Phó chủ tịch Hà Nội: 'Hết kiên nhẫn khi đường ống nước vỡ lần thứ 9'
Sau lần thứ 9 đường ống nước Sông Đà bị vỡ, tân phó chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn vào chiều 12/7 với các cơ quan chức năng và Vinaconex để thống nhất kế hoạch, phương án xây dựng một tuyến đường ống mới, tránh phụ thuộc vào đường ống hiện tại.
Chỉ sau 5 năm đưa vào sử dụng, 8 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân. Ảnh: Bá Đô. |
Chỉ đạo cuộc họp, ông Hùng phát biểu, mỗi lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ, gần 1 triệu người bị đảo lộn. "Thành phố đã hết kiên nhẫn với Tổng công ty cổ phần Vinaconex, không thể chờ được đơn vị này khởi công tuyến ống mới và không thể để họ tiếp tục đùa với cuộc sống của người dân", ông Hùng nói.
Phó chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, thành phố mất niềm tin vào Vinaconex và đã nhiều lần yêu cầu nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng, vì vậy Hà Nội sẽ chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Còn Vinaconex tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất nhà máy nước theo quy hoạch.
"Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố, sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 còn thừa của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư".
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47 km. 20 km đầu từ nhà máy về đến quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. 9 lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long, do đó đề nghị làm khoảng 30 km ống mới từ quốc lộ 21 về đến Vành đai 3.
Liên quan đến phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế (Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam) cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên phải mất 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công làm ngay.
Đại diện Tổng công ty cổ phần Vinaconex cho rằng, đơn vị đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2. Nếu thi công trước 10 km (đoạn thường xuyên xảy ra sự cố), đơn vị này có thể làm ngay từ tháng 8 với thời gian thi công 4 tháng.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định, Sở Xây dựng sẽ làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay.
"Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày kể từ cuộc họp này; đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối.Sở Xây dựng cùng tư vấn thống nhất lựa chọn vật liệu bằng thép hoặc gang, hướng tuyến bảo đảm tối ưu nhất nhưng không trùng với đường ống đang bị sự cố", ông Hùng Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó, vào rạng sáng 12/7, khi sự cố vỡ lần thứ 8 vừa khắc phục được một ngày, đường ống nước sông Đà lại tiếp tục vỡ lần thứ 9. Về nguyên nhân của những sự cố liên tiếp này, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ Xây dựng cho rằng do chất lượng đường ống (bằng sợi thủy tinh) không đồng đều, có hiện tượng bong rộp, tách lớp. Một số chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ. Hơn nữa, quá trình thi công không bảo đảm, nhiều đoạn lẫn đá tảng, bê tông trong lớp cát đệm đường ống; khu vực đi qua hầm chui không có lớp bê tông bảo vệ làm giảm khả năng chịu tải trước tác động bên ngoài… Trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố trước hết thuộc về chủ đầu tư - Tổng Công ty cổ phần Vinaconex. |
Xuân Hoa
Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển
Bác sĩ Nguyễn Bảo Nam, Viện Y học biển Việt Nam, hướng dẫn cho các ngư dân cấp cứu khi gặp nạn trên biển. Ảnh: Tiến Hùng. |
Sáng 13/7, tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng nhiều đơn vị tổ chức chương trình "Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển". Hội tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 ngư dân xã Tam Quang, cung cấp một số kỹ năng cơ bản về xử lý cấp cứu ban đầu cho ngư dân để có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và trợ giúp bạn nghề bị ốm đau hoặc gặp tai nạn trên biển. 100 tủ thuốc, dụng cụ y tế đã được tặng cho các ngư dân phòng khi gặp sự cố trên biển.
“Ngư dân còn, biển còn. Ngư dân khỏe sẽ tiếp tục bám biển và tiếp thêm lực lượng, thêm sức mạnh bảo vệ quyền và chủ quyền biển, đảo", tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, phát biểu trong chương trình.
Chương trình dự kiến diễn ra ở 5 tỉnh thành ven biển là Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa.
Tiến sĩ Trần Văn Thuấn trực tiếp khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân tại xã Tam Quang. Ảnh: Tiến Hùng. |
Tiến Hùng
Máy bay chiến đấu Trung Quốc lượn gần giàn khoan
Khoảng 9h ngày13/7, lực lượng kiểm ngư phát hiện một máy bay cánh bằng vào khu vực tàu Việt Nam từ hướng tây bắc. Máy bay này ở độ cao khoảng1.500-2.000 mét, thông tin từ Cục Kiểm ngư cho hay.
