Tin Tức Tổng Hợp

Trước đó, vào sáng 7/7, tại khu vườn nơi chiếc Mi171 rơi xuống và phát nổ, nhiều bàn thờ lập vội để đặt di ảnh các chiến sĩ hy sinh. Các gia đình cùng các sư sãi và phật tử tập trung làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ...

Sắp xếp chỗ ở cho gia đình chiến sĩ vụ Mi 171 gặp nạn

Ngoài việc thăng quân hàm, Bộ Quốc phòng chỉ đạo giúp đỡ vợ con các chiến sĩ tử nạn do máy bay rơi trong việc ăn học, tạo việc làm, sắp xếp chỗ ở cho những người chưa có nhà.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa ký quyết định truy thăng quân hàm lên một cấp với các chiến sĩ tử nạn trên máy bay Mi 171 hôm 7/7. Với những học viên chưa là sĩ quan sẽ được truy phong cấp bậc thiếu úy.

Kíp bay còn được khen thưởng vì đã có hành động dũng cảm, cố gắng điều khiển máy bay gặp sự cố ra khỏi khu dân cư để tránh gây thiệt hại cho người dân.

Sáng 9/7, các gia đình đã tổ chức lập bàn thờ chung và làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ.Ảnh: Bá Đô

Sáng 9/7, các gia đình đã tổ chức lập bàn thờ chung và làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ. Ảnh: Bá Đô

Sáng 9/7, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng tới thăm hỏi ba chiến sĩ bị thương tại Viện Bỏng Quốc gia. Bộ trưởng đã đề nghị bệnh viện huy động mọi nguồn nhân, vật lực để cứu chữa cho các chiến sĩ đang bị thương với trách nhiệm và tình cảm cao nhất.

Đại tướng cũng yêu cầu tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm, chu đáo cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở khu vực Hà Nội. Với các trường hợp gia đình có nguyện vọng đưa thi hài về quê hương, phía quân đội sẽ đứng ra tổ chức.

Về hoàn cảnh khó khăn của nhiều chiến sĩ, thậm chí vợ con đang phải đi thuê nhà ở trọ, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô và Quân chủng phòng không - Không quân "nghiên cứu sắp xếp chỗ ở cho vợ con các đồng chí hy sinh".

"Ngoài ra cần có phương án hỗ trợ các cháu ăn học; đối với những đồng chí vợ chưa có việc làm, quân đội sẽ tạo điều kiện về làm việc phù hợp với trình độ, khả năng của mỗi người", đại tướng Phùng Quang Thanh chỉ đạo.

Dự kiến trong chiều nay kết quả giám định ADN của các chiến sĩ hy sinh sẽ hoàn tất tại BV 354, Tổng cục Hậu cần, sau đó được đưa về tổ chức truy điệu tập thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thái Tông). Lễ truy điệu tập thể dự kiến diễn ra vào sáng 11/7.

Theo ghi nhận của VnExpress, trong sáng nay, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu các liệt sĩ được tiến hành, nhiều cán bộ cấp cao của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng có mặt tại đây để bàn bạc và bố trí khánh tiết phục vụ cho lễ truy điệu diễn ra trang nghiêm.

Trước đó, vào sáng 7/7, tại khu vườn nơi chiếc Mi171 rơi xuống và phát nổ, nhiều bàn thờ lập vội để đặt di ảnh các chiến sĩ hy sinh. Các gia đình cùng các sư sãi và phật tử tập trung làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ.

Phương Sơn

Cục trưởng Khảo thí: 'Không có vùng cấm trong bài làm của thí sinh'

 

 

"Trong câu hỏi về nguyên nhân lao động thất nghiệp, học sinh có thể viết về những điểm chưa được của Bộ Giáo dục", Cục trưởng Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục nói.

Chiều 10/7, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo sau khi kỳ thi đại học đợt 2. Cục trưởng Khảo thí Kiểm định chất lượng Giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi tốt nghiệp đã bắt đầu những đổi mới về đề thi. Kỳ thi đại học tiếp tục những thay đổi này nên không làm thí sinh bỡ ngỡ.

DSC-4655-9567-1404989072.jpg

Giám thị chuẩn bị bóc đề tại điểm thi Học viện Ngân hàng. Ảnh: Quý Đoàn.

Không có vùng cấm trong bài làm của thí sinh

Do đề thi mở nên đáp án cũng mở, nhưng học sinh phải truyền tải được nội dung cơ bản, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Những em nào thể hiện được sáng tạo hơn thì sẽ đạt được điểm cao.

"Đáp án không có vùng cấm. Nếu thí sinh nói về những thiếu sót của Bộ Giáo dục trong việc sinh viên ra trường thất nghiệp, giải thích chặt chẽ thì vẫn được cho điểm", ông Trinh cho hay.

