Tin Thế Giới

Cái tên nổi bật nhất trong danh sách này là Tarkhan Batirashvili, xuất thân từ Gruzia, có bí danh Omar al Shishani hay Omar người Chechen, cái tên này xuất phát từ việc hắn là người thuộc dân tộc Chechen, một nhóm gồm những người Nakh có nguồn gốc từ khu vực Bắc Kavkaz, Đông Âu...

Chiến binh râu đỏ khét tiếng của Nhà nước Hồi giáo

Từ một quân nhân bị cực đoan hóa khi ngồi tù, Omar al Shishani, tên chiến binh với bộ râu đỏ đã vươn lên trở thành một trong những kẻ có ảnh hưởng nhất trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo (IS).
islam-omar-al-shishani-4985-1412323886.p

Omar al Shishani, một trong những chỉ huy cấp cao của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ảnh: IBTimes

Theo IBTimes, Mỹ tuần trước công bố danh sách truy nã gồm 14 chiến binh jihad cấp cao và những người hỗ trợ khủng bố của IS và al-Qaeda. Danh sách liệt kê những cái tên đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển và đào tạo chiến binh nước ngoài ở Syria, tài trợ các hoạt động khủng bố, mua bán vũ khí và lập kế hoạch bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc.

Cái tên nổi bật nhất trong danh sách này là Tarkhan Batirashvili, xuất thân từ Gruzia, có bí danh Omar al Shishani hay Omar người Chechen, cái tên này xuất phát từ việc hắn là người thuộc dân tộc Chechen, một nhóm gồm những người Nakh có nguồn gốc từ khu vực Bắc Kavkaz, Đông Âu.

Al-Shishani, 28 tuổi, nổi bật với bộ râu đỏ khó có thể lẫn với ai. Tuy còn trẻ, hắn được coi là một trong những tay trùm có ảnh hưởng nhất của IS.

Al-Shishani đã chỉ huy lực lượng IS tại Syria khi nhóm này muốn xóa bỏ biên giới giữa Syria và Iraq. Người tiền nhiệm của y phụ trách nhiệm vụ này là Abu Abdul-Rahman al-Bilawi al-Anbari. Hắn bị giết chết tại thành phố Mosul hồi tháng 6, khi các chiến binh IS tràn qua phía bắc Iraq và chiếm giữ nhiều khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng al-Shishani có thể đã trở thành chỉ huy quân sự cho toàn bộ phong trào sau khi al-Anbari bị tiêu diệt.

Gia nhập IS

Al-Shishani xuất thân từ khu vực đèo Psnsinki, đông bắc Gruzia, nơi trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh. "Đó là môi trường nuôi dưỡng nên mầm mống khủng bố", AP dẫn lời Patrick M. Skinner, giám đốc dự án đặc biệt cho công ty tư vấn an ninh Soufan Group, người đã nghiên cứu IS và các nhóm tương tự trong nhiều năm qua, cho biết.

"Việc lớn lên ở đây rất khác việc sinh trưởng ở Saudi Arabia, nơi trẻ em được chiều chuộng và sau đó mới tiếp xúc với các hệ tư tưởng", ông nói tiếp.

Năm 2006, hắn được gọi gia nhập quân đội chính phủ Gruzia. Tuy bị coi là một kẻ cô độc, hắn lại nhận được nhiều sự chú ý từ niềm đam mê học hỏi các kỹ thuật chiến đấu khác nhau. Topuria, chỉ huy cũ của al-Shishani, người từng tuyển  y vào một nhóm trinh sát đặc biệt, cho biết y là một bậc thầy về vũ khí và bản đồ.

Al-Shishani vẫn tiếp tục phục vụ cho quân đội Gruzia sau khi kết thúc kỳ nghĩa vụ bắt buộc vào năm 2008. Chưa đầy một năm sau, hắn xuất ngũ do nhiễm bệnh lao.

Vào tháng 9/2010, chính quyền Gruzia bắt giữ al-Shishani vì tội danh liên quan đến mua bán và tàng trữ vũ khí bất hợp pháp. Có lẽ chính hắn cũng không ngờ rằng vụ bắt giữ này sẽ biến hắn trở thành một chiến binh jihad và sau đó là một trong những nhà lãnh đạo khét tiếng nhất trong phong trào jihad ở Syria.

Theo Al-akhbar, trong thời gian ngồi tù, hắn gặp một người Arab tên là Mohammed, người có quan hệ với các nhà lãnh đạo jihad quan trọng và am hiểu hệ tư tưởng jihad. 

