Hậu cảnh chuyến đi Cuba của Đức Phanxicô
Ngày 16 tháng Chín, cuối buổi triều kiến thông thường vào hôm thứ Tư hàng tuần, tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho chuyến tông du Cuba và Hoa Kỳ của ngài bắt đầu từ thứ Bẩy này, 19 tháng Chín. Đây là chuyến tông du lâu nhất kể từ ngày ngài lên ngôi tòa Phêrô. Nguyên văn lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng:
Kêu gọi cầu nguyện
Thứ Bẩy tới, tôi sẽ lên đường tông du Cuba và Hoa Kỳ, một sứ mệnh mà tôi ra đi với niềm hy vọng lớn lao. Lý do chính của chuyến đi là Cuộc Gặp Gỡ Lần Thứ Tám Các Gia Đình Thế Giới, sẽ diễn ra tại Philadelphia. Tôi cũng sẽ tới trụ sở trung ương của Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ngay lúc này, tôi xin âu yếm chào thăm nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, những người, dưới sự dìu dắt của các vị mục tử, đã chuẩn bị về mặt thiêng liêng. Tôi xin mọi người đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện, khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự cầu bầu của Đức Maria Rất Thánh, Quan Thầy của Cuba dưới tước hiệu Trinh Nữ Bác Ái Cobre, và là Quan Thầy của Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu dưới tước hiệu Vô Nhiễm Thai.
Thứ bảy tới, tại San Miniato, Pio Alberto del Corona, Giám Mục của Giáo Phận này, cũng sẽ được tôn phong á thánh. Ngài là người hướng dẫn nhiệt thành và là thầy dạy khôn ngoan các giáo dân đã được ủy thác cho mình. Ước mong gương sáng và sự bầu cử của ngài giúp Giáo Hội lữ thứ trong tinh thần Tin Mừng, đem lại nhiều hoa trái của việc làm tốt lành.
Đức tin ngày càng được lưu ý hơn tại Cuba
Chuyến đi Cuba vào ngày 19 tháng này có đem lại hy vọng lớn lao như Đức Phanxicô mong muốn không? Catholic World News, ngày 16 tháng Chín qua, tường trình nhận định khá lạc quan của Ulrich Kny, thuộc cơ quan Giúp Đỡ Các Giáo Hội Túng Thiếu, về Cuba.
Theo viên chức này, “trong ít năm qua, việc càng ngày người ta càng lưu ý tới Kitô Giáo đã trở thành hiển nhiên” tại một đất nước theo Cộng Sản, nơi hết 60% dân chúng được rửa tội nhưng chỉ có 2% tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.
Kny cho rằng “ở đó, ta thấy có sự khát khao Thiên Chúa. Ta có thể nói chắc chắn về một mùa xuân đức tin”. Cách đây mấy năm, cuộc rước tượng Đức Mẹ Bác Ái Cobre khắp xứ đã được rất nhiều người hưởng ứng cách nồng nhiệt. Con số người rửa tội cũng gia tăng. Nhiều người chú ý tới đức tin Công Giáo, nhất là giới trẻ, một điều phần lớn do công của ông bà, nhiều hơn bố mẹ, vì bố mẹ chịu ảnh hưởng nặng của chủ nghĩa cộng sản.
Theo Kny, tư thế nổi bật của Đức Phanxicô trên thế giới hiện nay sẽ giúp Giáo Hội tại Cuba thừa hành sứ mệnh mục vụ của họ như một thực thể đáng kính, không bị hạn chế nữa. Mỗi cuộc thăm viếng của một vị giáo hoàng trước đây đều đã đem lại những tiến bộ trông thấy về phương diện tự do cho Giáo Hội và sự hiện diện của đức tin Công Giáo trong sinh hoạt công cộng. Sau cuộc thăm viếng của Đức Gioan Phaolô II năm 1998, chẳng hạn, Lễ Giáng Sinh đã được tuyên bố là ngày nghỉ của quốc gia. Thêm vào đó, trước ngày có cuộc thăm viếng này, việc ngăn cấm đã có hàng thập niên trước đây đối với việc phát biểu tôn giáo nơi công cộng, kể cả việc cử hành Thánh Lễ và rước kiệu, đã được hủy bỏ. Đó quả là một bước khai phá. Một lần nữa, đức tin đã trở thành hiển hiện.
Cuộc thăm viếng của Đức Bênêđíctô XVI năm 2012, tuy không nổi bằng cuộc thăm viếng của Đức Gioan Phaolô II, nhưng sau đó, Thứ Sáu Tuần Thánh cũng đã được tuyên bố là ngày lễ nghỉ. Tuy nhiên, sau đó, việc phát triển tiến tới bình thường hóa nhiều hơn cho Giáo Hội đã bị đình trệ.
