Tin Trong Nước

Sáng 21/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khai trương hệ thống bán vé tàu Bắc Nam và thanh toán qua mạng Internet.

Bắt đầu bán vé tàu qua mạng

Sáng 21/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khai trương hệ thống bán vé tàu Bắc Nam và thanh toán qua mạng Internet.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định việc triển khai bán vé qua mạng là một nỗ lực lớn của ngành đường sắt giúp hành khách mua vé dễ dàng, đúng giá, xóa cảnh một vé có nhiều giá như trước đây. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng đang nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ như xây dựng ke ga cho hành khách lên xuống tàu, vệ sinh trên các toa xe.

anh-thu-truong-8808-1416579682.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (bên trái) tự mua vé điện tử qua mạng. Ảnh: Đ. Loan.

Hệ thống bán vé tàu điện tử được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký kết với Tập đoàn FPT xây dựng từ tháng 7. Hệ thống có thể phục vụ 2 triệu người truy cập cùng một lúc mà không bị nghẽn mạng. Hành khách có thể truy cập vào các website www.dsvn.vn, www.vietnamrailway.vn hoặc www.vetau.com.vn, sau đó truy cập các lệnh, đặt vé và thanh toán theo hướng dẫn.

Sau khi đặt vé và thanh toán thành công, hành khách được khuyến cáo ra ga lấy vé trước khi tàu khởi hành ít nhất là 30 phút.

Đoàn Loan

Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất gặp sự cố như thế nào

Sau khi bộ lưu và truyền tải điện (UPS) bị tê liệt dây chuyền, toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành không lưu kể cả radar ngưng hoạt động dù điện lưới không hề mất.
 

Chuyến bay của anh Lê Thanh Trang, luật sư đoàn TP HCM ngày 20/11 từ Đà Nẵng vào TP HCM đã không giống như mọi lần. "Thông thường, tôi chỉ mất chỉ mất chừng một tiếng nhưng hôm đó nó đã kéo dài 6 giờ, thậm chí nó phải đáp xuống sân bay của Campuchia", anh Trang nói.

Làm thủ tục và lên máy bay VN Airlines lúc 10h15, theo anh Trang, quãng đường bay ban đầu diễn ra bình thường. Đến 11h30 màn hình trên máy bay hiện thông báo còn cách TP HCM 74 km. Tuy nhiên, khá lâu sau, anh vẫn chưa thấy máy bay hạ độ cao trong khi màn hình báo quãng đường cách TP HCM là 64 km, 57 km rồi lại 64 km, dự kiến hạ cánh 11h28, 11h30, 11h31, 11h47... Và máy bay cứ thế tiếp tục lượn lờ. “Mô hình máy bay trên màn hình liên tục xoay vòng qua lại gần 20 phút trên trời khiến tôi và nhiều hành khách lo lắng. Không có bất kỳ thông báo nào được đưa ra. Các hành khách bắt đầu nhốn nháo", luật sư Trang nói.

Đến lúc này loa trên máy bay bắt đầu phát đi thông điệp: "Vì hệ thống liên lạc mặt đất có sự cố, chúng ta sẽ hạ cánh tại Phnom Penh". "Tôi và các hành khách vô cùng ngạc nhiên. Chưa bao giờ tôi nghĩ đi máy bay trong nước mà lại đáp ở nước ngoài", anh Trang kể.

12h30 máy bay hạ cánh xuống sân bay Phnom Penh nhưng tất cả phải ngồi lại trên khoang gần 2 tiếng. "Do ngồi trên máy bay và đang ở nước ngoài nên hầu như không ai có thể liên lạc với gia đình cũng như sắp xếp công việc", anh Trang kể và cho biết đến gần 15h thì máy bay về đến Tân Sơn Nhất.

Anh Trang chỉ là một trong số hàng ngàn hành khách bị hảnh hưởng bởi sự cố chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Bộ lưu và truyền tải điện (UPS) tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) bị hỏng đã khiến quyền điều hành bay của đơn vị này bị mất kiểm soát kéo dài.

Đài kiểm soát không lưu, với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là hướng dẫn đến máy bay nhằm giúp các máy bay tránh va chạm, đồng thời đảm bảo tính hoạt động hiệu quả của nền không lưu, nên điện lưới tại khu vực này phải được hoạt động xuyên suốt. Ngoài việc khó có thể xảy ra mất điện lưới tại khi vực này, để đảm bảo an toàn, nơi này còn được trang bị 3 UPS, 3 máy nổ để dự phòng. Mỗi UPS có khả năng cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành bay hoạt động

Theo nguyên lý, điện lưới đi qua UPS ngoài việc đảm bảo dòng điện ổn định, nếu xảy ra mất điện đột ngột, bộ UPS này sẽ tự động tiếp tục truyền tải điện để đảm bảo toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành không lưu hoạt động.

