Tin Thế Giới

Kỹ sư thứ nhất, họ Sohn, trong phiên xử thừa nhận bỏ phà và vi phạm quy tắc an toàn hàng hải, Yonhap cho hay. Phiên tòa diễn ra tại tòa án ở Gwangju, thành phố ở gần khu vực xảy ra vụ chìm phà Sewol, Hàn Quốc...

Thuyền viên phà Sewol thừa nhận bỏ rơi hành khách

Một thuyền viên phà Sewol hôm nay thừa nhận ông bỏ rơi hành khách và chạy trốn trước khi con phà gặp nạn, trong khi đó các luật sư bào chữa lại đổ trách nhiệm giải cứu sang lực lượng tuần duyên.
tag-reuters-3966-1402997837.jpg

Cảnh sát áp giải thuyền trưởng Lee Joon-seok tới phiên tòa hôm 10/6. Ảnh: Reuters.

Kỹ sư thứ nhất, họ Sohn, trong phiên xử thừa nhận bỏ phà và vi phạm quy tắc an toàn hàng hải, Yonhap cho hay. Phiên tòa diễn ra tại tòa án ở Gwangju, thành phố ở gần khu vực xảy ra vụ chìm phà Sewol, Hàn Quốc.

"(Sohn) sẽ không bào chữa bằng cách nói rằng ông không thể giải cứu hành khách bởi con phà quá nghiêng", luật sư bào chữa cho Sohn nói. Luật sư này đề nghị tòa án khoan hồng với lý do Sohn có sức khỏe yếu và ông từng nhiều lần tìm cách tự tử trong quá trình điều tra.

Sohn là một trong số 4 thuyền viên bị đưa ra xét xử hôm nay. Ba người còn lại phủ nhận các cáo buộc trên. Các luật sư bào chữa còn cho rằng khi lực lượng tuần duyên tiếp cận phà thì phần việc của thủy thủ đoàn kết thúc.

"Thủy thủ đoàn tin rằng lực lượng tuần duyên có đầy đủ khả năng cứu hộ bởi họ đã nhận được cuộc gọi cầu cứu và là những người có trang bị, kỹ năng chuyên nghiệp", Reuters dẫn lời luật sư Im Ju-young nói. Thân nhân những hành khách trên phà có mặt tại tòa án để theo dõi quá trình xét xử.

Thuyền trưởng Lee Joon-seok và 10 thuyền viên khác bị xét xử hôm 10/6. Ông Lee Joon-seok cùng ba thuyền viên bị cáo buộc giết người và phải đối mặt án tử hình nếu bị kết tội.

Theo các công tố viên, 15 thành viên thủy thủ đoàn tìm cách thoát khỏi phà trong khi nói với hành khách, phần lớn là học sinh trung học, ngồi yên tại chỗ. Những người này nói rằng không cố ý rời tàu mà không đảm bảo an toàn cho hành khách bởi lúc đó họ đang hoảng loạn.

Phà Sewol chở 476 người hôm 16/4 gặp nạn ngoài khơi tây nam Hàn Quốc khi trên đường tới đảo du lịch Jeju. Phần lớn hành khách trên phà là học sinh của một trường cấp ba đi dã ngoại. Sau hơn hai tháng tìm kiếm, số người được xác định thiệt mạng đến hôm 17/6 là 292, còn 12 người vẫn mất tích và chỉ có 172 người thoát nạn.

Như Tâm

 

Philippines nâng cấp căn cứ hải quân hướng ra Biển Đông

Ulugan Bay, một vịnh nhỏ của Philippines trên Biển Đông với khung cảnh đẹp như tranh, đang chuyển mình thành một căn cứ hải quân lớn có khả năng chứa các tàu chiến Mỹ. 
ulugan4-1458-1402975627.jpg

Quang cảnh yên bình ở vịnh Ulugan. Ảnh: Phil Star

Ulugan nằm ở bờ biển phía tây của đảo lớn Palawan, chỉ cách một nhóm đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam 160 km. Tổng thống Benigno Aquino tháng trước tuyên bố đây là vị trí tiền tiêu trong hoạt động bảo vệ chủ quyền của Philippines ở vùng biển này.

Philippines gần đây bày tỏ lo ngại trước những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực khai hoang ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh được cho là sắp xây dựng một đảo nhân tạo cùng căn cứ quân sự hiện đại ở đây để tăng cường sức mạnh trên Biển Đông. Trung Quốc chiếm các bãi này của Việt Nam từ năm 1988 và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền ở đây.  

Lo ngại trước những hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, Manila tìm đến Mỹ, một đồng minh lâu năm, với hy vọng củng cố được lực lượng vũ trang lạc hậu bằng những khóa huấn luyện và vũ khí mới.

Hồi tháng 4, khi Tổng thống Barack Obama thăm Manila, hai nước đã ký kết một hiệp ước an ninh mới cho phép Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trên đất Philippines, bao gồm cả những căn cứ được mở rộng.

