Tin Tức Tổng Hợp

Sốt thường là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Về mặt y học, sốt cũng giúp cơ thể trẻ chống chọi với bệnh tật vì đó là một hiện tượng có lợi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh...

Đối phó với những cơn sốt ở trẻ nhỏ

Cởi bớt quần áo, cho uống nhiều nước, lau mát bằng cách dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt hai bên nách và hai bên bẹn, khăn còn lại lau khắp người.

Với trẻ em, sốt là một trong những dấu hiệu lâm sàng rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đôi khi sốt cũng xuất hiện do sự tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như thời tiết quá nóng nực, oi bức, phụ huynh ủ ấm bé quá kỹ, trẻ sốt sau tiêm chủng văcxin… Xác định rõ căn nguyên sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả hơn.

Cách xác định trẻ bị sốt

Bình thường nhiệt độ của cơ thể từ 36,5 đến 37,5 độ C. Trẻ em cũng có nhiệt độ tương đương người lớn nhưng do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sốt và sốt cao.

- Có thể nhận ra trẻ đang bị sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng.

- Nhìn thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường. Mắt trẻ không còn linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, bé có thể bị lạnh run, tăng tiết mồ hôi.

- Nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại (sốt nhẹ hoặc sốt cao): 

+ Nhiệt độ 37,5-38,5 độ C là sốt nhẹ.

+ Nhiệt độ 38,5-39 độ C là sốt vừa.

+ Khi nhiệt độ 39-40 độ C là sốt cao.

+ Nhiệt độ bé từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.

Sốt thường là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Về mặt y học, sốt cũng giúp cơ thể trẻ chống chọi với bệnh tật vì đó là một hiện tượng có lợi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh.

Cần cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm trẻ mất nước. Ảnh: Kim Anh.

Cần cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm trẻ mất nước. Ảnh: Kim Anh.

Nguyên nhân làm trẻ bị sốt

1. Nguyên nhân do nhiễm trùng rất thường gặp trong những tình huống sau:

- Nhiễm siêu vi: Là nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt ở trẻ em. Bệnh thường khỏi sau 7 ngày. Có rất nhiều loại siêu vi gây bệnh cho trẻ em nhưng nguy hiểm nhất là siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh thủy đậu.

- Nhiễm vi trùng: Thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản. Có thể là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như bệnh tả, bệnh kiết lỵ, bệnh thương hàn… hoặc những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm màng não do não mô cầu, nhiễm trùng máu…

- Một số tác nhân gây nhiễm trùng khác có thể làm trẻ bị sốt như nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm lao.

2. Nguyên nhân không do nhiễm trùng

- Tăng nhiệt độ do trẻ được ủ ấm quá kỹ.

- Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị sốt sau khi được tiêm chủng những loại văcxin trong năm đầu đời.

- Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, cha mẹ không nên quá lo lắng.

- Một số trẻ có thể bị sốt do thuốc, bệnh lý rối loạn miễn dịch, bệnh lý ác tính…

Chăm sóc đúng cách trẻ bị sốt tại nhà

1. Chăm sóc thiết yếu và cơ bản

Khi xác định trẻ bị sốt, cha mẹ nên cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ nên cho bé mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt. Một số phụ huynh mắc sai lầm khi thấy con mình vừa sốt vừa run, sợ con bị lạnh nên quấn nhiều quần áo, đắp nhiều chăn mền làm trẻ càng sốt cao và có thể làm bé bị co giật mà dân gian gọi là “làm kinh”.

Cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm bé mất nước, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng, theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế mỗi 4 giờ. Cho uống thuốc hạ sốt khi vượt 39 độ C. Thuốc được chọn lựa là Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô... Đây là những thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài 4-6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 mg-15 mg cho mỗi kg một lần uống, lặp lại sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3-4 lần một ngày, tổng liều tối đa không quá 60 mg một kg mỗi ngày.

Cha mẹ cần chú ý trẻ em trong nhóm tuổi 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt quá cao có thể bị co giật, cần hạ sốt tích cực cho trẻ.

Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, nhất là trẻ có tiền căn co giật do sốt cao, theo những bước sau:

- Cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt hai bên nách và hai bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37 độ C). Thông thường nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng 30-45 phút.

- Nếu trẻ khóc và phản đối việc đắp khăn ấm, cha mẹ có thể đặt bé ngồi vào thau nước ấm cho trẻ cảm thấy thoải mái, rồi dùng khăn lau vùng bẹn, vùng nách và khắp người cháu.

2. Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt

- Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt.

- Không nên dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt.

- Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát cho trẻ.

- Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não (hội chứng Reye).

- Tránh tâm lý “sốt ruột” cần cho trẻ hạ sốt nhanh nên vừa cho trẻ uống hạ sốt vừa nhét hậu môn cùng lúc vì sẽ gây tình trạng quá liều.

- Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực… mà vẫn không hạ nhiệt, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn. 

3. Những tình huống cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ C; trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức.

- Trẻ bị nôn tất cả mọi thứ; bị co giật hoặc bị sốt kèm tay chân lạnh run.

- Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn; không uống được bất cứ thứ gì.

- Trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; bé có dấu hiệu cổ cứng.

- Trẻ có dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc
Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM)

 

Mua vé điện tử, khách vẫn phải đến ga lấy vé

Hành khách đi tàu được đặt vé trên website, trả tiền qua mạng và ra ga lấy vé trước 4 tiếng khởi hành - theo khuyến cáo của ngành đường sắt.