Cục trưởng Khảo thí chia sẻ, nhiều người cho rằng đề có nhiều câu quá khó, nhưng đánh giá đề dễ hay khó là tuỳ vào năng lực của từng người. Đề thi nhằm kiểm tra thang bậc kiến thức của thí sinh nên phải có câu dễ, khó. Câu khó là để phân loại thí sinh, chọn những thí sinh giỏi. Điều quan trọng là nội dung đã nằm trong chương trình học phổ thông.

Tháng 9 các đại học phải có đề án tuyển sinh riêng

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang hướng tới một kỳ thi chung, tuy nhiên Bộ vẫn yêu cầu các trường trong tháng 9 phải gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ. Có trường chỉ sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển, nhưng cũng có trường cần kiểm tra thêm môn Toán, hay phỏng vấn để chọn được những thí sinh phù hợp.

"Một kỳ thi quốc gia và việc các trường có đề án tuyển sinh không hề mâu thuẫn", ông Ga nói.

Mỗi trường có đề án tuyển sinh riêng đều phải có ngưỡng xét tuyển, sau đó lấy chỉ tiêu từ cao xuống đến ngưỡng. Đối với 62 trường tuyển sinh năm nay, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra chặt chẽ.

Những trường tuyển sinh hai lần trong năm là những trường đào tạo tín chỉ, vì vậy không ảnh hưởng đến thời gian học tập của thí sinh. 62 trường tuyển sinh riêng năm nay không có trường nào tuyển sinh hai lần. Dù có xét tuyển nhưng thời điểm kết thúc đều thống nhất với kỳ thi chung của bộ.

"Được tuyển sinh hai lần nhưng thời điểm nào Bộ sẽ quyết định để có sự thống nhất", Thứ trưởng Ga nói.

Năm 2016 vẫn có thi 3 chung

Theo lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, năm 2016 các trường sẽ tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường, đa số là các trường tốp đầu vẫn mặn mà với kỳ thi quốc gia chung.

Thứ trưởng Ga cho biết, việc nhiều trường ngại thi riêng là dễ hiểu, vì khâu khó nhất là làm đề Bộ Giáo dục đã đảm nhiệm. Hơn nữa, với 3 chung, các trường tốp đầu tuyển được những thí sinh tốt nhất.

"Nhưng các trường vẫn phải tự chủ, điều này là phù hợp với luật giáo dục. Năm 2015 Bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung cho những trường đăng ký. Các trường muốn tuyển sinh riêng vẫn trình đề án để Bộ duyệt", Thứ trưởng Ga nói.

Đánh giá về công tác tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, được thực hiện nghiêm túc, trật tự, an toàn. Đặc biệt, trong cả hai đợt thi các trường đã phát hiện và xử lý kỷ luật 226 thí sinh (trong đó khiển trách 50, cảnh cáo 5, đình chỉ thi 171, có 14 thí sinh đến muộn không được dự thi). Thứ trưởng Ga cũng cho hay, phần lớn các thí sinh bị đình chỉ là do sử dụng và mang điện thoại di dộng vào phòng thi.

Trong cả hai đợt đã có hơn 1,1 triệu thí sinh đến dự thi, đạt 77,84%, tỷ lệ này năng nhẹ so với năm 2013. Kỳ tuyển sinh năm nay các tổ chức đoàn thể, xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp có những hoạt động tích cực hỗ trợ thí sinh. Cụ thể, đã hỗ trợ hơn 80.000 chỗ ở miễn phí, hơn 60.000 suất ăn miễn phí, đặc biệt hỗ trợ cho những thí sinh vùng sâu, vùng xa, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đề thi năm nay được ông Ga đánh giá nằm hoàn toàn trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không có sai sót về nội dung và hình thức, định hướng kiểm tra năng lực, có khả năng phân loại thí sinh và được bảo mật tuyệt đối.

Hoàng Thuỳ

Bí thư Đà Nẵng ra hạn 'thôi chức' giám đốc Sở

 

 

 

Trong kỳ họp HĐND, Bí thư Đà Nẵng đề nghị giám đốc Sở Xây dựng: "Nếu không làm được đúng như lời hứa thì nên tự nguyện từ chức".

Chiều 9/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII diễn ra căng thẳng với những câu hỏi chất vấn gai góc. Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về việc xử lý cán bộ, công chức sử dụng sai mục đích nhà chung cư thành phố cho thuê lại với giá rẻ; nhiều khu khu dân cư bị ngập úng trong mùa mưa; dự án làng đá mỹ nghệ chậm tiến độ...

