Những ấn tượng toàn cảnh về nạn bách hại bài Kitô giáo

Trong 4 tháng qua đồng nghiệp Inés San Martín và tôi đã thu thập các câu chuyện về những bậc tử đạo Kitô mới. Chúng tôi đã có chuyến đi đến El Salvador, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ và Nigeria, gặp hơn 200 nạn nhân chịu bạo lực bài Kitô giáo.

Những ấn tượng toàn cảnh về nạn bách hại bài Kitô giáo

Trong 4 tháng qua đồng nghiệp Inés San Martín và tôi đã thu thập các câu chuyện về những bậc tử đạo Kitô mới. Chúng tôi đã có chuyến đi đến El Salvador, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ và Nigeria, gặp hơn 200 nạn nhân chịu bạo lực bài Kitô giáo.

nhathobithieurui.jpg

Mỗi người chúng tôi gặp, theo cách riêng của mình, kể lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời phải chịu bách hại của họ.

Và tôi xin đưa ra 3 ấn tượng toàn cảnh về nạn bách hại bài Kitô giáo đang ngày càng tăng.

1 – Một điều đánh động là thường thì nạn bách hại tôn giáo gắn liền với các yếu tố khác, đặc biệt là nghèo đói, sắc tộc, và chính trị.

Ví dụ như, ở Ai Cập, chúng tôi gặp nhiều Kitô hữu thiệt mạng trong cuộc bạo loạn Hồi giáo hồi năm 2013, sau khi chính phủ của đảng Huynh đệ Hồi giáo theo trào lưu chính thống cực đoan bị phế truất và chính quyền mới áp đặt quân luật.

Xét ở mức độ nào đó, nạn bạo lực này rõ ràng mang tính chất tôn giáo, khi những kẻ tấn công thường hô những khẩu hiệu Hồi giáo và ép buộc các nạn nhân cải sang Hồi giáo. Nhưng, sự thật cũng là, nạn bạo lực nảy sinh do bởi chính trị, vì người Hồi giáo thấy thiểu số Kitô giáo ở Ai Cập ủng hộ hết sức cho quân đội chiếm chính quyền.

Ở Ấn Độ, dân số Kitô giáo phần đông thuộc giới Dalit [những người ngoài lề theo chế độ đẳng cấp xưa] và Tribal [những thường dân.] Cả hai nhóm này thường nghèo, thiếu học, và là đối tượng của các dạng xâm hại kinh khủng, nên trong những trường hợp người Ấn giáo tấn công các Kitô hữu, thật khó để biết động cơ là vì khinh ghét mang tính tôn giáo hay khinh ghét mang tính xã hội theo chế độ đẳng cấp.

Ở Nigeria, một trong những vùng nguy hiểm của nạn bạo lực Hồi giáo/Kitô giáo, là bang Plateau ở phía bắc, nơi phần lớn bộ lạc Berom theo Kitô giáo phải đối mặt với các cuộc tấn công của bộ lạc chiếm đa số là Fulani theo Hồi giáo. Trong trường hợp này, các yếu tố đi kèm vừa là sắc tộc lẫn kinh tế, bởi người Fulani chăn gia súc muốn các đồng cỏ vốn của người Berom, để cho gia súc của mình ăn.

Tất cả những điều này cho thấy rằng tôn giáo thường không phải là yếu tố duy nhất trong các vụ được xem là bách hại bài Kitô giáo, và do đó các chiến lược để cứu trợ các nạn nhân phải xem xét các động cơ khác khiến họ lâm vào tình cảnh này chứ không chỉ là về đức tin của họ mà thôi.

Ở mọi nơi chúng tôi đến thăm, đều có những trường hợp các Kitô hữu học thức cao và giàu có bị kỳ thị. Tuy nhiên, cũng ở những nơi đó, các Kitô hữu phải chịu những mối nguy hiểm lớn hơn nhiều nếu như họ nghèo, bị cô lập và thuộc một nhóm sắc tộc hay nhóm xã hội thiểu số.

Nghèo đói, thiếu học, và tình thế thiểu số không chỉ làm tăng sự bách hại, nhưng còn có nghĩa là khi các Kitô hữu bị tấn công, sự tàn bạo còn nặng nề hơn nhiều, bởi những kẻ thủ ác cảm thấy mình được miễn trừ trách nhiệm.

   130214_ramelah.jpg

2 – Các dạng bạo lực bài Kitô giáo ngày nay thể hiện nhu cầu cần xem lại khái niệm tử đạo, vốn lâu nay tập trung vào các động cơ của nạn nhân hơn là của những kẻ tấn công.

Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo xét là tử đạo, khi người đó thiệt mạng vì odium fidei, bị thù ghét đức tin. Một Kitô hữu chết trong một vụ cướp không phải là tử đạo, nhưng một Kitô hữu chết sau khi không chịu dâng lễ cho thần ngoại hay không chấp nhận uy quyền nhà vua cao hơn giáo hội, thì là tử đạo.

