Tin Thế Giới

Sự thất bại của chính phủ trong việc cung cấp cho các binh sĩ cả những đồ dùng cơ bản nhất đang gây ảnh hưởng đến cả diễn tiến cuộc chiến lẫn tinh thần của những người đang chiến đấu.

Binh sĩ Ukraine mất nhuệ khí vì thiếu thốn

Đơn vị của Vitaliy Komar đã bám trụ ở tiền tuyến gần hai tháng qua nhưng cuối cùng phải rút lui vì không có xe bọc thép. Làng quê nghèo của ông thậm chí phải tự quyên tiền để các binh sĩ mua áo chống đạn vì không thể chờ đợi chính phủ tiếp viện. 
Một binh sĩ Ukraine tại doanh trại ở Debaltseve, vùng Donetsk hôm qua. Ảnh: Reuters

Một binh sĩ Ukraine tại doanh trại ở Debaltseve, vùng Donetsk. Ảnh: Reuters

Tuần vừa qua là một tuần khó khăn cho các lãnh đạo quân sự của Ukraine. 

Trong khi các lữ đoàn tình nguyện bị mắc kẹt 10 ngày ở Ilovaysk, một thành phố cách tỉnh Donetsk 50 km về phía đông, nhiều người tổ chức biểu tình trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu để yêu cầu tiếp viện và cung cấp các vũ khí tốt hơn. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine phải rút khỏi Novoazovsk hôm 28/8 do lực lượng ly khai phản công. Nhiều cứ điểm quanh thành phố Amvrosiivka của Donetsk cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ủng hộ Nga.

Vitaliy Komar, chỉ huy tiểu đoàn 5, cho biết đơn vị của ông phải rút lui vì liên tục bị nã pháo hạng nặng từ biên giới Nga cũng như bên trong Ukraine. Đơn vị này đã bám trụ trên tiền tuyến gần hai tháng qua, từ 5/7, nhưng không có xe bọc thép hay vũ khí hạng nặng.

"Họ đã quyết định rút lui cho đến khi họ được Bộ Quốc phòng cung cấp đầy đủ quân dụng", Yuri Romanyuk, thành viên hội đồng tỉnh Ivano-Frankivsk cho biết.

Giới chức của Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Ukraine không bình luận gì về thông tin trên.

Theo Komar, tiểu đoàn của ông là lực lượng quân đội Ukraine cuối cùng rời khu vực trên. Đơn vị của ông đã có hai người thiệt mạng và 7 người bị thương kể từ đầu tháng trước. 

Sự thất bại của chính phủ trong việc cung cấp cho các binh sĩ cả những đồ dùng cơ bản nhất đang gây ảnh hưởng đến cả diễn tiến cuộc chiến lẫn tinh thần của những người đang chiến đấu.

"Vì thế họ nổi dậy chống lại Bộ Quốc phòng. Không ai muốn chịu đựng sự lãnh đạo ngu xuẩn, thái độ hời hợt với các binh sĩ, với nhu cầu của quân đội và Vệ binh Quốc gia thêm nữa", ông Romanyuk nói.

Khi được điều đến miền đông hôm 4/7, các binh sĩ trong đơn vị trên thậm chí không đủ áo chống đạn. "Chúng tôi sẽ chia sẻ", một người giễu cợt với truyền hình địa phương. "Hai người mặc một cái, thế là chúng tôi được che cả trước lẫn sau".

Bữa ăn của binh sĩ Ukraine tại doanh trại ở Debaltseve, Donetsk. Ảnh: Reuters

Bữa ăn của binh sĩ Ukraine tại doanh trại ở Debaltseve, Donetsk. Ảnh: Reuters

420 nam thanh niên ra đi trên những chiếc xe buýt trường học màu vàng, mặc những bộ trang phục không giống nhau và vẫy chào những người mẹ. Họ chỉ được huấn luận 45 ngày trước khi tiến thẳng ra mặt trận. Đến hôm 8/7, tham mưu trưởng của họ, đại tá Yuri Baran, tử trận. Một binh lính 23 tuổi cũng hy sinh vào giữa tháng.

Những người mẹ và người vợ đang của họ yêu cầu chính phủ phải cung cấp đầy đủ quân nhu và vũ khí cho tiểu đoàn nếu không phải đưa họ rời khỏi chiến trường và trở về nhà. Hôm 25/8, những người phụ nữ này đã chặn một cây cầu ở Ivano-Frankivsk, làm tê liệt giao thông trong thị trấn suốt nhiều giờ.

