Tin Tức Thế Giới

Chủ tịch Tập hôm nay phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng Trung-Hàn đang trở thành những đối tác hợp tác chiến lược thực sự và quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử...

Trung - Hàn e ngại khi Nhật mở rộng vai trò quân sự

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Park Geun-hye vừa thể hiện sự quan ngại đối với chính sách mới đây của Nhật trong việc tăng cường vai trò quân sự. 
hop-bao-3240-1404483063.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc họp báo chung sau hội đàm thượng đỉnh hôm qua ở Seoul. Ảnh: Reuters

"Bà Park và ông Tập nhất trí rằng việc Nhật tiếp tục có thái độ xét lại lịch sử là một điều đáng lo ngại, khi nước này thậm chí còn cố mở rộng quyền phòng thủ", Yonhap dẫn lời ông Ju Chul-ki, thư ký cấp cao về đối ngoại của tổng thống Park, hôm nay nói.

Ông Ju còn cho biết bà Park cũng đáp lại đề nghị của Trung Quốc trong việc tổ chức các hoạt động tưởng niệm chung vào năm tới, đánh dấu 70 năm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi chế độ thực dân Nhật, cũng như kỷ niệm ngày Thế chiến II kết thúc. Bà Park nói Hàn Quốc cũng dự định tổ chức "những sự kiện ý nghĩa", ông Ju nói.

Phát biểu mới nhất được đưa ra trong bữa tiệc đặc biệt do bà Park tổ chức vào ngày thứ hai, ngày cuối cùng trong chuyến thăm Seoul của ông Tập. 

Chủ tịch Tập hôm nay phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng Trung-Hàn đang trở thành những đối tác hợp tác chiến lược thực sự và quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.

Ông cũng hối thúc hai nước giải quyết những khác biệt một cách đúng đắn, nhằm tạo ra một môi trường phát triển hòa bình và ổn định. "Chúng ta nên cách tân quan điểm về an ninh và cùng bảo vệ hòa bình, phát triển ở châu Á", Xinhua dẫn lời ông Tập nói. 

Seoul và Bắc Kinh đang thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại động thái quân sự đang gia tăng của Nhật. Hai lãnh đạo được mong chờ thể hiện quan điểm chung về Tokyo sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Seoul hôm qua, nhưng không có lời phát biểu nào như vậy được công bố. 

Tokyo đầu tuần này thông qua việc diễn giải lại bản hiến pháp, nhằm thực thi quyền phòng thủ chung, cho phép Nhật chiến đấu cùng đồng minh kể cả khi bản thân nước này không bị tấn công. Động thái này khiến Trung Quốc giận dữ, Hàn Quốc quan ngại, nhưng được Mỹ, Australia ủng hộ. 

Ông Tập hôm qua tới Hàn Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Đây là lần đầu tiên ông đến nước láng giềng châu Á này kể từ khi lên nắm quyền năm ngoái. 

Trọng Giáp

Tướng Mỹ: Iraq có thể mất một phần đất nước

 

 

 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng tuy lực lượng an ninh ở Iraq có thể bảo vệ thủ đô Baghdad nhưng họ không đủ khả năng tấn công đẩy lùi phiến quân Hồi giáo đang chiếm đóng nhiều tỉnh thành trong nước.
130722-martin-dempsey-ap-328-9089-140444

Tướng Martin Dempsey. Ảnh: AP

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm qua cho biết các cố vấn quân sự nước này đánh giá lực lượng an ninh Iraq "đủ sức bảo vệ thủ đô Baghdad", tuy nhiên "sẽ gặp thử thách lớn, chủ yếu là về mặt hậu cần, nếu mở các cuộc tấn công".

"Nếu bạn hỏi tôi rằng liệu quân chính quyền Iraq có thể đẩy lùi phiến quân nhằm lấy lại phần đất bị chiếm hay không, tôi nghĩ đó là một câu hỏi khó",Reuters dẫn lời ông Dempsey nói. "Họ không thể nếu không được trợ giúp".

Tướng Dempsey khẳng định quân đội Mỹ sẽ không tham chiến ở Iraq, tuy nhiên Washington đã điều 200 cố vấn an ninh qua hỗ trợ Baghdad. Các quan chức Mỹ cũng không loại trừ khả năng không kích phiến quân nếu cần thiết.

Khoảng 750 binh sĩ Mỹ hiện có mặt ở Iraq làm nhiệm vụ bảo vệ Đại sứ quán nước này. Đội quân được trang bị trực thăng tấn công và máy bay do thám để thực thi nhiệm vụ.

Phiến quân ISIS, tổ chức hiện nắm quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn ở Iraq, hôm 29/6 tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo cai trị một phần lãnh thổ Iraq và Syria. Lực lượng này không giấu ý định chiếm luôn Baghdad, trong khi quân chính phủ Iraq thề quyết bảo vệ thủ đô trước sự tấn công của phe nổi dậy.

Trần Trang

Mỹ 'đắp chiếu' toàn phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35

 

 

 

Quân đội Mỹ tạm ngừng hoạt động của toàn phi đội chiến đấu cơ F-35 để kiểm tra, sau khi loại máy bay tàng hình này liên tiếp gặp sự cố trong thời gian gần đây. 
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: dailytech

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: Dailytech

Theo Reuters, văn phòng phụ trách chương trình F-35 của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua ban hành chỉ thị hoãn tất cả các chuyến bay của loại máy bay này.

"Việc kiểm tra bổ sung các động cơ F-35 đã được chỉ đạo và kế hoạch bay trở lại sẽ được quyết định dựa trên kết quả kiểm tra và phân tích dữ liệu kỹ thuật", Lầu Năm Góc cho biết.

Quyết định "đắp chiếu" toàn phi đội F-35 được đưa ra sau khi một chiếc F-35A ở căn cứ không quân Florida bốc cháy hôm 23/6. Lúc đó, phi công đang chuẩn bị cho máy bay cất cánh và đã kịp thoát nạn. Giới chức quân sự và hàng không Mỹ chưa tìm ra được nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

Video: Tính năng bật ghế phi công trên F-35

Sự cố khiến kế hoạch bay sang Anh của một chiếc F-35 bị hoãn, trong khi việc tham gia một triển lãm hàng không vào cuối tháng này cũng đang được cân nhắc lại. Trước đó không lâu, một vụ rò rỉ dầu cũng khiến toàn phi đội F-35B bị thanh tra. 

Chương trình F-35, với chi phí gần 400 tỷ USD, là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Trung tướng Không quân Chris Bogdan cho biết văn phòng chuyên trách sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía quân đội và hàng không khi các dữ liệu kỹ thuật được phân tích, đồng thời tham gia quyết định về việc tái hoạt động F-35.

Anh Ngọc

Theo Vnexpress