Tuy nhiên, vào 11h5 ngày 20/11, UPS thứ nhất tại AACC Hồ Chí Minh đột ngột bị hỏng. Chỉ vài giây sau đó, 2 hệ thống lưu điện chạy song song còn lại cũng tê liệt, dòng điện không thể chuyển tiếp tới các thiết bị điều hành không lưu dù điện lưới không hề mất. "Không hiểu vì sao cả 3 bộ lưu điện lại bị tê liệt cùng lúc", Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận. "Thông thường, 3 hệ thống UPS này luôn được bảo trì theo định kỳ và hoạt động đồng bộ. Nếu sập hệ thống đầu tiên, bộ lưu điện thứ hai sẽ vẫn hoạt động. Còn trường hợp hỏng cả hai bộ lưu điện đầu thì hệ thống thứ ba hỗ trợ".

1-1936-1416582881.jpg

Hệ thống radar ngưng hoạt động ngay sau khi bộ lưu điện bị hỏng. Ảnh: Đ.L.

Ông Thanh cũng cho biết sau khi cả 3 hệ thống lưu và truyền tải điện bị hỏng, toàn bộ các thiết bị trong hệ thống điều hành bay kể cả radar ngưng hoạt động khiến vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) mất quyền điều hành. Ngay sau đó, để tránh rủi ro, Công ty quản lý bay miền Nam đã tức tốc thông báo cho các đơn vị liên quan và nhà chức trách, đồng thời áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu và gấp rút khắc phục từng phần hệ thống kỹ thuật.

Các trung tâm kiểm soát đường dài lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh được thông báo sự cố để triển khai kế hoạch ứng phó. Ngoài ra, các cơ sở điều hành bay của Việt Nam được yêu cầu tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành. Còn các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất phải quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị…

Hơn 50 chuyến bay đang lượn lờ trên vùng bay TP HCM được chuyển hướng theo dõi sang Trung tâm ứng phó bay của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) ở Hà Nội qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội). "Hiện nay AACC ở TP HCM có thể điều hành được vùng thông báo bay (FIR) Hà Nội và TP HCM. Ngược lại ATCC ở Hà Nội cũng có thể điều hành được 2 FIR trên. Đây là sự hỗ trợ qua lại phòng khi rủi ro. Nhờ vậy, ngày hôm qua đã không xảy ra sự cố hy hữu nào", ông Thanh nói thêm.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhấn mạnh, nếu để một trung tâm điều hành cả 2 FIR trong thời gian dài sẽ gây khó theo dõi hệ thống. Công ty quản lý bay miền Nam buộc phải tìm mọi biện pháp kỹ thuật nhằm nhanh chóng khôi phục nguồn điện. Đến 11h40, các hệ thống thiết bị điều hành bay đã bắt đầu phục hồi. Đến 15h40, đã có 2 trong tổng số 3 thiết bị lưu điện hoạt động trở lại. Mãi đến trưa ngày 21/11, thiết bị lưu điện còn lại mới trở lại hoạt động bình thường.

Lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận đây là sự cố sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng. Cục hàng không sẽ bắt buộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam rà soát chặt chẽ lại hệ thống không chỉ về nguồn điện mà cả các thiệt bị liên quan trong hệ thống. Ngoài ra, Cục đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập đoàn điều tra sự cố với thành phần là các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật và kiểm soát không lưu. Đoàn có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức điều tra, xác minh và làm rõ nguyên nhân sự cố, đề xuất các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động bay. Toàn bộ thông tin sẽ được báo cáo lại trước ngày 29/11.

Thi Hà - Quốc Thắng

Đại biểu Lê Như Tiến: Chưa cán bộ cấp cao tham nhũng nào bị xử

"Công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai", Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói.

- Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền. Ông đánh giá như thế nào về những vi phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ?

- Những người khác làm những việc này đã không chấp nhận được, ông Trần Văn Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ - cơ quan thanh tra các cơ quan khác về thi hành pháp luật thì càng không thể chấp nhận. Đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng, lẽ ra ông phải gương mẫu nhất. 