Tiếp xúc với Mohammed, al-Shishani dần khát khao tham gia vào phong trào jihad. Thậm chí hắn còn tưởng tượng hắn sẽ giao chiến với cái gọi là "những kẻ ngoại đạo người Nga". "Người anh em Mohammed rót vào tai anh ta rằng sự cứu rỗi đang đến gần, những tưởng tượng đó là dấu hiệu từ Thượng Đế", một nguồn tin cho biết.

Tại vùng nông thôn Aleppo, Syria, al-Shishaniđã gặp nhân vật jihad nổi tiếng tại Syria, Abu al-Athir al-Absi, người sắp xếp cho Shishani gặp Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS. Al-Shishani đã ca ngợi al-Baghdadi. "Chúng tôi thấy ông có sự khiêm nhường mà chúng tôi không thấy ở những người khác. Ông cam kết sẽ hỗ trợ cho phong trào jihad ở vùng Kavkaz. Ông đã vô cùng hài lòng với chúng tôi, và xác nhận rằng ông đang tìm cách để giúp đỡ chúng tôi".

Đội quân Người di cư và Du kích của al-Shishani, được thành lập vào tháng 3/2013 sau đó đã cam kết trung thành với IS trong cuộc chiến chống lại chính quyền Syria.

Động lực chính của hắn khi tham chiến được cho là làm suy yếu Syria, một trong những đồng minh chủ chốt của Nga. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, hắn đã nói về lòng căm thù của hắn đối với người Mỹ và gọi họ là "kẻ thù của Thánh Allah và Hồi giáo".

Theo Sky News, bố của al-Shishani mô tả con trai mình là "một người thất nghiệp, không có triển vọng, nên đã lầm đường lạc lối".

Gương mặt của IS

Al-Shishani có lẽ là chiến binh dễ nhận diện nhất trong IS. Khác với thủ lĩnh bí ẩn của tổ chức này, al-Baghdadi, người gần như chưa bao giờ bị chụp ảnh, Al-Shishani không sợ lộ mặt.

Báo giới coi hắn là gương mặt đại diện của IS do hắn từng xuất hiện trong nhiều video và bức ảnh tuyên truyền của tổ chức. Trong một video, hắn cầu xin Thượng đế cho phép các chiến binh IS tử vì đạo nếu họ không thể xây dựng một nhà nước Hồi giáo khổng lồ.

"Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng, mọi người đều biết lý do tại sao chúng tôi chiến đấu", al-Shishani nói trong đoạn video."Con đường của chúng tôi là xây dựng một nhà nước Hồi giáo".

Hắn cũng xuất hiện trong đoạn video tuyên truyền về trại huấn luyện khủng bố dành cho trẻ em. Trong video, những đứa trẻ khoảng 5 đến 7 tuổi, mặc quần áo ngụy trang và cầm những khẩu súng lớn. Trong một lớp học, chúng hô khẩu hiệu, hát và tập dượt các đội hình quân sự được học. Trong một đoạn video, các em quỳ xuống, nâng súng đến tầm mắt để cho al-Shishani thấy chúng có thể giữ súng và nhắm bắn chuẩn xác.

Sau đó, những đứa trẻ đi bộ đến tiền sảnh của trung tâm đào tạo. Một trong những đứa lớn tuổi nhất thể hiện khả năng tháo lắp súng và nạp đạn. Những đứa trẻ sau đó nấp đằng sau một bức tường để tập trận giả cho al-Shishani kiểm tra.

Thế lực

Theo Wall Street Journal, sự gia nhập của al-Shishani, cùng những người dân tộc Chechen và người Hồi giáo nói tiếng Nga, chính là một trong số những thành quả đầu tiên của những lời kêu gọi các chiến binh nước ngoài tham gia phong trào jihad tại Syria.

Những người này làm ngay cả các chiến binh cùng tham chiến cũng kinh ngạc và khiếp sợ sức mạnh quân sự và sự tàn bạo của họ.

Theo các nhà phân tích có quan hệ với các phiến quân, một chiến binh từ Dagestan của Nga bị trục xuất sau khi hắn chặt đầu ba người dân địa phương hỗ trợ chính phủ Syria trong một video. Đơn vị của al-Shishanit từng phải xin lỗi vì chặt đầu nhầm một người lính bị thương, người này sau đó được xác định là một chỉ huy của phiến quân đồng minh. Ngoài ra, chúng còn làm cho người dân địa phương phẫn nộ bằng cách thu các loại thuế và áp đặt luật Hồi giáo Shariah.