"Chúng tôi đã gõ cửa từng ngôi nhà và tất cả câu trả lời mà chúng tôi nhận được là không ai có thể làm gì trong khi những người đàn ông của chúng tôi đang làm nhiệm vụ", Olga, người có chồng là một binh lính trong tiểu đoàn nói. Cô, cũng như những phụ nữ khác, không muốn tiết lộ tên vì sợ chồng bị phạt. Các binh sĩ có thể bị giam 2-5 năm tù vì tội đào ngũ.

Một sắc lệnh của tổng thống Ukraine vào ngày 17/3 yêu cầu mỗi vùng thành lập một tiểu đoàn bảo vệ lãnh thổ và các tình nguyện viên có thể tham gia quân dịch như chồng của Olga. Anh nhận được giấy gọi nhập ngũ vào một nửa đêm tháng 5. Theo Olga, phần lớn binh sĩ trong tiểu đoàn của chồng là lính quân dịch và ban đầu họ được nói là sẽ chỉ duy trì ở Ivano-Frankivsk để bảo vệ các mục tiêu chiến lược như đường ống khí đốt.

Vùng Ivano-Frankivsk nghèo khó đã tự quyên góp được gần 7 triệu UAH (hơn 500.000 USD) để mua quân nhu và thiết bị cho tiểu đoàn, trong đó có mũ bảo hiểm, đồ lót giữ nhiệt và áo chống đạn.

"Chúng tôi tự bỏ tiền riêng ra mua tất cả và tự gửi chúng đi", ủy viên hội đồng Romanyuk nói. "Không có ai khác chăm lo cho các binh sĩ trên chiến trường cả".

Các binh lính tình nguyện trên khắp Ukraine cũng đang mất dần sự kiên nhẫn với những gì mà họ cho là sự bất tài của chính quyền.

"Lòng yêu nước và nhuệ khí của tiểu đoàn 5 thực sự rất cao, họ sẵn sàng chiến đấu, nhưng chiến đấu có lý do", ông Romanyuk nói. "Để hy sinh một cách ngu ngốc mà không có gì biện hộ ư? Cần một người nào đó nên chịu trách nhiệm về chuyện này. Một chính phủ mà ba tháng rồi không thể mua mũ bảo hiểm và áo chống đạn thì không đáng được nắm quyền hành trong thời gian chiến tranh".

Anh Ngọc (theo Kyiv Post)

Mỹ tiếp tục không kích phiến quân Hồi giáo ở Iraq

Quân đội Mỹ hôm qua mở các đợt tấn công vào lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Iraq, dùng máy bay chiến đấu và máy bay không người lái hỗ trợ đợt phản công của quân đội Iraq.
u-2846-1409446895.jpg

Mỹ mở đợt không kích mới nhằm hỗ trợ quân đội Iraq phản công phiến quân Hồi giáo. Ảnh: News92fm

"Cuộc không kích phá hủy một xe có vũ trang, một vị trí chiến đấu, các vũ khí và một tòa nhà của Nhà nước Hồi giáo tự xưng", AFP dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Cuộc tấn công được thực hiện để hỗ trợ quân đội Kurd và Iraq, cũng như bảo vệ hạ tầng then chốt, nhân sự, các cơ sở của Mỹ và hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo, theo Cơ quan Chỉ huy Trung tâm Mỹ đặt tại Tampa, Florida. 

Hỗ trợ mới nhất của Mỹ diễn ra khi Iraq mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn để đẩy phiến quân khỏi thị trấn Amerli, sau hai tháng bị siết chặt vòng vây. Các lực lượng an ninh của Iraq, hàng nghìn binh lính quân đội dòng Shiite và các chiến binh Kurd có vũ trang đều tham gia cuộc phản công để phá thế phong tỏa ở Amerli. Người dân Amerli phải chịu cảnh thiếu lương thực và nước uống nhiều tuần nay.

Đợt không kích của Mỹ cũng nhắm vào khu vực Mosul, khi các lực lượng của Iraq và Kurd cố giành lại một số lãnh thổ do phiến quân chiếm giữ. Iraq đang nỗ lực chiếm lại các khu vực quan trọng của đất nước sau cuộc tấn công chớp nhoáng do Nhà nước Hồi giáo dẫn đầu, chiếm thành phố thứ hai Mosul hồi tháng 6 và quét qua khu trung tâm Sunni.

