Phi Châu, chuyến đi đầy bất trắc của Đức Phanxicô

“Ngài mang lại nhân phẩm cho người nghèo của chúng tôi, thường thường chúng tôi bị khinh. Nhưng đây là một người đến nói với chúng tôi: “Anh chị em cũng vậy, anh chị em rất quan trọng”, Ông Peter Magu.

Phi Châu, chuyến đi đầy bất trắc của Đức Phanxicô

Kenya rất mong chờ Đức Phanxicô

Ngày thứ tư 25 tháng 11, Đức Phanxicô đi Kenya, chặng đầu tiên của chuyến đi Phi Châu. Kenya là nước có 14 triệu người công giáo, trong số này, có nhiều người ở thành phố nghèo Kangemi. Ngày thứ sáu Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ ở Kangemi, Nairobi, giáo dân ở đây cảm thấy mình được ưu tiên có được thánh lễ này. Vinh dự được “giáo hoàng của người nghèo” đến thăm, họ rất phấn khởi được đón tiếp Đức Giáo hoàng. Chuyến viếng thăm thành phố  Kangemi sẽ là một trong những trọng điểm của chuyến đi này.

Peter Magu, một giáo dân trong ban tổ chức ở đây cho biết, “Đối với tôi cũng như đối với các giáo dân ở đây, Đức Phanxicô là hiện thân của một người rất khác biệt, một người khiêm tốn, thực tế, một giáo hoàng của giáo dân. Ngài đến đây, bên cạnh những người kém may mắn, người bệnh, người tị nạn, người lớn tuổi, đối với chúng tôi, đó là điều rất an ủi.”

“Đức Phanxicô làm cho chúng tôi cảm thấy mình xứng đáng”

Mọi nơi trong thành phố Kangemi đều chỉ có một giọng, Đức Giáo hoàng là người rất khác người. Ông Peter Magu giải thích: “Ngài mang lại nhân phẩm cho người nghèo của chúng tôi, thường thường chúng tôi bị khinh. Nhưng đây là một người đến nói với chúng tôi: “Anh chị em cũng vậy, anh chị em rất quan trọng”. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Nó làm cho chúng tôi cảm thấy mình xứng đáng là người, làm cho chúng tôi cảm thấy mình bình đẳng với người khác dưới mắt Chúa.”

Một điểm quan trọng khác với thành phố Kangemi: Thánh lễ ngày thứ sáu được cử hành ở nhà thờ Thánh Giuse Lao Động trên đồi của Thành phố. Các linh mục Dòng Tên hoạt động rất tích cực ở giáo xứ này – giáo hoàng cũng là tu sĩ Dòng Tên -, các tu sĩ Dòng Tên làm việc với người nghèo, các em bé mồ côi, với những người bệnh sida. “Cả nước Kenya phấn khởi, đặc biệt là ở Kangemi, vì họ không thể nào nghĩ là Đức Giáo hoàng sẽ đến một nơi như nơi này,” linh mục Joseph Oduor Afulo cho biết, linh mục sẽ cùng đồng tế với Đức Phanxicô. Cha nói thêm: “Lời nhắn cho tín hữu là họ rất quan trọng với ngài. Họ quan trọng đối với Đức Phanxicô và đối với Giáo hội”.

Các tín hữu cho biết, họ rất hạnh phúc được Đức Giáo hoàng đến thăm, sự kiện Đức Giáo hoàng đến đây đã giúp họ cải thiện đời sống hàng ngày. Nhiều đường bằng đất nện ở thành phố ổ chuột bây giờ được rải đá, đèn đường được sửa chữa, ống cống được thông. Thành phố toàn nhà bằng gỗ lợp mái tôn. Bà Mary Wangeci giải thích với hãng thông tấn AFP, “Tôi vui vì Đức Giáo hoàng đến Kenya và ngừng ở Kangemi, vì từ lâu Kangemi đã có rất nhiều vấn đề. Đường xá đã được sửa chữa, đèn đã được thắp sáng, tôi rất hài lòng. Khi đến thăm, ngài sẽ nói về hòa bình ở đất nước tôi và ngài cầu nguyện cho người dân Kenya vì chúng tôi có rất nhiều vấn đề”.

Sẽ có 1200 người dự thánh lễ ngày thứ sáu, trong đó có 300 người dân ở Kangemi. Những người khác đến từ các thành phố ổ chuột khác của Nairobi như Kibera, Mathare, Kariobangi, Kawangware, Mukuru và Kibagare.

