Tin Thế giới

Lũ sát nhân bắt đầu xả súng vào người đầu tiên, máu tuôn xối xả, bắn cả lên mặt anh, Kadhim nhớ lại. "Lúc đó hiện diện trong tâm trí tôi chỉ có hình ảnh cô con gái nhỏ đang gọi 'ba ơi, ba ơi'", New York Times dẫn lời Kadhim kể.

Thoát chết trong cuộc hành quyết tập thể dưới tay IS

Ali Hussein Kadhim là binh sĩ thuộc quân đội Iraq, bị lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt và hành quyết tập thể hồi tháng 6. Anh thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và kể lại câu chuyện của mình.

29survivor-master1050-9081-1409977728.jp

Ali Hussein Kadhim, người sống sót sau cuộc hành quyết tập thể man rợ của khủng bố IS. Ảnh: NYT

IS tại Iraq và Syria phân loại tù binh theo tôn giáo của họ. Người Sunni được ban "cơ hội thứ hai" sau khi "ăn năn hối cải". Người Shiite thì phải xếp thành hàng và chờ đợi cái chết đến bất cứ lúc nào. Kadhim xếp thứ tư trong hàng người phải chết.

Lũ sát nhân bắt đầu xả súng vào người đầu tiên, máu tuôn xối xả, bắn cả lên mặt anh, Kadhim nhớ lại. "Lúc đó hiện diện trong tâm trí tôi chỉ có hình ảnh cô con gái nhỏ đang gọi 'ba ơi, ba ơi'", New York Times dẫn lời Kadhim kể.

Kadhim cảm thấy viên đạn sượt qua đầu mình, anh ngã dúi về phía trước vào một hào đất mới đắp. "Tôi cứ thế giả vờ rằng mình đã trúng đạn".

Lát sau, một tên trong số những kẻ giết người máu lạnh đi tới kiểm tra xác chết và phát hiện người đàn ông vẫn sống và đang thở rất khó nhọc.

"Cứ để hắn chịu đựng cơn đau", tên khác nói. "Hắn là một kẻ Shitte vô đạo. Cứ để hắn chảy máu đến chết".

"Thời khắc đó tôi có một ý chí vô cùng mãnh liệt, đó là mình phải sống", Kadhim kể.

Anh nằm trên nền đất lạnh lẽo, xung quanh là xác người, chờ đợi trong khoảng bốn tiếng đến khi màn đêm đen đặc và tĩnh lặng bao phủ. Sông Tigris cách đó chưa đầy 200 mét.

Kadhim nín thở nhích từng bước, cuối cùng cũng tới bờ sông. Nơi này lau sậy um tùm, dường như là nơi ẩn náu lý tưởng. Tại đây, anh gặp người đàn ông tên Abbas với thương tích đầy mình. Ông là lái xe tại trại Speicher, bị IS bắn rồi đẩy xuống sông.

Kadhim ở đó cùng Abbas trong ba ngày. Abbas bị thương nặng, ông gần như không thể cử động. Kadhim phải ăn cây dại và côn trùng để chống đói trong khi Abbas vì quá đau đớn nên hầu như không ăn uống gì.

"Đó là ba ngày sống trong địa ngục", Kadhim chia sẻ.

Khi anh chuẩn bị cho cuộc trốn chạy trở về nhà, Abbas cầu xin anh quay lại với sự giúp đỡ hoặc ít nhất kể lại câu chuyện này. "Hãy để tất cả mọi người được biết điều gì đang xảy ra ở đây", Abbas dặn dò Kadhim.

Số phận nghiệt ngã

29survivor2-master1050-6892-1409977728.j

Kadhim cùng cô con gái và cậu con trai bé nhỏ đang sống tại quê nhà thuộc miền bắc Iraq. Ảnh: NYT

Quay về thực tại, Kadhim, 23 tuổi, sống cùng gia đình tại miền bắc Iraq, đang thuật lại toàn bộ những điều mình đã trải qua với New York Times. Anh là một trong số ít nhân chứng sống có thể thoát khỏi nanh vuốt của nhóm khủng bố IS và nắm tường tận hành vi tội ác của chúng.

