Tin Trong Nước

18h30 tối 1/11, Sở Y tế Đà Nẵng đã phát thông báo khẩn gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur Nha Trang và các ban ngành địa phương, về việc xử lý trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola. "Trường hợp này phải xử lý như một bệnh nhân Ebola", bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế, nói trong cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan.

Đà Nẵng phát thông báo khẩn về ca nghi nhiễm Ebola

Ngoài việc cách ly để điều trị, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân vừa từ Guinea về Việt Nam đã được cán bộ y tế Đà Nẵng đi máy bay ra giao tận tay cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở Hà Nội làm xét nghiệm.

18h30 tối 1/11, Sở Y tế Đà Nẵng đã phát thông báo khẩn gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur Nha Trang và các ban ngành địa phương, về việc xử lý trường hợp nghi nhiễm vi rút Ebola. "Trường hợp này phải xử lý như một bệnh nhân Ebola", bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế, nói trong cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan.

Lúc 10h30 sáng cùng ngày, phòng cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Ch. (26 tuổi, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị sốt. Anh sống và làm việc tại Guinea 2 năm nay. Năm ngày trước, anh về Việt Nam, quá cảnh qua Marrocco và Qatar trước khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), sau đó bay ra Đà Nẵng thăm bạn.

Bệnh nhân được chuẩn đoán đã sốt 2 ngày, chưa rõ nguyên nhân. Do đi về từ vùng có dịch Ebola nên theo quy định phải lập tức chuyển vào bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Bệnh nhân được chuyển bằng ô tô đến khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện Đà Nẵng - nơi cách ly điều trị bệnh Ebola của thành phố. Trung tâm y tế dự phòng thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực khám cách ly bệnh nhân.

giam-sat-benh-tai-san-bay-Da-N-9137-8693

Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đặt thiết bị đo thân nhiệt hành khách bay đến từ vùng có dịch Ebola. Ảnh: Nguyễn Đông

"Ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm, một cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng đã bắt máy bay mang theo hộp mẫu ra Viện dịch tễ trung ương để làm xét nghiệm. Ông Viện trưởng đã chờ sẵn ở sân bay Nội Bài để tiếp nhận mẫu này, hy vọng có kết quả sớm", bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói và cho biết người bạn tiếp xúc với bệnh nhân cũng đang được giám sát bệnh.

Bác sĩ Yến cho biết, bệnh nhân có uống thuốc hạ sốt và sốt từng cơn, nên có thể khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất lực lượng hải quan đã không kiểm tra được triệu chứng này. Khu vực điều trị bệnh cho bệnh nhân ở bệnh viện Đà Nẵng là nơi riêng biệt, ở tầng trên cùng và tách biệt với các bệnh nhân y học nhiệt đới khác nên theo bà, người dân không nên quá lo lắng.

"Hy vọng là bệnh nhân bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên vẫn không loại trừ việc bệnh nhân vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị Ebola nhưng tỷ lệ rất thấp. Bây giờ phải chờ kết quả xét nghiệm của Viện dịch tễ trung ương. Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều mang đồ bảo hộ", bà Yến nói. Đây là ca nghi nhiễm Ebola thứ hai ở Việt Nam, sau trường hợp trước ở TP HCM.

Trao đổi với VnExpress lúc 22h tối 1/11, bác sĩ Phạm Hùng Chiến cho biết, theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhân Ch. ban đầu được xác định bị sốt rét, nên việc điều trị tập trung theo hướng dành cho bệnh này. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi kết quả này, đồng thời chờ kết quả xét nghiệm Ebola từ mẫu bệnh phẩm vừa gửi đến Viện dịch tễ trung ương trong vòng hai ngày tới", ông Chiến nói. Bệnh nhân đang được cách ly nghiêm ngặt

Trước đó, Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng đã được giao nhiệm vụ khẩn trương điều tra, xác định những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân trên kể từ khi người này có dấu hiệu sốt, phối hợp với bệnh viện Hoàn Mỹ xác định nhân viên y tế trực tiếp tiếp nhận, thăm khám và xét nghiệm máu của bệnh nhân để có những biện pháp theo dõi, phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola.

Ông Chiến cũng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM xác định các chuyến bay và hành khách ngồi gần bệnh nhân để phối hợp triển khai các biện pháp theo dõi theo đúng quy định. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất để cách ly, chẩn đoán, điều trị cho người mắc bệnh do vi rút Ebola.

Ghi nhận tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân Ch. đã sốt 2 ngày, người mệt mỏi và khát nước nhiều. Bệnh nhân không ho, không khó thở; mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 40,5 độ C; huyết áp 140/80 mmHg; nhịp tim đều, phổi âm phế bào nghe rõ 2 trường phổi, bụng mềm, gan lách không lớn, không có điểm đau khu trú và họng không có tổn thương.

Nguyễn Đông

Cảnh sát truy quét người nghiện tại trung tâm Sài Gòn

Nam thanh niên ngồi xụp dưới gốc cây trong Công viên 23/9 vội nhét một vật vào người khi thấy bóng cảnh sát tiến tới. Bước nhanh, song anh này bị đưa về phường khi lực lượng chức năng tìm thấy ống tiêm còn loang máu trong túi quần.