Chuyến đi đầy bất trắc

Chuyến đi chỉ sau vụ tấn công ở Paris mười ngày, sau vụ bắt giữ con tin ở Bamako và khi nạn khủng bố đang hoành hành ở Bắc Phi.

Đi xe giáo hoàng ở đường phố Nairobi, Kampala hay  Bangui, từ thành phố ổ chuột đến nguyện đường hồi giáo, Đức Phanxicô thực hiện một chuyến đi đầy bất trắc nhất trong triều giáo hoàng của mình. Đây chính là sứ điệp hòa bình, công chính xã hội và đối thoại giữa hồi giáo và kitô giáo mà Đức Jorge Bergoglio, 78 tuổi muốn mang đến cho Phi Châu trong năm ngày ngài đến thăm đất nước này, từ 25 đến 30 tháng 11.

Mở Cửa Thánh ở Bangui

Ngày 29 tháng 11, Cửa Thánh sẽ được mở ở Nhà thờ Chính tòa Bangui, mười ngày trước khi mở chính thức ở Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Linh mục Giulio Albanese, chuyên gia của Vatican về Phi Châu nói với hãng thông tấn AFP: “Đây là lần đầu tiên mở Cửa Thánh ở vùng ngoại vi. Đó là một tổng hợp hay nhất của triều giáo hoàng này, luôn luôn ở bên cạnh người nghèo”.

Dù Vatican xác nhận là chương trình đến Bangui sẽ được duy trì, nhưng các xung đột giữa người hồi giáo và kitô giáo vẫn tiếp tục, nên vì an ninh của Đức Giáo hoàng, các chương trình này có thể thay đổi vào giờ chót.

Trong chuyến đi Trung Phi, Đức Giáo hoàng sẽ ở phi trường Bangui vài giờ, an ninh tại đây được lực lượng Sangaris của Pháp đảm bảo. Các nơi khác như đại giáo đường hồi giáo, một trung tâm của người lưu vong, sân vận động Boganda và Nhà thờ Chính tòa sẽ bị hủy. “Đối với Đức Giáo hoàng, việc hủy một chương trình đã định được xem như một thất bại. Khi đi Phi Châu là ngài nghĩ trước hết đến Trung Phi”, một cộng sự thân cận của ngài cho biết. Đối với hàng trăm ngàn người Trung Phi, nhưng cũng đối với người Congo, người Cameroun, họ rất mong chờ Đức Giáo hoàng đến nên họ rất thất vọng khi chuyến đi bị hủy bỏ.

Băng hoại và tham nhũng

Đến Phi Châu, Đức Phanxicô phải đưa ra một sứ điệp mạnh để chống nạn bất bình đẳng xã hội và nạn tham nhũng đang làm băng hoại xã hội từ tầng lớp chính trị cho đến trong Giáo hội. Ngài đến thành phố nghèo Kangemi ở Nairobi, nơi ngài sẽ gặp các phong trào bình dân dấn thân làm việc để chống nạn nghèo khổ, ngài cũng sẽ đến thăm một trung tâm từ thiện ở Nalukolongo, Uganda. “Vấn đề cách biệt giai cấp xã hội rất hiển nhiên ở hai nước này. Ở Kenya, 1% thiểu số dân lại chiếm 75 % tài sản của toàn dân”, linh mục Albanese cho biết.

Ở Nairobi, ngài sẽ đọc diễn văn ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nairobi, chỉ một vài ngày trước khi Paris khai mạc Hội nghị Quốc tế COP21 về khí hậu. Đức Giáo hoàng là người tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Ở Uganda, ngài sẽ vinh danh tất cả các vị tử đạo kitô giáo, nạn nhân của đủ mọi hình thức khai thác ở Phi Châu về mọi mặt:  tôn giáo, văn hóa, chính trị, tình dục. Ở Đền Thánh Namugongo, ngài sẽ dâng thánh lễ tưởng niệm các vị thánh đầu tiên của Phi Châu, 22 người tử đạo trẻ trong đó có Charles Lwanga là người bị thiêu sống vào cuối thế kỷ 19 theo lệnh của vua Mwanga vì họ từ chối làm nô lệ tình dục. Họ đã được Đức Phaolô VI phong thánh.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 24.11.2015)