Al-Shishani có thể đang trực tiếp chỉ huy từ 500-1.000 chiến binh. Con số này đang tăng lên nhờ chiến dịch tuyển mộ thành công. Theo Wall Street Journal, khả năng làm việc với các chiến binh nước ngoài dường như đóng vai trò quan trọng trong con đường thăng tiến của al-Shishani.

Tháng 8/2013, đơn vị của hắn chứng minh được khả năng khi đánh chiếm căn cứ không quân Managh của quân đội Syria. Phiến quân trước đó đã tấn công vào cơ sở trong nhiều tháng mà không thành công. Nhiệm vụ này được hoàn thành chỉ ít lâu sau khi al-Shishani tham chiến.

"Ở bất cứ đâu, đơn vị của al-Shishani luôn là đội ngũ xuất sắc", một nhà hoạt động tên là Skinner cho biết. "Trong thế giới jihad, có những cấp độ sợ hãi và tôn trọng, và những người Chechen luôn chiếm hàng đầu", ông nói thêm.

Theo AP, Alexei Malashenko, chuyên gia của văn phòng Moscow Carnegie Endowment nhận xét al-Shishani là "một kẻ cuồng tín Hồi giáo có kinh nghiệm chiến đấu, rõ ràng hắn ta có những thành tích hiển hách trong hàng ngũ".

Hussein Nasser, phát ngôn viên của liên minh vũ trang Mặt trận Hồi giáo cũng nhận định những người dân tộc Chechen là các chiến binh đáng sợ nhất ở Syria.

"Người Chechen đến Syria mà không hề hiểu biết gì về đất nước này. Họ sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì lãnh đạo yêu cầu", Nasser nói. "Ngay cả khi thủ lĩnh ra lệnh cho họ giết trẻ con, họ cũng tuân theo".

Phương Vũ (tổng hợp)

Nới lỏng lệnh cấm vũ khí giúp Việt - Mỹ bình thường hóa hoàn toàn

Việc Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được giới quan sát đánh giá sẽ giúp quan hệ hai nước tiến thêm một bước nữa trong quá trình bình thường hóa hoàn toàn.

Trao đổi với VnExpress, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ giúp "bình thường hóa hơn nữa" quan hệ Việt - Mỹ.

"Hợp tác quân sự song phương giữa hai nước đang tiến triển dần trong những năm gần đây và xu hướng đó có thể sẽ tiếp diễn", bà Glaser cho biết.

Chuyên gia CSIS cho rằng Việt Nam sẽ không mua các vũ khí đắt tiền của Mỹ, ít nhất trong tương lai gần. "Hiện Việt Nam vẫn đầu tư chủ yếu vào vũ khí từ Nga", bà nói. "Các khí tài mà Việt Nam nhiều khả năng mua từ Mỹ sẽ là loại  có thể giúp tăng năng lực bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, chẳng hạn máy bay giám sát P-3", bà Glaser nhận định.

Theo bà Glaser, Trung Quốc có thể coi quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm của Mỹ là một bằng chứng nữa cho thấy Washington tăng hợp tác với các nước láng giềng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng có thể nhận ra rằng diễn tiến này là kết quả các hành động của họ thời gian gần đây trên Biển Đông, và thấy là "họ đã quá tay".

"Nếu được như vậy, triển vọng quản lý tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tốt lên", bà Glaser viết

d

Tàu USS John S. McCain (DDG 56) cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, năm 2010. Ảnh: Chiêu Anh.

Giữa tháng 8, khi tới thăm Việt Nam, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết khi lệnh cấm bán vũ khí được dỡ bỏ Washington sẽ tăng hỗ trợ để nâng cao năng lực hải quân cho phía Việt Nam về hàng hải - một lĩnh vực đang trở thành mối quan tâm chung của hai nước.

Trong phiên thảo luận sau bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ngày 1/10, ông Scot Marciel, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói những thỏa thuận gần đây đã giúp hỗ trợ nhân đạo cho Việt Nam, nhưng hợp tác quân sự còn “hơi chậm”.

Jon Grevatt, phụ trách về mảng công nghiệp quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, đánh giá việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không có nghĩa là Washington ngay lập tức bán các vũ khí tiên tiến cho Hà Nội.

"Bước đầu tiên sẽ là các hệ thống trên biển, không phải các hệ thống tấn công. Chúng tôi không thấy có khả năng Mỹ sẽ bán loại chiến đấu cơ F-16 cho Việt Nam, điều đó có thể không bao giờ xảy ra", Grevatt nói.

