Tin Thế Giới

"Nó tìm thấy định hướng của cuộc sống ở Syria và dọc biên giới nước này", cha mẹ Kassig, ông bà Ed và Paula Kassig cho biết...

Thuốc dùng cho triệt sản ở Ấn Độ có chứa bả chuột

Thuốc phát cho những phụ nữ tham gia chương trình triệt sản hàng loạt ở Ấn Độ hôm 8/11 có thể chứa bả chuột.
2-5347-1416195214.jpg

Những phụ nữ tham gia trại triệt sản hàng loạt do chính phủ tổ chức chụp hình tại bệnh viện quận Bilaspur, bang Chhattisgarh, hôm 14/11. Ảnh: Reuters.

Cuộc kiểm tra ban đầu với lô thuốc kháng sinh Ciprocin, loại thuốc được phát cho những người tham gia trại kế hoạch hóa gia đình do chính phủ tổ chức tại thành phố Bilaspur, bang Chhattisgarh, hôm 8/11, có chứa phosphua kẽm, Reuters dẫn lời Siddhartha Pardeshi, giới chức thành phố, cho biết.

Hợp chất trên được dùng làm chất diệt các loài gặm nhấm như chuột, nhưng rất độc hại nếu con người nuốt phải với một lượng nhất định.

Sau khi uống thuốc và trở về nhà, nhiều nạn nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng huyết áp thấp, khó thở, nhức đầu, có dấu hiệu sốc. Có ít nhất 13 phụ nữ được phát thuốc đã tử vong. Hiện hàng chục người khác vẫn nằm điều trị tại bệnh viện. Những người tham gia triệt sản nhận được khoản tiền hơn 23 USD.

Bang Chhattisgarh đã kiểm tra những viên thuốc trên sau khi được thông báo rằng phosphua kẽm được tìm thấy tại nhà máy dược Mahawar gần đó. Mahawar đang nằm trong tâm điểm của cuộc điều tra, giám đốc sở y tế bang Chhattisgarh, ông Amar Agarwal, cho hay. Chính quyền bang đã thu giữ 200.000 viên Ciprocin 500 và hơn 4 triệu viên thuốc khác do Mahawar sản xuất.

Mẫu thuốc hiện đã được gửi tới phòng thí nghiệm ở thành phố Delhi và Kolkata để kiểm tra xem chúng có nhiễm chất gây ngộ độc như bản báo cáo ban đầu đưa ra. Ông Pardeshi hy vọng cuộc kiểm tra sẽ cho kết quả tương tự.

"Đó là những gì chúng tôi mong chờ. Những triệu chứng của bệnh nhân cũng phù hợp với việc nhiễm độc phosphua kẽm", ông Pardeshi nói.

Theo Guardian, Mahawar bị cấm hoạt động trong vòng 90 ngày vào năm 2012 sau khi công ty được phát hiện sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Mahawar vẫn không bị tước giấy phép.

Cảnh sát hiện đã bắt giám đốc điều hành công ty trên cùng con trai ông ta. Bác sĩ RK Gupta, người thực hiện các ca phẫu thuật triệt sản, cũng bị bắt giữ hồi tuần trước và hiện bị giam. Ông Gupta phủ nhận mọi trách nhiệm đã gây ra cái chết cho các phụ nữ Ấn Độ, và đổ lỗi cho thuốc.

"Tôi phẫu thuật suốt một thời gian dài và chưa từng có vấn đề gì xảy ra", bác sĩ Gupta nói với các phóng viên ở Bilaspur lúc bị bắt.

Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về số phụ nữ triệt sản. Tỷ lệ sinh ở Ấn Độ đã giảm xuống trong vài thập kỷ gần đây, nhưng tỷ lệ tăng dân số của quốc gia này vẫn đứng vào hàng nhanh nhất thế giới.

Bình Minh

 

Peter Kassig - người trẻ Mỹ dấn thân ở Trung Đông

Peter Kassig, con tin người Mỹ thứ ba vừa bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết, được gia đình và bạn bè nhớ đến là một người hết lòng với những người dân Trung Đông và anh tìm được ý nghĩa cuộc sống ở đây.
pe-9321-1416196545.jpg

Peter Kassig trong chuyến đi cứu trợ tại Trung Đông. Ảnh: Newsweek

Khi đang học đại học Butler, bang Indiana, Mỹ hồi năm 2012, Peter Kassig, 26 tuổi, lần đầu đến Trung Đông trong kỳ nghỉ mùa xuân và bị "vắt kiệt" bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo do xung đột ở Syria gây nên. Lúc tới các trại tị nạn ở bên ngoài Beirut, thủ đô của Lebanon, nơi có hàng trăm nghìn người Syria chạy đến lánh nạn, anh chứng kiến cuộc sống thiếu thốn đủ đường "trừ nỗi thống khổ".

