Sáu yếu tố làm cho chuyến đi của Đức Phanxicô được so sánh như buổi trình diễn của một ngôi sao nhạc rock
Ngày thứ ba, 22 tháng 9, lần đầu tiên Đức Phanxicô đến đất Mỹ. Ngài được đón tiếp một cách nhiệt thành, không phải cách đón tiếp một nhà lãnh đạo tôn giáo.
Đức Phanxicô ở Washington, 24-9-2015
Đức Phanxicô đã là hình ảnh của văn hóa đại chúng. Nhưng chuyến đi Mỹ của ngài mang đặc nét của chuyến đi trình diễn của một siêu sao nhạc rock. Sau khi đi các nước Nam Mỹ (Colombia, Paraguay, Ecuador) và Cuba, vị chủ chăn Giáo hội công giáo đến đất nước Chú Sam cho đến ngày chúa nhật 27 tháng 9. Lần đầu tiên ngài đến một đất nước mà đạo công giáo không chiếm đa số, nhưng sự đón tiếp dành cho ngài thì nhiệt thành ngoài mong đợi.
Đông người đón tiếp, reo hò rầm vang, sản phẩm lưu niệm… Báo Truyền hình Pháp nêu ra sáu yếu tố cho thấy chuyến đi Mỹ của Đức Phanxicô có lý do làm cho các người nổi tiếng nhất hành tinh này xanh mặt (Madonna ghen ra mặt). Phó tổng thống công giáo Mỹ, Joe Biden thì nói thẳng, “bây giờ Đức Giáo hoàng là người được mến chuộng nhất hành tinh”.
1. Máy bay vừa hạ cánh là đám đông vỗ tay reo hò
“Chào mừng Đức Phanxicô đến nước Mỹ!”. Ngày thứ ba, khi máy bay vừa đáp xuống Căn cứ Andrews, Maryland thì đám đông ở chân máy bay bắt đầu reo hò. Họ còn reo lúc máy bay vừa chạm đất.
2. Ngài tạo lên một thị trường hàng hóa quà lưu niệm đủ loại
Chuyến đi Mỹ của Đức Giáo hoàng được xem như một biến cố lịch sử. Trước khi ngài đến Mỹ thì sản phẩm liên hệ đến ngài đã tràn ngập thị trường. Đủ kiểu đủ loại, đương nhiên là phải có áo t-shirt, cốc ly chén, mũ, xà phòng, gối ôm nhưng lại còn cả máy nướng bánh mì, bia, pizza, võ bọc điện thoại…
3. Hàng chục, hàng trăm ngàn người tụ lại để thấy, để nghe ngài. Ngày thứ năm, ở thủ đô Washington, có 50 000 người tụ họp để nghe Đức Phanxicô nói chuyện từ ban công điện Capitol. Sau đó, Đức Giáo hoàng đọc diễn văn ở Quốc hội, sự kiện chưa từng có trong lịch sử.
Đức Phanxicô từ ban công điện Capitol, 24-9-2015
Ở New York cũng vậy, nhiều người đến từ rất sớm để may ra có được chỗ tốt. Đa số phải sắp hàng dài hàng giờ để qua cổng an ninh. Để chụp được tấm ảnh khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua, nhiều người hiếu kỳ phải chen nhau.
Nhiều người hiếu kỳ chen nhau chụp ảnh
Sau khi thấy ngài thì có nhiều người cảm thấy mình được thay đổi. “Thật là phúc khi được thấy Đức Giáo hoàng ở Washington. Một giáo hoàng chia sẻ tình yêu, niềm vui và minh triết. Đây là con người của thế kỷ”, một cư dân mạng lên tiếng.
Gặp hoặc chỉ thoáng nhìn một siêu sao nhạc rock đôi khi cũng tạo những phản ứng bất ngờ nơi một số người, thường thường là họ tràn đầy xúc động và điên cuồng la hét. Nhiều người còn cố len vào để nói một câu, tặng một món quà.
Với Đức Giáo hoàng cũng vậy, các hình ảnh ở bất cứ nơi nào ngài đi qua cũng đều chứng minh được điều này. Một em bé gái len hàng rào an ninh, băng qua đường để đưa thư cho Đức Giáo hoàng nói về chuyện xin hợp pháp hóa cho những người không giấy tờ.
4. Giới truyền thông hăng tiết.
Thêm một dấu hiệu hăng say khác của giới truyền thông Mỹ, ngày thứ sáu, nhật báo New York Post, tờ tin ngắn phổ thông đã đặt cho mình tên New York Pope!
5. Bàn tán ríu rít về chiếc xe của ngài
Các siêu sao nhạc rock thường lôi cuốn fan bằng chiếc xe độc đáo của họ. Tờ The Guardian nhắc lại chiếc xe Porsche huyền ảo của Janis Joplin (chiếc xe sắp đem bán đấu giá) hoặc chiếc xe Rolls Royce của Freddy Mercury, ca sĩ nhóm Queen.
Nhưng Đức Phanxicô lại làm cho đám đông bàn tán về chiếc xe nhỏ xíu của mình: chiếc Fiat 500 đi bên cạnh chiếc SUV khổng lồ của Barack Obama. Rất nhiều báo Mỹ như The New Yorker, CNN, ABC và Fox News cũng bàn tán về chiếc xe.
Chiếc Fiat 500 ở phi trường quân sự Andrews, 22-9-2015
6. Bị cho là: “Phản Kitô, Antéchrist”
Lâu nay điệu rock’n’roll bị cho là điệu nhạc ma quái, nhất là đối với giới cầm quyền công giáo. Một vài nhân vật là mục đích tấn công của một vài nhóm tu sĩ nhỏ. Tháng 6 năm 2014, ca sĩ Marilyn Manson buộc phải hủy chuyến trình diễn ở Nga vì áp lực chống đối của phái chính thống. Cũng trong nước này, nhiều nhóm nhạc kim loại (metal) cũng là mục tiêu tấn công của các phong tráo chính thống, lý do vì nội dung lời nhạc có tính hung bạo hay nét bên ngoài của họ như ma quỷ.
Ở Washington, Đức Giáo hoàng cũng bị chung số phận: một nữ ký giả tường trình cho biết có những người thuộc các Giáo hội cạnh tranh, (có thể là tin lành), đã cho ngài là “Phản Kitô giáo, Antéchrist”.
Nhưng có một chuyện chắc chắn các siêu sao nhạc rock khó làm được: làm cho Chủ tịch Hạ viện công giáo John Boehner phải khóc.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 30.09.2015/
francetvinfo.fr, 2015-09-26)