Mặt trận phò gia đình

Hơn 70 tổ chức khắp thế giới vừa đưa kiến nghị, yêu cầu LHQ duy trì ngôn ngữ vốn được tôn kính lâu đời của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền về gia đình như là “đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội” trong một hiệp ước mới gây nhiều ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc...

Mặt trận phò gia đình

Ông Obama không chỉ hài lòng với “chiến thắng” vừa qua tại Hoa Kỳ của phe đấu tranh cho quyền bình đẳng của các cặp đồng tính, ông còn tìm cách đem rao bán chiến thắng ấy ở khắp nơi ông đích thân bước chân đến hay qua các nhà ngoại giao khắp thế giới của ông nữa.

Thực ra trong suốt 6 năm qua, ông vốn đã gây áp lực nặng nề lên các quốc gia nghèo để đẩy mạnh nghị trình cực đoan của mình, đặc biệt, ông ép buộc họ từ bỏ ngôn ngữ gia đình vốn là một phần của luật quốc tế ít nhất kể từ ngày có Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền. Bản Tuyên Ngôn và nhiều văn kiện khác có nhắc tới “gia đình”. Nhưng đối với Obama và các đồng minh cánh tả của ông ở Âu Châu, “gia đình” ấy không có tính bao gồm đủ và họ muốn nhấn mạnh tới “mọi gia đình” hay “các hình thức đa dạng của gia đình”.

Tuy nhiên, tuần này, 70 nhóm từ khắp thế giới khiếu nại với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về điều Obama đang mưu toan thực hiện. Và tại Kenya, chính phủ Kenya đã cho xé nát một bích chương lớn được dựng lên tại thủ đô của họ để đón chào Obama tới thăm. Buồn thay, biểu ngữ này lại do một nhóm lạc giáo tên là Catholics for Choice dựng lên, kêu gọi bãi bỏ Tu Chính Helms đối với luật lệ của Mỹ vốn ngăn cấm việc dùng tiền Mỹ hỗ trợ các nhóm phá thai ở ngoại quốc. Nhưng điều quan trọng hơn là Tổng Thống Kenya không ngại nói thẳng với Obama rằng quốc gia ông không chấp nhận nghị trình đồng tính của ông.

Liên Hiệp Quốc đừng xé bỏ Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Theo tin hôm nay, 31 tháng Bảy, của C-Fam, một cơ quan phò gia đình có tiếng hiện nay, trong lúc thương thảo về kế hoạch phát triển quốc tế lâu dài, các nước hội viên LHQ cũng đang thương thảo vị trí của gia đình trong chính sách của Liên Hiệp Quốc.

Thực vậy, hơn 70 tổ chức khắp thế giới vừa đưa kiến nghị, yêu cầu LHQ duy trì ngôn ngữ vốn được tôn kính lâu đời của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền về gia đình như là “đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội” trong một hiệp ước mới gây nhiều ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc.

Các chính phủ theo phe tả, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ hiện nay, đang cố gắng thuyết phục Đại Hội Đồng vứt bỏ ngôn ngữ gia đình của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát và thay vào đó, sử dụng các kiểu nói bị các nhà phê bình coi là có tính ý thức hệ, đặc biệt là các kiểu nói “mọi gia đình” và “các hình thức đa dạng của gia đình”. Các kiểu nói này mấy năm gần đây từng bị bác bỏ nhưng chính phủ Obama đã đặt ưu tiên trong việc làm chúng được sử dụng trong văn kiện quan trọng về phát triển kỳ này.

“Bảy mươi năm sau ngày thành lập Liên Hiệp Quốc, ngôn ngữ này vẫn liên tiếp là rường cột của hầu hết mọi nghị quyết và hội nghị của Liên Hiệp Quốc khi nhắc tới gia đình”, các nhóm trên xác quyết như thế trong tuyên bố chung của họ về hiệp ước đang được thương thảo và sẽ được thỏa thuận vào tháng Chín tới, khi Liên Hiệp Quốc cử hành kỷ niệm năm thứ 70 ngày thành lập.

Bản tuyên bố viết thêm rằng: quả là “bi thảm” khi thấy người ta, thay vào đó, đã chêm vào thoả hiệp một thứ ngôn ngữ hàm hồ về gia đình.

Bản tuyên bố thúc giục các quốc gia hội viên của LHQ bao gồm ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát ngõ hầu “bảo đảm thành quả của hậu thượng đỉnh 2015 phản ảnh được quan điểm của đa số vốn coi gia đình là đơn vị tự nhiên và nền tảng của xã hội, nơi con cái là hoa trái tự nhiên của tình yêu giữa những người đàn ông và đàn bà”.

