Ấn Độ – người phụ nữ Ấn giáo đã mạo hiểm mạng sống để cứu một nhóm nữ tu

Nhân dịp kỷ niệm biến cố thảm sát đã để lại dấu tích không phai trên các Kitô hữu ở Đông Ấn, câu chuyện của Satyabhama Nayak vươn lên trên nỗi đau và cho mọi người chú ý lại hạt giống tốt lành trong lòng con người, bất chấp khác nhau về niềm tin tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ hay quốc tịch.

Ấn Độ – người phụ nữ Ấn giáo đã mạo hiểm mạng sống để cứu một nhóm nữ tu

Bà đã mạo hiểm mạng sống để cứu các Kitô hữu. Satyabhama Nayak là một phụ nữ Ấn giáo đã mở cửa nhà mình cho một nhóm nữ tu và giấu trong thời gian cuộc tàn sát bài Kitô giáo dấy lên khắp bang Orissa, Ấn Độ hồi tháng 8 năm 2008.

Trong quận Kandhamal, ở Orissa, các tín hữu bị bắt trói, bị đánh đập, và là nạn nhân của các cuộc tuần hành thanh trừng, khiến cho họ phải bỏ nhà nhà cửa tài sản mà ra đi vì làn sóng bạo lực gia tăng do tay các nhóm Ấn giáo cực đoan. Sự thù hằn tôn giáo đã biến thành một cuộc săn người với hậu quả bi thảm là hơn 400 ngôi làng ‘tẩy sạch’ Kitô hữu, 5600 căn nhà và 296 nhà thờ bị thiêu rụi, 100 người chết (nhưng chính phủ chỉ thừa nhận 65) hàng ngàn người bị thương, nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp, 56.000 người phải di tán. Một trong những tội ác dã man nhất là vụ nhiều đàn ông cưỡng hiếp xơ Meena Barwa. Xơ còn bị những kẻ thủ ác bắt phải đi trên đường phố trần truồng, như một kiểu phô trương chiến tích của đàn ông vậy.

Bảy năm sau, cộng đồng Kitô giáo thưa kiện về việc thiếu công lý và sự đồng lõa chính trị đã dẫn đến việc rất nhiều kẻ thủ ác vẫn chưa bị trừng phạt.

Theo con số của Giáo hội địa phương, thì cảnh sát đã xem qua 1541 đơn trong số 3232 đơn mà các Kitô hữu gởi để tố cáo tội ác. Trong số này, chỉ có 828 vụ thực sự được đưa ra xét xử. Trong 169 vụ, các thủ tục pháp lý kết thúc với việc tha bổng hoàn toàn cho 1579 bị cáo, bởi những người làm chứng thường bị hăm dọa. Và 86 vụ bị kết án rất nhẹ, 90 vụ vẫn còn trong gia  điều tra, nhưng càng về sau thì cơ hội thu thập chứng cứ càng giảm bớt.

Mỗi năm, đến ngày 25 tháng 8, ngày mà cuộc bạo lực này nổ ra, cộng đồng Kitô hữu ở Orissa cử hành ‘Ngày Tưởng niệm’ đặc biệt, với các buổi hội nghị, hội họp công khai, tuần hành hòa bình, và đêm cầu nguyện để chương tăm tối này trong lịch sử Ấn Độ không bị lấp liếm đi.

Theo tổng giám mục John Barwa của giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, thì ‘công lý nghĩa là được đền bù, xây dựng lại nhà cửa, được trở về nguyên quán của mình. Các công dân Kitô hữu đang yêu cầu được đối xử như mọi người khác, chiếu theo các nguyên tắc bình đẳng.’

Phải nói rằng bên cạnh những kinh nghiệm kinh hoàng do tay những người Ấn giáo cực đoan bách hại cộng đồng Kitô giáo, vẫn có những trường hợp các cộng đồng đức tin khác nhau chung sống hòa bình ở Orissa. Trong vài tháng gần đây, Diễn đàn Kitô giáo Sambalpur, một quận cả Orissa, đã gởi một giác thư đến thống đốc bang, S.C. Jamir, bày tỏ ‘sự tri ân sâu sắc đến ban điều hành quận Sambalpur vì đã ủng hộ luật pháp, bảo đảm hòa bình và an ninh cho các cộng đoàn Kitô giáo và các nhóm thiểu số khác trong những năm vừa qua.’ Diễn đàn nhắc lại rằng các Kitô hữu ‘có lòng đồng cảm, ân cần, và khiêm nhượng’ và luôn luôn có đóng góp cho sự hòa hợp xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm biến cố thảm sát đã để lại dấu tích không phai trên các Kitô hữu ở Đông Ấn, câu chuyện của Satyabhama Nayak vươn lên trên nỗi đau và cho mọi người chú ý lại hạt giống tốt lành trong lòng con người, bất chấp khác nhau về niềm tin tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ hay quốc tịch.

‘Các nữ tu từ tu viện Balliguda  chạy đến nhà tôi khi những kẻ hung hăng đang gầm rú xung quanh. Bảy nữ tu đã chạy bộ trốn đến vùng quê này. Một số bị thương, và ai cũng hết sức kinh hãi. Tôi không nói nên lời, và bảo cháu tôi tìm hiểu xem vì sao xảy ra chuyện bạo loạn này.’ Bà Satyabhama tiết lộ trong một lời chứng đầy xúc động.

‘Tôi sợ và tôi cầu nguyện với Thượng Đế giữ gìn tôi và các nữ tu được bình an bởi những người cực đoan không có chút thương xót nào đối với ai giúp đõ các Kitô hữu. Chúng tôi biết được chuyện bọn họ tìm được một nữ tu nơi nhà của một người Ấn giáo và cô đã bị cưỡng hiếp. Tôi cố gắng trấn an các nữ tu và giấu họ trong chuồng cừu.

Một người hàng xóm đã cảnh báo tôi rằng, ‘những người bạo loạn này đang truy đuổi các Kitô hữu trốn trong nhà người Ấn giáo. Nếu muốn giữ mạng, thì bỏ mặc các nữ tu đi.’ Tôi nói tôi không muốn làm thế. Dù là Ấn giáo hay Kitô giáo, chúng ta đều là con người. Hôm sau, chúng tôi trốn vào rừng và ở lại đó. Có các thanh niên Kitô giáo nữa. Sau 3 ngày đầy sợ hãi, cuối cùng cảnh sát cũng đến. Sự Quan Phòng của Thượng Đế đã giúp chúng tôi, và chúng tôi được cứu.’

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 09.09.2015/

Vatican Insider – Paolo Affatato – 24/8/15)