Nhật lo lắng về nạn tự tử trong giới trẻ tại nước này

Các cuộc điều tra của chính phủ cho thấy một trong những lý do chính dẫn đến tự tử trong số các học sinh trung học và tiểu học là những hục hặc trong gia đình. Nguyên nhân tiếp theo là sự thất bại ở trường, mối quan tâm về sự lựa chọn nghề nghiệp, bệnh tâm thần và trầm cảm.

Nhật lo lắng về nạn tự tử trong giới trẻ tại nước này

Bản tin của Asia-News, cơ quan thông tin của Pontificio Istituto Missioni Estere - Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, trong số ra ngày 20 tháng 8 trích thuật báo cáo của Văn phòng Nội Các Chính Phủ Nhật, trong đó ghi nhận 18,048 trường hợp tự tử, giữa năm 1971 và năm 2013, liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi từ.

Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các vụ tự tử xảy ra vào những ngày lễ của Nhật Bản cuối mùa xuân và mùa hè. Nghiêm trọng nhất là vụ 131 thiếu niên tự sát vào ngày 1 tháng Chín năm ngoái. Con số tự tử vào ngày 1 tháng Chín hàng năm chưa bao giờ dưới mức 100 người trong suốt một thập niên qua. Vì thế, ngày 1 tháng Chín năm nay đến trong âu lo của nhiều người.

Ngày 11 tháng Tư hàng năm cũng là một ngày khủng khiếp với con số trung bình số ca tự tử là 99 trường hợp, theo sau là ngày 8 tháng Tư, rồi ngày 02 tháng 9 và 31 tháng 8 với 95, 94 và 92 các vụ tự tử.

Trong những năm gần đây, tính trung bình mỗi ngày có 49 trường hợp tự tử.

Các cuộc điều tra của chính phủ cho thấy một trong những lý do chính dẫn đến tự tử trong số các học sinh trung học và tiểu học là những hục hặc trong gia đình. Nguyên nhân tiếp theo là sự thất bại ở trường, mối quan tâm về sự lựa chọn nghề nghiệp, bệnh tâm thần và trầm cảm.

Theo cha Cazzaniga, Nhật Bản là một trong những nước có mức giáo dục cao nhất với khoảng 80 phần trăm sinh viên có được một nền giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, "các chương trình giáo dục được thúc đẩy bởi nhu cầu của nền kinh tế quá nhấn mạnh đến các ngành khoa học tự nhiên hơn là khoa học nhân văn. Trẻ em được đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của đất nước," ngài nói.

Hậu quả của nền giáo dục và kinh tế ấy là một xã hội vô thần, hiện sinh, thực dụng và tranh đua quyết liệt.

Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Theo Niên Giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509,000 người Công Giáo tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một tình cảm đặc biệt với Nhật Bản, Nhiều lần ngài giải thích rằng khi còn nhỏ ngài đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Hôm thứ Tư 21 tháng 8 năm 2015, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp đặc biệt dành cho 200 bạn trẻ Nhật Bản tại Vườn Damasus. Đây là một sự kiện bất thường bởi các vị Giáo Hoàng hiếm khi chào đón du khách trong tháng Tám. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại gặp gỡ cá nhân với nhóm bạn trẻ này.

(Đặng Tự Do, VCN 21.08.2015)