Đến nay Mỹ đã thực hiện tổng cộng 115 cuộc không kích ở khắp Iraq. Hiện Washington vẫn chưa quyết định có mở rộng hoạt động quân sự vào khu vực Amerli hay Syria hay không. Hôm 27/8, Mỹ bắt đầu các chuyến bay do thám ở Syria để mở đường cho khả năng không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Phiến quân Hồi giáo cực đoan ngày 19/8 công bố đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley để đáp trả những "tội ác" của Mỹ. Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố nước Mỹ không hề nao núng và kêu gọi quốc tế cùng chung tay nhổ đi "căn bệnh ung thư" là Nhà nước Hồi giáo.

Khánh Lynh

 

'Quý bà al-Qeada' - nỗi đau đầu của an ninh Mỹ

Việc nhà báo James Foley bị hành quyết tàn bạo sau khi Washington từ chối trao đổi tù nhân Aafia Siddiqui, người được mệnh danh là quý bà al-Qeada, làm dấy lên những tranh cãi trong giới an ninh Mỹ về người phụ nữ đang thụ án 86 năm tù này.
al-qaida-suspect-shooting-5892-140936877

Aafia Siddiqui, nhà thần kinh học người Pakistan. Ảnh: AP

Aafia Siddiqui là người mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) yêu cầu Mỹ trả tự do để đổi lấy mạng sống nhà báo James Foley. Sau khi anh bị giết, IS tiếp tục đòi đổi tự do cho bà này lấy một nữ nhân viên thiện nguyện người Mỹ.

Hai năm trước, các quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ đã nhận được một đề nghị trớ trêu từ giới chức Pakistan. Nếu Mỹ trả tự do cho Siddiqui, Pakistan sẽ cố gắng giải cứu trung sĩ Bowe Bergdahl, người đã mất tích từ năm 2009, và được cho là bị lực lượng Taliban bắt giữ tại nước này. Tổ chức khủng bố đã nhiều lần đe dọa hành quyết Bergdahl, nếu Washington không thả bà Siddiqui.

Năm 2010, Taliban đòi từ do cho Siddiqui, và đổi lại sẽ trả tự do cho một nhân viên nhân đạo người Anh tên là Linda Norgrove. Năm 2011, một thủ lĩnh của Taliban muốn đổi tính mạng "quý bà" bằng hai công dân Thụy Sĩ bị bắt cóc ở Baluchistan. Cùng năm đó, thủ lĩnh số hai của Al-Qeada Ayman al-Zawahiri đòi Mỹ trả Siddiqui để nhận một nhân viên nhà thầu người Mỹ bị bắt cóc ở Pakistan và hiện vẫn bị tổ chức khủng bố giam giữ.

Siddiqui, 42 tuổi, xuất thân Pakistan, là tiến sĩ thần kinh học tốt nghiệp tại Mỹ. Bà bị bắt vào năm 2008 tại Afghanistan, khi bị phát hiện tàng trữ chất cực độc, tài liệu mô tả cách chế tạo vũ khí hóa học, bom bẩn, virus, và những bản ghi chép đề cập đến các cuộc tấn công hàng loạt trên nhiều nơi ở nước Mỹ. Bà đã tấn công một nhân viên hành pháp Mỹ trong quá trình thẩm vấn và bị kết án 86 năm tù với 7 tội danh, bao gồm âm mưu giết người, tấn công vũ trang, sử dụng vũ khí và hành hung nhân viên Mỹ, không có tội danh khủng bố.

Tranh cãi về việc liệu chính phủ Mỹ có nên trao đổi tù binh hoặc trả tiền chuộc đã nổ ra sau khi nhà báo Foley bị hành quyết. Không giống như nhiều nước châu Âu, Mỹ không chấp nhận nhượng bộ khủng bố. Một số chuyên gia chống khủng bố cho rằng chính vì nguyên nhân đó, người Mỹ ít bị bắt cóc hơn. Tuy nhiên, những người từng bị bắt làm con tin và gia đình họ đang bày tỏ mong muốn Washington thay đổi chính sách để có thể giải cứu các công dân Mỹ.

Chính sách không nhượng bộ

"Tôi sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc thảo luận nội bộ và các kết luận được đưa ra về vấn đề này", Foreign Policy dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Caitlin Hayden.