Kadhim kể lại rành mạch và rõ ràng trải nghiệm của mình, về hành trình thoát khỏi bờ sông quái ác, về chuyến đi dài ngày xuyên qua nhiều vùng đất cằn cỗi của quân khủng bố nhờ lòng tốt và sự giúp đỡ của những người Hồi giáo Sunni.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, cổ tay Kadhim vẫn in hằn dấu vết của chiếc còng anh phải mang. Tình tiết trong chuyện của Kadhim được xác minh bởi tộc trưởng bộ lạc người Sunni, những ân nhân đã cứu giúp anh trên suốt hành trình. Cha của Abbas cũng chủ động liên lạc với Kadhim sau khi xem đoạn trả lời phỏng vấn của anh trên kênh truyền hình địa phương.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng, những kẻ khủng bố man rợ từng tuyên bố giết chết 1.700 lính Shiite, trở thành giáo phái cực đoan tàn bạo nhất trong lịch sử Iraq cận đại. Kadhim tin rằng chúng vẫn đang nắm giữ hàng trăm binh sĩ khác từ căn cứ Tikrit làm con tin.

Câu chuyện về vụ thảm sát cho chúng ta biết nhiều điều về sự tàn bạo của IS cùng tình trạng tồi tệ của quân đội Iraq, lực lượng được thành lập và huấn luyện bởi Mỹ với chi phí hàng tỷ USD.

Sau khi các tay súng IS xới tung Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq hôm 10/7, chúng tiếp tục càn quét hướng về phía nam, tới Tikrit. Sự hỗn loạn và nỗi sợ hãi bao trùm trại Speicher, nơi Kadhim cùng nhiều binh sĩ khác đang tập trung. Anh lính trẻ mới tới được 10 ngày trước khi Mosul sụp đổ. Các binh sĩ được huấn luyện kỹ càng của Mỹ thì đã tháo chạy, Kadhim kể lại.

"Chúng tôi đơn độc", anh nói. "Vì thế chúng tôi quyết định bỏ trốn". Anh và đồng đội cởi bỏ quân phục, khoác lên mình bộ quần áo thường dân, bắt đầu bước ra khỏi cửa chính.

Đây là một quyết định sai lầm dẫn tới số phận nghiệt ngã cho đoàn người. Hôm đó, trại Speicher không thất thủ trước IS. Nếu Kadhim và bạn án binh bất động thì có lẽ họ đã an toàn.

Họ nghĩ sẽ tới thẳng Baghdad, cách khoảng 190 km về phía nam. Nhưng chỉ sau đoạn đường ngắn, nhóm của Kadhim đụng độ chừng 50 tay súng IS trên những chiếc xe có vũ trang.

"Họ nói với chúng tôi, 'Đừng lo lắng, bọn ta sẽ đưa các ngươi đến Baghdad'", Kadhim kể, "Họ cố gắng khiến chúng tôi cảm thấy an toàn" và "Họ lừa chúng tôi". Nhồi tất cả lên những chiếc xe, tay súng khủng bố đưa họ đến cứ điểm cung điện Tikrit.

Trong ba ngày sau, quân IS liên tiếp tiến hành nhiều cuộc tàn sát dã man xung quanh cung điện và những nơi khác ở Tikrit. Tổ chức Giám sát Nhân quyền, sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh cùng thông tin đưa ra bởi IS, nhận định có ít nhất 560 đến 770 người bị giết trong đợt càn quét này.

Lòng tốt bụng và sự nhân từ

Trở lại bờ sông nơi Kadhim ẩn náu, anh chào tạm biệt, cũng có thể là lời vĩnh biệt với Abbas, lội xuống dòng nước lạnh buốt, đi về phía hạ lưu, bơi sang bờ bên kia.

Anh cắm cúi đi trong bóng đêm với tiếng súng nổ văng vẳng đằng xa. Tìm thấy một túp lều bỏ hoang, Kadhim chui vào và đánh một giấc thật say. Hôm sau, trên hành trình, anh gặp một gia đình người Sunni, họ đãi anh bữa ăn tử tế đầu tiên sau nhiều ngày gồm trứng và sữa chua.

