Tin Thế Giới

Các vụ tấn công bằng rocket ở thành phố Kramatorsk miền đông Ukraine hôm 10/2 đã trúng vào bản doanh nơi quân đội hoạch định các cuộc hành quân chống các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn, và các khu cư dân trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm chấm dứt vụ xung đột, VOA đưa tin...

 Quân đội Ukraine chịu tổn thất nặng sau vụ “phe ly khai bắn rocket”

 Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Ukraine, Oleksandr Turchynov, cho biết theo"số liệu sơ bộ," các cuộc tấn công bằng rocket của phiến quân nhắm vào Kramatorsk giết chết 15 người và làm bị thương 63 khác, trong đó có năm trẻ em.

Dân chúng nhìn vỏ rocket nằm trên đường trong thị trấn Kramatorsk, miền đông Ukraine, 10/2/15

Các vụ tấn công bằng rocket ở thành phố Kramatorsk miền đông Ukraine hôm 10/2 đã trúng vào bản doanh nơi quân đội hoạch định các cuộc hành quân chống các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn, và các khu cư dân trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm chấm dứt vụ xung đột, VOA đưa tin.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Ukraine, Oleksandr Turchynov, cho biết theo"số liệu sơ bộ," các cuộc tấn công bằng rocket của phiến quân nhắm vào Kramatorsk giết chết 15 người và làm bị thương 63 khác, trong đó có năm trẻ em.

Chính quyền khu vực Donetsk báo cáo 32 người trong số những người bị thương là nhân viên tại một phi trường bị rocket tấn công.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Yuri Biryukov viết trên trang Facebook hôm thứ Ba rằng hai quân nhân đã thiệt mạng và chín người bị thương tại bản doanh quân đội.

Lực lượng thân chính phủ báo cáo đã giành được một số thắng lợi hôm thứ Ba. Tiểu đoàn Azov, một nhóm bán quân sự tự nguyện thân Kiev, nói trên Facebook rằng họ đã chiếm được một số ngôi làng trong một cuộc tấn công tiến về Novoazovsk, một thành phố ở biên giới giáp với Nga.

Sáng thứ ba, trước cuộc tấn công vào Kramartorsk, quân đội Ukraine báo cáo có ít nhất 7 quân nhân đã thiệt mạng trong 24 giờ giao tranh trước đó.

Tình trạng bạo động tăng vọt diễn ra vào lúc các đại diện của Nga, Ukraine, Đức và Pháp họp tại thủ đô Belarus vào ngày thứ tư để tìm cách đưa ra một thoả thuận hoà bình nhằm chấm dứt vụ xung đột đã kéo dài 10 tháng gây thiệt hại cho ít nhất 5.400 sinh mạng.

Trong khi đó, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng Bảo an, một cơ quan tư vấn của điện Kremli gồm các giới chức quốc phòng và an ninh cấp cao, được trích thuật trên một nhật báo chính phủ nói rằng Hoa Kỳ đang mượn tình hình ở Ukraine làm cái cớ để “kiềm chế” Nga.

Ông Patrushev nói: “Phía Mỹ đang tìm cách kéo Liên bang Nga vào một cuộc xung đột quân sự quốc tế, và mượn các diễn biến ở Ukraine để đạt được một sự thay đổi trong chính quyền và chung cuộc chia cắt đất nước chúng ta.”

KIM NGÂN

TT Obama gọi điện “dọa dẫm” TT Putin

 

 

 

tong thong Obama

Một diễn biến bất ngờ trước cuộc họp thượng đỉnh 4 bên giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine để bàn cách giải quyết khủng hoảng Ukraine: tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đưa ra nhiều lời dọa dẫm lẫn mặc cả.

