Tin Trong Nước

Chia sẻ khó khăn, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cũng cho rằng hiện nay Bộ Giáo dục chưa ban hành quy chế riêng cho các trường chuyên biệt nên trường vẫn phải dạy trẻ khuyết tật từ chương trình phổ thông. ..

Tài xế xe khách trả hơn 60 triệu đồng nhặt được

Nhặt được ví tiền hơn 60 triệu đồng của khách trên tuyến xe Gia Lai đi Hà Nội, tổ lái của một nhà xe đã báo với cơ quan chức năng để trả lại số tài sản này cho chủ nhân.

Sáng 3/9, Sở Giao thông vận tải Gia Lai đã tặng giấy khen cho tổ lái gồm các tài xế Lê Đức Quận (49 tuổi), Phạm Văn Duy (38 tuổi) và phụ xe Bùi Hữu Hải (22 tuổi) đã nhặt được số tiền trên 60 triệu đồng và một số tài sản nhưng kịp thời trao trả lại cho hành khách. Ba tài xế trong tổ lái này cũng được nhà xe thưởng mỗi người 1 triệu đồng.

khen-thuong-7167-1412325130.jpg

Các tài xế xe khách được Sở giao thông Gia Lai tặng bằng khen. Ảnh: Lam Hồng.

Trước đó, ngày 30/9, trên tuyến đi Gia Lai – Hà Nội, khi đến địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổ lái phát hiện một chiếc ví của hành khách làm rơi trên xe. Kiểm tra thấy có nhiều tiền và hiện vật, các tài xế đã báo về tổng đài nhờ liên hệ với cơ quan chức năng để tìm hành khách mất tài sản.

Theo thông tin trên vé xe, cơ quan chức năng đã tìm được anh Nguyễn Văn Thế ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh Thế đang trên đường về thăm quê thăm nhà, đến TP Vinh (Nghệ An) thì xuống xe và đánh rơi chiếc ví cùng một số tài sản khác. Cơ quan chức năng đã trao lại toàn bộ tài sản cho vị khách.

Lam Hồng

Học sinh chuyên biệt thiếu trầm trọng kỹ năng sống

"Chương trình giáo dục học sinh chuyên biệt chủ yếu cung cấp kiến thức nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết để các em sống tự lập sau khi ra trường", hiệu trưởng trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Hà Thanh Vân, nói.

Tại buổi hội nghị về giáo dục chuyên biệt được tổ chức ngày 2/10 tại Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM, bà Vân cho biết, hiện nay tất cả học sinh chuyên biệt, trong đó có nhiều em bị dị tật khác nhau, đều phải học một chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo thiết kế, bất kể tình trạng, khả năng học tập và độ tuổi của các em. Trong đó có nhiều trẻ đa khuyết tật hoặc vừa bị khuyết tật lại vừa bị kém khả năng tiếp thu nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bắt kịp chương trình. 

Đặc biệt, chương trình học của Bộ hiện nay phần lớn trang bị kiến thức hơn là kỹ năng sống. Vì thế, nhiều trẻ sau khi hoàn thành chương trình không học tiếp lên bậc trung học hoặc CĐ, ĐH phải quay về với gia đình và không thể tự lo cho bản thân được, kể cả sinh hoạt cá nhân. "Trong khi đó mục đích chính của giáo dục chuyên biệt là giúp các em có thể tự lập, tự lo được cho bản thân", bà Vân nói.

5-JPG-660x0-7521-1412232214.jpg

Học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đang được giáo viên hướng dẫn sử dụng các vật dụng cần thiết. Ảnh: Nguyễn Loan.

Theo bà Vân, mỗi trường chuyên biệt cần phải tìm ra cho mình một chương trình và phương pháp phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Lấy ví dụ về "Chương trình chuyển tiếp" từ nhà trường về gia đình cho trẻ khuyết tật, bà Vân cho rằng học sinh chuyên biệt sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản như tự phục vụ bản thân, lau dọn nhà cửa, nấu cơm; làm được những nghề đơn giản như giặt ủi, massage; tự định hướng đi lại.

Chia sẻ về kinh nghiệm giáo dục trẻ hòa nhập, bà Bùi Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ (quận 7) - cho biết, sau khi tiếp nhận, trường đã tìm hiểu nhu cầu, năng lực của từng em và xây dựng mục tiêu giáo dục cá nhân cho từng em. 

