Thắng lợi lớn của mặt trận phò gia đình tại Liên Hiệp Quốc
Các nước có khuynh hướng tôn trọng truyền thống đã đề kháng các áp lực nặng nề của Chính Phủ Obama và các thế lực Âu Châu và đã bác bỏ bất cứ ý niệm nào cho rằng cả phá thai lẫn các quyền đặc biệt cho người đồng tính phải được bao gồm trong Các Mục Tiêu Phát Triển Lâu Dài, tức hiệp ước sẽ hướng dẫn việc chi tiêu của quốc tế dành cho phát triển trong thập niên tới và xa hơn nữa.
Các cuộc thương thảo vốn diễn ra suốt ba năm qua và cuối cùng đã diễn ra suốt cuối tuần qua, kể cả đêm thứ Sáu và cả ngày thứ Bảy. Văn kiện này sẽ được phê chuẩn bởi hội nghị lớn nhất gồm các vị nguyên thủ quốc gia vào tháng Chín tới.
Văn kiện trên tuy không hoàn hảo, nhưng trước đây, nó tỏ ra mang đầy tai họa. Các cố vấn phò sự sống và phò gia đình đã làm việc tuyệt diệu trong suốt diễn trình thương thảo, đặc biệt là cuối tuần qua. Kết quả: tai họa lớn nhất đe dọa sự sống và gia đình đã tránh được.
Không có phá thai, không có đồng tính
Theo tiến Sĩ Stefano Gennarini, J.D. của C-Fam, một tổ chức phò sự sống và phò gia đình làm việc bên cạnh Liên Hiệp Quốc, hiệp ước của LHQ, được dự ứng và có tính toàn bộ nhất từ thập niên 1990 cho tới nay, liên quan đến chính sách xã hội, đã không đưa ra bất cứ cơ sở mới nào cho phá thai hoặc cho các vấn đề đồng tính.
Vào tối Chúa Nhật qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, các nước đã đạt được một thỏa hiệp được mọi người chào đón là “có tính lịch sử” và “chưa có tiền lệ”, dù cần thêm 48 tiếng đồng hồ sau thời hạn chót là thứ Sáu vừa qua để tiếp tục tranh luận, không cần thông dịch viên và cả máy lạnh.
Điều hợp viên là Đại Sứ Kenya, Macharia Kamau, đã được mọi người ca ngợi và được tưởng nhớ như là kiến trúc sư chính của hiệp ước. Ông đã hướng dẫn nhiều vòng thương thảo trong ba năm qua để đạt được sự đồng thuận trước tháng Chín tới, trước khi văn kiện được thông qua bởi hội nghị thượng đỉnh lớn nhất xưa nay trong lịch sử gồm các nguyên thủ quốc gia. Dù tự mô tả mình là người theo chủ nghĩa bất khả tri đối với các chính sách xã hội, nhưng ông cho biết có những định mốc khiến ông, ít nhất, cũng hiểu được sự quan trọng của việc bảo vệ trẻ chưa sinh.
Kamau tỏ ra hết sức xúc động khi chấm dứt các vòng thương thảo. Tràn trụa nước mắt và nghẹn cả cổ họng, ông thuật lại việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong mấy tuần, qua đã “liên tục thúc đẩy” chúng ta xiết bao. Ông nói đây là dấu hiệu ‘một điều gì hết sức đặc biệt đang diễn ra ở đây”.
Ông sụt sùi khóc khi ông dành công lao của hiệp ước này cho người bạn của mình là Đại Sứ Roble Olhaye của Djibouti, Niên Trưởng Ngoại Giao Đoàn, người đã qua đời tuần rồi lúc các cuộc thương thảo còn đang tiếp diễn.
“Biến Đổi Thế Giới Chúng Ta: Nghị Trình 2030 Để Phát Triển Lâu Dài”, tựa đề của hiệp ước, chứa các Mục Tiêu Phát Triển Lâu Dài bao gồm nhiều vấn đề từ y tế, giáo dục tới thay đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Tất cả là 17 mục tiêu phổ quát áp dụng cho mọi quốc gia.
Các mục tiêu đã được thỏa thuận vào năm ngoái, và giải quyết cuộc tranh cãi về phá thai bằng cách tham chiếu trở lại các thỏa hiệp trước đây, không đưa ra bất cứ cơ sở mới nào hay thiết lập bất cứ quyền nào liên quan tới phá thai.
Giống việc phá thai, các quyền của người đồng tính và đổi tính (LGBT) luôn là vấn đề phụ lề trong các cuộc thương thảo rộng lớn hơn nhưng lại rất quan trọng đối với một số phái đoàn. Đại sứ Ba Tây, Guilherme de Aguiar Patriota, chẳng hạn, than phiền rằng phái đoàn của ông muốn “một ngôn ngữ tiến bộ hơn” về nhân quyền, kể cả các nhân quyền của “người LGBT, bất kể các nhóm này có được qủa quyết trọn vẹn hay không”; ông có ý nói tới việc hiệp ước không nói gì về các quyền của người LGBT.
Đó là lần thứ hai, ông ta lên tiếng than phiền về việc các nhân quyền của người LGBT không được nhắc tới trong hiệp ước. Đầu tuần trước, ông vốn đã than phiền việc bỏ chữ “giống” (gender) khỏi văn kiện và dùng chữ “phái” (sex) thay thế khi nói tới các dữ kiện dùng để theo dõi việc thi hành hiệp ước trong các lãnh vực khác nhau của xã hội. Lúc ấy, ông cho rằng đó là chỗ duy nhất trong hiệp ước có nói tới việc kỳ thị dựa trên phái tính.
Thực ra, hiệp ước còn đi xa hơn bằng cách loại bỏ càng nhiều càng hay các từ ngữ từng được các viên chức bàn giấy của LHQ dùng để lồng các quyền của người LGBT vào.
Kiểu nói “các nhóm xã hội”, chẳng hạn, cũng bị loại ra khỏi hiệp ước. Và kiểu nói “các tư thế (status) khác” trong bảng liệt kê các loại không bị kỳ thị đã được dùng để loại bỏ bất cứ quyền đặc biệt mới nào cho người LGBT.
Văn kiện sau cùng phải tới 3 năm mới hoàn thành và dài khoảng 30 trang. Nó cô đọng nhiều hiệp ước khác nhau. Chi tiết thi hành thì còn đang được soạn thảo.
Đại sứ Usman Sarki của Nigeria, người vốn tố cáo bất cứ âm mưu nào nhằm áp đặt quyền của người LGBT lên xứ sở ông và từng đòi dự thảo hiệp ước phải “được thanh tẩy” trong các cuộc thương thảo tuần rồi, cũng đã lên tiếng tố cáo các âm mưu liên tục nhằm lồng các quyền phá thai và LGBT vào hiệp ước qua các cố gắng lúc thi hành nó.
Vũ Văn An