"Tôi cố gắng sống cuộc sống của mình theo cách mà nó thể hiện những điều mà tôi tin tưởng, nhưng sự thật là phần lớn cuộc sống của tôi chỉ dành để tìm kiếm hướng đi mà tôi chưa tìm thấy. Giờ đây ở mảnh đất này, tôi đã tìm thấy mục tiêu của cuộc đời mình. Mỗi ngày ở đây tôi có thêm những câu hỏi và ít câu trả lời hơn, nhưng điều tôi biết là tôi có cơ hội để làm gì đó ở đây, thể hiện quan điểm và tạo nên sự thay đổi", Kassig, viết trong lá thư hồi tháng 3/2012, cho biết anh không trở lại lớp học để ở lại và giúp đỡ những người dân đang cần anh.

Trong 18 tháng tiếp theo, Kassig làm việc cật lực để giúp đỡ những người tị nạn ở Lebanon. Anh thành lập tổ chức Cứu trợ khẩn cấp đặc biệt và Ứng phó cùng Hỗ trợ (Sera) và chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm khác mà trẻ em và các gia đình ở miền đông Syria cố gắng thoát khỏi nơi chiến sự.

"Nó tìm thấy định hướng của cuộc sống ở Syria và dọc biên giới nước này", cha mẹ Kassig, ông bà Ed và Paula Kassig cho biết. 

Bác sĩ Ahmed Obeid, người gặp Kassig ở Lebanon nói với Los Angeles Times rằng: "Anh ấy tràn đầy mối thương cảm với mọi người và anh ấy cũng có những kỹ năng hữu ích. Anh ta rất can đảm". Kassig từng làm tình nguyện viên trong hoạt động cứu thương ở các bệnh viện tại tỉnh Deir Ezzour của Syria.

Ở Syria, nơi nhiều bác sĩ bỏ đi, Kassig lại đến để giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ và "tổ chức Sera của nó đã giúp sơ cứu người dân để họ có thể được cứu sống", bố mẹ anh cho biết. Trong thời gian ở Trung Đông, Kassig cải sang đạo Hồi và lấy tên là Abdul-Rahman Kassig.

Nhà báo Pháp Nicolas Henin, người được các phiến quân trả tự do hồi tháng 4, từng ở cùng buồng giam với Kassig. Ông nói cậu là người tình cảm, sẵn sàng chia sẻ phần ăn của mình cho bạn tù.

"Cậu ấy đến Trung Đông với sự tò mò lớn và quyết định ở lại. Peter chỉ thấy là mọi người ở đây cần giúp đỡ, chỉ thấy họ đang sống trong một thảm kịch. Có thể cậu ta không lường hết mức độ nguy hiểm nhưng cuối cùng Peter đã hoàn toàn sống thật với bản thân mình", Henin nói.

Tính đến tháng 10 vừa qua, hơn ba triệu người Syria phải rời khỏi đất nước do chiến sự, gần 1,5 triệu người sang Lebanon. Con số tăng lên từng ngày. Tổ chức Di cư của Liên Hợp Quốc (UNHCR) và các tổ chức nhân đạo khác không tiếp cận được hết con số hàng triệu người cần giúp đỡ.

Các phiến quân IS bắt cóc Kassig đầu tháng 10 năm ngoái, khi anh đang vận chuyển thuốc trong một chiếc xe cứu thương. Trong bức thư gửi cha mẹ hồi tháng 6, Peter nói về việc chơi cờ và vui đùa với bạn bè trong tù, họ tâm tình và chia sẻ ước mơ được trở về nhà với những người thân yêu. Cậu cũng bày tỏ nỗi lo sợ về cái chết và sống trong tình trạng không biết mình có bị hành quyết hay không.

"Chúng tôi biết nó cảm thấy như ở nhà khi ở cùng những người dân Syria. Chúng tôi tự hào về con trai của mình, vì nó đã sống theo tiếng gọi của trái tim", bố mẹ Peter nói.

Kassig là con trai duy nhất của ông bà Ed và Paula. Bố cậu là giáo viên dạy khoa học, mẹ là y tá hỗ trợ những người tị nạn ở Mỹ. Cậu từng tham gia quân đội thuộc Trung đoàn số 75 của Lực lượng Biệt kích Mỹ và được đưa đến Iraq trong 4 tháng. Kassig được về nhà vì lý do sức khỏe. Sau đó, anh được đào tạo làm một nhân viên cứu trợ y tế và học đại học. 

Nhà báo Mỹ Joshua Hersh kể lại lần gặp gỡ Kassig tại một quán cafe ở Beirut hồi tháng 9 năm ngoái. Ông nói việc anh can dự đến cuộc xung đột ở Syria kéo hẳn anh vào cuộc chiến tranh, ở thời điểm mà sự bất định khiến nhiều người quyết định rút lui.

