Tin Thế Giới

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng gồm những ca lây nhiễm Ebola trong nước, mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra còn có các vấn đề như chương trình Obamacare, số lượng trẻ em di cư vào Texas gia tăng, vụ bê bối tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ và bạo loạn sắc tộc ở Ferguson, Missouri.

Đảng Dân chủ gặp khó trong bầu cử giữa kỳ Mỹ

Đảng Cộng hòa đang có lợi thế trước đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử giữa kỳ nhằm quyết định các ghế trong Quốc hội Mỹ vào tuần tới.
 
2014-10-20T173338Z-819794923-G-4168-5288

Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc bầu cử sớm tại Illinois hôm 20/10. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào ngày 4/11, Mỹ sẽ bầu tất cả 435 ghế trong Hạ viện, 33 trong số 100 ghế Thượng viện và thống đốc của 36 bang và ba vùng lãnh thổ.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng gồm những ca lây nhiễm Ebola trong nước, mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra còn có các vấn đề như chương trình Obamacare, số lượng trẻ em di cư vào Texas gia tăng, vụ bê bối tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ và bạo loạn sắc tộc ở Ferguson, Missouri.

Theo Washington Post, đa số người dân nhận định khả năng đối phó với các vấn đề lớn của chính phủ đã giảm trong vài năm qua. Nhiều người đổ lỗi cho Tổng thống Obama và đảng Dân chủ hơn đảng Cộng hòa.

Tại thời điểm này, đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng Viện với 53 ghế, so với 45 ghế của đảng Cộng hòa và hai ghế độc lập từ Maine và Vermont. Như vậy, đảng Cộng hòa cần thêm 6 ghế để kiểm soát Thượng viện. 

Khi người dân được hỏi liệu họ sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, 50% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa và 44% nghiêng về phía đảng Dân chủ. FiveThirtyEight Politics cho rằng cơ hội thắng cử của đảng Cộng hòa tại Thượng viện hiện là 62,3%, trong khi cơ hội của đảng Dân chủ chỉ là 37,7%.

Theo Economist, đảng của tổng thống đương nhiệm luôn không dành được ưu thế trong bầu cử giữa kỳ. Bill Clinton là tổng thống duy nhất kể từ năm 1945 không mất ghế Thượng viện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Ông Clinton từng nói yếu tố kinh tế quan trọng hơn tất cả mọi thứ.

Trong kỳ bầu cử lần này, nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm và chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, những điều này khó có thể giành ưu thế về cho đảng Dân chủ, vì người dân vẫn không cảm thấy an tâm.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ cũng là một cách để trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm đối với đương kim tổng thống. Một thăm dò dư luận của Washington Post ABC News cho thấy mức tín nhiệm Tổng thống Obama là 43% và mức bất tín nhiệm của ông là 51%. Ông Obama đã bắt đầu chiến dịch bầu cử thay mặt các ứng cử viên thống đốc, nhưng ông tránh xuất hiện ở những tiểu bang đang cạnh tranh ghế vào Thượng viện. Ở các bang này, các ứng cử viên cũng tìm cách giữ khoảng cách với tổng thống.

Cũng trong cuộc thăm dò dư luận kể trên, trong số những người cho biết ông Obama sẽ là nhân tố trong quyết định bầu cử của họ, tỷ lệ cử tri cho biết họ sẽ sử dụng lá phiếu của mình để bày tỏ sự bất tín nhiệm với tổng thống cao hơn 10 điểm so với số người ủng hộ ông.

Các cử tri đảng Cộng hòa cũng nhiệt tình hơn về việc bầu cử so với những người từng bầu cho ông Obama, ước tính dựa trên những người cho biết họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu. Các cử tri từng ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012 cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử.

Nếu đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ chiếm số đông trong Quốc hội. Tổng thống Obama và đảng của ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thông qua các chính sách vì có thể vấp phải phản đối từ những nghị sĩ này.

Phương Vũ

Nhà nước Hồi giáo là cục nam châm hút chiến binh nước ngoài

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ước tính 15.000 tay súng nước ngoài từ hơn 80 nước đã tìm cách tới Syria và Iraq để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đồng thời cảnh báo con số này còn tiếp tục tăng.
 
000-nic6337818-si-8484-1414810360.jpg

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễu hành ở thành phố Homs, phía bắc Syria, hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Những phát hiện mới được phái đoàn Australia tại Liên Hợp Quốc, giữ vị trí chủ tịch Ủy ban Trừng phạt al-Qaeda của Hội đồng Bảo an, công bố hôm 30/10, VICE cho hay. Báo cáo từ phái đoàn Australia cảnh báo rằng "tầm trải rộng của các tay súng lớn hơn rất nhiều so với trước đây" và "gồm nhiều quốc gia chưa từng đối mặt với những thách thức liên quan đến al-Qaeda".

Phần lớn các tay súng tại Syria đến từ hơn 80 quốc gia tại Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu, một phần đến từ Mỹ và những phần còn lại ở châu Á. Hội đồng Bảo an cảnh báo sự xuất hiện các tay súng từ "những quốc gia vừa và nhỏ" là "quan trọng, cho thấy rủi ro trong tương lai ở biên giới liên quan tới al-Qaeda có thể dính dáng đến vài người trong những cá nhân này".

Ủy ban Trừng phạt al-Qaeda được thiết lập vào năm 1999 để theo dõi các hoạt động của al-Qaeda và những nhóm tách ra từ tổ chức khủng bố này, trong đó có Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tên viết tắt là IS, ISIS hoặc ISIL.