Buổi sáng cuối tuần, Công viên  23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) tấp nập người đi lại. Tại các ghế đá, nhóm sinh viên tụ tập cười nói vang cả một khu. Phía ngoài, hai cảnh sát cùng nhiều bảo vệ đi xe máy rề rề tuần tra, chốc chốc dừng lại quan sát. Khu vực này hơn một tháng trước là điểm "nóng" của tệ nạn ma tuý khi luôn có hàng chục người công khai hút chích.

nghien-ma-tuy-3724-1414832382.jpg

Nam thanh niên bị kiểm tra trong túi có ống kim tiêm. Ảnh: Quốc Thắng.

Gần trưa, nam thanh niên khoảng 20 tuổi lê bộ dưới lòng đường Phạm Ngũ Lão, dáo dác nhìn quanh rồi tiến đến một gốc cây cạnh công viên. Đang lúi húi, phát hiện bóng công an đến gần, người này nhét vội một vật vào túi toan bỏ đi thì bị chặn lại. Tổ công tác tìm thấy một ống tiêm còn loang ít máu trong người nam thanh niên. Không chối cãi, anh này nói từng lời rời rạc, mắt lờ đờ: "Em mua hàng của mấy anh hay chơi ở đây rồi độp luôn".

Sau khi đưa người này về phường, tổ công tác phát hiện nam thanh niên đeo chiếc ba lô sau lưng vừa bước xuống từ xe buýt có bộ điệu khả nghi. Anh ta cúi gằm, giấu ánh mắt đỏ ngàu dưới vành mũ lưỡi trai khi nép mình vào gốc cây cạnh bến đỗ xe buýt. Khu vực này từng có người đứng chờ xe bị nhóm nghiện trong công viên ra xin tiền.

Không xuất trình được giấy tờ tuỳ thân khi bị tổ công tác của phường Phạm Ngũ Lão yêu cầu, người này sau một lúc cự lại cũng phải theo họ về trụ sở vì bị tình nghi mua bán ma tuý. "Em nghiện, đón xe lên đây mua hàng nhưng không thấy người quen nên đứng đó nghỉ chứ có làm gì đâu", người này phân trần khi làm việc ở phường.

“Người nghiện dễ nhận ra lắm, ngoài biểu hiện bất thường thì họ là những người thích xăm trổ và có nhiều vết thâm đen ở tay, chân", một thành viên tổ công tác nói và cho biết trong buổi sáng đã có gần 20 trường hợp bị mời về trụ sở để làm việc. 

congvien1-4155-1414758798.jpg

Nam thanh niên thừa nhận "đang tìm mua ma tuý" bị kiểm tra đưa về trụ sở. Ảnh: Quốc Thắng.

"Từ ngày cảnh sát ra quân mạnh tay, công viên không còn cảnh người nghiện tụm năm tụm ba vật vờ, xin đểu nữa. Người dân đến đây chơi đông hơn nên tui cũng bán được nhiều hơn", bà Sáu bán nước trên xe đẩy cạnh công viên, móm mén nói.

Đưa cháu nội hơn một tuổi vào công viên hóng mát, ông Trung (65 tuổi) cho biết nhà ở gần đây nên gần một tháng nay ngày nào hai ông cháu cũng vào công viên chơi. "Lúc trước đâu có dám, mỗi lần có việc đi ngang qua đây là thấy ớn khi mấy ông nghiện ma tuý chích hút công khai rồi vứt kim tiêm bừa bãi. Đã thế họ còn hăm doạ để xin tiền", ông Trung nói.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão - để lập lại trật tự địa bàn trung tâm thành phố, nơi có nhiều người dân và du khách nước ngoài vui chơi, phường đã kết hợp với Công an quận 1 cùng các lực lượng khác như Thanh niên xung phong, bảo vệ công viên… liên tục tuần tra dẹp nạn tụ tập hút chích. Những người nào có dấu hiệu nghi vấn đều bị kiểm tra. Nếu bị bắt quả tang thì tuỳ từng hành vi hút, chích hoặc tàng trữ ma tuý thì người đó sẽ bị lập biên bản xử lý.

Từ đầu tháng 10, lực lượng này đã đưa khoảng 100 người có dấu hiệu nghiện ma tuý tụ tập trong Công viên 23/9 và có dấu hiệu nghi vấn về phường để làm việc. Tuy nhiên, chỉ có 25 người bị lập biên bản hành chính về việc sử dụng ma tuý do xác định được nơi ở và công an phường đã gửi thông báo về địa phương. 7 trường hợp là người lang thang cơ nhỡ được chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội; số còn lại là những người nghiện không xác định được nơi ở nên công an không thể xử lý do vướng Luật xử lý vi phạm hành chính.

congvien3-7528-1414758798.jpg

Ông Trung và cháu nội chơi đùa trong công viên. Ảnh: Quốc Thắng.

