Phúc trình dân số đầy tính ý thức hệ của LHQ
Theo tin AP, ngày 18 tháng Mười Một vừa qua, Qũy Dân Số của LHQ đã cho công bố bản phúc trình của họ, nhấn mạnh rằng các yếu tố về dân số đang thay đổi, chủ yếu tại Phi Châu và Á Châu, có thể dẫn tới một tăng trưởng nhanh về kinh tế nếu có đủ đầu tư vào giới trẻ.
Cơ quan này cho rằng một “lời lãi do dân số” (demographic dividend) có thể xẩy ra khi số dân ở tuổi lao động của một nước lớn hơn số dân ở tuổi cao hơn hay nhỏ hơn, vốn sống lệ thuộc.
Babatunde Osotimehin, Tổng Giám Đốc của Qũy, cho hay: “Con số kỷ lục 1.8 tỷ người trẻ hiện nay cho ta thấy một cơ hội to lớn để biến đổi tương lai. Chưa bao giờ có một tiềm năng lớn như thế đối với tiến bộ kinh tế và xã hội”.
Theo ông, 90 phần trăm số người trẻ trên hiện sống trong các quốc gia kém mở mang nơi họ đang gặp rất nhiều trở ngại đối với quyền được hưởng giáo dục, y tế và thoát khỏi bạo lực. Có tới 57 triệu người trẻ không được học hành, và người trẻ hiện nay chiếm tới 2 phần 5 người thất nghiệp trên hế giới.
Trong Phúc Trình năm 2014 về Tình Trạng Dân Số Thế Giới của mình, Qũy này cho hay: các thay đổi về dân số hiện diễn ra tại 60 quốc gia kém phát triển, chủ yếu tại Phi Châu và Á Châu, đang mở ra triển vọng để họ đạt được một mức lời do dân số đem lại. Tầm cỡ của mức lời này phần lớn tùy thuộc mức đầu tư người ta sẵn sàng bỏ ra đối với người trẻ để họ thể hiện trọn vẹn tiềm năng của họ.
Osotimehin nói rằng bản phúc trình này khuyến cáo phải khẩn cấp đầu tư để người trẻ tham gia các cộng đồng của họ và việc phát triển quốc gia. Nhất là phải đầu tư vào nền giáo dục có liên quan, có chất lượng cao, vào nền chăm sóc y tế toàn diện và tạo cơ hội để người trẻ kiếm kế sinh nhai.
Ông nêu Đông Á làm điển hình: những đầu tư của vùng này trong thập niên 1960 vào người trẻ đã mang lại một mức lời giúp gia tăng tổng sản lượng quốc gia tới 6 phần trăm và gia tăng thu nhập theo đầu người tới 4 lần tại một số quốc gia. Nếu vùng Hạ Sahara của Phi Châu cũng áp dụng cùng một chiến lược như thế, họ sẽ tạo nên “một phép lạ kinh tế”, mỗi năm đem thêm 500 tỷ dollars cho nền kinh tế của họ.
Khuyến khích phá thai, đĩ điếm
Nếu chỉ đọc bản phúc trình trong những nét đại cương ấy, ta thấy nó khá khoa học và quả góp phần tạo ra mức lời hiển nhiên và đáng kể cho các nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, như tường trình của Rebecca Oas thuộc Viện Gia Đình và Nhân Quyền Công Giáo (Catholic Family and Human Rights Institute), rất nhiều chi tiết trong phúc trình cho thấy Qũy Dân Số LHQ đưa ra rất nhiều khuyến cáo có tính ý thức hệ nhằm hạ thấp nếp sống lành mạnh của tuổi trẻ hiện đại.
Thực vậy, một trong các công thức mang lợi lại cho xã hội do Qũy đề xướng là các thiếu niên được tự do phá thai, loại bỏ tuổi ưng thuận, loại bỏ các luật lệ về ma túy và đĩ điếm, và giảm thiểu quyền cha mẹ được can dự vào việc giáo dục sinh lý cho con cái mình.
