Kitô hữu Coptic Ai Cập xao xuyến trước án tử hình dành cho cựu Tổng thống Mohamed Morsi
Hôm thứ Bảy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.
Án tử hình Mohamed Morsi, người đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho các tín hữu Kitô Ai Cập, không làm cho họ vui mừng nhưng lại dìm cộng đoàn Kitô hữu nước này vào những mối âu lo cho an ninh của họ.
Thật vậy, bản án tử hình dành cho Mohamed Morsi đã khơi dậy những phản ứng mạnh mẽ ở Ai Cập và các nước khác, bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm Huynh Đệ Hồi giáo, mặc dù đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã cùng các tổ chức Hồi giáo tổ chức các cuộc biểu tình đông đảo và đe dọa sẽ “trả đũa”.
Đức Cha Anba Kyrillos William, Giám Mục Công Giáo nghi lễ Coptic của giáo phận Assiut cho thông tấn xã Fides biết như sau: “Phản ứng của nhiều người Hồi Giáo bao gồm những lời lẽ kích động bạo lực, trong khi đa số dân chúng có lẽ hài lòng với phán quyết này. Mọi người vẫn chưa quên những đau khổ phải chịu đựng khi Morsi làm tổng thống.”
Án tử hình dành cho Morsi còn phải chờ đợi quyết định chung thẩm của Đại Giáo Trưởng Al-Azhar vào ngày 2 tháng Sáu tới đây. Trước phiên tòa này, tòa án tối cao Ai Cập cũng đã tuyên án tử hình 26 thành viên của nhóm Huynh Đệ Hồi giáo nhưng Đại Giáo Trưởng Al-Azhar đã giảm hình phạt xuống còn tù chung thân.
Đức Cha Anba Kyrillos William nói thêm “Án tử hình dành cho Morsi đặt ra một vấn đề lương tâm với Kitô hữu Ai Cập: Giáo Hội tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp, nhưng Giáo Hội tin rằng sự sống là một quyền bất khả xâm phạm của một người, và mạnh mẽ phản đối án tử hình. Thực tế là án tử hình vẫn là loại hình phạt vẫn được suy tư trong trật tự pháp luật Ai Cập ".
Đức Cha nhận xét dí dỏm rằng có một câu chuyện thật là đầy biểu tượng: “Tôi nhớ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã bị kết án tù chung thân, Nhóm Huynh đệ Hồi giáo, lúc đó đang nắm quyền, đã nằng nặc đòi hỏi phải có một phiên tòa mới để kết án tử hình ông ta.”
Ai Cập có 85,300,000 dân trong đó 90% là người Hồi Giáo, chủ yếu là Hồi Giáo Sunny, 9% là tín hữu Chính Thống Giáo Coptic. Người Công Giáo Coptic hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ chiếm 163,700 tín hữu trong số 1% còn lại.
Trong cao trào cuộc nổi dậy Ai Cập, các cuộc biểu tình khổng lồ từ 25 tháng Giêng Năm 2011 đến ngày 11 tháng Hai năm đó đã lật đổ tổng thống Hosni Mubarak sau gần 30 năm cầm quyền của ông này.
Ngày 11 tháng Hai năm 2011, Hosni Mubarak thoái vị, quân đội giải tán quốc hội, hoãn việc thi hành hiến pháp và trực tiếp lãnh đạo đất nước.
Sau những tranh cãi liên tục từ tháng 11 năm 2011 đến ngày 15 tháng Hai năm 2012, quốc hội lập hiến đã được bầu ra trong đó tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo chiếm gần một nửa số ghế tại Hạ Viện và 90% số ghế tại Thượng Viện.
Trong cuộc bầu cử tổng thống kéo dài trong hai ngày 16 và 17 tháng Sáu năm 2012, Mohammed Morsi thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo được 51.7% phiếu thắng khít khao ông Ahmed Shafiq, người đã từng là thủ tướng cuối cùng dưới thời tổng thống Hosni Mubarak.
Các cuộc biểu tình khổng lồ đã liên tục nổ ra sau đó vì Mohammed Morsi tự ban cho mình quá nhiều quyền hành, lãnh đạo đất nước tồi tệ, lạm phát gia tăng và dung dưỡng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào các tôn giáo khác, kể cả Hồi Giáo Shiite.
Một vài chi tiết sau đây có thể minh hoạ cho đường lối dung dưỡng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo của Mohammed Morsi.