"Aafia Siddiqui đang thụ án 86 năm tù với tội danh âm mưu giết người và tấn công công dân Mỹ, nhân viên hành pháp Mỹ và nhân viên tại Afghanistan. Chính phủ Mỹ từ lâu đã thực hiện chính sách không nhân nhượng với những kẻ bắt cóc. Nhượng bộ khủng bố sẽ chỉ khiến nhiều công dân Mỹ có nguy cơ bị bắt làm tù binh hơn," bà nói.

Trong một bài phát biểu vào năm 2012, David Cohen, Thứ trưởng bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, tuyên bố Washington sẽ không đàm phán với các nhóm khủng bố, bất kể là về tiền chuộc, trao đổi tù binh hay các chính sách nhượng bộ khác.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey cho rằng việc đàm phán với tổ chức khủng bố có thể càng "dung túng cho IS bắt cóc thêm con tin".

"Chúng coi trọng cơ hội thương lượng với chúng ta. Việc này khiến cho chúng giống như là người hùng ở Trung Đông", ông Jeffrey nói.

Jeffrey nhận định việc Mỹ đồng ý đàm phán với IS sẽ là "một sự trượt dốc đạo đức". "Điều một tổ chức khủng bố muốn là phá hủy thế giới, buộc chúng ta phải lựa chọn giữa việc tham gia cùng họ hoặc chết, trong khi họ phủi sạch những chỉ trích và phản đối họ đáng phải hứng chịu", ông cho biết.

IS là một trong những nhóm khủng bố cực đoan nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thời gian qua. IS đã phát triển đến mức quá nguy hiểm, khiến ngay cả al-Qaeda cũng chối bỏ tổ chức này, do cảm thấy không thể kiểm soát nổi nó.

Nhượng bộ hay biệt lệ?

Trong khi Nhà Trắng kiên quyết từ chối đàm phán trao đổi Siddiqui với các con tin, một số quan chức an ninh và quốc phòng đã bàn thảo đến vấn đề này.

Gary Noesner, cựu Trưởng đoàn đàm phán con tin của FBI cho rằng việc hoán đổi tù nhân hoặc trả tiền chuộc có thể là biện pháp hiệu quả để bảo đảm tự do cho công dân nước này.

"Chính sách không đàm phán đã không áp đụng dược cho tất cả các trường hợp khác nhau. Nói rằng chúng ta không thương lượng chẳng những không ích gì cho việc giải quyết vấn nạn, mà còn không giúp ngăn chặn được việc người Mỹ và các nước khác bị bắt cóc", ông nói.

Một chính trị gia Mỹ cho biết các quan chức ở Lầu Năm Góc đã tính toán các cách thức xung quanh vấn đề Siddiqui.

"Chúng tôi biết rằng có ít nhất một nhóm quan chức trong Bộ Quốc phòng đã xây dựng những phương án có thể để thực hiện việc trao đổi Siddiqui", Joe Kasper, phát ngôn viên của nghị sĩ đảng Cộng hòa Duncan Hunter, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, người từng lên án chính quyền của Tổng thống Barack Obama thiếu nỗ lực trong việc giải cứu công dân Mỹ.

Tuy nhiên phương án trao đổi Siddiqui lấy Trung sĩ Bergdahl chưa từng được đề đạt với Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. "Đó là thật sự là một điều đáng xấu hổ. Việc trao đổi Siddiqui cũng như bất kỳ phương án nào khác dù đúng hay sai đều nên được xem xét và khai thác triệt để", ông Kassper nói.

Các quan chức quốc phòng cấp cao khẳng định họ không nhận được bất kỳ đề xuất nào về việc trao đổi Siddiqui. Các chuyên viên cũng cho biết việc thực hiện rất phức tạp về mặt pháp lý. Tổng thống Obama có thể sẽ phải ân xá hoặc giảm án cho Siddiqui, vì Mỹ và Pakistan chưa từng ký kết hiệp ước cho phép tù nhân Pakistan, đang bị giam giữ ở Mỹ, được phép quay về quê nhà để tiếp tục thụ án. Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể đã định hình một số giải pháp về vấn đề này, nhưng nếu thực hiện, Nhà Trắng sẽ phải hứng chịu chỉ trích rằng nước này trực tiếp đàm phán với khủng bố.