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ làm "nóng" phiên họp khi cầm điện thoại đọc tin nhắn của cử tri Đà Sơn (quận Liên Chiểu) gửi, phản ánh Sở Xây dựng cho xây hệ thống xử lý nước thải nhưng cống tạm thấp hơn nhiều so với cống chính. Khẳng định việc làm này không đúng, ông Thọ đặt ngay câu hỏi với ông Phạm Việt Hùng: "Anh đã đến chỗ đó chưa? Cống cao bao nhiêu mét anh biết không?".

Bối rối trong giây lát, ông Hùng trả lời nhỏ nhẹ rằng đã hai lần đến nắm tình hình khu dân cư Đà Sơn, do các cống chính đã xây xong đấu vào tuyến đường Hoàng Văn Thái nên các hộ dân sẽ bị thấp hơn mặt đường, ảnh hưởng đến cuộc sống.

IMG-4959-5223-1404903727.jpg

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phạm Việt Hùng bị chất vấn gay gắt nhiều vấn đề trong kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chưa bằng lòng với câu trả lời này, đại biểu Thái Thanh Hùng (quận Liên Chiểu) cho biết, cử tri nhắn tin và khi tiếp xúc thì người dân nói rất thảm thiết, thậm chí họ còn đưa hình ảnh mỗi lần mưa xuống phải mang áo phao bơi trong nhà. "Nước này không phải là nước mưa, người dân Đà Sơn đã chịu đựng bãi rác Khánh Sơn rồi, bây giờ mỗi khi mưa xuống nước bãi rác cũng chảy xuống nên dân rất khổ", ông Hùng nói.

Ông Trần Thọ khẳng định việc người dân Đà Sơn nhắn tin phản ánh đến mình là đúng sự thật. "Tôi cũng chụp ảnh hết đây, cống cao như thế này nên người dân bức xúc thì phải giải quyết cho dân, chứ không tới đây người dân điện thoại cho tôi hay anh Chiến chủ tịch thành phố thì khó xử", ông Thọ nói khi đưa những tấm ảnh đã được ông cẩn thận rửa ra cho mọi người cùng xem.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hồng cho rằng phần trả lời bằng văn bản về một số quy hoạch trên địa bàn quận Sơn Trà của Sở Xây dựng với nội dung "thành phố sẽ xem xét hoàn chỉnh dự án khi có điều kiện" là không thuyết phục và chung chung, tuyến đường đất đỏ 39 năm nay không được đầu tư. "Nếu đại biểu HĐND về trả lời như vậy với cử tri thì chắc chắn sẽ bị phản đối", bà Hồng nói.

Ông Phạm Việt Hùng cho biết, tuyến đường nối từ Nguyễn Văn Thoại song song với Võ Nguyên Giáp nếu được thành phố bố trí vốn sẽ làm xong. "Còn phản ánh của đại biểu về một số nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết hoàn thành các dự án nhà ở xã hội là chính xác. Sở Xây dựng đã xuống làm việc nhưng hiệu lực của Sở cũng chỉ có mức độ. Chủ tịch, phó chủ tịch thành phố ra tay công việc mới chạy được", ông Hùng nói.

nga-6617-1404903727.jpg

Tình trạng ngập úng của nhiều khu dân cư Đà Nẵng được đưa ra mổ xẻ với Giám đốc Sở xây dựng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Trần Thọ đề nghị Giám đốc Hùng cần nói rõ: "làm hay không làm, làm thì bao giờ xong", cần hạn chế cách nói "đang làm, sẽ làm, làm khi có điều kiện" vì như thế không biết đến bao giờ mới xong. "Anh Văn Hữu Chiến ạ, khó thì cũng khó rồi, chứ con đường ở tuyến du lịch nằm thẳng góc với đường Nguyễn Văn Thoại cố gắng ghim vốn vào triển khai năm 2015 đi. Không thì nó quá nhếch nhác", ông Thọ chỉ đạo về việc làm con đường theo phản ánh của đại biểu Hồng.

Chốt lại phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Nho Trung về dự án Làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn chậm tiến độ, ông Trần Thọ khẳng định mình nắm sát tình hình vì bản thân ông cũng là đại biểu HĐND khu vực Ngũ Hành Sơn, đã xuống tận nơi tiếp xúc với dân. Theo ông, đây là điển hình trì trệ của thủ tục hành chính khi cứ "đá qua, đá lại, đá lên đá xuống, trong khi có thể giải quyết nhanh gọn".

Người đứng đầu Đà Nẵng hoan nghênh lời hứa của ông Phạm Việt Hùng sẽ đôn đốc hoàn thành dự án Làng đá mỹ nghệ đúng tiến độ. Ông Thọ cũng quả quyết: "Hôm nay nói với nhau như thế là nhiều rồi, nếu 30/8 nếu không xong trạm xử lý nước thải ở làng đá mỹ nghệ thì giám đốc Sở Xây dựng nên tự nguyện thôi chức đi".

Nguyễn Đông

Theo Vnexpress