Gia đình đó vô cùng lo lắng về điều gì sẽ xảy đến nếu IS phát hiện họ che chở cho một người Shiite. Vì thế họ đưa anh đến ngôi làng khác để tiếp tục ẩn náu trong ba ngày.

Điểm dừng chân tiếp theo của Kadhim là ở thị trấn Al Alam, tại nhà Khamis al-Jubouri, một thủ lĩnh bộ lạc. Ông là người xây dựng hệ thống kiểu như đường sắt dưới lòng đất, mở đường cho các binh sĩ người Shiite chạy trốn khỏi IS.

"Chúng tôi cũng đã giúp 40 người lính Iraq khác từ Anbar, Diyala, Mosul và Baghdad trở về nhà an toàn", Jubouri nói.

Kadhim sống cùng vị tộc trưởng gần hai tuần thì người dân ở đây mới cho phép anh rời đi đến Erbil khi đã đảm bảo đủ độ an toàn. Để đến được Erbil, thuộc khu tự trị của người Kurd, Kadhim phải toát mồ hôi hột khi vượt qua nhiều trạm kiểm soát của IS.

Tại đây, Kadhim gặp bác của mình. Tối hôm sau anh trở về nhà sau một chuyến đi vòng quanh, lắt léo, dài như vô tận. Gặp lại gia đình một lần nữa là điều gì đó "trên cả hạnh phúc", Kadhim nói. "Họ thì khóc, còn tôi thì cười".

Anh gầy đi trông thấy và mặt phủ kín bởi lớp râu dày. "Con gái không nhận ra tôi, nó thậm chí còn chạy đi chỗ khác".

Một sĩ quan tình báo quân sự đến gặp anh để lấy lời khai. Ông ta đưa cho Kadhim 430 USD, ít hơn một nửa số tiền hàng tháng anh nhận được khi còn là một người lính, công việc mà Kadhim nói sẽ không bao giờ dám làm nữa.

"Hiện giờ tôi thất nghiệp", "Tôi sẽ chỉ cố gắng chăm sóc vườn cây ăn quả của mình mà thôi", Kadhim nở nụ cười và nói.

Vũ Hoàng (theo New York Times)

Người Mỹ tưởng nhớ nhà báo bị hành quyết

Cờ ở khắp bang Florida, quê nhà của Steven Sotloff, được hạ xuống một nửa cột khi hàng trăm người tham dự lễ tưởng niệm nhà báo trẻ bị phiến quân Hồi giáo chặt đầu. 
Người thân và bạn bè đến giáo đường Do Thái ở ở Pinecrest, Florida, dự lễ tưởng niệm Sotloff. Ảnh: Reuters

Người thân và bạn bè đến giáo đường Do Thái ở ở Pinecrest, Florida, dự lễ tưởng niệm Sotloff. Ảnh: Reuters

Khoảng 900 người chen kín giáo đường Do Thái ở Pinecrest, Florida, để tham dự lễ tưởng niệm Sotloff, người cũng là công dân Israel. Hai lá thư mà anh viết trong suốt thời gian bị bắt cóc và đưa ra khỏi Syria đã được đọc lớn trước người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các quan chức địa phương.

"Mỗi người có hai cuộc đời. Cuộc đời thứ hai bắt đầu khi bạn nhận ra rằng bạn chỉ có một mà thôi", CNN dẫn một đoạn trong thư viết. "Hãy ôm nhau mỗi ngày. Hãy nhớ rằng tôi vẫn ổn. Hãy sống cuộc đời của các bạn trọn vẹn nhất và chiến đấu để được hạnh phúc".

Hiện chưa rõ những lá thư trên của Sotloff đã được chuyển đến gia đình anh như thế nào. 

Nhà báo tự do 31 tuổi mất tích trong một lần tác nghiệp tại Syria vào tháng 8/2013 và sau đó được xác định đã bị bắt cóc. Hôm 2/9, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra video quay lại cảnh một trong các phiến quân của nhóm này chặt đầu Sotloff, gây phẫn nộ cho dư luận toàn thế giới.

