Nhà cầm quyền Hồi Giáo Sudan trả tự do cho người phụ nữ bị kết án treo cổ

Tại Jordan, hoàng tử Hassan bin Talal, một người Hồi Giáo lên tiếng phê bình việc cưỡng bức cô Meriam phải theo đạo Hồi của nhà cầm quyền Khartoum. Ông nói: “Việc phượng tự mà không có được tự do chọn lựa và lòng nhiệt thành thì chẳng có nghĩa gì.” Tại Anh, thông cáo chính thức của chính phủ nước này đã mô tả bản án là “man rợ” và có những dấu hiệu vi phạm nhân quyền trầm trọng...

Nhà cầm quyền Hồi Giáo Sudan trả tự do cho người phụ nữ bị kết án treo cổ

MHôm thứ Hai 23 tháng Sáu, thông tấn xã chính thức của nhà nước Sudan cho biết chị Meriam Yehya Ibrahim đã được tự do sau khi một toà án đã đưa ra phán quyết hủy bỏ bản án trước đó.

MeriamYehyaIbrahim-DanielWani.jpg

 

• Bị kết tội bỏ Hồi Giáo sang Kitô Giáo, một phụ nữ Sudan bị kết án treo cổ

• Một phụ nữ Sudan đã bị kết án tử hình vì cho là đã cải đạo từ Hồi Giáo sang Công Giáo vừa hạ sinh một bé gái trong tù

Cô Meriam đã được ra khỏi tù và được đưa đến một điạ điểm bí mật vì nhiều người Hồi Giáo vẫn muốn cô phải chết.

Hôm 16 tháng 5, một tòa án Sudan đã đưa ra một phán quyết tàn bạo là treo cổ chị Meriam Yehya Ibrahim, là một người phụ nữ đang mang thai vì phạm tội bỏ Hồi giáo để gia nhập Kitô Giáo.

Cô Meriam Yehya Ibrahim, 27 tuổi, có cha là một người Hồi Giáo đã bỏ rơi mẹ cô là một tín hữu Chính Thống Giáo nghi lễ Êthiôpia. Từ nhỏ, cô đã được mẹ nuôi dạy trong đức tin Kitô và chưa một ngày nào là người Hồi Giáo.

Cô đã kết hôn với một tín hữu Kitô là anh Daniel Wani, một công dân Hoa Kỳ và có một cháu bé gần 2 tuổi. Những người Hồi Giáo là bà con của cha cô đã tố cáo cô bỏ đạo Hồi để theo Kitô Giáo.

Trước tòa, Meriam luôn kiên quyết cho rằng mình theo đạo mẹ và đã là một Kitô hữu từ nhỏ. 

Tòa án khăng khăng cho rằng Meriam đã phạm tội bội giáo và vì thế cô phải bị treo cổ. Luật lệ Hồi Giáo cũng không cho phép một người phụ nữ kết hôn với một Kitô hữu nên tòa cũng không công nhận hôn nhân giữa cô và anh Daniel Wani và truyền đánh Meriam 100 hèo vì tội ngoại tình.

Trong thời gian bị giam trong tù, cô đã hạ sinh cháu bé thứ hai vào ngày 27 tháng 5 vừa qua. Tòa truyền rằng khi cháu gái mới sinh được dứt sữa thì cô sẽ phải thi hành án.

Nhiều phong trào cầu nguyện cho cô và phản kháng bản án bất nhân đã nổ ra trên khắp thế giới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra thông cáo nói chính phủ Mỹ "quan ngại sâu sắc" trước phán quyết này. Ngoài tuyên bố ngắn gọn nêu trên Hoa Kỳ không can thiệp vào vụ này.

Anh Daniel Wani, là chồng Mariam, đã bày tỏ sự thất vọng với thái độ này của Hoa Kỳ. Anh nói: "Là một công dân Mỹ, tôi thất vọng với quan điểm của Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum từ đầu vụ án này" Sự im lặng lâu dài của cả Tổng thống Barrack Obama và Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry về trường hợp của cô Meriam Yehya Ibrahim đã bị chỉ trích mạnh tại Hoa Kỳ và trên thế giới. Ngày 12 tháng 6, John Kerry mới phá vỡ sự im lặng khó hiểu này.

Trong khi đó, tại Jordan, hoàng tử Hassan bin Talal, một người Hồi Giáo lên tiếng phê bình việc cưỡng bức cô Meriam phải theo đạo Hồi của nhà cầm quyền Khartoum. Ông nói: “Việc phượng tự mà không có được tự do chọn lựa và lòng nhiệt thành thì chẳng có nghĩa gì.” 

Tại Anh, thông cáo chính thức của chính phủ nước này đã mô tả bản án là “man rợ” và có những dấu hiệu vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Muốn biết thêm về thái độ im lặng khó hiểu của Tổng thống Barrack Obama và Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry xin xem, chẳng hạn bài What About Meriam, President Obama? đăng trên USNews hôm 2/06/2014.

Đặng Tự Do