Sáng 17/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố kế hoạch bán vé tàu Tết Nguyên đán từ 1/12 và hệ thống bán vé điện tử cho các đoàn tàu Bắc Nam từ ngày 21/11.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hệ thống bán vé điện tử là bước đổi mới của ngành đường sắt, hạn chế tình trạng trục lợi bán vé chợ đen, đảm bảo quyền lợi cho hành khách.

Picture-099-4194-1390207985-7084-1416203

Hành khách muốn mua vé điện tử nhằm giảm thời gian đi lại, chờ đợi tại các nhà ga. Ảnh:Bá Đô.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải (Tổng công ty Đường sắt) khuyến cáo hành khách đến ga lấy vé trước 4 giờ để tránh tình huống nhà ga quá tải vào thời điểm trước khi tàu khởi hành, hạ tầng đường sắt không đáp ứng nổi.

Lý giải về việc khách phải đến ga lấy vé, ông Hoạch cho biết, ngành đường sắt thiếu một số thủ tục pháp lý nên khách không thể tự in vé sau khi đã thanh toán trực tuyến và phải đến đầu năm 2016 mới có thể áp dụng hình thức này. 

Hệ thống bán vé trên website cho phép hành khách đặt chỗ muộn nhất 24h trước giờ tàu chạy. Sau thời điểm trên, hành khách phải tự đến ga mua vé. Với những hành khách muốn hủy vé tàu thì cần đến nhà ga làm thủ tục hủy vé trước 4 giờ sẽ được hoàn tiền cao hơn là sau 4 giờ.

Đề cập khả năng nghẽn mạng bán vé điện tử, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT - đơn vị cung cấp dịch vụ, cho biết, hệ thống bán vé tàu được FPT đầu tư hệ thống băng thông kết nối Internet lớn nhất, đảm bảo 2 triệu người truy cập website cùng lúc. Đơn vị này cũng ký kết với một số công ty bảo mật, an ninh mạng để xử lý các tình huống khi website bán vé tàu bị tấn công.

Hành khách đặt vé tại các website www.dsvn.vn; www.vietnamrailway.vn; www.vetau.com.vn. Sau khi nhập tên, mã tàu, ngày đi, hành khách chọn số ghế ngồi hoặc gường nằm, khai thông tin cá nhân, thanh toán tiền bằng thẻ ngân hàng và sẽ nhận được mã để lấy vé tại ga.

Hướng dẫn mua vé tàu điện tử

Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, từ ngày 8/2 đến 2/3/2015 (tức 20 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến 12 tháng Giêng năm Ất Mùi), mỗi ngày Tổng công ty Đường sắt tổ chức chạy 14 đôi tàu khách Thống Nhất với tổng số 12.000 chỗ các loại/ngày phục vụ chuyên chở hành khách từ Nam ra Bắc và ngược lại. Ngoài ra, trong các ngày Tết (30, mùng 1, 2, 3), Tổng công ty vẫn duy trì 5 đôi tàu Thống Nhất phục vụ hành khách về ăn Tết muộn, đi du lịch và đi chúc Tết.

Ngành đường sắt tổ chức chạy nhiều đôi tàu khách khu đoạn phục vụ hành khách như chạy 5 đôi tàu khách từ TP. HCM đến các ga: Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết với khoảng 3.000 chỗ/ngày; 17 chuyến tàu từ Hà Nội đi Vinh, Thanh Hóa với tổng số 10.500 chỗ; 4 đôi tàu Hà Nội – Lào Cai chạy hàng ngày với  4.500 chỗ.

Đoàn Loan

 

Gần 200 học giả quốc tế thảo luận về diễn biến ở biển Đông

Trong hai ngày hội thảo, gần 200 học giả trong và ngoài nước sẽ trao đổi, phân tích về những diễn biến gần đây, lợi ích và chính sách của các bên liên quan và "hiến kế" gìn giữ hoà bình, ổn định ở biển Đông.

Sáng 17/11, hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông đã khai mạc tại Đà Nẵng.

8 vấn đề lớn sẽ được các học giả đến từ Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc... trao đổi. Trong đó, trọng tâm là các phiên bàn về nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề biển Đông; tình hình chung ở biển Đông và chính sách của các bên liên quan; quan hệ quốc tế và trật tự ở biển Đông; Luật biển quốc tế...

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nói, những năm qua các học giả quốc tế cũng như trong nước đã nghiên cứu, kiến nghị nhiều chính sách giúp người dân hiểu rõ bản chất của tranh chấp, những đúng sai trong các diễn biến trên biển Đông.

IMG-3288-6022-1416196750.jpg

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định năm 2014 có lẽ là một trong những năm tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. "Tình hình càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế", ông nói.

Ông Quý mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tiếp tục phát huy tinh thần "thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị" để trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra kiến nghị mới nhằm đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Ông Myint Thu, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar - nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực" là rất kịp thời và phù hợp vì duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở biển Đông là mối quan tâm của tất cả cả thế giới.

"Trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trong vấn đề biển Đông", ông Myint Thu nói.

Ông cũng nhắc lại yêu cầu của các ngoại trưởng ASEAN về việc các bên liên quan cần kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và đẩy nhanh đàm phán để hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC. Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 vừa qua đã tiếp tục khẳng định mong muốn trên của ASEAN.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/11.

Nguyễn Đông

Theo Vnexpress