Các khó khăn
Kny hy vọng rằng với cuộc thăm viếng của Đức Phanxicô, đà phát triển ấy sẽ được thăng tiến. Chứ, thực ra, tuy có tiến triển trong ít năm qua, tình hình của Giáo Hội tại Cuba không hẳn không có khó khăn. Năm mươi năm cai trị của Cộng Sản, lẽ dĩ nhiên, để lại nhiều dấu ấn. Chỉ cần nhìn tỷ lệ 60% dân số đã rửa tội mà chỉ có 2% tham dự thánh lễ Chúa Nhật là đủ thấy dấu ấn ấy.
Giáo Hội tại đây đã làm tất cả những gì có thể làm được để chứng thực đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và vào sứ điệp của Người. Thí dụ, Giáo Hội này đã cố gắng khởi diễn cuộc đối thoại sâu rộng với xã hội dân sự bằng cách đóng một vai trò tích cực vào sinh hoạt văn hóa phong phú của Cuba và đã tổ chức nhiều buổi hòa nhạc, trưng bầy, và thi đua. Giáo Hội muốn được cảm nghiệm như một vốn quí dành cho cả xã hội. Như ở Santiago de Cuba, chẳng hạn, Giáo Hội đã thiết lập một trung tâm văn hóa với sự giúp đỡ của cơ quan Giúp Đỡ Các Giáo Hội Túng Thiếu. Trung tâm này hiện đang tổ chức các lớp dành cho các nhà kinh doanh nhỏ, với việc nhấn mạnh tới học thuyết xã hội Công Giáo. Trung Tâm Văn Hóa “Padre Félix Varela” ở Havana, mà Đức Phanxicô sẽ thăm viếng ngày 20 tháng này, là một điển hình khác cho thấy cố gắng kết hợp văn hóa, đức tin và các sáng kiến xã hội với nhau.
Theo Kny, chính phủ Cuba vẫn còn gây áp lực nặng nề đối với các cơ sở của Giáo Hội ở đây. Tuy nhiên, sau cuộc thăm viếng của Đức Bênêđíctô XVI, Tổng Thống Raul Castro từng hiến cho Giáo Hội một miếng đất tại Havana để xây một nhà thờ. Mấy năm gần đây cũng chứng kiến việc chính phủ trả lại một số cơ sở của Giáo Hội vốn bị họ trưng dụng, dù đã hư hỏng nhiều.
Nhấn mạnh tới công tác xã hội
Andrea R. Rodriguez của A.P. cũng chú trọng tới các công tác xã hội của Giáo Hội Cuba. Cô cho biết: trong khi kinh chiều sắp sửa kết thúc tại trung tâm cộng đồng Công Giáo Thánh Egidio, thì hàng tá người vô gia cư quần áo lôi thôi chen lấn nhau tại một phòng bên cạnh nơi các thiện nguyện viên đang phân phát các ly sôđa và bánh cuộn mầu vàng có rưới nước xốt.
Ernesto Gutierez, cảnh sát viên 66 tuổi đã về hưu và hiện sống tại một công viên và nhiều địa điểm công cộng khác vì không còn ai là thân nhân, và vì tiền hưu quá ít không đủ trang trải các khoản chi, cho hay: “đây giống như nhà tôi vậy”. Đôi khi bữa ăn tại trung tâm Thánh Egidio là bữa ăn duy nhất trong ngày của ông. “Tôi rất biết ơn trung tâm”.
Khi Đức Phanxicô tới Havanna ngày 19 tháng Chín này, ngài sẽ thấy Giáo Hội của ngài đang phục vụ nhiều người Cuba hơn mọi thời kỳ khác kể từ năm 1959 khi Fidel Castro lên nắm quyền.
Sau nhiều thập niên tranh chấp với chính phủ Cộng Sản, Giáo Hội Công Giáo ở đây đã âm thầm tự biến mình thành một định chế công cộng duy nhất độc lập, gây ảnh hưởng khắp xứ. Có mặt tại các khu vực trước đây do nhà nước độc quyền thống lãnh, Giáo Hội hiện đang cung cấp cho hàng chục ngàn người cả thực phẩm, giáo dục, huấn luyện kinh doanh lẫn thư viện với những tác phẩm bán chạy nhất.
Rolando Garrido, một bác sĩ và là giám đốc trung tâm cộng đồng Thánh Egidio nhận định rằng: “đây là cuộc gặp gỡ tâm trí nhằm phúc lợi của nhân dân. Nhà nước cũng phải thừa nhận rằng các chương trình xã hội của Giáo Hội là một lực lượng phục vụ điều thiện”.
