Người Singapore đội mưa tiễn biệt Lý Quang Diệu
Người Singapore đội mưa chờ nói lời từ biệt cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh:Straits Times. |
Kẻ che ô, người mặc áo mưa, hàng trăm nghìn người không quản mưa gió, xếp hàng dọc theo các tuyến đường và chờ đợi chào vĩnh biệt Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Singapore.
Theo Straits Times, mưa nặng hạt phủ xuống khắp hòn đảo sáng nay, khi lễ rước linh cữu diễn ra.
Ông David Hong, 58 tuổi, từng theo dõi lễ Duyệt binh Quốc gia năm 1968, ba năm sau khi Singapore tách khỏi Malaysia, trong mưa. 46 năm sau, ông lại thấy một trận mưa như thế trút xuống lần nữa để tiễn đưa cố thủ tướng Lý.
"Đây là bài thử nghiệm ý chí và quyết tâm của chúng ta. Tại sao chúng ta phải e ngại cơn mưa, khi ông Lý Quang Diệu đã trải qua rất nhiều cơn bão?"
"Mưa không phải chuyện gì to tát. Công lao của ông Lý to lớn hơn cơn mưa nhiều. Tôi không đi được đến nhà quốc hội viếng ông, vì vậy, đây là điều ít nhất tôi có thể làm cho ông", Krishnamoorthy Baskaran, 42 tuổi, một kỹ sư nghiên cứu cao cấp nói.
Gia đình ông Baskaran có 4 người, trải chiếu ngồi đợi bên đường Clementi. Ông cho biết từng gặp cựu thủ tướng một lần vào bữa tiệc ngoài vườn tại dinh Istana năm 2012.
Nhiều người không cầm được nước mắt. Ảnh: Straits Times |
"Tôi từng bắt tay ngài. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn cận mặt ông ấy. Tôi rất xúc động và cảm ơn ngài vì những gì đã làm cho đất nước".
Tại Tanjong Pagar, người dân bị yêu cầu rời khỏi cây cầu vì lý do an ninh và an toàn. Tuy nhiên, nhiều người không muốn rời đi vì lo lắng không thể nhìn thấy đoàn rước.
"Mưa to cũng không thể khiến chúng tôi rời khỏi đường tiễn đưa ông Lý về nơi an nghỉ cuối cùng được", James Wong, một người dân đang đứng xếp hàng nói.
Mickey Tan, 67 tuổi, lái xe taxi, sống ở Bukit Merah gần 20 năm nay. Ông không thể đi tới nhà quốc hội để viếng được, vì vừa làm phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt.
"Tôi mang theo một chiếc nón để che mưa và sẽ đợi ở đây cho đến khi đoàn rước đi qua. Đó là lòng tôn kính tối thiểu cho những gì ông Lý đã làm cho chúng tôi. Ngài là người cha của đất nước Singapore", Tan nói.
"Đây là cơ hội cuối cùng nói lời từ biệt. Tôi sinh năm 1957, thời điểm ông ấy thực sự chăm sóc nhân dân. Tôi được đi học vì chính sách mà ông thúc đẩy. Nếu không có ngài, tôi không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu", Sim Lye Hock, 58 tuổi, đứng đợi dọc đường Clementi từ lúc 10h30 với vợ và con gái, cho biết.
Lễ tang cố thủ tướng Lý Quang Diệu được cử hành lúc 12h30. Xe tang rước linh cữu ông dọc 15,4 km đường phố qua Tanjong Pagar và nhiều khu vực trung tâm. Lễ truy điệu diễn ra từ 14h đến 17h15. Thi hài cựu thủ tướng dự kiến được đưa đến đài hóa thân Mandai để hoả táng.
Đám đông đội mưa dọc theo nhiều tuyến phố xe rước linh cữu ông Lý Quang Diệu đi qua. Ảnh: Straits Times |
Hồng Hạnh
Tìm thấy thuốc chống suy nhược tại nhà cơ phó máy bay Đức
Các điều tra viên thu thập các dữ liệu tại nhà của cơ phó Andreas Lubitz. Ảnh: Reuters |
Cơ phó Lubitz mắc chứng căng thẳng thần kinh nghiêm trọng và cảnh sát tìm thấy đơn thuốc chữa trị bệnh này tại nhà của anh ta, tờ báo Đức Die Welt dẫn lời một điều tra viên cấp cao giấu tên cho hay hôm qua.
Các nhà điều tra dự kiến hỏi thêm thông tin về đời tư của Lubitz từ họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp của anh ta để làm rõ động cơ dẫn tới hành động khiến 150 người chết.
Lubitz còn bị nghi ngờ tìm cách chữa trị vấn đề về thị giác, cảnh sát tìm thấy tại căn hộ của Andreas ở thành phố Dusseldorf, Đức, những giấy khám bệnh của bác sĩ cho thấy anh ta không đủ điều kiện để làm việc vào ngày xảy ra tai nạn. Một trong những tờ giấy này bị xé rách và vứt trong sọt rác, khiến các nhà điều tra nghi ngờ anh ta đã cố tình giấu bệnh của mình.
Một nguồn tin từ hàng không Đức nói với CNN rằng Lubitz vừa qua được đợt kiểm tra hàng năm với phi công để chứng nhận lại tình trạng sức khỏe hồi mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, một quan chức của Lufthansa, công ty sở hữu hãng máy bay Germanwings, cho biết các đợt kiểm tra hàng năm chỉ kiểm tra sức khỏe thể chất, chứ không đảm bảo về tâm lý, và nếu anh ta có vấn đề về thị lực thì họ đã phát hiện ra.
"Chúng tôi không tin được điều đó, nếu mắt anh ta có vấn đề thì chúng tôi đã biết qua kỳ thi", quan chức này nói.
Một nhóm các nhà điều tra Pháp hôm qua đến Dusseldorf, Đức, để cùng chia sẻ thông tin về vụ tai nạn. Jean Pierre Michel, người đứng đầu nhóm điều tra Pháp cho hay họ không loại trừ bất kỳ kịch bản nào dẫn đến việc máy bay rơi, kể cả lỗi kỹ thuật. "Miễn là chúng tôi có bằng chứng cần thiết", ông nói.
Mặc dù các nhà chức trách Đức không công bố danh tính cơ trưởng của chuyến bay 9525 nhưng một người dân tên là Reiner Sondenheimer, tự nhận là họ hàng của cơ trưởng, cho biết Patrick Sondenheimer chính là người bị cơ phó nhốt bên ngoài buồng lái.
Chiếc Airbus A320 của Germanwings hôm 24/3 đâm vào vách núi Alps thuộc vùng Digne, miền nam Pháp khi đang trên đường từ Barcelona tới Duesseldorf. Toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng. Cơ phó Lubitz bị nghi ngờ là người cố tình gây ra vụ tai nạn thảm khốc.
Hàng chục người hôm qua tham dự lễ tưởng nhớ các nạn nhân trên chuyến bay tại Digne-les-Bains, Đức. Họ hàng của các nạn nhân và người dân tại Le Vernet, Pháp, gần địa điểm máy bay rơi, cũng đặt một tấm bia đá nhỏ tưởng nhớ những người xấu số.
Khánh Lynh
Theo vnexpress