Tảu Trung Quốc (bên phải) áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Trưa nay, máy bay cánh bằng trên lại đến từ hướng đông bắc, bay hai vòng ở độ cao 500-600 mét trên khu vực tàu Việt Nam, sau đó rời đi.
Lực lượng chấp pháp Việt Nam còn phát hiện máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở độ cao 1.500-2.000 mét, lượn ba vòng trên đội tàu Việt Nam.
Thời gian gần đây, máy bay Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ngày 10 và 12/7, máy bay cánh bằng đã bay 4 lượt trên khu vực tàu Việt Nam hoạt động. Tuần trước, lực lượng chấp pháp Việt Nam thấy máy bay dạng trinh sát điện tử và một trực thăng Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn duy trì hơn một trăm tàu, trong đó có từ 4 đến 7 tàu quân sự quanh khu vực giàn khoan.
Trong một diễn biến bất thường, hôm 11/7, trên tàu hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện băng-rôn mang dòng chữ: "Trung Quốc Việt Nam hữu nghị chung sống hòa bình với nhau". Tuy nhiên hành động của Trung Quốc lại trái ngược lại với khẩu hiệu này, khi các tàu nước này vẫn ngang ngược, hung hăng trên vùng biển Việt Nam. Mỗi khi tàu Việt Nam đi vào gần giàn khoan để thực thi pháp luật thì ngay lập tức tàu Trung Quốc dàn hàng ngang đồng loạt tăng tốc, áp sát, hú còi, ngăn cản.
Trên khu vực ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản, toàn bộ tàu cá của Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh và hai tàu dịch vụ hậu cần của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng tàu cá của ngư dân.
Hương Thu
Nữ sinh Việt nhận học bổng của Top 15 đại học tốt nhất thế giới
Bố là kỹ sư, mẹ bác sỹ, từ bé Lê Khánh Ngân (19 tuổi) đã được tiếp xúc với nhiều lý giải khoa học về các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Càng lớn, em càng hứng thú tìm câu trả lời logic, rõ ràng.
Học chuyên Anh trường Hà Nội-Amsterdam, Khánh Ngân lập ra câu lạc bộ Khoa học mở mà nhiều người gọi các thành viên là "dân SOS". Tại đây em cùng hơn 20 học sinh khác thỏa sức mày mò với bộ đồ dụng cụ thí nghiệm. "Có lần, cả nhóm đã được phen mặt mũi mũi lấm đen vì chế tạo pháo hoa nhưng bù lại chúng em biết cách pha chế các chất thế nào để được màu ưng ý", Ngân cười khì nhớ lại.
Năm lớp 11, Khánh Ngân tham gia Hội thi Intel ISEF - cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9-12. Ý tưởng tái sử dụng giấy ăn cho mô hình trồng rau mầm của Amser này đã vượt qua hơn 40 dự án khác, đạt giải Ba vòng quốc gia.
Mô hình này không những giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy của giấy đã sử dụng mà còn tiết kiệm công chăm sóc vì chỉ cần tưới một lần duy nhất rồi sau 3-4 ngày có thể thu hoạch rau mầm sạch. Để hoàn thành đề tài này, nhóm của Ngân phải vất vả chạy ngược, chạy xuôi thử nghiệm khá nhiều, nghiên cứu suốt 4 tháng.
Lê Khánh Ngân, cựu Amser đã nhận được học bổng toàn phần ngành kỹ thuật của Cornell University – một trong những trường Ivy Leagues danh giá nước Mỹ - top 15 đại học hàng đầu thế giới. Ảnh: NVCC. |
Nữ sinh này cũng tự nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu tận dụng công nghệ tế bào gốc và nuôi cấy mô, tế bào trong phòng thí nghiệm để từ một số tế bào đã biệt hóa ở người như tế bào da, cơ hay tế bào gan, sẽ nuôi sống một số nột tạng người hoàn chỉnh. Các nội tạng hoàn chỉnh này có thể dùng để cấy ghép trở lại cho người bệnh.
Khánh Ngân đưa ý tưởng nghiên cứu tế bào gốc vào hồ sơ xin học bổng tại Cornell University – một trong những trường thuộc tốp 15 đại học hàng đầu thế giới. Cùng bài luận nêu bật niềm đam mê khoa học, bảng điểm đáng nể, điểm SAT II gần như tuyệt đối: Toán II: 800/800, Vật lý: 800/800, Sinh học phân tử (Bio M): 780/800, Sinh học môi trường (Bio E): 760/800… hồ sơ của Ngân đã lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển sinh.