Ngày 7 tháng Tư năm nay 2013, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào Vương Cung Thánh Đường Cairo giết chết 4 tín hữu Chính Thống Giáo trong khi những người này tổ chức đám tang cho một tín hữu khác đã bị tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo giết chết trong một cuộc biểu tình của người Chính Thống Giáo Coptic chống lại chính sách phân biệt đối xử dựa trên niềm tin của Mohammed Morsi.
Đức Giáo Chủ Tawadros đệ Nhị đã cực lực lên án chính sách của Mohammed Morsi trước khi có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 10 tháng Năm năm 2013 để bày tỏ mối âu lo của ngài về tương lai của các Giáo Hội Kitô tại Ai Cập.
Trong khuôn khổ các cuộc thanh trừng tôn giáo, không chỉ có các Kitô hữu bị tấn công, hôm 23 tháng 6 năm ngoái, bốn người Hồi Giáo Shiite đã bị đánh chết tại một làng ở ngoại ô thủ đô Cairo. Làn sóng bất bình dâng cao.
Ngày 30 tháng 6 năm 2013, hàng triệu người xuống đường biểu tình kêu gọi Mohammed Morsi từ chức.
Sáng ngày 1 tháng 7 năm 2013, trước sự hỗn loạn của đất nước, quân đội ra tối hậu thư cho Mohammed Morsi phải giải quyết tình hình trong vòng 48 giờ.
Tối hôm sau, Mohammed Morsi phát đi tuyên bố cuối cùng nhất quyết không thoái vị cũng không đáp ứng các yêu cầu của quân đội và phe đối lập.
Ngày 3 tháng 7 năm 2013, hết hạn tối hậu thư, quân đội bắt giữ Mohammed Morsi, lật đổ chế độ và đưa ông Adly Mansour, chánh án Tối Cao Pháp Viện lên làm tổng thống lâm thời.
Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo lập tức huy động tổng biểu tình chống lại quân đội.
Hôm 5 tháng 7 năm 2013, đụng độ dữ dội giữa quân đội, cảnh sát và người biểu tình tại Alexandria khiến 36 người chết. Ba ngày sau đó, 50 người nữa bị giết trong các cuộc đụng độ tại Cairo. Hàng loạt các vụ đụng độ sau đó tại hai thành phố này đã nâng tổng số người chết lên đến hơn 300 người chỉ trong vòng một tuần.
Tại thủ đô Cairo, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tiếp tục huy động những cuộc biểu tình khổng lồ làm tê liệt đời sống quốc gia.
Sau những trì hoãn và cân nhắc, sáng ngày 14 tháng 8 năm 2013, cảnh sát dưới sự yểm trợ của xe thiết giáp và xe ủi đất đã tấn công vào hai địa điểm biểu tình của những người Hồi Giáo ủng hộ tổng thống Mohammed Morsi đã bị quân đội lật đổ. Cuộc tắm máu bắt đầu xảy ra. Tại hai địa điểm này 638 người bị giết chết.
Các đồn bót lẻ tẻ của cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo lập tức bị tấn công đồng loạt. Nhiều đồn cảnh sát được ghi nhận là không còn cảnh sát viên nào sống sót. Các dinh thự của chính phủ bị đốt phá. Cảnh sát chết la liệt trên nhiều con đường của Cairo khiến cho bộ trưởng nội vụ ban hành lệnh khẩn cấp cho phép các cảnh sát viên được nổ súng tự vệ bằng mọi giá.
Trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tất cả các nhà thờ phải đóng cửa. Chỉ nội trong ngày 15 tháng 8 năm 2013, 36 nhà thờ tại thủ đô Cairo bị đốt phá.
Ngày 16 tháng 8 năm 2013, súng nổ liên tục tại Cairo. Quân đội và cảnh sát giao tranh với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tại nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là tại một ngôi đền Hồi Giáo nơi hàng trăm người Hồi Giáo cố thủ bên trong. Hàng trăm người bị bắt giữ sau khi lực lượng an ninh chiếm được ngôi đền. 173 người được ghi nhận là thiệt mạng.
Ngày 18 tháng 8 năm 2013, quân đội đặt tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ra ngoài vòng pháp luật sau khi bọn này phục kích một đoàn xe quân đội tại khu vực núi Sinai giết chết 25 binh sĩ.