Trong buổi lễ, cha của Sotloff, ông Arthur, nói về con trai của mình trong sự nghẹn ngào. "Tôi sẽ cố gắng để nói từ trái tim mình nhưng tim tôi đã vỡ vụn rồi", ông nói. "Tôi đã mất con trai và người bạn tuyệt vời nhất của mình". 

Mẹ của Sotloff, bà Shirley, cho hay bà rất tự hào vì con trai đã sống với ước mơ của mình. "Nó có thể không còn nữa nhưng tôi sẽ luôn giữ con trong trái tim mình", bà nói.

Sotloff lớn lên ở Nam Florida trong gia đình với bố mẹ và em gái. Trong buổi lễ, Lauren, em gái anh, đã chia sẻ những lời ca từ bài hát "Wish You Were Here", gợi dậy những kỷ niệm về Sotloff. Khi tiếng nhạc cất lên, những người tưởng niệm vừa khóc vừa hát theo.

"Steven yêu quý, em yêu anh nhiều lắm. Anh là người bạn tốt nhất của em", Lauren nói. 

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio phát biểu rằng Sotloff "đã lựa chọn không chỉ trở thành một nhà báo mà còn là một người đưa tin ở nơi những điều khủng khiếp nhất xảy ra".

"Cậu ấy đã mang đến chúng ta câu chuyện về những người đang phải chịu đựng những hành động không thể tin được", ông Rubio nói. "Quỷ dữ vẫn ở đó. Nó có một cái tên khác nhưng vẫn ở đó. Và Steven đã lột mặt nạ chúng".

Anh Ngọc

 

Chợ cô dâu ở Ấn Độ

Nghèo đói và mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Ấn Độ khiến nam giới ở đây ngày càng khó kết hôn. Họ tìm đến người môi giới, thường là những kẻ bắt cóc hoặc buôn người, để mua vợ.
anh-3-8480-1409888584.jpg

Đàn ông ở nhiều ngôi làng của Ấn Độ không giấu giếm việc họ phải chi tiền cho môi giới để có vợ. Ảnh: CNN.

Ngay cả với một giáo viên như Narinder, kiếm được một cô vợ cũng khó. Narinder hay xấu hổ và nhút nhát nhưng người đàn ông 36 tuổi trên nói rằng, đó là số phận rồi, chẳng thể thay đổi được. Thầy giáo ấy cư xử rất lịch sự và lúc đầu tỏ ra miễn cưỡng khi chia sẻ về tình trạng hiện tại của mình.

Narinder sinh ra trong gia đình có bốn anh em nhưng chỉ duy nhất một trong số các anh của thầy là cưới được vợ. Ở nơi Narinder sống, bang Uttar Pradesh, chỉ có 858 cô gái cho 1.000 chàng trai.

"Thời buổi này, chỉ có đại gia và những viên chức làm việc trong cơ quan chính phủ mới lấy được vợ thôi. Còn lại, chẳng ai tìm nổi một cô dâu ở đây nữa đâu", Narinder than thở.

Trong xã hội Ấn Độ bảo thủ, một cô dâu tốt nghiệp đại học không phải sự lựa chọn của các gia đình chú rể. Một cô dâu mới phải chăm sóc gia đình nhà chồng bằng những bữa ăn và chu toàn việc nhà. Bởi vậy, họ chỉ cần sạch sẽ, biết chăm sóc con cái là đủ.

Narinder không thể kiếm nổi cô nào trong làng chỉ bởi ở đó có quá ít phụ nữ. Vì thế, anh phải nhờ đến trung tâm môi giới.

Narinder có thể là nạn nhân của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh nghiêm trọng ở Ấn Độ. Trải qua nhiều thập kỷ, tình trạng nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi đã gây nên sự mất cân bằng giới. Lợi dụng tình hình, những kẻ buôn người tuyển hoặc bắt cóc phụ nữ nghèo đem bán làm cô dâu.

Cô dâu bị bán ở Ấn Độ đến từ đâu

Một đôi vợ chồng lớn tuổi không cầm được nước mắt khi nhìn bức ảnh nhỏ chụp cô con gái Jaida, 16 tuổi. Bức ảnh cũ mờ là tất cả những gì còn lại của Jaida.

anh-9849-1409888584.jpg

Bức ảnh cũ mờ của Jaida là những gì còn lại của bố mẹ em kể từ sau khi cô bé mất tích. Ảnh: CNN.