Vụ ông Trần Văn Truyền có hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất là không minh bạch về tài sản, có những tài sản không thuộc về phạm vi, chế độ, tiêu chuẩn của mình nhưng vẫn xin mua, xin thuê. Thậm chí sau khi nghỉ hưu 3 năm ở quê rồi mới trả lại nhà công vụ. Nhà ở quê thì nói là do con cái đầu tư nhưng tôi cho rằng thực chất cũng là tài sản của ông Truyền. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy ông Truyền có tới 6 trường hợp về nhà, đất là quá nhiều so với những cán bộ thông thường và so với các bộ cao cấp khác.

Thứ hai là ông Truyền trước khi về hưu đã bổ nhiệm ồ ạt tới 60 cán bộ cấp vụ, phòng ở Thanh tra Chính phủ. Trong số đó có nhiều người không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, tạo ra cái họa, vì họ không có uy tín để làm việc, một số vẫn đang phải “nợ” tiêu chuẩn.

Tôi cho rằng cả chuyện nhà đất lẫn chuyện bổ nhiệm cán bộ ồ ạt như vậy chắc chắn có vấn đề, những dấu hiệu trục lợi đằng sau. Đồng thời, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, công tác bổ nhiệm cán bộ.

le-nhu-tien-5921-1414722239-8755-1416576

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng cần phải xử lý vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nếu không sẽ không bao giờ xóa được hoài nghi của nhân dân là "Phòng chống tham nhũng chỉ tắm từ vai trở xuống".

- Với những sai phạm đó trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc tiếp theo cơ quan chức năng cần làm để lấy lại lòng tin của nhân dân là gì, thưa ông?

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rõ ràng thì chắn chắc sau đó các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc. Tôi từng phát biểu trên Quốc hội, căn bệnh tham nhũng biệt thự và nhà công vụ là vấn đề hết sức lớn hiện nay. Khi cán bộ công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai. Lần này, nếu không xử nghiêm thì chúng ta không bao giờ xóa được hoài nghi của nhân dân là "phòng chống tham nhũng chỉ tắm từ vai trở xuống".

- Theo ông trách nhiệm của các địa phương như Bến Tre, TP HCM, nơi đã cấp đất, bán nhà cho ông Truyền là gì?

- Việc làm của tỉnh Bến Tre và TP HCM không phải là nể nang mà là làm sai, vi phạm pháp luật. Tôi đặt dấu hỏi là liệu có đi có lại hay không, như tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó? Đây là lỗi cả hai phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền. 

Vấn đề những cán bộ của TP HCM và Bến Tre do "nể nang" mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền là rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không? Cứ nể nang như vậy xã hội sẽ bị rối loạn.

Đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền có lỗi của cơ chế, công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Thực tế Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó vì Quốc hội là đơn vị phê chuẩn ông Truyền làm thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hiện nay, những thông tin trình lên Quốc hội đôi khi không đủ để xem xét một con người.

"Vì vậy, chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng, từ đó có cách khắc phục cả hệ thống hiện nay", ông Quyền nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá rất cao trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra trung ương trong vụ việc này. Theo ông Cương, kết luận hợp lòng dân đó là minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, khẳng định rằng không có vùng cấm cho bất cứ ai.

Ông Cương cho rằng, điều đáng tiếc là người tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng nhưng lại có những sai phạm như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên qua vụ việc này, những sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng đã lộ rõ.

"Tôi nghĩ rằng nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm mà được thực hiện nghiêm túc, do chính thanh tra Chính phủ tham mưu thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi", ông Cương nhận định và giải thích, kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương cho thấy quá trình thực hiện kê khai tài sản lần đầu và những lần sau đã không trung thực. Nếu nó được thực hiện trung thực thì các cơ quan đã phát hiện ra. Điều đó cũng cho thấy việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là một tiền lệ rất tốt, khẳng định Đảng, Nhà nước quản lý cán bộ không chỉ lúc đương chức mà còn cả khi đã về hưu, loại bỏ được tư tưởng "hạ cánh an toàn". Đây cũng là bài học lớn cho việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp trong phòng chống tham nhũng.

"Vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, giải quyết vụ việc này triệt để sẽ giúp lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng, đối với pháp luật. Sai phạm được phát hiện đến đâu phải được xử lý đến đó, như tài sản bất minh phải được thu hồi, tài sản có sai phạm một phần thì xử lý một phần", ông Cương chia sẻ.

Hoàng Thuỳ ghi

Theo Vnexpress