Trẻ khuyết tật được tham gia sinh hoạt với các bạn bình thường. Mỗi ngày những học sinh này được giáo viên hỗ trợ riêng tại phòng can thiệp sớm và trong từng giờ học. Những kỹ năng sống đơn giản như thay đồ, rửa mặt, xúc ăn, mang giày dép... đều được giáo viên huấn luyện ngay tại trường.

Chia sẻ khó khăn, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cũng cho rằng hiện nay Bộ Giáo dục chưa ban hành quy chế riêng cho các trường chuyên biệt nên trường vẫn phải dạy trẻ khuyết tật từ chương trình phổ thông. 

Đại diện Sở cho biết thêm, việc xác định độ tuổi để ra trường cho học sinh khuyết tật nặng cũng chưa có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Quy mô lớp, nghĩa vụ giảng dạy của giáo viên cũng chưa được xác định cụ thể.

Về chất lượng của chương trình, ông Đạt cho rằng, một trong những tồn tại lớn của giáo dục chuyên biệt hiện nay là không thống nhất ở các trường và hiệu quả chưa cao. Công tác hướng nghiệp và kỹ năng sống cho học sinh ở nhiều trường còn gặp khó khăn. Trong khi đó, số lượng học sinh chuyên biệt đang ngày càng tăng.

Phó giám đốc Sở hứa sẽ kiến nghị lên Bộ Giáo dục về việc ban hành sách giáo khoa cho từng dạng khuyết tật và cần có văn bản cụ thể cho việc thực hiện các quy định, chính sách hỗ trợ kinh tế cho các trường chuyên biệt.

Nguyễn Loan

7 người chết trong căn nhà ở Sài Gòn do xe máy phát cháy

Lửa được cho là phát ra từ xe máy nằm sát cửa chính, lan vào bảng điện và các vật dụng dễ cháy rồi bùng lớn làm 7 người chết ngạt trong căn nhà trên đường Nguyễn Trãi, TP HCM.
 

Chiều 3/10, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết, sau gần 3 tuần xảy ra vụ hỏa hoạn làm chết 7 người trong căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5), cơ quan chức năng đã hoàn tất công tác điều tra ban đầu. 

Theo người đứng đầu Cảnh sát PCCC TP HCM, lửa bùng lên đầu tiên từ chiếc xe máy nằm ngay cửa căn nhà, sau đó lan sang bảng điện và bén vào các vật dụng làm tóc. Lửa bùng lớn nhanh chóng khiến 7 người trong căn không thể thoát được và chết ngạt. "Cần phải chờ giám định chính thức từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM chúng tôi mới đưa ra kết luận cụ thể", Đại tá Bửu nói.

Xe máy bốc cháy khiến lửa bùng nhanh làm 7 người trong nhà chết ngạt. Ảnh: An Nhơn

Xe máy bốc cháy khiến lửa bùng nhanh làm 7 người trong nhà chết ngạt trước khi bị cháy. Ảnh: An Nhơn

Căn nhà gặp nạn là nhà ống, chỉ có một cửa chính, không có lối thoát hiểm trong khi chất đầy hàng hóa và vật liệu làm tóc nên lửa bùng nhanh, khói nhiều. "Tuy nhiên, vụ cháy sẽ không gây thiệt hại nặng về người nếu các thành viên trong căn nhà linh động, kiểm soát được lúc lửa bùng lên. Họ có thể trổ mái nhà hoặc dùng các vật nặng đập tường để thoát ra", ông Bửu nói.

Trước đó, rạng sáng 16/9, nhiều người hoảng loạn khi thấy lửa phụt ra từ căn nhà trệt, có gác số 416 Nguyễn Trãi, cách giao lộ Trần Phú vài chục mét. Đông đảo người dân, bảo vệ dân phố cùng công an phường huy động bình chữa cháy dập lửa nhưng cửa sắt căn nhà khóa trái, không ai tiếp cận được bên trong.

Hàng chục Cảnh sát PCCC TP HCM cùng 5 xe cứu hỏa đến hiện trường ứng cứu. Căn nhà bị cháy ngang 4 m, dài 14 m, được thiết kế phía trước và sau có một gác gỗ, phía giữa là sàn đúc bêtông và chất đầy đồ đạc kinh doanh khiến việc dập lửa, cứu người gặp nhiều khó khăn. 30 phút sau, khi đám cháy được dập tắt, cảnh sát phát hiện 3 thi thể trên gác và 4 người nằm chết dưới tầng trệt phía sau nhà.

