Tin Thế Giới

Đột nhiên, một vài chiếc xe phóng đến, chúng tôi bị bao vây bởi một nhóm các chiến binh mặc quân phục IS. Một số người hét lên kinh hãi, mọi người đều lo sợ cho tính mạng của mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy trong 14 năm cuộc đời. IS chặn con đường đến nơi trú ẩn của chúng tôi, và không ai có thể làm gì để cứu vãn...

30 ngày kinh hoàng của thiếu nữ bị Nhà nước Hồi giáo bắt cóc

Thiếu nữ 14 tuổi người Yazidi đã trải qua những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời khi bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc, đánh đập, bỏ đói, và bị ép làm vợ lẽ một chiến binh.
 
imrs.jpg

Thiếu nữ 14 tuổi người Yazidi bị nhóm Nhà nước Hồi giáo bắt cóc. Ảnh: Washington Post

Tờ Washington Post mới đây đăng tải câu chuyện của  thiếu nữ 14 tuổi người Yazidi, một tôn giáo thiểu số tại Iraq, bị IS bắt cóc trên đường đến nơi tị nạn cùng gia đình. Thiếu nữ đã kể lại hành trình trốn thoát nhóm cực đoan của mình cho Mohammed A. Salih, phóng viên người Kurd, đang hoạt động tại miền bắc Iraq. Dưới đây là nội dung lời kể của cô gái.

Sáng ngày 3/8, tôi những tưởng tôi sẽ có một ngày bình yên như bao ngày khác, nhưng người thân báo cho tôi một tin tức đáng sợ, chiến binh IS sắp tấn công vào làng tôi. Nhà chúng tôi nằm ở Tel Uzer, một nơi yên tĩnh trên vùng đồng bằng Nineveh, phía tây Iraq. Mọi người nhanh chóng trốn thoát khỏi làng, chỉ mang theo quần áo và một số vật có giá trị.

Sau một giờ đi bộ về phía bắc, mọi người nghỉ chân để uống nước từ một cái giếng trong ốc đảo giữa sa mạc. Kế hoạch của dân làng là đến núi Sinjar để trú ẩn cùng với hàng nghìn người Yazidi khác, đã chạy trốn sau khi tai tiếng về sự tàn bạo của IS và cách chúng đối xử với những người không theo đạo Hồi lan truyền khắp nơi. IS cải đạo những người theo tôn giáo thiểu số hoặc sát hại họ.

Đột nhiên, một vài chiếc xe phóng đến, chúng tôi bị bao vây bởi một nhóm các chiến binh mặc quân phục IS. Một số người hét lên kinh hãi, mọi người đều lo sợ cho tính mạng của mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy trong 14 năm cuộc đời. IS chặn con đường đến nơi trú ẩn của chúng tôi, và không ai có thể làm gì để cứu vãn.

Các chiến binh chia những người bị bắt bắt theo giới tính và độ tuổi. Nhóm một gồm những nam thanh niên khỏe mạnh, nhóm hai gồm các thiếu nữ và phụ nữ trẻ, nhóm cuối cùng gồm những người lớn tuổi. Các chiến binh cướp tiền mặt và đồ trang sức của các cụ già rồi bỏ họ lại ốc đảo. Sau đó chúng đưa các thiếu nữ và phụ nữ lên xe tải, tôi ở trong số này. Khi xe di chuyển, tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Sau này, tôi mới biết rằng IS đã bắn chết các thanh niên, trong đó có người anh trai 19 tuổi của tôi, anh mới lập gia đình chỉ sáu tháng trước.

Chiều hôm đó, IS đưa những người bị bắt đến một ngôi trường trống trong Baaj, thị trấn nhỏ ở Mosul, gần phía tây biên giới Syria. Tôi đã gặp nhiều phụ nữ Yazidi khác. Cha, anh em và chồng của họ cũng bị sát hại. Một lúc sau, các chiến binh xông vào, một kẻ trong số chúng đọc những lời trong tín ngưỡng Hồi giáo, ca ngợi thánh Allah và đấng tiên tri Muhammad. Những chiến binh nói rằng chúng tôi sẽ trở thành người Hồi giáo nếu chịu lặp lại lời của chúng. Nhưng chúng tôi cương quyết từ chối. Bọn chúng tức giận, chửi bới và nhục mạ chúng tôi cùng đức tin của chúng tôi.

Một vài ngày sau, IS giải chúng tôi đến một hội trường lớn, chứa hơn chục phụ nữ Yazidi ở Mosul, nơi IS đặt trụ sở tại Iraq. Một số chiến binh thậm chí chỉ trạc tuổi tôi. Chúng tuyên bố rằng tôi và các phụ nữ khác là những người ngoại đạo và giam giữ chúng tôi tại tòa nhà trong suốt 20 ngày. Những người bị cầm tù phải ngủ trên sàn nhà và chỉ được ăn một lần mỗi ngày. Thỉnh thoảng, một chiến binh sẽ đến yêu cầu chúng tôi cải đạo, nhưng chúng tôi đều từ chối. Là những tín đồ Yazidi, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ tôn giáo của mình. Mọi người đã than khóc rất nhiều cho sự mất mát của cộng đồng mình.