Tiêu chuẩn này bắt đầu mở rộng ra dưới triều giáo hoàng của thánh Gioan Phaolô II, người công nhận rằng trong thế giới hiện đại, mối đe dọa trên hết mà các Kitô hữu thường phải chịu không phải là vì thù ghét tôn giáo, nhưng là thù ghét vì các giá trị nhân văn và vì hành động đức ái mà đức tin đã hứng khởi.

Chúng ta thấy đi thấy lại các chuyện như thế này khi khảo sát bức tranh toàn cảnh bạo lực bài Kitô giáo đương thời.

Ví dụ như, ở Colombia, chúng tôi gặp những người kể lại chuyện về xơ Yolanda Cerón Delgado, 43 tuổi, đã bảo vệ nhân quyền và che chở cho các nạn nhân bị đàn áp ở thành phố Tumaco, xơ bị bắn chết hồi năm 2001.

Những kẻ giết xơ không quan tâm về niềm tin của xơ vào Thiên Chúa, không cần biết việc xơ cầu nguyện hay đi lễ. Mục tiêu của họ là sự tranh đấu biện hộ của xơ cho các cộng đồng thiểu số thổ dân ở Colombia, đặc biệt là việc xơ giúp họ đòi quyền đất đai, phản biện lại chính quyền, các nhóm quân sự cánh tả lẫn cánh hữu, và các nhóm du kích nữa.

Sự dũng cảm của xơ Cerón rõ ràng là bắt nguồn từ đức tin của xơ, làm cho xơ nên một bậc tử đạo như thánh Thomas Becket vậy. Nhưng, xơ sẽ không được xét phong thánh nếu chiếu theo lý luận truyền thống, vốn chú tâm phần lớn vào các động cơ của những người giết xơ, hơn là các chính nghĩa mà xơ đã sống và đã chết.

Ngày nay, có những vùng trên thế giới, mà việc thực hiện các hoạt động Kitô giáo bình thường, như cử hành phụng vụ, hay rửa tội, sẽ khiến cho nhiều người phải lâm vào cảnh nguy hiểm nghiêm trọng.

Ví dụ như, các thành viên của bộ lạc Berom, đã cho chúng tôi biết là họ buộc phải học cách nghe xem tiếng súng đang ở xa bao nhiêu, khi ở trong nhà thờ, để quyết định xem nên tiếp tục buổi phụng vụ hay vội vã kêu ‘Amen’ rồi chạy trốn. Họ vẫn đến nhà thờ, bởi dù các nhóm quân sự kiểu Boko Haram đã lấy đi gần như mọi thứ khác của họ, nhưng họ vẫn không chịu để bị mất đi đức tin.

Trong các trường hợp thế này, vấn đề nguyên do của mối nguy hiểm không thực sự thành vấn đề. Đứng lên dựa trên đức tin, là một hành động can đảm bắt nguồn từ xác tín tôn giáo, và chắc chắn đây là xác nhận thực sự cho sự tử đạo.

church.jpg

3 – Bách hại tôn giáo thường không phải là một biến cố, một cơn bão dữ dội, nhưng có vẻ giống như một tình trạng sống thì đúng hơn. Bách hại tôn giáo thường là một yếu tố triền miên trong đời sống những người trải qua điều này, và các hậu quả vẫn cứ dai dẳng rất lâu sau khi cơn bạo lực tức thời phai dần đi.

Có một điều là những người ở các vùng nguy hiểm về bách hại tôn giáo, phải sống với nỗi sợ dai dẳng rằng hôm nay có thể có chuyện xảy ra, và ngay cả khi họ đang an toàn, thì nỗi lo lắng này vẫn không dứt hẳn.

Ví dụ như, một ngày sau khi chúng tôi phỏng vấn một nhóm Kitô hữu của bộ tộc Berom, tại một khách sạn ở thành phố Jos, Nigeria, thì một cuộc tấn công của nhóm quân sự Hồi giáo đã nổ ra không xa tại ngôi làng Tanjol. Hai thanh niên Kitô hữu người Berom bị giết, là Amos Dachung và Dachung Bayarbe.

Một trong các thành viên của nhóm mà chúng tôi đã gặp, luật sư Dalyop Salomon, đã cho chúng tôi biết thông tin, và giải thích rằng tất cả mọi người mà ông biết đều có thể kể ra đủ những người bạn và người thân đã mất mạng. Bản thân Salomon, nói rằng từ năm 2001, ông đã mất 47 người bạn va 68 người bà con.