Gia đình Jaida sống ở ngôi làng có nhiều căn nhà đắp từ bùn, cách sông Brahmaputra một khoảng an toàn. Tuy nhiên, những trận lụt ập tới đã phá hủy toàn bộ kế sinh nhai của họ. Cả nhà chỉ kịp giữ lại được vài chiếc nồi, chảo, mấy con dê cùng hai chiếc giường. Không ra đồng trồng trọt được gì, bố Jaida nuôi sống gia đình bằng nghề đan rổ, chiếu bằng rơm.

Cách đây 2 năm, cô gái này mất tích sau khi nói chuyện cùng người lạ trong một ngày mưa bên bờ sông Brahmaputra.

Mọi hy vọng của cha mẹ Jaida trông cậy cả vào nhà hoạt động nhân quyền Shafiq Khan, người đã tìm ra lý do tại sao hơn 3.000 phụ nữ mất tích ở bang Assam năm 2012. Trong năm đó, ước tính có khoảng 10 phụ nữ bị bắt cóc ở Assam mỗi ngày. Một vài trong số họ sau đó được tìm thấy, số còn lại mất tích mãi mãi.

Các bang ở phía đông Ấn Độ như Assam, Jharkhand, West Bengal và Odisha trở thành nguồn cung cấp cho hoạt động buôn bán cô dâu bởi những nơi ấy, tỷ lệ giới tính cân bằng hơn. Ngược lại, những bang ở phía tây bắc nước này thường bảo thủ và cũng giàu hơn nên có khả năng chi trả cho chi phí siêu âm chẩn đoán hình ảnh và nạo phá thai chọn giới tính.

Halida, 14 tuổi, sống ở ngôi làng gần gia đình Jaida. Tháng 12/2012, Halida bị một người đàn ông đi xe máy bắt cóc rồi nhốt trong một ngôi nhà và hãm hiếp suốt hai ngày. Sau khi nghe người đó nói sẽ đưa cô tới Delhi để bán, Halida càng có động lực trốn thoát.

anh-4-9616-1409888584.jpg

Tasleema và em gái Akhleema đều bị bán làm cô dâu. Ảnh: CNN.

Thoát khỏi sự giam cầm của kẻ bắt cóc nhưng Halida không thể thoát khỏi miệng lưỡi của người làng. Dân làng biết về vụ tấn công tình dục trên và lũ trẻ bắt đầu chòng ghẹo cô bé khiến việc đến trường của Halida trở thành một cơn ác mộng. Không ai muốn thuê bố em làm việc nên ông phải đi thật xa để kiếm tiền.

Trong suốt cuộc phỏng vấn với nhà báo của CNN, mẹ Halida ngồi lặng yên trong góc nhà. Không giấu giếm, bà cho rằng, con gái đã mang tới nỗi nhục nhã, xấu hổ cho cả gia đình.

Khi các cô dâu bị bán

Tasleema và em gái Akhleema đến từ thủ phủ Kolkata, bang tây Bengal. Quá nghèo nên gia đình đã quyết định bán hai chị em cho một kẻ buôn người. Hai chị em cô bị bán làm vợ cho hai người đàn ông sống ở một ngôi làng thuộc bang Haryana. Với Tasleema và Akhleema, thời thơ ấu là chuỗi ngày may mắn nhất cuộc đời bởi từ lúc đi lấy chồng, họ luẩn quẩn trong một chuỗi nấu nướng, làm việc trên đồng, bị đánh và lạm dụng.

Chồng của hai cô đã phải chi 2.000 USD cho môi giới để có vợ. Dẫu vậy, họ vẫn bị người làng chê cười vì đi mua vợ, thay vì "ăn cỏ đồng ta".

"Trong xã hội Ấn Độ, gia trưởng là cố hữu. Các cô gái không phải là những vị khách được chào đón trong gia đình chúng tôi, vì thế, họ không được đối xử tốt", Muttreja, một nhà hoạt động nhân quyền, nói.

Bình Minh (theo CNN)

Theo Vnexpress