Trao đổi với VnExpress, Trung tá Nguyễn Nhật Thành, Đội trưởng đội CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 1 thừa nhận đây là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Những người nghiện tụ tập, lang thang trong công viên rất dễ phát sinh ra tội phạm. Khi thiếu tiền mua thuốc, những người này dễ dẫn đến các hành vi 'xin đểu' hoặc trộm cắp, cướp giật.    

Trước thực trạng này, Ban chỉ huy Công an quận 1 đã chỉ đạo các lực lượng hình sự, ma tuý phối hợp với công an phường thay nhau tuần tra kiểm soát an ninh. Nhất là thời điểm buổi trưa hoặc sau 0h bởi đây là những lúc vắng người, tội phạm sẽ lợi dụng để hoạt động mạnh. Thời gian vừa qua, công an quận 1 đã bắt hơn 20 nghi can trộm cắp, cướp giật và không ít người trong đó là nghiện ma tuý.

"Sắp tới chúng tôi sẽ ra quân quyết liệt hơn và cần sự phối hợp đồng bộ và triệt để của nhiều lực lượng. Do là khu vực công cộng, đã có nhiều trường hợp bắt hết nhóm này thì nhóm khác lại kéo đến nên việc truy quét tội phạm cần phải liên tục mới đảm bảo được trật tự", trung tá Thành nói.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP HCM - thành phố đang bế tắc trong việc xử lý người nghiện do những thủ tục mà Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực hồi đầu năm, rất khó thi hành.

Ông Minh phân tích, luật này quy định về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... là rất phức tạp. Quy định trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương 3-6 tháng. Tiếp đó, nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm có dương tính với chất gây nghiện được đưa ra tòa án quyết định.

"Trong khi đó, thực tế gia đình của người nghiện không ở thành phố, còn tổ chức xã hội lại không quy định là tổ chức xã hội nào hay phải lập thêm một tổ chức mới. Hồi đầu tôi cũng tưởng điều này là đơn giản lắm nhưng khi bắt tay vào làm thì thấy rất phức tạp", ông Minh nói.

Theo ông Minh, đây chính là lý do khiến lượng người nghiện ở TP HCM ngày càng tăng cao chứ không dừng lại 19.000 người như số liệu mới thống kê gần đây. "60% trong số họ là người từ các tỉnh nhập cư vào thành phố, không có địa chỉ quản lý. 75% không có việc làm thì nguồn tài chính ở đâu để phục vụ việc nghiện. Tôi không quy chụp nhưng có thể vì thế mà họ đi chiếm đoạt tài sản của người khác", Tướng Minh nói.

Ngày 31/10, lãnh đạo TP HCM đã chốt phương án trình Quốc hội về công tác cai nghiện tại TP HCM mà không đi ngược lại với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Quốc Thắng - Vũ Mai

Nam sinh lớp 7 cứu người trong lũ được tuyên dương

Thấy bạn chới với dưới dòng nước xiết, cậu học trò dáng người nhỏ thó vội lao theo nắm lấy áo mưa cứu bạn lên bờ.

Ngày 1/11, ông Hà Huy Hùng, Bí thư huyện đoàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết vừa tổ chức lễ trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho em Lê Thành Đạt (học sinh lớp 7C, Trường THCS Phan Đình Giót, xã Cẩm Quan) vì đã có hành động dũng cảm cứu bạn trong lũ.

d2-3926-1414830626.jpg

Ban thường vụ Huyện đoàn Cẩm Xuyên trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Lê Thành Đạt. Ảnh: Huyện đoàn Cẩm Xuyên.

Hồi đầu tháng 10, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xảy ra mưa lớn khiến nước ở các sông hồ dâng cao gây ngập cục bộ. Sáng 6/10, Đạt cùng hai người bạn là Lê Thị Thơm, Lê Thị Diễm (học sinh lớp 9) đội mưa tới trường. Khi đi ngang khu vực Cầu Tráo (xã Cẩm Quan), do đi sát mép nên Thơm bị trượt bánh xe rồi rơi xuống dòng nước xiết.

Ngay lập tức Đạt quăng cặp sách và xe, lao theo dòng nước cứu bạn. Nắm được vạt áo mưa của Thơm, Đạt kéo bạn đưa vào bờ an toàn.

“Thấy bạn gặp nguy hiểm, em không nghĩ gì mà lao. Khi cả hai lên bờ em mới thấy hoảng sợ”, nam sinh lớp 7 có nước da ngăm đen, thân hình nhỏ thó kể lại khoảnh khắc đối diện với lũ dữ cứu bạn. Cậu bé cho hay, do nhà gần sông nên em biết bơi từ khi mới lên 6 tuổi.

Nói về hành động dũng cảm của cậu học trò, cô chủ nhiệm Trần Thị Hồng cho hay, Đạt rất xứng đáng với huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Trong lớp Đạt là học sinh ngoan hiền, học đều các môn và có năng khiếu đặc biệt về môn Toán.

Hành động dũng cảm của Đạt cũng được lãnh đạo Trường THCS Phan Đình Giót và cơ sở Đoàn các cấp tuyên dương, khen thưởng.

Đức Hùng

 

Theo Vnexpress