Tin Thế Giới

Nhiệt độ cao nhất hôm 26/7 ở thành phố Otsuki, cách Tokyo 75km về phía tây, lên tới 38,8 độ C, Cục Khí tượng Nhật Bản thông báo. Cơ quan này cũng cảnh báo nhiệt độ trong tuần ở Tokyo sẽ duy trì mức hơn 30 độ C, có khả năng xảy ra lũ lụt và giông tố...

Nắng nóng kỷ lục ở Nhật làm 11 người chết

11 người chết và 1.900 người ở Nhật phải nhập viện vì nắng nóng trong những ngày qua, trong khi cơ quan khí tượng nước này cảnh báo mức nhiệt độ cao còn tiếp diễn.
Japan-2562-1406521458.jpg

Trẻ em Nhật Bản chơi đùa tại đài phun nước ở công viên Tokyo. Ảnh: AFP

Nhật Bản đang trong đợt nắng nóng nhất từ đầu năm tới nay. Nhiệt độ đo được tại các trạm quan trắc thường xuyên trên 35 độ C.

Nhiệt độ cao nhất hôm 26/7 ở thành phố Otsuki, cách Tokyo 75km về phía tây, lên tới 38,8 độ C, Cục Khí tượng Nhật Bản thông báo. Cơ quan này cũng cảnh báo nhiệt độ trong tuần ở Tokyo sẽ duy trì mức hơn 30 độ C, có khả năng xảy ra lũ lụt và giông tố.

Nắng nóng ảnh hưởng tới nhiều hoạt động ngoài trời ở Nhật Bản. Giải Vô địch bóng chày trung học thường niên đang được tổ chức vòng quanh Nhật Bản. Nắng nóng và độ ẩm thấp khiến 5 cầu thủ phải nhập viện ở thành phố Nagoya hôm 25/7, 6 người khác cũng phải nhập viện vì khó thở do say nắng.

Năm 2013 cũng xảy ra nắng nóng tại Nhật Bản, nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 41 độ C, khiến 17 người chết và hàng nghìn người phải nhập viện.

Hồng Hạnh (theo Bloomberg)

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần Việt Nam

Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật trên vịnh Bắc Bộ, gần sát Việt Nam và sẽ bắt đầu tập trận tại biển Hoa Đông vào ngày 29/7 tới.
TauTQok-4351-1406470900.jpg

Tàu chiến Trung Quốc trong cuộc tập trận mới đây. Ảnh Mil.cnr.cn.

Cả hai cuộc tập trận này được Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi là huấn luyện thường lệ, theo Bloomberg. Cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ kết thúc vào ngày 1/8, cuộc tập trận trên biển Hoa Đông sẽ kết thúc ngày 2/8.

Hãng hàng không Phương Nam của Trung Quốc thông báo nhiều chuyến bay ở phía đông nước này có thể bị trì hoãn trên quy mô lớn vì "những hoạt động đặc biệt". Hãng hàng không này tuần trước được yêu cầu cắt 25% chuyến bay ở nhiều sân bay, bao gồm ở Thượng Hải, do tập trận thường xuyên. Nhà chức trách quân sự và hàng không đang thực hiện các biện pháp để hạn chế tối thiểu tác động của các cuộc tập trận.

Giới quan sát cho rằng, hai cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng có cùng tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Suh Jin Young, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul nhận định, các cuộc tập trận hiện nay khác với trước đây ở điểm Trung Quốc đang thực hiện một cách công khai hơn, khiến nước này được nhìn nhận như đang gia tăng căng thẳng quân sự. Nhưng trong mắt người Trung Quốc, căng thẳng lại do Mỹ và Nhật Bản khởi xướng, và Trung Quốc nói rằng họ chỉ thực hiện việc mà họ vẫn làm hằng năm.

Trung Quốc yêu sách hầu như với toàn bộ Biển Đông, với đường lưỡi bò phi lý. Tại Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Với tư cách đồng minh của Tokyo, Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Nhật nếu xảy ra xung đột ở quần đảo này.

Khánh Lynh

 

Lãnh đạo hàng không quốc tế họp khẩn vì MH17

Các quan chức hàng không quốc tế sẽ họp khẩn tại Montreal, Canada, vào ngày mai để thảo luận về việc chuyến bay MH17 rơi ở Ukraine. 
mas-save-save-8792-1406515819.jpg

Hiện trường máy bay Malaysia Airlines rơi ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh:Reuters

Cuộc họp khẩn tại Canada ngày mai sẽ có sự tham dự của các quan chức hàng đầu thuộc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và các cơ quan khác, Reutersdẫn lời hai nguồn thạo tin cuối tuần qua cho biết.  

"Cuộc họp cấp cao đặc biệt sẽ bàn về các hành động thích hợp cần có nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn đối với hàng không dân dụng xuất phát từ vùng xung đột", AFP dẫn lời ICAO tuyên bố trong thông cáo. 

ICAO, IATA, Tổ chức Các Nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm hoạt động bay và Hội đồng cảng hàng không quốc tế (ACI) sẽ thảo luận về vai trò của mỗi bên trong vùng không phận trên những khu vực xung đột, các nguồn tin nói.

"Ý tưởng tổ chức họp này là để các đối tác thảo luận về những giải pháp", một nguồn tin thân cận của ICAO, cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, nói.  

Đại diện của ICAO cho rằng vụ MH17 đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nội bộ về việc trong tương lai liệu cơ quan này có thể đưa ra những lời cố vấn về rủi ro hay không. Các nguồn tin cho rằng hiện chưa rõ cuộc họp sắp tới sẽ dẫn đến hành động cụ thể nào hay không bởi ICAO có vai trò hạn chế.

Tổ chức này đến nay không phát cảnh báo về những nguy hiểm liên quan đến xung đột. Các quốc gia thành viên có toàn quyền kiểm soát với không phận của họ và có thể sẽ không sẵn sàng trao quyền cho ICAO. 

ICAO cũng chưa tổ chức cuộc họp khẩn nào trong nội bộ lãnh đạo về vụ MH17. Tổ chức này từng làm điều tương tự sau khi một máy bay Liên Xô bắn hạ máy bay Hàn Quốc năm 1983 và một tàu tuần dương Mỹ bắn một máy bay chở khách Iran năm 1988. 

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/7 rơi từ độ cao hơn 10.000 m phía trên khu vực chiến sự miền đông Ukraine, làm 298 người thiệt mạng. Mỹ cho rằng máy bay bị bắn hạ từ khu vực do phe ly khai thân Nga chiếm đóng. Trong khi đó, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai vẫn tố nhau là thủ phạm.

Trọng Giáp

Theo Vnexpress