Một ngày nọ, lính gác phân những phụ nữ bị bắt thành nhóm người đã kết hôn và người chưa lập gia đình. IS tặng tôi và người bạn thân từ thời thơ ấu, Shayma, cho hai thành viên của tổ chức, sống tại phía nam, gần Baghdad. Chúng muốn tôi và Shayma làm vợ hoặc vợ lẽ cho chúng. Shayma được tặng cho một giáo sĩ có tên Abu Hussein. Còn tôi được trao cho một người đàn ông to béo, râu rậm, khoảng 50 tuổi. Hắn sử dụng biệt danh là Abu Ahmed, và có vẻ là một thành viên cấp cao trong nhóm. Hai tên này đưa bọn tôi về nhà của chúng ở Fallujah. Trên đường đi, tôi gặp rất nhiều chiến binh IS và chứng kiến những tàn tích từ các trận chiến của họ.

Abu Ahmed, Abu Hussein và một phụ tá sống trong một ngôi nhà rộng lớn như một cung điện. Abu Ahmed liên tục buộc tôi cải đạo nhưng tôi đều từ chối. Hắn cố gắng hãm hiếp tôi nhiều lần nhưng tôi đã chống trả quyết liệt. Ngày nào hắn cũng nguyền rủa và đánh đập tôi. Hắn cũng chỉ cho tôi ăn một bữa ăn mỗi ngày. Shayma và tôi bắt đầu nghĩ về việc tự tử.

IS đưa điện thoại di động và ra lệnh chúng tôi gọi về cho gia đình. Hành trình của gia đình tôi gặp vô vàn khó khăn. Họ đến được núi Sinjar, nhưng IS lại bao vây và định bỏ đói họ cho đến chết. Sau 5 ngày bị vây giữ, lực lượng cứu hộ người Kurd đến giải cứu và sơ tán họ tới Syria, sau đó đưa họ trở lại miền bắc Iraq. Những kẻ bắt cóc yêu cầu tôi thông báo với gia đình rằng nếu họ đến Mosul và chịu cải đạo sang Hồi giáo, tôi và Shayma sẽ được thả. Gia đình tôi không tin lời IS nên không làm theo.

Và ngày thứ sáu chúng tôi bị giữ ở Fallujah, Abu Ahmed và người phụ tá rời nhà để làm nhiệm vụ tại Mosul. Abu Hussein ở lại để trông chừng chúng tôi. Hoàng hôn ngày hôm sau, hắn đến nhà thờ cầu nguyện và để chúng tôi ở lại nhà. Chớp lấy thời cơ này, chúng tôi liên lạc với Mahmoud, một người Sunni đang sống ở Fallujah, bạn của anh họ Shayma, để xin giúp đỡ. Mahmood sẽ gặp nguy hiểm nếu đến nhà cứu chúng tôi, vì vậy, Shayma và tôi dùng dao làm bếp để phá khóa cửa và thoát ra ngoài. Chúng tôi vận áo dài đen truyền thống và đi bộ 15 phút qua thị trấn. Đường phố yên tĩnh, vắng vẻ do đó là thời gian cầu nguyện buổi tối. Sau đó, Mahmoud đến đón và đưa chúng tôi về nhà anh.

Đêm đó, Mahmoud chuẩn bị đồ ăn và bố trí chỗ ngủ cho chúng tôi. Sáng hôm sau, anh thuê một tài xế taxi đưa chúng tôi đến Baghdad. Người lái xe nói ông rất sợ IS nhưng muốn giúp chúng tôi, như làm một việc thiện. Tôi và Shayma cải trang như những phụ nữ địa phương, che đậy khuôn mặt bằng mạng đen và chỉ để hở đôi mắt. Mahmoud cho chúng tôi thẻ học sinh giả để đề phòng bị kiểm tra ở trạm kiểm soát.

Trong suốt hành trình hai tiếng đồng hồ, tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng đến như vậy. Tại mỗi điểm kiểm tra, tôi đều nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị lộ. Tại một trạm mà tôi không thể nhớ nổi do IS hay lực lượng chính phủ Iraq kiểm soát, Mahmoud đã hối lộ lính gác để cho chúng tôi qua. Khi đến Baghdad, chúng tôi liên lạc với những người Yazidi và Kurd là người quen của gia đình để xin họ giúp đỡ. Tôi không thể diễn tả được cảm giác nhẹ nhõm khi đến nhà họ.