Tuy nhiên, chính sách không khoan nhượng khủng bố của Mỹ cũng có một ngoại lệ. Trung sĩ Bergdahl được trả tự do vào hồi tháng 5, sau khi Mỹ trao đổi 5 tù nhân vốn là thành viên chủ chốt trong Taliban, bị giam giữ tại vịnh Guantanamo, Cuba. Thỏa thuận này bị lên án là bước nhượng bộ của Mỹ trước phiến quân, đồng thời được coi là mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Cơ quan tình báo Mỹ hai năm trước kết luận rằng những tù nhân này vẫn sẽ giữ tư tưởng thù địch với Mỹ.

Trước những chỉ trích đó, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ nhận định việc trao trả 5 tù binh Taliban để đổi lấy Bergdahl là phù hợp với truyền thống hoán đổi tù nhân trong thời chiến. Đồng thời, đây được coi là một trong những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Mỹ để tham gia vào vòng đàm phán hòa bình với Taliban, nhằm chấm dứt giao tranh ở Afghanistan. Xét về phương diện đó, các quan chức đã lập luận rằng, về cơ bản, việc giải cứu Bergdahl khác với những đề xuất trao đổi Siddiqui.

Kẻ nguy hiểm hay là kẻ bị lợi dụng?

Một trong những câu hỏi đặt ra là nếu được thả tự do, Siddiqui có phải là mối đe dọa với an ninh Mỹ hay không. Theo ông Kasper, câu trả lời là không. Ông cho rằng bà này mắc bệnh tâm thần và khi bị bắt, bà không có khả năng thực hiện bất kỳ cuộc tấn công chết người nào bà ta dự tính.

"Nếu thực hiện đúng đắn, có thể sẽ có cách để tiến hành trao đổi", ông Kasper cho biết.

Tiến sĩ Ghairat Baheer, con rể của Gulbuddin Hekmatyar, thủ lĩnh một phong trào vũ trang Hồi giáo ở Afghanistan, cho biết ông ta bị giam giữ tại nhà tù Bagram cùng với Siddiqui và khẳng định người phụ nữ này có vấn đề về tâm thần.

Tuy nhiên, theo Washington Post, chính căn bệnh tâm thần của bà có thể là một trong những yếu tố dẫn đến xu hướng cực đoan. Báo cáo tâm lý của L. Thomas Kucharski, Đại học John Jay mô tả Siddiqui bị hoang tưởng. "Sau vụ tấn công ngày 11/9, tiến sĩ Siddiqui thông báo cho chồng rằng bà mong muốn được quay về Pakistan. Một trong các lý do bà đưa ra vào thời điểm đó là người Mỹ sẽ bắt cóc trẻ em Hồi giáo để cải đạo sang đạo Kito, đây là một ý tưởng rất hoang đường", ông Kucharski viết.

Trong bài phỏng vấn mới đây với CNN, Fowzia Siddiqui, chị gái của Aafia Siddiqui, cho rằng em gái bà không có mối liên hệ với khủng bố. "Cô ấy không có liên quan đến al-Qaeda , Taliban hay bất cứ tổ chức khủng bố nào. Cô ấy thậm chí còn không bị buộc tội khủng bố", Fowzia nói.

Khi bà bị tuyên án 86 năm tù vào năm 2010, nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra tại Pakistan, do họ coi bản án Mỹ dành cho Siddiqui là bất công. Nhiều người Pakistan chỉ trích chính phủ nước này "thất bại trong nỗ lực đưa Siddiqui về nước và không có phản ứng trước phán quyết của tòa án Mỹ". 

Tại Pakistan, một nhóm các chiến binh tự xưng là Lữ đoàn Aafia Siddiqui đã tấn công các cơ sở của chính phủ để phản đối bản án. Các nhóm ủng hộ Siddiqui thực hiện một vụ đánh bom vào xe cảnh sát ở Peshawar, làm hai cảnh sát thiệt mạng vào năm 2012, và tiến hành cuộc tấn công vào một trụ sở ngành tư pháp, làm bốn người chết và hơn 50 người bị thương vào năm 2013.

Theo bà Fowzia, hình ảnh của Siddiqui mang tính tượng trưng, bị các tổ chức khủng bố như IS hay Lữ đoàn Aafia mượn danh để phục vụ cho toan tính của họ.

"Em gái tôi là một biểu tượng, cô ấy là hình ảnh tuyên truyền cho phong trào jihad, là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều người đoàn kết lại. Cô ấy không phải là người phụ nữ bình thường mà là biểu tượng tài hoa bạc mệnh của người Hồi giáo", Fowzia nói.

Vũ Thảo (Theo Foreign Policy/CBS)

Theo Vnexpress