Máy bay giám sát trên biển P-3 Orion (không đem theo vũ khí) và hệ thống radar Raytheon từng được các quan chức Mỹ thạo tin đề cập khi nói đến giao dịch tương lai với Việt Nam. Các sản phẩm này được coi là "tốt nhất trên thế giới", Grevatt nói. 

Ankit Panda, cây bút của The Diplomat, đánh giá việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho Việt Nam sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước. Việc Việt Nam tăng cường năng lực tuần tra và giám sát các vùng biển sẽ giúp duy trì nguyên trạng ở khu vực phù hợp với lợi ích của nhiều bên.

Trao đổi với VnExpressTiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, cho rằng việc Mỹ bỏ lệnh cấm với Việt Nam là lợi lích lâu dài của hai nước, phù hợp với tiến trình bình thường hóa hoàn toàn giữa Việt Nam và Mỹ. 

Việt Nam cũng sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây không chỉ là quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đơn thuần. "Con đường tất yếu của hai nước là sẽ bình thường hóa quan hệ về an ninh", ông Trường nói thêm.

Năm ngoái, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng quan hệ lên đối tác toàn diện. Về an ninh, quốc phòng, hai nước ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 9/2011. Nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng Việt Nam như một phần trong hợp tác quân sự, trong đó có các khu trục hạm USS John S. McCain, soái hạm của Hạm đội 7 USS Blue Ridge. Cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng hồi tháng 4 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên hải quân hai nước cùng diễn tập.

"Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ diễn ra dần dần, và đang ở một trong những khâu cuối cùng, tức là hợp tác quốc phòng, an ninh", ông Trường nhận xét.

Việt Anh

Người biểu tình Hong Kong ẩu đả với cảnh sát

Những người biểu tình Hong Kong hôm nay đụng độ với cảnh sát bên ngoài các trụ sở chính quyền khi căng thẳng tăng cao, bất chấp thỏa thuận đối thoại được nêu ra.
h-8676-1412332804.jpg

Cảnh sát chặn người biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính quyền chiều nay. Ảnh: AFP

Đến chiều nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi động đối thoại từ Trưởng đặc khu Hong Kong Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) như ông đã hứa sáng nay. Nhiều người biểu tình nghi ngờ là ông Leung "câu giờ" để dân chúng sẽ chán nản do những thiệt hại vật chất do cuộc biểu tình gây ra, theo AFP.

Cảnh sát cố đẩy lui khoảng 100 người biểu tình chặn đường ra của các tòa nhà chính quyền từ sáng nay, nói rằng một quan chức bị ốm nặng cần được ra ngoài bằng xe cứu thương. Trong khung cảnh hỗn loạn, người biểu tình từ chối di chuyển và hét lên: "Nói dối, nói dối". Nhưng cuối cùng cảnh sát vẫn mở được đường cho xe cứu thương đi ra.

"Tôi nghĩ ông ta (ông Lương) đang tránh mặt những người đang nêu lên quan điểm của mình. Từ giờ tôi sẽ ở đây qua đêm. Chúng tôi hy vọng ông ấy có thể đối diện với vấn đề và trả lời những gì chúng tôi yêu cầu ngay bây giờ", Abigail Hon, cô sinh viên 19 tuổi, nói với AFP.

Trước đó nhóm biểu tình Chiếm Trung tâm cho biết họ hoan nghênh các cuộc đối thoại, hy vọng chúng có thể giúp tạo nên bước chuyển trong tình trạng bế tắc hiện nay. Tờ People's Daily của Trung Quốc hôm nay đăng tải bài viết khẳng định những người biểu tình vi phạm những nguyên tắc của luật pháp và sẽ thất bại. Giới quan sát nhận định ông Leung sẽ không từ chức.

Tối qua, trước thời điểm đám đông biểu tình ra hạn chót cho ông Leung phải từ chức, ông này tuyên bố rằng ông không có ý định đó và cảnh báo họ về những hậu quả nghiêm trọng của việc chiếm cứ các tòa nhà chính quyền. Lãnh đạo đặc khu nhấn mạnh rằng, phong trào biểu tình không thể tiếp diễn vô thời hạn. Ông nói thêm rằng trên khắp thế giới, việc chiếm cứ hay bao vây văn phòng của lãnh đạo, trụ sở cảnh sát và trụ sở chính quyền "có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng" và "phải bị xử lý nghiêm".

Khánh Lynh

vnexpress