Phúc trình nguyên văn nói như thế này: “người trẻ đòi hỏi hàng loạt các dịch vụ khác nhau về y tế tính dục và sinh sản, kể cả…việc chăm sóc để các em phá thai an toàn”. Theo Qũy Dân Số LHQ, hệ thống luật pháp tại đa số các quốc gia không thực thi đúng đắn các cam kết họ ký thự trong các hiệp ước quốc tế, và cần phải “theo kịp các thực tế của thiếu niên và người trẻ”.
Nhưng nào có hiệp ước quốc tế nào nói tới phá thai hay cho phép người lớn cung cấp các dịch vụ tính dục cho người trẻ!
Qũy Dân Số LHQ đặc biệt lưu tâm tới luật lệ về tuổi ưng thuận, tức các luật lệ đòi các thiếu niên phải có phép của cha mẹ mới được phá thai, ngừa thai hay các dịch vụ khác như các chương trình trao đổi kim chích cho những người sử dụng ma túy. Vì thế, Phúc Trình lần này cho rằng “Các luật lệ về tuổi ưng thuận đi ngược lại ý niệm này: người trẻ nên được tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng tới họ phù hợp các các khả năng đang diễn biến của họ”.
Qũy Dân Số LHQ cũng chỉ trích các luật lệ chống “tác phong đồng tính, sử dụng ma túy, hay bán tình dục hoặc lao động tình dục” vì cho rằng các luật lệ này cản trở không cho người trẻ thể hiện các quyền của họ trong lãnh vực y tế tình dục và sinh sản.
Điều nghịch lý là tuy phúc trình nhìn nhận rằng: điều lý tưởng là cha mẹ trở thành nguồn thông tri và hướng dẫn đệ nhất đẳng về tính dục cho người trẻ, nhưng sau khi cho rằng trên thực tế, họ đã không làm được như vậy vì thường cha mẹ không biết cách nói với con cái họ về những vấn đề này, thay vì đề nghị biện pháp giúp cha mẹ chu toàn nghĩa vụ của họ, phúc trình lại đề nghị qua mặt họ và trao việc ấy cho “các can thiệp về chính sách”. Các can thiệp này cần “nới rộng các hạn chế về tuổi hay phải có sự ưng thuận của cha mẹ các thiếu niên mới được hưởng các dịch vụ”.
Thứ ngôn ngữ đề cao nhân quyền, tối đa hóa tiềm năng và loại bỏ rào cản tiến tới thành công của người trẻ trên đây thực ra chỉ là một chiêu bài che đây quan tâm hàng đầu của Qũy Dân Số LHQ là hạn chế gia tăng dân số. Tiền đề cho rằng việc giảm sinh suất của các nước đang phát triển sẽ thúc đẩy họ tiến tới thịnh vượng là điều đáng nghi vấn. Những nước có sinh suất kém thì thực tế sẽ càng ngày càng ít người trẻ và nhiều người già hơn, và do đó, càng gia tăng gánh nặng tài chánh. Các nhà kinh tế học vốn nhận định rằng giảm sinh suất thường đến sau, chứ không đến trước, việc gia tăng thịnh vượng kinh tế.
Mặc dù phúc trình nhìn nhận rằng người trẻ bị kìm hãm bởi ứ đọng kinh tế, thiếu giáo dục hoặc cơ hội làm việc, quan tâm chính của nó lại là cảnh nghèo “có thể là rào cản mạnh mẽ khiến các cá nhân không có được những gì họ cần để đạt được sự lành mạnh của họ về tính dục và sinh sản cũng như các quyền về sinh sản”.
Nói chung, phúc trình này quả quyết rằng chìa khóa của phát triển là bảo đảm để tác phong tình dục của người trẻ khỏi bị giám sát, bất hạn chế, được công chúng tài trợ và, trên hết, không có tính sinh sản. Qũy Dân Số LHQ cho rằng việc áp đặt chính sách vô quyền đối với tính dục (sexual anarchy) người trẻ là bảo đảm phúc lợi của họ và phúc lợi thế giới.
Bản tin của Catholic World News cũng cho biết thêm: phúc trình của Qũy Dân Số LHQ nói trên tố cáo ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo trong việc chống đối “việc giáo dục toàn diện về tính dục” cho người trẻ và phê phán các nhà lãnh đạo và các cha mẹ có tôn giáo trong việc kiểm soát việc tìm kiếm thông tri và dịch vụ.
Vũ Văn An