Họ cho chúng tôi một cặp chứng minh thư giả để lên máy bay đến Irbil, thành trì người Kurd ở phía bắc. Tôi vẫn không thể tin rằng chúng tôi được tự do cho đến khi máy bay hạ cánh. Sau khi nghỉ đêm tại nhà của Vian Dakhil, một nghị sĩ người Yazidi, chúng tôi đi về hướng bắc để đến Shekhan, nơi cư trú của Baba Sheikh, lãnh tụ tinh thần của người Yazidi.

Sau khi phải sống trong sợ hãi nhiều ngày, được gặp lại và ôm cha tôi là giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Kể từ khi tôi bị bắt cóc, ngày nào ông cũng khóc thương cho tôi. Tối hôm đó, chúng tôi đến Khanke để gặp mẹ và họ hàng. Chúng tôi ôm nhau và khóc cho đến khi tôi ngất đi. Một tháng chịu đựng gian khổ của tôi đã kết thúc, tôi cảm thấy được tái sinh.

Nhưng đó lại là thời điểm tôi được thông báo rằng anh trai tôi đã bị IS bắn chết ở ốc đảo. Chị dâu tôi, một phụ nữ rất đẹp, vẫn còn bị giam cầm tại một nơi nào đó ở Mosul. Hiện giờ tôi vẫn đang phải cố gắng đối diện với những gì xảy ra. Tôi không còn có thể đặt chân vào ngôi làng cũ được nữa, ngay cả khi IS không còn kiểm soát nó, vì những ký ức về người anh đã mất luôn ám ảnh tôi. Tôi vẫn gặp những cơn ác mộng và ngất đi nhiều lần trong ngày, khi tôi nhớ lại những gì tôi được chứng kiến hoặc tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Shayma và tôi không trốn thoát.

 

Narinsjourney1.jpg

Hành trình trốn thoát của thiếu nữ. Đồ họa: Washington Post

Vũ Thảo (Theo Washington Post)

Obama áp đặt trừng phạt mới với Nga

Tổng thống Barack Obama hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga vì những "hành động trái phép" của Moscow ở Ukraine.
Quân đội Ukraine lái xe bọc thép gần Kramatorsk. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine lái xe bọc thép gần Kramatorsk, Donetsk. Ảnh: Reuters

Thông cáo của ông Obama cho hay quyết định này sẽ gia tăng sự cô lập với Nga cả về chính trị lẫn kinh tế. Quyết định trừng phạt của Mỹ có sự phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), tổ chức trước đó đã nhất trí áp đặt các biện pháp mới với Moscow.

"Chúng tôi đang thực thi các biện pháp mới này do những hành động của Nga làm gia tăng bất ổn ở Ukraine tháng qua, trong đó có sự hiện diện của lực lượng vũ trang hạng nặng Nga ở đông Ukraine", AFP dẫn lời ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn được Moscow và Ukraine thông qua. Tuy nhiên, ông "chưa nhận thấy bằng chứng nào thuyết phục rằng Nga đã ngừng các nỗ lực gây bất ổn cho Ukraine".

Chi tiết của các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố hôm nay, nhưng ông Obama tiết lộ chúng sẽ nhằm vào cả những quan chức thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Lãnh đạo Mỹ cũng đề nghị Nga thực hiện một lựa chọn đơn giản, đó là "rút lui khỏi Ukraine và được giảm trừng phạt hoặc là tiếp tục đối đầu với phương Tây". 

"Nếu Nga thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, những lệnh trừng phạt này có thể được rút lại", ông nói. "Nếu thay vào đó, Nga tiếp tục các hành động gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế, cái giá phải trả sẽ còn tăng lên".

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 10/9 cho rằng Nga đã rút một phần lớn lực lượng khỏi nước láng giềng, làm dấy lên hy vọng về kế hoạch hòa bình đang được triển khai sau 5 tháng xung đột. Kế hoạch này bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 5/9 ở miền đông Ukraine. 

Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc của Kiev và phương Tây về sự hiện diện quân sự ở Ukraine, cũng như việc tiếp tay cho lực lượng ly khai ở miền đông. 

Anh Ngọc

Nghệ sĩ violin chơi đàn trong lúc được phẫu thuật não

Một nghệ sĩ violin chơi nhạc Mozart trong khi các nhà giải phẫu thần kinh tại một bệnh viện ở Israel đang phẫu thuật điều chỉnh chứng run tay của bà.
3_1410497292.jpg

Bà Naomi Elishuv trong lúc đang được phẫu thuật não. Ảnh chụp màn hình.

Suốt 20 năm qua, chứng run tay khiến bà Naomi Elishuv phải từ bỏ tình yêu lớn nhất cuộc đời là cây vĩ cầm. Người phụ nữ ấy từng là một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia của Lithuanian trước khi được chẩn đoán bị run tay.

