo buộc tham nhũng trầm trọng. Trong bài diễn văn chào đón, tổng thống Kenyatta, một người Công giáo như 30% trong tổng 45 triệu dân số Kenya, cũng có nói về vấn đề nạn hối lộ.

 

‘Quốc gia chúng tôi muốn đấu tranh với nạn tham nhũng đang thí người dân và môi trường để mưu cầu lợi nhuận bất hợp pháp. Thưa Đức Thánh Cha, tôi xin ngài cầu nguyện cho cuộc chiến này của chúng tôi.’

Các vụ tai tiếng đã dấy lên vài tháng trước, khi một bộ mua viết bi với giá 85 dollar mỗi cây, đồng thời bòn rút hàng tỷ đô từ các hợp đồng của chính phủ.

 

Chuyện này đã khiến người dân Kenya phẫn nộ, cho dù họ cũng đã quen với các lề thói tham nhũng, khi các quan chức cấp cao dường như không bao giờ bị kết tội.

 

Thời còn là bộ trưởng tài chính, ông Kenyatta đã cố kiểm soát sự phô trương của các quan chức, yêu cầu họ dùng các xe nhỏ hơn, nhưng ý kiến của ông không có mấy tác động.

 

John Githongo, một nhà hoạt động chống tham nhũng cho biết, ‘Sự khiêm nhượng vô cùng của Đức Giáo hoàng, sự đơn sơ trong các thông điệp của ngài, tôi e là sẽ lạc lõng trong giới cầm quyền tham tàn của châu Phi.’

 

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 27.11.2015/
Reuters – Edmund Blair – 26/11/2015)