Cuộc gọi điện được thực hiện vào cuối hôm thứ Ba (theo giờ Mỹ). Tổng thống Barack Obama đã thúc giục người đồng cấp Nga chấp nhận kế hoạch hòa bình cho Ukraine bằng ngoại giao khi các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra hôm thứ Tư tại Belarus.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama nhấn mạnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm về "tầm quan trọng của... việc chụp lấy cơ hội khi Nga, Pháp, Đức và Ukraine hội đàm tìm giải pháp hòa bình", trong bối cảnh bạo lực ở miền Đông Ukraine đang gia tăng.

"Nếu Nga tiếp tục hành động hung hăng ở Ukraine, trong đó có việc gửi quân, vũ khí và tài chính để hỗ trợ những phe ly khai, cái giá mà Nga phải trả sẽ tăng lên", ông Obama nói với ông Putin, theo thông tin từ Nhà Trắng.

Một ngày trước đó, Tổng thống Obama nói ông vẫn chưa quyết định việc có gửi vũ khí và trang thiết bị quân sự cho các lực lượng trung thành với Kiev. Ông nói rằng đang tìm kiếm một kết thúc ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trước khi nghĩ đến việc viện trợ súng đạn

"Khả năng cung cấp vũ khí sát thương là một trong những lựa chọn đang được tính toán. Nhưng tôi vẫn chưa quyết định về chuyện đó", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Mỹ hôm thứ Hai (9.2).

Tổng thống Obama nói rằng Mỹ đang xem xét "những thứ bổ sung có thể làm để giúp Ukraine tăng cường phòng thủ khi đối mặt với sự xâm lăng của Nga". “Chúng ta cần phải thừa nhận một điều rằng trong thế kỷ 21 không thể đứng yên nhìn biên giới của châu Âu được vẽ lại vào nòng súng”, ông Obama tuyên bố.

Trong khi đó, Nga khẳng định không can thiệp vào nội bộ Ukraine đồng thời tố cáo phương Tây đã tạo ra cục diện hỗn loạn tại Ukraine. Nga cũng cảnh báo nếu Mỹ viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev thì sẽ khiến bạo lực leo thang và máu tại Ukraine sẽ đổ nhiều hơn.
  • Anh Tú (theo CNN)
  • Tập Cận Bình muốn gì trong chuyến thăm Mỹ?

    Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận lời mời thăm Mỹ vào tháng 9 trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama. Trang Diplomat dẫn những dự đoán của chuyên gia về chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Mỹ.

     Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tới California (Mỹ) và hội đàm với Tổng thống Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands. Tuy nhiên, ông Tập không đến Washington vào dịp này, do đó, chuyến đi năm 2013 không được xem là chuyến thăm Mỹ chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

    Phải đến tháng 9 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình mới chính thức công du lần đầu tới Mỹ sau khi nhận lời mời của Tổng thống Obama. Washington và Bắc Kinh đã nhất trí sẽ chuẩn bị chu đáo để đảm bảo sự thành công cho chuyến công du quan trọng này của ông Tập.

    Trang Diplomat đã đưa ra một số dự đoán về tác động của chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với tương lai của quan hệ Trung - Mỹ.


    Tổng thống Mỹ Obama (phải) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở một khu nghỉ dưỡng Sunnylands tại California năm 2013.

    Đầu tiên, chuyến thăm Mỹ của ông Tập đã được xác nhận sẽ diễn ra vào tháng 9. Một câu hỏi đặt ra là vì sao thời điểm này lại được chọn. Theo Diplomat, chuyến thăm Mỹ vào mùa thu của Chủ tịch Trung Quốc, trùng với lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, sẽ rất thuận tiện cho ông Tập bay tới New York tham dự sự kiện này sau khi hội đàm với ông Obama tại Washington.

    Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc ở New York cũng là dịp để nhà lãnh đạo Trung Quốc hẹn gặp song phương với các đối tác quan trọng khác, chẳng hạn Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi...