Hôm qua, bà Elishuv được phẫu thuật tại trung tâm y tế Tel Aviv Sourasky của Israel để chấm dứt tình trạng trên. Ca phẫu thuật được xem có một không hai. Giáo sư Yitzhak Fried thực hiện ca mổ cho bà Elishuv trên chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông "phẫu thuật cho một bệnh nhân chơi nhạc cụ trong lúc phẫu thuật". "Tôi rất vui vì kíp mổ được thưởng thức một buổi hòa nhạc riêng từ một nghệ sĩ tài năng và đáng kính", RT dẫn lời ông Yitzhak nói.

Giáo sư này giải thích, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cấy và định vị một máy dẫn tốc độ não với những điện cực ở khu vực nhiễu loạn não bộ. Thiết bị ấy sẽ phát ra xung lực để kiềm chế tình trạng run làm ảnh hưởng đến khả năng chơi violin của bà Elishuv.

Để đặt được điện cực vào vị trí tốt nhất, ê kíp mổ cần sự tham gia của nghệ sĩ violin trên bằng cách chơi nhạc. Trong suốt ca phẫu thuật, bà ấy không đau vì nhiều khu vực của bộ não không cảm thấy đau", giáo sư Yitzhak nói.

Trong video đăng trên Youtube, bà Elishuv chơi nhạc Mozart trong lúc các bác sĩ làm công việc chuyên môn. Video có đoạn, nghệ sĩ này hét lớn "tôi kiểm soát được rồi" và sau đó tiếp tục chơi violin mà không bị run tay.

"Cuối cùng tôi cũng trở lại được với âm nhạc", bà Elishuv hạnh phúc nói với cổng thông tin JNS của Israel.

Chơi nhạc trong lúc được phẫu thuật não

 

Bình Minh

10 nước Arab ủng hộ Mỹ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo

Mỹ cùng 10 quốc gia đồng minh Arab hôm qua thống nhất về chiến dịch phối hợp quân sự chống  nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, bước tiến lớn trong việc thiết lập hỗ trợ trong khu vực đối với kế hoạch không kích của Washington.
U.S. Secretary of State John Kerry speaks during a news conference at the U.S. Embassy in Baghdad September 10, 2014. REUTERS/Brendan Smialowski/Pool (IRAQ - Tags: POLITICS)

Ngoại trưởng Mỹ phát biển trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm qua. Ảnh: Reuters.

"Các quốc gia Arab đóng vai trò quan trọng trong liên minh này, vai trò chủ đạo thực sự trên mọi nỗ lực: hỗ trợ quân sự, viện trợ nhân đạo và ngăn chặn những nguồn tài trợ phi pháp", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc đàm phán ở Jeddah, Arab Saudi.

Ngoại trưởng Kerry đã giành được sự ủng hộ từ 10 quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon cùng 6 quốc gia Vùng Vịnh, trong việc thiết lập một liên minh đối phó với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS, ISIL) đang chiếm nhiều phần lãnh thổ Iraq và Syria. Tuy nhiên, Syria và Iran không tham gia đàm phán tại Jordan, dấu hiệu cho thấy liên minh dọc theo các chiến tuyến ở Trung Đông vẫn còn gặp khó khăn.

Các quốc gia Arab thống nhất sẽ nỗ lực hơn để ngăn chặn những nguồn tài trợ và chiến binh gia nhập IS, đồng thời giúp tái thiết những cộng đồng từng bị nhóm khủng bố này "đối xử tàn bạo".

Ngoại trưởng Kerry trong chuyến thăm Baghdad hôm 10/9 còn tán thành kế hoạch của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong việc cải thiện quan hệ với người Kurd và Sunni. Ông Kerry gọi Baghdad là "trái tim và xương sống" trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Ông Abadi thiết lập chính phủ mới hôm 8/9 theo cách thức được xem là đột phá so với cựu thủ tướng Nuri al-Maliki, người có những chính sách làm xuất hiện khuynh hướng bè phái và đẩy Iraq tới bờ vực sụp đổ. Tân thủ tướng Iraq kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trong cuộc chiến chống IS, đề nghị họ "hành động ngay lập tức để ngăn sự lây lan của căn bệnh ung thư này".

Ngoại trưởng Kerry hôm 9/9 bắt đầu chuyến thăm Trung Đông để thiết lập hỗ trợ về quân sự, chính trị và tài chính để tiêu diệt nhóm khủng bố ISIL. Cuộc gặp với các lãnh đạo Arab diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch không kích nhóm phiến quân ở Iraq và Syria.

Các quan chức Mỹ cho biết ông Kerry cũng đang xin phép để Washington có thể sử dụng nhiều căn cứ hơn trong khu vực và điều động thêm chiến đấu cơ. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định không có quốc gia nào trong liên minh phải gửi binh sĩ đến tham chiến.

Như Tâm

Theo Vnexpress