Trước thềm chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô

"Đức Thánh Cha sẽ tiếp cận với “những người vẫn còn rất sợ, những người đã từng bị khủng bố, những người ngày qua ngày đã và đang phải chịu rất nhiều phiền hà bởi cơ man những trạm kiểm soát an ninh và tất cả những tệ đoan xuất phát từ đó”, Cha Stephen.

Trước thềm chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã trở thành vị Giáo Hoàng hiện đại đầu tiên đến Phi Châu vào năm 1969 và tuyên bố châu lục này một “quê hương mới” cho Chúa Giêsu Kitô.

Trong triều đại giáo hoàng kéo dài một phần tư thế kỷ của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã đến 42 quốc gia châu Phi và được người dân châu lục này tặng cho biệt danh “Giáo Hoàng Phi Châu.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng từng thăm viếng châu Phi và gọi lục địa này là hy vọng của Giáo Hội.

Trong những ngày sắp tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối truyền thống những người tiền nhiệm của ngài khi tông du một khu vực có số lượng ngày càng tăng những người Công Giáo, một khu vực được nhiều người đánh giá là một bức tường thành cho một Giáo Hội đang tìm cách mở rộng sự lôi cuốn của mình trong khi quyết liệt chống trả lại những thách thức từ chủ nghĩa thế tục, đến chủ nghĩa bài Công Giáo và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13/11, và cuộc tấn công sau đó tại Mali một tuần sau đó chắc chắn sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến đi kéo dài từ thứ Tư 25 tháng 11 cho đến 30 tháng 11 của Đức Thánh Cha tại Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Nhưng, đó cũng đồng thời là nguồn gốc gợi lên những âu lo cho an ninh của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đầy nguy hiểm này.

Mỗi một nước trong ba nước này đều có những câu chuyện riêng của họ về những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Ở Kenya, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đưa ra một lời khích lệ cho các Kitô hữu vẫn còn quay cuồng sau một cuộc tấn công hồi tháng Tư vừa qua của nhóm Hồi giáo al-Shabab, là những kẻ đã giết chết gần 150 người tại một trường đại học của Kenya nơi phần lớn sinh viên là Kitô hữu.

Cha Stephen Okello, một linh mục Công Giáo Kenya, nhận xét rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp cận với “những người vẫn còn rất sợ, những người đã từng bị khủng bố, những người ngày qua ngày đã và đang phải chịu rất nhiều phiền hà bởi cơ man những trạm kiểm soát an ninh và tất cả những tệ đoan xuất phát từ đó”. Cha Stephen cũng không quên nhắc lại những vụ bạo động sắc tộc trong cuộc bầu cử hồi năm 2007 gây ra cái chết của hơn 1,000 người tại Kenya.

“Người Kenya thực sự cần hòa giải,” cha Stephen, trong ban tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nói thêm. Trước tình trạng bạo lực lan tràn trong các khu vực khác, cha bày tỏ hy vọng lạc quan rằng “điều này có thể là một thông điệp tốt cho toàn bộ châu Phi”.

Jo-Renee Formicola, một chuyên gia và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Seton Hall ở Hoa Kỳ nhận định rằng thách thức đối với Đức Giáo Hoàng, là người đã mô tả bạo lực bùng lên tại Paris và các nơi khác như một phần của “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảng” là làm sao kêu gọi người dân “vượt lên trên con người của mình” chống lại cám dỗ chiều theo những thái độ cứng rắn, ăn miếng trả miếng. 

“Làm thế nào để bạn hòa giải được giữa lòng thương xót và bạo lực tàn nhẫn của chiến tranh?” Formicola hỏi.

Bên cạnh những cuộc xung đột đẫm máu khắp đại lục này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được dự kiến sẽ động chạm đến những chủ đề thân thiết với trái tim mình, và được quan tâm rất lớn tại châu Phi, đó là chuyện nghèo đói và môi trường, cũng như nhu cầu đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo.

Bất chấp những thách thức, châu Phi là một nơi hứa hẹn cho Giáo Hội Công Giáo, trái ngược với châu Âu và châu Mỹ nơi Giáo Hội đang vất vả đương đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục và sự cạnh tranh quyết liệt của Tin Lành.

Tỷ lệ người Công Giáo châu Phi trong dân số Công Giáo thế giới đã tăng từ 7 phần trăm đến 16 phần trăm giữa năm 1980 và 2012, theo một báo cáo hồi đầu năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, một trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Georgetown ở Mỹ. Việc tăng dân số và kéo dài tuổi thọ sẽ làm tăng hơn gấp đôi số người Công Giáo tại Phi Châu với một con số lên đến 460,400,000 vào năm 2040.

Theo thống kê năm 2012, người Công Giáo chiếm 18.6 phần trăm dân số châu Phi. Đặc biệt, trong vùng cận sa mạc Sahara, bối cảnh của nhiều câu chuyện Hồi Giáo châu Phi, con số người Công Giáo đã lên đến 63%, theo một nghiên cứu của Pew Research Center.

Giáo Hội Công Giáo ở châu Phi cũng gặp phải những thách đố, bao gồm truyền thống tôn kính tổ tiên theo những cách thế không tương hợp với giáo lý Công Giáo, sự thịnh hành của chế độ đa thê vẫn đang được áp dụng ở một số vùng của châu Phi, và việc nhiều giáo phái Kitô khác cạnh tranh quyết liệt với Công Giáo qua những buổi cầu nguyện chữa lành. Có cả những trường hợp một số linh mục Công Giáo đã rời bỏ công việc mục vụ và thành lập các giáo đoàn trong đó hàng giáo sĩ không phải tuân giữ lời thề độc thân.

“Giáo Hội có nhiệm vụ củng cố niềm tin rằng gia đình một vợ một chồng là con đường phía trước,” Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigeria đã viết trong lời đề tựa cho cuốn sách “ Christ's New Homeland - Africa”, nghĩa là “Châu Phi – quê hương mới của Chúa Kitô”, một cuốn sách được xuất bản trong năm nay.

Đức Cha Barthelemy Adoukonou viết một chương trong cuốn sách này, trong đó ngài nói rằng Kitô giáo bị thách thức “không chỉ bởi một thứ Hồi giáo vũ trang cực đoan, mà còn bởi một nền văn minh phương Tây tục hóa, duy vật, duy khoái lạc, và duy hưởng thụ.”

(Đặng Tự Do, VCN 22.11.2015)