Tại buổi họp báo định kỳ chiều 3/10, Đại tá Bửu cho biết, trong 9 tháng đầu năm toàn thành phố xảy ra 221 vụ cháy, (giảm 244 vụ so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ lệ hơn 52%), làm chết 15 người và bị thương 10 người (tăng 9 người chết), thiệt hại gần 44 tỷ đồng. Trong đó có 28 vụ cháy chưa ước tính thành tiền. Có 185 vụ cháy được xác định nguyên nhân là do vị phạm quy định trong sử dụng điện.

Trên địa bàn thành phố cũng xảy ra 5 vụ nổ, làm chết 5 người và bị thương 3 người (giảm 8 người chết và 10 người bị thương). Ngoài ra, Cảnh sát PCCC cũng nhận được 81 tin yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Cảnh sát cứu hộ cứu nạn cứu được 29 người, trong đó có 8 người từ trong đám cháy và tìm được 32 thi thể nạn nhân bàn giao cho địa phường và gia đình.


An Nhơn

'Điểm số không phải để phát triển năng lực học sinh'

Trong buổi đối thoại trực tiếp với giáo viên tiểu học chiều 1/10, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định nhấn mạnh, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài chứ chưa giúp người học ý thức được việc đến trường là để phát triển bản thân.
 

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định chỉ ra, trước đây có những giáo viên cho điểm học sinh xong là xong, chưa quan tâm đến sự phát triển, tiến bộ của các em. Nay theo Thông tư 30 về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, điều quan trọng nhất thầy cô cần làm là xem xét quá trình nhận thức, vận dụng kiến thức của học sinh để từ đó chỉ ra điểm được, chưa được và tư vấn, hướng dẫn các em vươn lên. Cách làm này giúp người học không bị áp lực và có thể tiến bộ hơn.

Việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, theo ông Định, sẽ có lợi và phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học. Nếu thầy cô cho rằng, chấm điểm 9-10 để khích lệ học sinh thì việc tặng bông hoa, cái kẹo hay bố mẹ đưa đi chơi cũng là khen thưởng. Tuy nhiên, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh. Người học theo đó chưa ý thức được việc đến trường là để phát triển bản thân chứ không khải vì phần thưởng.

"Chỉ cho học sinh hiểu động cơ bên trong của việc học để từ đó các em cảm nhận, yêu thích, say sưa tìm hiểu và phát triển năng lực phẩm chất cá nhân là nội dung quan trọng của Thông tư 30 về thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học", ông Định nói.

bo-cham-diem-tieu-hoc-3-7439-1412240978.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định cho rằng, điểm số chỉ là động cơ bên ngoài để kích thích chứ không phải là bản chất để phát triển năng lực học sinh. Ảnh: Văn Việt.

Trong buổi đối thoại, nhiều giáo viên băn khoăn việc một số thầy, cô phải đứng 20 lớp thì không thể kham nổi việc viết nhận xét cho gần 1.000 học sinh. Chia sẻ những vất vả có thể đến với người dạy, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nói, những đổi mới nếu tốt cho học sinh thì cần được khuyến khích. Dù "dạy 500 hay 1.000, 3.000 học sinh, thầy cô vẫn cần quan tâm, đánh giá từng em. Nếu giáo viên không biết, không hiểu học trò thì tình cảm thầy trò sẽ có tồn tại và thầy cô quan tâm giúp đỡ học sinh thế nào?", ông Định nói.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học nhấn mạnh, thay đổi cách đánh giá thường xuyên đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Thay đổi nhận thức là bước khó nhưng vẫn phải làm. Quá trình thực hiện cần thời gian, vừa làm vừa khắc phục, rút kinh nghiệm cho tốt hơn.

Để việc nhận xét của các giáo viên không bị trùng lặp, ông Định cho rằng cần gắn lời nhận xét vào từng bài làm cụ thể của học sinh để đối chiếu với chuẩn kiến thức, kỹ năng, giữa bài làm với mục tiêu đặt ra. Ví dụ tập viết chữ “A”, học sinh lần đầu có thể viết được nhưng vẫn nghiêng, cô giáo nhận xét: “Em đã viết được chữ A nhưng nét thẳng còn nghiêng”. Khi em đã viết đẹp hơn lời nhận xét của cô cũng khác.

Trước đó ngày 28/8, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Theo văn bản này, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Trong đó, giáo viên dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10.

Quỳnh Trang

Theo Vnexpress