Vịnh Ulugan hiện nay chỉ có một căn cứ hải quân nhỏ làm trung tâm chỉ huy cho đơn vị quân sự chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển xung quanh. Có một bến tàu nằm ở ngay "tài sản giá trị nhất" của Ulugan, đó là vịnh nhỏ hơn mang tên Oyster. Oyster là một ngư trường dồi dào giúp duy trì cuộc sống cho 1.700 cư dân của ngôi làng Macarascas gần đó.

Để nâng cấp cho Ulugan, một bến tàu, hải cảng lớn hơn cùng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ đang được Philippines xây dựng. Nơi đây dự kiến sẽ trở thành căn cứ cho các tàu lớn nhất của hải quân nước này, trong đó có hai tàu khu trục cũ mà Manila mua lại từ Mỹ năm 2011. 

Tổng thống Aquino cho hay việc nâng cấp căn cứ ở vịnh Ulugan sẽ giúp hải quân Philippines theo dõi các tàu bằng radar và giám sát biển qua hệ thống vệ tinh. Xa hơn, căn cứ này sẽ mở ra khả năng khảo sát và bảo vệ những vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

ulugan5-9316-1402975627.jpg

Bản đồ vị trí của vịnh Ulugan. Đồ họa: SCMP

Tuy nhiên, Philippines hiện mới chỉ chi 500 triệu peso (11,4 triệu USD) cho việc cải tạo Ulugan. Các nhà phân tích nhận định quốc đảo vẫn còn một khoảng cách rất xa mới có đủ khả năng đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh năm ngoái chi gần 120 tỷ USD cho quân sự. 

"Tôi hy vọng chiến lược này sẽ cho phép hải quân Philippines thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ trong giới hạn bằng các tàu nhỏ", ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines.

Tuy nhiên, việc tăng cường binh sĩ và khí tài của Mỹ, cũng như khoản tiền viện trợ của Washington cho Manila để mở rộng căn cứ, có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Theo thỏa thuận quốc phòng được ký kết giữa hai nước đồng minh hồi tháng 4, Mỹ sẽ có quyền tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, xây dựng cơ sở hạ tầng và luân chuyển hàng nghìn binh sĩ. Thỏa thuận cũng cho phép Mỹ triển khai thêm máy bay, tàu chiến và trang thiết bị đến các căn cứ.

Tàu khu trục Philippiens BRP Ramon Alacraz neo tại vịnh Ulugan. Ảnh: AFP

Tàu khu trục Philippiné BRP Ramon Alacraz neo tại vịnh Ulugan. Ảnh: AFP

Manila đã công khai đề nghị Washington tái hiện diện ở vịnh Subic, nơi từng là một căn cứ hải quân Mỹ và cũng hướng ra Biển Đông. Hiện vẫn chưa rõ vịnh Ulugan có được sử dụng hay không. Danh sách 5 căn cứ được chọn dự kiến được công bố nhanh nhất là vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy vịnh Ulugan sẽ góp mặt, bởi nó chỉ nằm cách thủ đô Manila hơn 500 km về phía tây nam và gần với quần đảo Trường Sa hơn cả Subic. Cư dân làng Macarascas cũng cho hay, quân đội Mỹ đã xây một phòng tập thể lực, một tòa nhà đa chức năng và một cơ sở trữ nước ở đây.

Tư lệnh quân đội Philippines, tướng Emmanuel Bautista, tháng trước cho rằng, quân đội Mỹ nên được phép sử dụng vịnh Oyster và giúp nâng cấp căn cứ này.

"Có thể nhờ thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, việc cải tạo Oyster sẽ được đẩy nhanh", ông nói. 

Anh Ngọc (theo AFP)

 

Việt Nam phản đối Trung Quốc cải tạo đất ở Trường Sa

Hà Nội khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và những hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các bãi đá thuộc quần đảo này là phi pháp. 
Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Inquirer

Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Inquirer

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc đào đắp đất và xây dựng trái phép các công trình trên đá Gạc Ma và các bãi đá khác của quần đảo Trường Sa. 

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng trái phép cũng như các hoạt động đơn phương khác và không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai", ông Bình nói.

Trước đó truyền thông và chính phủ Philippines cho biết các tàu của Trung Quốc hiện diện và thực thi việc cải tạo cấu trúc các bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma, Châu Viên... Các bãi đá này thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988 và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Manila đã gửi nhiều thư phản đối hành động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh bác bỏ. Trung Quốc không thừa nhận việc cải tạo đất, nhưng ngang nhiên nói rằng họ có quyền tiến hành các hoạt động trên các bãi đá. Quan điểm này là trái với tinh thần của  Tuyên bố về cách ứng xử Biển Đôgn DOC 2002 mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.

Hồi cuối tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này dự tính xây đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm củng cố sức mạnh trên Biển Đông. Trung Quốc được cho là sẽ biến nơi này thành một căn cứ quân sự có đường băng và cảng.

Các chuyên gia quân sự cho rằng một căn cứ quân sự sẽ là sự thay đổi cán cân quan trọng ở quần đảo Trường Sa, cho phép Trung Quốc khống chế một khu vực rộng lớn lân cận, tiến tới hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý của mình.

Anh Ngọc

Theo Vnexpress