Chẳng qua cũng là do thực tế chi phối: thiếu tiền, nền cai trị xã hội chủ nghĩa đành không dám coi mình là người duy nhất bảo đảm phúc lợi cho nhân dân nữa. Giáo Hội được rảnh rỗi hoạt động cả trong những khu và lãnh vực trước đây thuộc độc quyền nhà nước.
Tại trung tâm Thánh Egidio nói trên, người vô gia cư được cung cấp bữa ăn vào tối thứ Sáu, được tắm rửa và thay quần áo vào hôm sau. Nhiều người được cung cấp áo quần và huấn đạo về xúc cảm. Các thiện nguyện viên đưa các thiếu niên tới thăm hỏi các cư dân. Cũng có các chương trình giải trí, thể thao sau giờ học và dạy kèm vào đại học.
Càng ngày các sinh hoạt loại này càng được phép mở rộng. Các viên chức của Giáo Hội cho biết mỗi giáo xứ ở Cuba ít nhất cũng có một chương trình cộng đồng nhỏ nhằm nối vòng tay lớn, nhất là thuộc lãnh vực giáo dục và giúp đỡ người túng thiếu. Tại Remedios, một thị trấn miền trung, các thiện nguyện viên đang hớt tóc miễn phí cho dân nghèo. Tại Santiago, nơi Đức Phanxicô sẽ tới thăm, hàng ngàn người tới thư viện đặt ở tầng hầm nhà thờ để sử dụng máy vi tính và in ấn ở đấy.
Ai cũng biết trong các năm đầu mới cầm quyền, Castro đã công khai khai chiến với Giáo Hội: bắt giam các linh mục, kể cả tổng giám mục Havanna hiện nay, tức Đức Hồng Y Jaime Ortega. Nhiều giáo sĩ tham gia các nhóm kháng chiến chống lại cuộc cách mạng Cộng Sản của ông ta. Đại học Công Giáo Villanueva bị đóng cửa, 350 trường Công Giáo bị quốc hữu hóa, hàng trăm nhà thờ bị chiếm hữu và 135 linh mục bị trục xuất. Năm 1969, Fidel Castro bãi bỏ Lễ Giáng Sinh là lễ nghỉ của cả nước. Nay, dù chính phủ đã có thái độ cơỉ mở hơn trước, nhưng Giáo Hội vẫn chưa được phép mở trường học cũng như các phương tiện truyền thông như đài phát thanh chẳng hạn.
Người ta rất hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ cải thiện hơn nữa bầu khí cởi mở đã được mở ra.
Tác động của chuyến tông du đã được cảm nhận
Nữ ký giả Inés San Martín nhận định rằng trước khi vào Hoa Kỳ, Đức Phanxicô muốn viếng thăm Cuba như một nhắn nhủ Hoa Kỳ rằng: đừng quên trách nhiệm đối với người hàng xóm kém may mắn của mình.
Theo cô, dù chưa đặt chân lên Cuba, Đức Phanxicô đã gây ảnh hưởng ở đây rồi. Cô chứng minh: hồi tháng Bảy vừa rồi, tờ Granma của Đảng Cộng Sản Cuba, lần đầu tiên kể từ khi được thiết lập năm 1965, đã cho đăng trọn thông điệp của Hội Đồng Giám Mục Cuba nói về chuyến tông du của Đức Phanxicô.
Rồi sau đó, là việc Đức Hồng Y Jaime Ortega, người liên tiếp được vinh dự đón tiếp cả ba vị giáo hoàng lần lượt tới thăm, lần đầu tiên, trong 60 năm cách mạng vô sản, được lên hệ thống truyền hình công cộng. Thực vậy, đầu tháng Chín qua, ngài đã lên truyền hình nói về các vấn đề vốn bị coi là cấm kỵ xưa nay ở đây, tức tù nhân chính trị, và tuy không nhắc đích danh, ngài đã cố ý nói tới Các Mệnh Phụ Áo Trắng (Ladies in White).
Năm 2010, với sự hỗ trợ của Raul Castro, Đức Hồng Y Ortega được cử phụ trách cuộc thương lượng nhằm trả tự do cho 100 tù nhân và đa số người Cuba mong ngài đảm nhiệm cùng sứ mệnh này trong những tháng sắp tới.
Nói về tù nhân, thì hôm thứ Sáu vừa qua, như một tín hiệu tích cực đối với cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô, chính phủ Cuba công bố sẽ thả 3,522 tù nhân. Đây là lần thứ ba, chính phủ Cuba thả tù nhân nhân cuộc viếng thăm của một vị giáo hoàng. Chỉ có điều, phần lớn là các tù thường phạm.
Theo Gustavo Claria, một ký giả và kinh tế gia Á Căn Đình, một trong các chủ đề cốt yếu của Đức Phanxicô tại Cuba sẽ là hòa giải. Một trong các khía cạnh hoà giải này đang được Giáo Hội Cuba thực hiện. Thực vậy: thời bách hại, không thiếu người Công Giáo đã bỏ đạo để có công ăn việc làm và được giáo dục thuận lợi. Ngày nay, nhiều giám mục buộc phải kêu gọi những người này trở lại, giúp việc quản trị các giáo phận.