Báo cáo ước tính có khoảng 15.000 tay súng nước ngoài gia nhập IS, gần giống với số liệu từ tình báo Mỹ và Anh trước đó. Randy Blake, cố vấn chiến lược cao cấp tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, trong tuần phát biểu trước một ủy ban an ninh rằng "mức độ (chiến binh nước ngoài) tới Syria lớn hơn so với mức độ tới Afghanistan trước khủng bố 11/9"

Giới chức Mỹ tin rằng có khoảng 2.000 tay súng phương Tây đang ở Syria, trong số này có 700 tên đến từ Pháp, 500 tên đến từ Vương quốc Anh và 400 từ Đức.

Báo cáo cho biết dù khả năng của những kẻ đứng đầu al-Qaeda không còn mạnh như trước nhưng tư tưởng cực đoan vẫn được khuếch tán, lan rộng thông qua mạng Internet và mạng xã hội. IS đã vượt qua al-Qaeda, đạt tới khả năng tuyển mộ thành viên qua mạng xã hội nhờ Trung tâm Truyền thông Al Hayat, nhánh tuyên truyền của nó.

"Trong khi thông tin đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của IS được thiết kế để tiếp cận người xem phổ thông, kết hợp với những hình ảnh tra tấn và giết người, thì al-Qaeda vẫn tiếp tục đưa ra những thông điệp dài dòng và khoa trương từ tên thủ lĩnh al-Zawahiri", báo cáo có đoạn. "Video mới nhất của hắn dài 55 phút. IS chỉ viết những dòng tuyên truyền khủng bố không quá 140 ký tự".

IS chính thức tách khỏi al-Qaeda vào tháng 2, tuy nhiên, Ủy ban của Liên Hợp Quốc vẫn cảnh báo không nên xem đây "là dấu hiệu cho thấy IS từ bỏ tư tưởng của al-Qaeda". Một nhánh khác của al-Qaeda đang hoạt động ở Syria, được tình báo Mỹ gọi là Khorasan, cho thấy "tổ chức này vẫn hứng thú lên kế hoạch những đợt tấn công mới".

Chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria bắt đầu hồi tháng 9 nhằm vào nhóm này. Nó là một phần trong chiến dịch có quy mô lớn hơn, được mô tả là tiêu diệt IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, chiến dịch của Mỹ tác động rất ít đến dòng chiến binh gia nhập IS và thực tế có thể ngược lại.

Hội đồng Bảo an những tháng gần đây đã tổ chức nhiều phiên họp về "hiện tượng chiến binh nước ngoài", bao gồm một phiên do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì trong Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Tại đây, một nghị quyết đã được thông qua, yêu cầu các quốc gia có biện pháp ngăn các tay súng đi qua hoặc đi từ lãnh thổ của họ.

Như Tâm

Phát hiện 32 triệu USD tiền mặt tại nhà quan tham Trung Quốc

Trung Quốc hôm qua chính thức xác nhận thông tin về việc tịch biên số tiền trị giá 32 triệu USD từ nhà riêng của một quan chức cấp cao nước này hồi tháng 5.
Xi-1492-1414808304.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định không ai có thể miễn nhiễm trước chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mà ông đang thực hiện. Ảnh: Reuters

Theo AP, Ngụy Bằng Viễn, vụ phó vụ than đá thuộc Cục Năng lượng Trung Quốc, giữ rất nhiều tiền tại nhà. Bốn trong số 16 máy đếm tiền được sử dụng đã bị hỏng trong khi kiểm tra tổng số tiền tịch thu được của Ngụy. Nếu tất cả số tiền đều là đồng 100 tệ và xếp chồng lên nhau thì nó sẽ cao đến 200 mét, bằng khoảng hai phần ba chiều cao của tòa tháp Eiffel, và nặng hơn 2 tấn. Đây là số tiền lớn nhất thu giữ được từ một quan chức chính phủ tính ở Trung Quốc.

Ông Ngụy bị điều tra từ hồi tháng 5 vì những cáo buộc liên quan đến việc nhận hối lộ sau khi người ta phát hiện ra khoản tiền trên tại tư gia của ông. Ông Từ Tiến Huy, công tố viên chống tham nhũng cấp cao, hôm qua lên tiếng xác nhận thông tin trong một cuộc họp báo.

"Họ không chỉ soạn thảo chính sách kinh tế vĩ mô mà còn có thẩm quyền phê duyệt các dự án", ông Từ nói với các phóng viên. "Họ trực tiếp kiểm soát lợi ích của nhiều công ty. Họ dễ thực hiện hành vi tham nhũng bởi những đặc quyền trong tay".

yuan-set-top-6170-1414813278.jpg

Nhà điều tra sử dụng tới 16 máy, bốn trong số này bị hỏng trong quá trình đếm tiền ở nhà quan tham. Ảnh minh họa.

Chủ tịch Tập Cận Bình khi nhậm chức hứa sẽ giải quyết vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc. Ông cảnh báo chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn sẽ nhắm vào cả "hổ" lẫn "ruồi", ám chỉ rằng không ai, ngay cả những thành viên cấp cao trong đảng, có thể được miễn trừ trước cuộc truy quét này.

Bắc Kinh đã xét xử hơn 13.000 công chức vì các tội danh liên quan tới tham nhũng và nhận hối lộ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014. Một số nhân vật quyền lực trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, trong đó có tướng Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đảng Cộng sản và ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cũng đang bị điều tra.

Vũ Hoàng

Theo Vnexpress