Hôm 19 tháng 8 năm 2013, cảnh sát đã di chuyển 612 người bị bắt, phần lớn là các thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, từ Cairo đến nhà tù Abu Zaabal. Dọc đường đoàn xe chở tù đã bị phục kích trong một mưu toan giải thoát các tù nhân. 35 tù nhân đã bị chết ngộp.
Chỉ trong năm ngày từ 14 đến 18 tháng 8 năm 2013, theo báo cáo chính thức đã có 830 người thiệt mạng trong đó có 95 cảnh sát và binh sĩ Ai Cập.
Phần lớn các cảnh sát viên bị thiệt mạng vào ngày 14 và 15 tháng 8 khi tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo tấn công vào các đồn bót cảnh sát lẻ tẻ không có khả năng tự vệ. Những băng ghi hình cho thấy nhiều đồn cảnh sát đã bị tàn sát tập thể không còn người nào sống sót.
Tại Alexandria, nhiều người cả thường dân lẫn cảnh sát bị tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo ném đá đến chết hay bị bắt đưa lên các tòa nhà cao rồi xô xuống cho bể sọ chết.
Sáng sớm thứ Ba 20 tháng 8 năm 2013, quân đội Ai Cập đã bắt được lãnh tụ Huynh Đệ Hồi Giáo Mohamed Badie đang trốn tại một căn chung cư ở thành phố Nasr, phía đông bắc Cairo.
Mohamed Badie đã bỏ trốn từ hôm 3 tháng 7 năm 2013, sau khi quân đội bắt giam cựu tổng thống Mohamed Morsi. Hầu hết các cấp lãnh đạo của Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị bắt ngay đầu tháng 7. Tuy nhiên, Badie nhanh chân trốn thoát và đạo diễn những vụ tấn công vào các đồn bót cảnh sát, các nhà thờ Kitô Giáo và các dinh thự chính phủ. Con trai ông này là Ammar Badie, 38 tuổi, đã bị giết chết hôm thứ Sáu trong cuộc nổi loạn gọi là "ngày cuồng nộ".
Với việc bắt giữ Mohamed Badie, hầu hết các lãnh tụ Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, làn sóng bạo động có vẻ vẫn chưa lắng dịu vì những thày giảng Kinh Koran vẫn tiếp tục tung ra những Fatwa kêu gọi tổ chức những “ngày cuồng nộ” tại quảng trường Rames. Những lãnh tụ tinh thần này cách nào đó là bất khả xâm phạm.
Sau khi lãnh tụ Huynh Đệ Hồi Giáo Mohamed Badie bị bắt Hoa Kỳ và các nước phương Tây làm ầm lên đòi quân đội phải tái lập lại chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi đã bị quân đội lật đổ.
Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập 1.2 tỷ Mỹ Kim cùng với 250 triệu Mỹ Kim viện trợ kinh tế. Nguồn viện trợ này được tường trình là đã bị âm thầm cắt bỏ sau khi Hoa Kỳ không áp lực được quân đội nước này phải tái lập lại chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi.
“Cảm giác của tôi với Ai Cập là nguồn viện trợ này tự nó không thể đảo ngược được những gì chính phủ lâm thời đã làm”, tổng thống Obama đã nói như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho CNN hôm thứ Năm 22/08/2013.
Không đi vào chi tiết là nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm hoàn toàn hay một phần, ông Obama nói tiếp: “Điều chắc chắn là chúng ta không thể trở lại như trước đây”.
Các nước phương Tây cũng phản ứng ồn ào không kém. Cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết lên án việc lật đổ ông Mohamed Morsi, dù Morsi là một thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, là một tổ chức trước đây được chính Hoa Kỳ và các nước phương Tây cho là một tổ chức khủng bố nguy hiểm có liên hệ chặt chẽ với trùm khủng bố Bin Laden của Al Qaeda.
Lập trường lắt léo của Hoa Kỳ và các nước phương Tây chủ yếu là do những nhượng bộ có tính chất chiến lược của Mohamed Morsi sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền. Những hứa hẹn của Mohamed Morsi, và những nguồn đầu tư khổng lồ đổ vào Ai Cập sau ngày 11 tháng Hai năm 2011 đã khiến Hoa Kỳ và các nước phương Tây có một “cảm tình đặc biệt” với bọn khủng bố Huynh Đệ Hồi Giáo.
(Đặng Tự Do, VCN 19.05.2015)