"Năm đó đại học Cornell đạt kỷ lục về lượng hồ sơ xin học bổng với 40.000 bộ. Tỷ lệ chọi vào trường khá cạnh tranh 15,5%. Đại học này vốn hạn chế trao học bổng cho học sinh quốc tế, nhất là người học cấp 3 tại Việt Nam. Với những yếu tố trên, em thấy mình khá liều lĩnh khi vẫn nộp hồ sơ vào. Nhưng em thích ngôi trường này và mang quan điểm sống "ở đời phải mơ lớn và mạo hiểm một chút" nên cứ gửi", nữ sinh nói.
Sau 3 tháng hồi hộp chờ đợi, cuối cùng Khánh Ngân nhận được thư đồng ý cấp học bổng 100% khá sớm từ Cornell University. Thường những người xuất sắc, hoặc được nhà trường ưu ái mới có tên trong danh sách nhận thư sớm này. Tính cả Khánh Ngân, hiện bậc đại học của Cornell University có 10 sinh viên Việt Nam, trong đó 5 người học cấp 3 trong nước, số còn lại đi du học từ sớm.
Học bổng của Khánh Ngân khiến nhiều Amsers nể phục. "Cornell là một trong 8 trường Ivy League mà khi em định gửi hồ sơ vào thì mọi người đều bảo nó dị lắm, khó nhận cực kì. Trường đó toàn học sinh giỏi mà Ngân được nhận vào", Nguyễn Siêu – Amser đoạt học bổng điện ảnh hơn 4 tỷ đồng của Vassar College (Mỹ) nhận xét. Theo nam sinh học cùng lớp với Khánh Ngân này, ngày cấp 3, Ngân tạo được ấn tượng tốt với bạn bè, thầy cô bởi học giỏi đều các môn, nói chuyện lưu loát và lập luận logic rất thuyết phục.
Khánh Ngân và các bạn cùng trường. Tại Cornell University hiện chỉ có 5 du học sinh Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Tại Cornell University, Khánh Ngân phải đối mặt với khá nhiều áp lực từ cuộc sống tự lập và chương trình học nặng. "Các giáo sư luôn nói rằng, một kỹ sư thường phải làm việc ngoài giờ nhiều thời gian và sinh viên cũng cần làm quen dần với điều kiện áp lực ấy. Mỗi tuần các thầy cho một bài tập lớn và khó yêu cầu tìm hiểu nhiều tài liệu", nữ sinh kể.
Áp lực từ danh tiếng trường tốp, xung quanh các sinh viên đều miệt mài học tập, nghiên cứu và kỳ vọng của gia đình đôi khi cũng khiến Ngân căng thẳng. Tuy nhiên vì được học theo đúng đam mê nên 2/2 học kỳ, Khánh Ngân đều có tên trong danh sách sinh viên có kết quả học tập tốt. Em cũng được Hội sinh viên giỏi quốc gia Mỹ (The National Society of Collegiate Scholars) mời làm thành viên.
Ngoài học tập, ở Cornell University, Khánh Ngân còn tham gia Nhóm Đại sứ tuyển sinh Quốc tế, giúp các sinh viên năm nhất tìm hiểu về trường. Em cũng là từng cùng một số sinh viên Việt Nam tại Cornell tổ chức nấu nướng, trình diễn thời trang truyền thống Việt Nam để quảng bá đất nước mình tới bạn bè quốc tế. Chương trình "Phở Night" của nhóm Khánh Ngân đã thu hút trên 200 giảng viên, sinh viên trong trường tham gia.
Hè này về Việt Nam, Khánh Ngân tham gia thực tập bộ môn Vi sinh tại bệnh viện Bạch Mai để trải nghiệm thực tế trong phòng thí nghiệm và hiểu thêm, làm quen với kỹ thuật mới. Ước mơ sau này của Ngân là trở thành một kỹ thuật viên xét nghiệm, hoặc chuyên gia y sinh.
Ngày 20/7 tới, Khánh Ngân sẽ cùng các thành viên trong tổ chức Vietabroder tổ chức hội thảo du học tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Tại đây, các du học sinh sẽ chia sẻ kinh nghiệm nộp hồ sơ, hướng dẫn cách viết bài luận và trải nghiệm cuộc sống đại học tại Mỹ. |
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress