Cô bé bại liệt vẽ tranh bằng miệng
Chào đời với dị tật bẩm sinh, Thơm bị bỏ rơi trong một lán gỗ bên đường. |
Thơm được người dân đưa về cô nhi viện Thánh An, nhà thờ chính tòa Bùi Chu (Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định). |
Bà Liễu, người phụ trách cô nhi viện, cho biết: "Thời gian đầu, chân tay cháu quắp vào nhau như con ếch, thật may suốt 13 năm qua cháu không bị ốm nặng lần nào, thỉnh thoảng bị cảm nhẹ”. |
Bây giờ, Thơm đã tự di chuyển được bằng một chiếc xe tự chế giống cái ván trượt. |
Cô bé có thể tự di chuyển nhưng các bạn vẫn luôn muốn giúp. |
Các bạn được đi học để hòa nhập với cộng đồng, còn Thơm không đủ điều kiện sức khỏe để tới lớp. Em được các bà, các cô ở cô nhi viện dạy chữ nên đã biết đọc, biết viết. |
Hiện Thơm sống cùng 90 bạn trong cô nhi viện Thánh An. Bà Tươi, một trong những người chăm sóc Thơm, kể: "Thơm là một cô bé dễ thương, thật thà và luôn lạc quan. Tôi làm công tác văn phòng ở cô nhi viện nên hay cho Thơm lên đó chơi. Những lúc rỗi việc, tôi lại dạy Thơm đọc và viết". |
Cách đây 2 năm, Thơm muốn học vẽ nên bà Tươi đã mua sách để em học. "Dù phải ngậm bút vẽ nhưng em vẫn rất cố gắng. Gần đây, Thơm còn tự học tiếng Anh theo sách giáo khoa", bà Tươi kể. |
Bà Tươi cũng chia sẻ, nếu có thầy dạy vẽ, Thơm sẽ phát huy được khả năng của mình. |
Những tác phẩm của Thơm luôn có màu sắc tươi vui, lạc quan. |
Góc phòng nhỏ của cô bé ở cô nhi viện. Thơm tâm sự: "Cháu rất thích nghe cha xứ giảng kinh thánh, ngày nào cháu cũng nghe". |
Lê Bích
17 người nhập viện sau khi ăn bún ở Bình Định
Sau một ngày đêm nhập viện điều trị với triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đến chiều 21/6, sức khỏe của 17 người dân ở thị trấn Bồng Sơn và xã Hoài Tân, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) đã dần hồi phục.
Các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bún đang được các bác sĩ chăm sóc, điều trị. Ảnh: Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn. |
Ông Bình ở thị trấn Bồng Sơn, một trong những người bị ngộ độc cho biết, sau khi ăn bún bò, giò tại một tiệm ăn ở địa phương sáng 20/6, đến khoảng 9h thì bụng bắt đầu đau ê ẩm, nôn ói, đi phân lỏng nhiều lần đến phờ phạc phải vào viện cấp cứu.
Thống kê của Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, từ khoảng 10h đến 13h ngày 20/6 đã tiếp nhận 17 ca ngộ độc, chủ yếu là người dân sống ở thị trấn Bồng Sơn và cùng do ăn bún bò. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thị Tường Lam (4 tuổi), bệnh nhân lớn tuổi nhất là Nguyễn Đức Bình (63 tuổi) đều có chung triệu chứng như ông Bình. Các bệnh nhân được truyền dịch, bù nước điện giải, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân.
Trí Tín
Tài xế xe ôm 75 lần hiến máu cứu người
Ông Minh là người có số đơn vị máu hiến nhiều nhất trong 100 người Việt Nam được tôn vinh nhân ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6). Suốt 30 năm, ông Minh chạy xe ôm để kiếm sống và gắn bó với việc hiến máu từ cuối năm 1994. Từ đó, năm nào ông cũng cho máu 4 lần, khỏe thì cho hai đơn vị máu, không thì một đơn vị rưỡi.
"Lúc đó tôi còn trẻ, thấy báo đài tuyên truyền, địa phương kêu gọi thì nghĩ đi hiến máu thử xem thế nào. Thử vài lần thấy bình thường, công việc mình làm cũng hay hay, có ý nghĩa cho đời, nên tôi tiếp tục từ ngày đó đến nay", ông Minh giải thích.
Ông Minh tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 1994 cho đến nay. Ảnh:Nam Phương. |
Lần đầu đi hiến máu, ông sợ nhất là lúc thấy kim to luồn vào tay. Nhưng rồi ông tự nhủ: "Là con gái mà người ta còn dám cho máu, chả nhẽ mình không làm được". Được cha mẹ dạy phải sống bác ái ngay từ nhỏ, ông cho rằng con người ai cũng có tình thương, người ta góp tiền góp bạc, ông không có thì cho máu, cứu được người ta là điều tốt.
"Tôi làm nghề chạy xe ôm chứ có tài cán gì đâu, nhưng không vì thế mà tôi mặc cảm, nghề nào cũng cao quý, miễn là mình lương thiện. Đời tôi cũng khổ, con đường tình duyên lận đận. Hai lần qua đò nhưng hiện tôi vẫn sống một mình. Vì thế, tham gia hiến máu tình nguyện cũng là cách tôi vui sống với đời", ông Minh tâm sự.
Hiện ông Minh tham gia câu lạc bộ hiến máu nhiều lần và hiến máu dự bị - bất cứ khi nào có người cần là ông hiến. Ông nhớ nhất kỷ niệm cách đây khoảng 10 năm khi đi hiến máu giữa đêm mưa gió bão. 22h hôm đó, ông được Trung tâm hiến máu nhân đạo thành phố gọi, Bệnh viện Thống Nhất cần tiếp ứng 4 đơn vị để thực hiện ca cấp cứu mổ dạ dày. Ông và một vài anh em khác được huy động. Lúc đó, đang mưa bão đường ngập, nhưng ông vẫn đi vì nghĩ "mình không đến chẳng may người ta chết thì mình vô tình giết người ta".
Nhà cách bệnh viện 20 km, ông chạy chiếc xe máy cũ vượt mưa gió. Mưa to, đường ngập nên cứ chạy được một đoạn là xe chết máy, ông phải dừng xe mở bugi lau chùi rồi lại nổ máy chạy tiếp. Nhiều lúc, ông phải đi bộ đẩy xe. "Cuối cùng thì tôi cũng đến được bệnh viện, mệt bở hơi tai. Thú thực lúc đó đói, mệt, người ướt sũng vì nước mưa, mấy cô y tá úp tạm cho tôi gói mì. Nhờ thế, tôi mới có sức để đi tiếp quãng đường về nhà, lại tiếp tục đẩy xe", ông Minh kể.
Lần đó, ông cho một đơn vị rưỡi máu. Xác định hiến máu là làm việc giúp người, ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được trả ơn. Khi người bệnh khỏe đến cảm ơn, ông cảm thấy rất sung sướng.
Không chỉ đi hiến máu, ông còn tham gia vận động nhiều người khác tham gia chương trình tình nguyện. "Có người nói tôi là thằng hâm, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, rồi 'ông được cái giải gì mà đến kêu gọi hiến máu'. Nhưng tôi kệ, chấp họ làm gì", ông Minh nói.
Ông luôn tâm niệm sẽ hiến máu cho đến khi nào hết tuổi thì thôi, còn khỏe còn tuổi thì còn hiến. Hết tuổi thì ông tập trung vào vận động mọi người đi cho máu.
Phương Trang
Theo Vnexpress