Tin Thế Giới

Australia hoan nghênh Tuyên bố riêng về Biển Đông được các ngoại trưởng ASEAN thống nhất đưa ra trong hội nghị. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Australia hoan nghênh tuyên bố đặc biệt về Biển Đông

Australia hoan nghênh Tuyên bố riêng về Biển Đông được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN lần thứ 24, đồng thời bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng ở khu vực.
TauTQ-9569-1399727092-8773-139-8134-9312

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, chính phủ nước này quan tâm sâu sắc đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề được các nước thành viên trong khối ASEAN nhấn mạnh trong hai ngày diễn ra hội nghị cấp cao vừa qua. 

Australia hoan nghênh Tuyên bố riêng về Biển Đông được các ngoại trưởng ASEAN thống nhất đưa ra trong hội nghị. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Australia là quốc gia không liên quan đến tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại và hàng hải. Australia kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và hạn chế các hành động khiêu khích có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời có những bức tiến để giảm căng thẳng.

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước làm sáng tỏ sự việc, thực hiện các cam kết về lãnh thổ và quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN sớm thống nhất được bộ quy tắc ứng xử chung ở khu vực Biển Đông", thông cáo của Australia cho hay.

Ngày 1/5, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu trong đó có tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt giàn khoan 981 tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Việt Nam tuyên bố cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 11/5 cũng thống nhất ra tuyên bố chung Naypytaw, kêu gọi các bên sử dụng biện pháp hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông với các hành động hung hăng của Trung Quốc, các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Liên minh châu Âu trong nhiều ngày qua đã ra tuyên bố quan ngại tình hình ở Biển Đông, chỉ trích hành động của Trung Quốc là khiêu khích nghiêm trọng và kêu gọi các bên kiềm chế.

Thùy Linh

 

Nổ hầm than ở Thổ Nhĩ Kỳ, 157 người thiệt mạng

Một hầm khai thác than ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua phát nổ khiến 157 thợ mỏ thiệt mạng và hàng trăm người còn mắc kẹt bên trong.
mine-8142-1400027800.jpg

Một thợ mỏ được cứu sống trong vòng vây người thân. Ảnh: Reuters

Vụ nổ xảy ra ở khu vực nguồn điện của hầm Soma, tỉnh Manisa, làm mất điện và thang máy không hoạt động, khiến những người còn sống không thể thoát ra ngoài, theo Reuters.

Bộ trưởng Năng lượng Taner Yildiz cho biết có 787 thợ mỏ có mặt trong hầm lúc xảy ra tai nạn, 363 người được cứu thoát, 76 người bị thương.

Theo ông Cengiz Ergun, thị trưởng Manisa, có 157 người được xác nhận thiệt mạng. Ông Ergun nhận định đây là vụ tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất trong nhiều năm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức chính phủ nói Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chiến dịch cứu hộ quy mô lớn. "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian", ôngYildiz tiết lộ thêm, có 400 người tham gia công tác cứu hộ.

Hiện chưa rõ ngọn lửa đã được khống chế hay chưa. Các lính cứu hộ đã bơm oxy vào bên trong hầm nhằm giữ cho những người bị ngọn lửa cản đường có thể sống sót. Trong khi đó, hàng nghìn người thân và bạn bè của những người thiệt mạng tập trung bên ngoài bệnh viện, la hét đòi biết thông tin, cảnh sát phải chặn họ lại.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã hoãn chuyến công tác tới Albania  hôm nay để tới địa điểm vụ nổ.

"Nỗ lực cứu hộ những người anh em của chúng ta vẫn đang tiếp tục. Nếu Chúa phù hộ, trong những giờ tới, tôi hy vọng nhận được tin đưa được mọi người lên mặt đất", ông Erdogan nói tại thủ đô Ankara. 

Do vụ nổ xảy ra trong thời điểm đổi ca nên chưa rõ chính xác số thợ mỏ mắc kẹt bên trong, nhưng Cơ quan Quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) ước tính có khoảng 200 người còn sống bên trong hầm. Soma cách thủ đô Istanbul 250 km, AP cho biết.

"Không khí và oxy đang được bơm vào bên trong. Đây là điều quan trọng nhất với các thợ mỏ của chúng ta ở dưới đó. Họ đang đối mặt với nguy cơ nhiễm độc carbon dioxide và carbon monoxide. Chúng ta phải nhanh chóng đưa họ ra", ông Yildiz cho hay.

Ít nhất 8 người được đưa lên mặt đất còn sống sót. Hình ảnh trên truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy những thợ mỏ được cứu sống lao vào vòng tay người thân lúc đó đang đẫm nước mắt.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cho biết số người thiệt mạng dự kiến còn tăng lên. "Không may, chúng ta có thể phải chứng kiến khung cảnh khắc nghiệt hơn. Có thể đêm nay sẽ rất khó khăn, số người thiệt mạng có thể tăng và đội cứu hộ phải làm việc cật lực", một quan chức nói.

Vụ tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào năm 1992 ở Zonguldak, khi đường ống dẫn gas phát nổ, làm 263 thợ mỏ thiệt mạng. Tai nạn hầm mỏ bị coi là thường lệ ở Thổ Nhĩ Kỳ, do điều kiện an toàn không được đảm bảo tốt.

Khánh Lynh

 

Trung Quốc bị tố đang xây đường băng ở đảo Gạc Ma

Philippines hôm nay cáo buộc Trung Quốc đang khai hoang đất đai trên bãi đá ở Biển Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và dường như đang xây dựng đường băng tại đây.
Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, có đá Gạc Ma (điểm cuối phía nam) và Tư Nghĩa, tại quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh chụp cụm Sinh Tồn tại quân đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không do NASA chụp lại, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam.

Reuters dẫn lời Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết Trung Quốc những tuần gần đây đã chuyển đất đá cùng vật liệu tới bãi Gạc Ma và dường như đang có hoạt động khai hoang đất đai. Đây là hành động vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Gạc Ma là một bãi đá, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

"Họ đang chuẩn bị xây một đường băng", ông Jose nói, đồng thời cho biết thêm rằng các bằng chứng về hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá này nằm trong những bức ảnh do Hải quân Philippines chụp lại. 

Theo ông Jose, Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối Trung Quốc, đồng thời nêu vấn đề này trong cuộc họp kín tại Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Myanmar cuối tuần trước.

Truyền thông Đài Loan hôm 5/5 cũng đưa tin quân đội Trung Quốc có thể đang xây dựng công trình quân sự trên đá Gạc Ma tại Trường Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo các ảnh mới xuất hiện, Trung Quốc được cho là tiến hành lấp biển, đổ đất quy mô lớn trên Gạc Ma và chuẩn bị xây dựng cở sở vật chất tại đây, trang tin Duowei News của người Trung Quốc hải ngoại và Want China Times của Đài Loan cho biết.

Một số chuyên gia quân sự nhận định, hải quân Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một sân bay mới trên đảo, nhằm tăng cường khả năng tham chiến của quân đội nước này tại Biển Đông. Căn cứ quân sự ở Gạc Ma sẽ là yếu tố quan trọng thay đổi cục diện chiến lược tại khu vực quần đảo Trường Sa, từ đó tăng cường sức mạnh không quân của Bắc Kinh trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ.

Như Tâm

Theo Vnexpress