    Ngoài ra, chuyến thăm mùa thu cũng cho phép các nhà ngoại giao Trung - Mỹ có đủ thời gian để chuẩn bị các chi tiết của Hiệp định Đầu tư Song phương Trung - Mỹ (BIT). BIT được cho sẽ là vấn đề nghị sự quan trọng trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập.

    Thứ 2, về các chương trình nghị sự giữa hai lãnh đạo Trung- Mỹ, theo Diplomat, ông Tập và ông Obama sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến lợi ích chung cũng như những tranh chấp giữa 2 nước. Nhìn chung, theo giới quan sát, trong chuyến thăm cấp nhà nước, Mỹ và Trung Quốc sẽ muốn tập trung thảo luận về các vấn đề tích cực, giúp mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên hơn.

    Trước đó, khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới thăm Mỹ, chương trình nghị sự chủ yếu giữa hai bên tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế, xây dựng "lòng tin chiến lược", mở rộng quan hệ quân sự  cũng như bàn về các "thách thức toàn cầu" mà cả hai bên đều quan tâm và có nhiều quan điểm chung.

    Cả 2 bên có xu hướng tránh nói về các vấn đề đang tranh cãi gay gắt. Chẳng hạn, tháng trước, khi tới Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập trung vào việc đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc nước này phải cắt giảm khí thải nhà kính và tăng sử dụng nhiêu liệu phi hóa thạch, thay vì giải quyết những vấn đề mà 2 nước đang tranh cãi gay gắt, quyết liệt như an ninh mạng.

    Thêm một lý do để chương trình nghị sự Trung, Mỹ tháng 9 sẽ tránh thảo luận về những bất đồng, mâu thuẫn là Tổng thống Obama đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Do đó, nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ, nhằm tăng thêm di sản ngoại giao trong suốt 8 năm cầm quyền của mình.

    Thứ 3, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ được cho là có thể sẽ mang tới cái kết đẹp cho Hiệp định Đầu tư Song phương Mỹ-Trung (BIT) mà 2 nước đang nỗ lực xây dựng.

    Nhiều người kỳ vọng, tới tháng 9 năm nay sẽ đánh dấu bước đột phá liên quan đến BIT khi Hiệp định này được xem là "quả ngọt hoàn hảo" giúp 2 nhà lãnh đạo "ăn điểm" với công chúng trong nước.

    Đặc biệt, nếu BIT được hai bên nhất trí thông qua, Mỹ sẽ hưởng lợi khi có thể đưa ra thông điệp rằng, họ không tìm cách kìm chế Trung Quốc về kinh tế. BIT được cho là sẽ "bệ phóng" cho quan hệ Mỹ - Trung, tránh nguy cơ "Chiến tranh lạnh kinh tế" như một số nhà quan sát quan ngại.

    Thứ 4, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thông qua chuyến thăm Mỹ chính thức để gửi gắm thông điệp quan trọng. Chủ tịch Tập, được cho là cũng giống như những người tiền nhiệm, thường có xu hướng đưa ra những câu khẩu hiệu để thể hiện quan điểm, tầm nhìn của mình trước công chúng.

    Còn nhớ, Chủ tịch Tập từng đưa ra khái niệm về “quan hệ nước lớn kiểu mới” rất nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với đường lối đối ngoại của Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ năm 2012 khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc. 

    Tuy nhiên, trong những năm qua, quan hệ Trung - Mỹ gần như vẫn chưa thực sự phát triển theo khái niệm mới trên. Do đó, theo Diplomat, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới, Chủ tịch Tập sẽ không bỏ qua cơ hội để tái định hình lại quan hệ Trung-Mỹ, theo khái niệm cũ của ông trong năm 2012. Song cũng có thể, ông Tập sẽ đưa ra khẩu hiệu hoàn toàn mới.

    Tóm lại, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 9 được cho là một trong những sự kiện đáng chờ đợi nhất trong năm 2015
  • Phương Đăng (Dân Việt)
  • Theo Báo Mới. com