Tuy điều này gây bất mãn nơi những người luôn trung thành với đức tin, nhưng chiều hướng hòa giải vẫn đang thắng thế. Chính Đức Phanxicô cũng thường nhấn mạnh đến nhu cầu đối thoại và hoà giải trong Giáo Hội Cuba. Năm 1998, lúc chưa được đề cử làm Tổng Giám Mục Buenos Aires, Đức Cha Jorge Bergoglio (tên thật của ngài) đã viết một cuốn sách nhỏ tựa là “Các Cuộc Đối Thoại Giữa Đức Gioan Phaolô II và Fidel Castro”.
Trong cuốn sách trên, Đức Cha Bergoglio cực lực lên án chủ nghĩa xã hội và do đó cuộc cách mạng vô thần của Castro vì đã bác bỏ “phẩm gia siêu việt” của các cá nhân và bắt họ hoàn toàn phục vụ nhà nước.
Nhưng ngài cũng đã lên án cuộc cấm vận và chính sách cô lập hóa kinh tế Cuba của Hoa Kỳ, khiến bần cùng hóa đảo quốc này. Chương đầu của cuốn sách với tiêu đề “Giá Trị Của Đối Thoại” nói đến nhu cầu đất nước này phải vượt qua việc bị cô lập và chính sách thù hằn của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo.
Nhận định về cả hai bài diễn văn của Đức Gioan Phaolô II và của Castro năm ấy, Đức Cha Bergoglio cho rằng hai vị mạnh ai người ấy nói: Đức Giáo Hoàng nói tới việc phải dành chỗ cho Giáo Hội hành động tại Cuba, còn Castro thì nói tới các điểm tương đồng giữa chủ nghĩa Mác và Kitô Giáo. Theo Đức Cha Bergoglio: “cả hai cần lắng nghe nhau”.
Bắt giam 50 người Công Giáo bất đồng
Khi thả 3,522 tù nhân như đã kể trên đây, nhà cầm quyền Cuba cho biết rõ những người này chỉ là thường phạm, chứ không thả các tù nhân phạm “trọng tội”. Ai cũng hiểu trọng tội đây là chính trị hay vì lý do tôn giáo. Thành thử ngay mấy ngày sau lần thả tù trên, theo tin của Reuters ngày 14 tháng Chín, họ không ngần ngại hạ lệnh bắt giam 50 người Công Giáo bất đồng.
Việc bắt giam này diễn ra tại Havana ngay sau Thánh Lễ Công Giáo với sự tham dự phần lớn của nhóm bất đồng dưới danh xưng Các Mệnh Phụ Áo Trắng. Nhóm này gồm các bà mẹ, các cô con gái, các chị em và các bà vợ của các tù nhân lương tâm, phần đông theo Công Giáo và tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật trong y phục mầu trắng. Họ theo một nghi thức tôn giáo khi tuần hành qua các phố Havana, mang theo dấu hiệu nói về người thân yêu của mình. Chúa Nhật vừa qua, họ được tháp tùng bởi một nhóm bất đồng khác, gọi là Hiệp Hội Yêu Nước Cuba. Bốn mươi Mệnh Phụ Áo Trắng và 10 đồng minh đã bị bắt và bị dẫn vào tù bằng xe buýt.
Họ bị kết tội tuần hành trái phép trên đường phố Havana. Chính phủ Castro mấy lúc gần đây gia tăng các vụ bắt giam nhóm này. Nói chung, trong năm 2015, họ gia tăng việc bắt giam tù chính trị lên tới 70%.
Các Mệnh Phụ Áo Trắng dự định tham dự Thánh Lễ do Đức Phanxicô cử hành tại Havana. Lãnh tụ Berta Soler của họ cho rằng “Điều tôi muốn thưa cùng Đức Giáo Hoàng là bạo lực chính trị chống lại những người dân muốn dự phần hay thực thi quyền tự do hội họp công khai của họ phải chấm dứt”.
Người đứng đầu Hiệp Hội Yêu Nước Cuba, José Daniel Ferrer, tuyên bố: “Giáo Hội nên quan tâm tới dịp này hay bất cứ dịp nào có liên hệ tới nhân quyền. Đó là nhiệm vụ của họ”.
Dù Các Mệnh Phụ Áo Trắng không hẳn không bị một số giới Giáo Hội phê phán, nhưng việc chính phủ Cuba tiếp tục khống chế họ cho thấy cố gắng đối thoại và hòa giải với chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản không hề dễ dàng.
Vũ Văn An