Điều 16 Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền hầu như đi kèm mọi tham chiếu tới gia đình trong các hiệp ước của LHQ kể từ ngày Bản Tuyên Ngôn này được chấp thuận lần đầu tiên năm 1948. Nay rất có thể không còn như thế nữa.

Đoạn nhắc tới gia đình trong dự thảo hiệp ước đang được thương thảo đã không có ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền.

Nhóm Phi Châu, gồm 57 quốc gia của châu lục này, và là khối thương thảo lớn nhất xét theo vùng, cho tới tuần này, là nhóm duy nhất phát biểu ý muốn thấy ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền được bao gồm trong hiệp ước phát triển mới. Họ nói rằng chẳng thà không nhắc tới gia đình còn hơn là loại bỏ ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát.

Các khối thương thảo khác, mà thông thường vẫn hay đứng về phía các quốc gia Phi Châu, như nhóm Ả Rập và các nước vùng Biển Caribbean, nay đang lung lay vì bị Hoa Kỳ và các nước Âu Châu gây áp lực. Dù họ không cam kết thừa nhận các liên hệ đồng tính, nhưng họ chấp nhận việc loại bỏ ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát.

Trong các cuộc thương thảo, các nước Âu Châu và Hoa Kỳ cho hay: gia đình là điều không liên quan gì tới việc phát triển xã hội và kinh tế, nên đã yêu cầu bỏ đoạn văn hay thừa nhận “các hình thức đa dạng của gia đình”, một kiểu nói họ muốn bao gồm cả các liên hệ đồng tính. Không một quốc gia nào của nhóm này muốn bao gồm ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát cả.

Người nội cuộc biết đó là chiến thuật thương thảo của họ.

Người Âu Châu và Hoa Kỳ không muốn nhắc đến gia đình (số ít) theo ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát Các Nhân Quyền vì ngôn ngữ này loại trừ bất cứ thừa nhận nào của quốc tế coi các liên hệ đồng tính có khả năng thiết lập một gia đình. Nhắc tới gia đình theo ngôn ngữ của Bản Tuyên Ngôn Phổ Quát cho phép người ta nhắc tới gia đình trong ngữ cảnh thi hành hiệp ước phát triển mới.

Loại bỏ ngôn ngữ ấy cho phép các quốc gia trên “lươn lẹo” (wiggle) để cổ vũ các liên hệ đồng tính như là các gia đình trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Đồng tính không được người Kenya ủng hộ

Theo tin CNN ngày 25 tháng Bảy, cậy vào uy thế lớn của một cường quốc mạnh nhất thế giới và lòng mong mỏi của Kenya muốn được đón tiếp ông, một người con “hờ” của họ, Obama đã lên tiếng “dạy bảo” Tổng Thống nước này là Uhuru Kenyatta về quyền của người đồng tính, ngay trong cuộc họp báo chung vào ngày đầu trong chuyến viếng thăm 3 ngày của mình: “khi bạn bắt đầu đối xử với người ta một cách khác không phải vì bất cứ cái hại nào họ gây ra cho bất cứ ai, nhưng chỉ vì họ khác mà thôi, thì đó là con đường trên đó các quyền tự do bắt đầu bị xói mòn”.

Nhưng theo luật Kenya, hành vi làm tình giữa đàn ông với nhau là bất hợp pháp và bị phạt tù tới 14 năm. Nhiều nhà lãnh đạo Kenya từng khuyên Obama đừng nhắc gì tới quyền đồng tính trong chuyến công du đầu tiên trong tư cách Tổng Thống của mình.

Nhưng Obama đã không nghe. Ông tưởng nể mặt, Tổng Thống Kynyatta sẽ không nói gì, chỉ ngoan ngoãn ngồi nghe cho xong chuyện. Nào ngờ, Tổng Thống Kenyatta cho ông hay: tuy Hoa Kỳ và Kenya chung chia nhiều giá trị và mục tiêu chung, nhưng quyền đồng tính không có trong số này.

"Sự kiện của vấn đề là: Kenya và Hoa Kỳ chung chia khá nhiều giá trị: cùng yêu dân chủ, tài tháo vát, đề cao các gia đình, đó là một số điều chúng ta có chung với nhau. Nhưng có những điều chúng ta phải nhìn nhận là mình không chung chia. Nền văn hóa của chúng tôi, các xã hội của chúng tôi không chấp nhận”.

"Rất khó để chúng tôi có thể áp đặt lên dân chúng điều mà chính họ không chấp nhận. Đó là lý do khiến tôi nhiều lần nhắc tới nhắc lui rằng ngày nay quyền đồng tính không phải là một vấn đề đối với người Kenya. Chúng tôi muốn tập chú vào các phạm vi khác”.

Vũ Văn An