"Trong khi bạn bè của anh đang uống bia ở các quán bar ở phố Gemmayze, Kassig lại chộp lấy cây gậy và leo lên núi. Anh đến thăm các trại tị nạn của người Palestine ở khắp Beirut và nghĩ cách làm sao đem năng lượng mặt trời và các vật dụng thiết yếu khác đến cho các cộng đồng bị bỏ rơi này", Hersh cho hay. 

Erin Cory, một người bạn của Kassig, gặp anh ở Beirut năm 2012, miêu tả Kassig là một thanh niên có làn da "như trẻ em", với hình xăm trên tay và giọng nói lớn. Cô thừa nhận mình từng nghi ngờ cậu dấn thân trong công việc cứu trợ nhưng Kassig đã hóa giải điều đó.

Hôm qua, các phiến quân IS công bố một video nói rằng chúng đã chặt đầu Peter Kassig, sau một loạt vụ hành quyết dã man các con tin phương Tây nhằm nêu yêu sách với chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama và các nước đồng minh.

"Nếu con chết, ít nhất bố mẹ và con có thể thoải mái khi biết rằng con ra đi là kết quả của việc cố gắng làm dịu bớt nỗi đau khổ và giúp đỡ những người đang hoạn nạn", Kassig nói với bố mẹ trong bức thư gửi họ hồi tháng 6 vừa qua.

Khánh Lynh

 

Putin cảnh báo nguy cơ thanh trừng sắc tộc ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir cho biết ông tin rằng sẽ có cách giải quyết đối với khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc thanh trừng sắc tộc tại quốc gia này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Đức hôm 13/11. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Đức hôm 13/11. Ảnh:Reuters.

"Liệu có thể tìm được một lối thoát cho tình hình hiện tại? Tôi tin là có", Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trong chương trình phỏng vấn phát sóng hôm qua trên truyền hình Đức. Ông chỉ trích chính phủ Ukraine đã dùng vũ lực thay vì đối thoại để đối phó với phe ly khai ở miền đông, khiến cuộc khủng hoảng nổ ra.

Kênh truyền hình ARD của Đức cho biết cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 30 phút diễn ra hôm 13/11 tại thành phố Vladivostok, Nga.

"Chúng tôi lo ngại cách thức đó có thể dẫn đến thanh trừng sắc tộc. Chúng tôi lo ngại sẽ có khuynh hướng hướng tới chủ nghĩa phát xít mới", Tổng thống Putin cho biết. "Đã xuất hiện những kẻ có biểu tượng chữ thập ngoặc trên tay áo và lực lượng vũ trang với biểu tượng SS trên mũ bảo hộ... Đây là lý do chúng tôi lo ngại sẽ có thay đổi theo hướng đó. Nó sẽ là thảm họa đối với người dân Ukraine".

Ông tin Ukraine có tương lai tươi sáng dù cần một khuôn khổ để toàn bộ những bộ phận thiểu số ở nước này cảm thấy thoải mái, rằng "tất cả cần cảm thấy Ukraine là ngôi nhà của họ dù có nói ngôn ngữ nào đi nữa".

Theo Putin, việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng 3 là hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp quốc tế và dân chủ bởi cả nghị viện khu vực cùng người dân đều đồng ý. Binh sĩ Nga được điều động tới bán đảo là để ngăn đổ máu và ông ngạc nhiên bởi phản ứng từ phương Tây.

Tổng thống Nga còn cho biết ông cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phối hợp hành động để xoa dịu tình hình ở Ukriane. "Điều đó nằm trong các lợi ích của chúng tôi... chúng tôi sẽ tìm kiếm một giải pháp chung và một khuôn khổ chính trị chung", ông nói.

"Sai lầm luôn xuất hiện trong công việc cũng như đời tư", Tổng thống Putin trả lời khi được hỏi ông đã từng phạm sai lầm bao giờ chưa. "Ai cũng mắc sai lầm. Điều quan trọng là phải phản ứng kịp thời, phân tích và hiểu rõ đó là sai lầm để thay đổi hành vi, không chịu mắc kẹt ở ngõ cụt mà phải hành động để tìm ra giải pháp".

Tổng thống Nga còn ca ngợi các mối quan hệ giữa Moscow với Berlin. Các lãnh đạo công nghiệp của Đức là những người phản đối mạnh mẽ nhất lệnh trừng phạt kinh tế mà Liên minh châu Âu áp đặt với Nga. Ông Putin cũng khẳng định quan hệ Đức - Nga chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và thật đáng tiếc nếu bỏ lỡ mối quan hệ này.

Như Tâm

Theo Vnexpress