Cũng như thế, chúng tôi đã gặp một mục sư phái Phúc âm tên là Sainath Rawte, đứng đầu một giáo hội nhỏ tên là ‘Chúa Giêsu cho Mọi Quốc gia’ ở ngôi làng Kev, cách Mumbai một giờ chạy xe. Ông nói rằng ông đã bị đánh đập và tấn công không biết bao nhiêu lần do tay những người Ấn giáo cực đoan, và ông cho biết mọi người trong giáo hội của ông đã phải sống với một nhận thức rằng bất kỳ lúc nào chuyện tồi tệ như thế cũng có thể xảy ra với mình.

Khi tôi hỏi Rawte liệu ông có dự kiến là mình sẽ bị tấn công lần nữa hay không, ông nhìn vào tôi như thể tôi chẳng hiểu gì.

‘Tất nhiên là có. Ở một nơi như thế này, làm Kitô hữu nghĩa là thế đó.’

Hơn nữa, hậu quả về thể lý do bạo lực thường kéo dài rất lâu.

Ở Ai Cập, chúng tôi gặp một Kitô hữu Coptic tên là Nabil Soliman, đã mất công việc, mất nhà, tiền trợ cấp, và tất cả mọi tài sản vào năm 2013, khi những người Hồi giáo cực đoan nổi cơn bạo động ở ngôi làng của ông tại vùng Thượng Ai Cập. Bây giờ, ông sống với vợ và con cái, trong một căn hộ chật hẹp ở Cairo.

Soliman là một trong khoảng 10 triệu người Ai Cập bị nhiễm vi rút viêm gan C, và ông không đủ tiền để chi trả thuốc men cần thiết hòng duy trì mạng sống. Nói theo nghĩa đen, ông sống để chờ chết.

Khi cái kết này đến, thì cái chết của ông Soliman sẽ không xuất hiện trên mặt báo như một hành động bách hại tôn giáo. Nhưng cái chết của ông cũng là một hậu quả của bạo lực bài Kitô giáo, cũng giống với 21 người Cốp bị ISIS chặt đầu ở Libya hồi tháng 2, điều khác biệt duy nhất là trong trường hợp của Soliman,

Sự tử đạo diễn ra từ từ chứ không ngay lập tức.

Hết lần này đến lần khác, chúng tôi gặp những người thương tích bệnh tật do bạo lực mà họ đã phải chịu và hầu như không được chữa trị, cũng như những người đang sống trong các điều kiện kinh khủng trong các trại tạm bợ, những người tị nạn và mất nhà cửa, không có việc để làm và không biết tương lai sẽ ra sao.

Ngay cả khi có ai đó được xoa dịu tương đối, và không phải chịu bệnh tật gì, thì sự bách hại vẫn có thể là một thực tế dai dẳng.

Ví dụ như, Stefano, 30 tuổi, người Syria trở lại Kitô giáo, và cả nhà anh bị dọa giết vì dám bỏ Hồi giáo. Anh và vợ tìm đường trốn đến Li Băng, rồi cuối cùng đặt chân đến Ai Cập. Anh xin tị nạn với Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, và được chuyển hồ sơ đến Hoa Kỳ.

Thời gian chờ đợi thật ngục tù, vì hộ chiếu Syria của anh cũng sắp hết hạn. Anh sợ nhất là bị chuyển về lại quê nhà, một tình thế đẩy anh và vợ vào mối nguy mất mạng.

Xét nhiều mặt, Stefano là một người may mắn. Anh có học thức, và mơ một ngày nào đó dịch các tác phẩm thần học của Hans Urs von Balthasar qua tiếng Ả-rập. Anh tìm được một linh mục cảm thông, giới thiệu anh với một người Công giáo giàu có ở địa phương, người đang giúp anh được duyệt đơn xin tị nạn, và giúp đỡ cho cuộc sống hiện thời của anh.

Nhưng Stefano đang ngày càng khủng hoảng và cay đắng, lo lắng rằng những thiện chí này vẫn không đủ. Nỗi sợ hãi nhất của anh, không phải là những gì sẽ xảy đến cho anh, nhưng là cho vợ anh và đứa con mà anh đang mong sẽ có.

Có thể nói Stefano đang trải qua sự bách hại, dù anh không phải đối mặt với đe dọa hiện thời nào về mạng sống và sức khỏe. Nhưng với anh, sự đau đớn của bất định còn khắc nghiệt như, hoặc hơn, bất kỳ đau đớn thể xác nào.

Trường hợp của anh sẽ không xuất hiện trong danh sách 2015 về các nạn nhân của bách hại bài Kitô giáo, bởi không có ‘sự kiện’ nào để tường thuật.

Có thể nói, bách hại gần như không bao giờ là một chuyện đã rồi, và một lý do vì sao tôi thấy cần phải kể các câu chuyện này, là bởi vô số trường hợp như của Stefano không biết bao giờ mới dứt.

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 14.10.2015/

Crux – John L. Allen Jr.)