Tin Trong Nước

Khoảng 20h30 ngày 28/8, thượng sĩ Hà Quốc Mạnh, chiến sĩ thuộc phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng đang trực tại đơn vị thì một bé trai chừng 10 tuổi chạy đến đưa cho chiếc ví và nói: “Cháu nhặt được cái này ở bên đường, nhờ chú trả lại cho người nào đánh rơi”...

 

Bé trai trả lại gần 100 triệu đồng cho du khách

Nhặt được chiếc ví có gần 100 triệu đồng, cháu bé khoảng 10 tuổi đã mang đến công an gần nhà để trả lại người đánh rơi và từ chối cung cấp tên tuổi.

Chiều 29/8, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức trao trả lại số tiền gần 100 triệu đồng cho anh Lê Xuân Quân (40 tuổi, ngụ tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), một khách du lịch đang tham quan tại Đà Lạt.

be-trai-2299-1409380816.jpg

Cơ quan công an trao lại tài sản bị mất cho anh Quân. Ảnh: Hoàng Trường.

Trước đó vào khoảng 20h30 ngày 28/8, thượng sĩ Hà Quốc Mạnh, chiến sĩ thuộc phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng đang trực tại đơn vị thì một bé trai chừng 10 tuổi chạy đến đưa cho chiếc ví và nói: “Cháu nhặt được cái này ở bên đường, nhờ chú trả lại cho người nào đánh rơi”.

“Lúc này trời đang mưa, chưa kịp hỏi tên tuổi thì cháu bé bảo nhà cháu gần đây rồi chạy đi”, chiến sĩ Mạnh nói và cho biết khi anh kiểm tra bên trong chiếc bóp thì bất ngờ vì thấy số tiền rất lớn, bao gồm cả tiền nước ngoài cùng giấy tờ tùy thân mang tên Lê Xuân Quân. Số tiền được xác định là 93,5 triệu đồng. Lần theo số điện thoại để lại ở trong bóp, Phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động đã mời anh Quân đến để trao trả lại tài sản nói trên.

Nhận lại tài sản, anh Quân vui mừng cho biết đang cùng gia đình vào Đà Lạt du lịch, do không biết đường nên đã dừng ôtô lại hỏi thăm và làm rớt chiếc bóp. “Nghe các anh công an kể lại người nhặt được chiếc ví của mình là cháu bé khoảng 10 tuổi, tôi rất khâm phục và biết ơn tấm lòng tốt bụng của bé trai Đà Lạt”, anh Quân nói.

Cơ quan chức năng TP Đà Lạt đang xác minh cháu bé để khen thưởng về hành động đẹp này.

Hoàng Trường - Quốc Dũng

Người phụ nữ chăn trâu bị lũ cuốn chết khi cứu học sinh

Thấy nhóm học sinh nhỏ tuổi mắc kẹt giữa đập tràn qua suối, chị Huyền đang chăn trâu gần đó vội chạy đến giúp nhưng bị nước lũ cuốn trôi cùng hai em.

Sáng 31/8, ông Vi Văn Xuân, Trưởng công an xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết, lực lượng cứu hộ và gia đình đang nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ chết đuối thương tâm khiến 3 người thiệt mạng xảy ra chiều qua.

Theo ông Xuân, trưa ngày 30/8, 6 học sinh Trường THCS dân tộc nội trú huyện Như Thanh được nghỉ lễ Quốc khánh nên rủ nhau đến nhà một người bạn ở thôn Cầu Hồ, xã Mâu Lâm.

14h cùng ngày, khi các em ra về thì con đập tràn dẫn vào thôn Cầu Hồ bị ngập sâu trong nước lũ. Đám trẻ vẫn cố băng qua dòng nước xiết để quay về, nhưng đến giữa đập, nước lũ ngập ngang người khiến các em không thể di chuyển. Chị Trịnh Thị Huyền (21 tuổi, trú thôn Cầu Hồ, xã Mậu Lâm) đang chăn trâu gần đó vội chạy tới để giúp.

Khi chị Huyền dắt tay hai em Trương Thị Kim Anh và Trương Thị Hoa (đều là học sinh lớp 7B, Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh) đi qua đập thì bất ngờ bị dòng nước xiết cuốn trôi cả 3 về phía hạ lưu.

Nghe tiếng kêu, nhiều người dân địa phương chạy tới ứng cứu nhưng các nạn nhân đã chìm trong dòng nước. Sau nhiều giờ tổ chức tìm kiếm, cuối chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể chị Huyền và đến đầu giờ sáng nay, xác cháu Hoa cũng đã được phát hiện cách hiện trường không xa. Chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Ông Xuân cho hay, đập tràn dẫn vào thôn Cầu Hồ dài khoảng 15 m, cứ mưa lớn là ngập và nước chảy xiết.

Lê Hoàng

15/9 bắt đầu tiêm miễn phí vắcxin sởi-rubella cho trẻ

 

 

Chiến dịch này sẽ được triển khai trước tại 4 huyện của 4 khu vực trên cả nước, sau đó sẽ áp dụng cho khoảng 23 triệu trẻ phòng bệnh sởi và rubella trên toàn quốc.

Đây là chiến dịch tiêm chủng toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 4 huyện sẽ tiêm vắcxin sởi-rubella trước gồm Thanh Sơn (Phú Thọ), thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Vang (TP Huế) và huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) trong thời gian từ 15/9 đến 2/10.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, đây là chiến dịch có số lượng trẻ tiêm chủng rất lớn và vắcxin mới triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cần triển khai trên quy mô nhỏ ban đầu để rút kinh nghiệm.

Sau 4 huyện này, chiến dịch sẽ được triển khai trên toàn quốc với hơn 20 triệu trẻ 1-14 tuổi trong các năm 2014-2015 nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Vắcxin sử dụng lần này do Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng hỗ trợ.

Mục tiêu của chiến dịch là đạt tỷ lệ trên 95 % trẻ 1-14 tuổi được tiêm mũi vắcxin phối hợp này, đặc biệt phấn đấu bao phủ tối đa, không bỏ sót trẻ chưa tiêm mũi sởi trong tiêm chủng thường xuyên như trẻ không đi học, trẻ ở vùng sâu vùng xa biệt lập, vùng dân di cư… Các điểm tiêm sẽ được tổ chức tại trường học hoặc trạm y tế xã/phường.

Theo đó đợt tiêm vắcxin lần 1 sẽ được triển khai trong tháng 9 và 10 cho trẻ 1-5 tuổi; đợt 2 vào tháng 11 và 2 cho trẻ 6-10 tuổi đang học tiểu học và đợt 3 vào tháng 1 và 2/2015 cho trẻ 11-14 tuổi đang học trung học cơ sở.

Với kinh phí trên 36 triệu USD, dự kiến khoảng 23 triệu trẻ em thuộc 63 tỉnh thành phố sẽ được tiêm. Mỗi trẻ em sẽ được tiêm ngừa 1 mũi sởi-rubella.

Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh.

Theo Bộ Y tế, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh rubella ở trẻ thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên hậu quả để lại với phụ nữ mang thai lại vô cùng nặng nề.

Nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh và nhiễm rubella ở trẻ sinh ra. Hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, vàng da, xuyết huyết, xương thuỷ tinh… nhiều trẻ mắc đa dị tật.

Phương Trang

Theo Vnexpress