Soái hạm Mỹ chạm trán tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông
Hai tàu chiến Trung Quốc do trực thăng của Hải quân Mỹ chụp lại. Ảnh: US Navy. |
Website Hải quân Mỹ cho biết sự việc xảy ra hôm 5/5 trên Biển Đông, tại địa điểm gần bãi cạn Scarborough. Hai tàu Trung Quốc chạm trán với USS Blue Ridge là tàu khu trục Kiểu 054A Hoành Thủy và tàu khu trục Kiểu 052C Lan Châu.
Trong lúc chạm trán, một trực thăng MH-60 Sea Hawk đã cất cánh từ boong soái hạm Mỹ để ghi lại hình ảnh tàu chiến Trung Quốc. 4 trong số các hình ảnh sau đó được đưa lên website của Hải quân Mỹ.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông tăng cao sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trái phép trên thềm lục địa Việt Nam và điều nhiều tàu đến vùng biển này để bảo vệ giàn khoan. Mỹ coi động thái của Trung Quốc là hành động "khiêu khích và không giúp gì cho hòa bình, an ninh trong khu vực".
Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến của hai nước giáp mặt nhau trên Biển Đông. Hồi tháng 12/2013, tàu tuần dương USS Cowpens trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ, buộc phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm với một tàu Trung Quốc.
USS Blue Ridge là tàu đảm nhiệm việc ra chỉ thị, kiểm soát, truyền thông liên lạc và hỗ trợ tình báo cho chỉ huy cũng như quân nhân thuộc Hạm đội 7 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Soái hạm này hiện được điều đến căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Lan Châu là tàu khu trục tên lửa và Hoành Thủy là tàu hộ tống, đều nằm trong biên chế Hạm đội Nam Hải. Các tàu này lần lượt được Hải quân Trung Quốc đưa vào sử dụng vào năm 2004 và 2012.
Soái hạm USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Như Tâm
Nga diễu binh lớn mừng Ngày Chiến thắng
Hơn 11 nghìn binh sĩ Nga tham gia diễu hành. Ảnh: Reuters |
Hàng chục nghìn binh sĩ và hàng trăm thiết bị quân sự hôm nay tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ để kỷ niệm 69 năm chiến thắng của Nga trong Chiến tranh Thế giới lần II.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đứng trên một chiếc xe được thiết kế đặc biệt, dẫn đầu đoàn binh sĩ khoảng 11 nghìn người, gồm cả các thủy quân lục chiến thuộc Hạm đội Biển đen tại Crimea. Cuộc tuần hành diễn ra trước sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin khi ông ngồi trên khán đài cùng các cựu chiến binh.
Theo sau đoàn là gần 150 phương tiện quân sự tối tân bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2U, hệ thống tên lửa chống tăng Chrysanthemum-S và xe bọc thép. 69 chiến đấu cơ và trực thăng quân sự, số lượng tượng trưng cho số lần kỷ niệm, bay lượn ở độ cao hơn 200 m trên bầu trời thủ đô Moscow.
Trong bài phát biểu tại quảng trường, Putin ca ngợi sức mạnh "chinh phục mọi thử thách" của lòng yêu nước trong mỗi người dân Nga.
"Đây là lúc mà mọi lực lượng yêu nước giành chiến thắng, lúc chúng ta có chung cảm giác mạnh mẽ về những điều thiêng liêng đối với đất mẹ và tầm quan trọng của việc đứng lên vì tổ quốc", ông Putin tuyên bố giữa những tiếng hô vang trời.
Theo AFP, tổng thống Nga sau đó bay thẳng tới thành phố Sevastopol ở Crimea để tham dự buổi lễ tại đây, tuy thông tin này chưa được điện Kremlin khẳng định chính thức.
Ngày Chiến thắng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Nga. Nó đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc xã trước Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới lần II ngày 9/5/1945. Cuộc diễu hành kỷ niệm chiến thắng đầu tiên được tổ chức ngày 24/6/1945.
Chương trình kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay được tổ chức rầm rộ giữa lúc tình hình nước láng giềng Ukraine rất căng thẳng. Chính phủ lâm thời Ukraine và các nước phương Tây liên tiếp cáo buộc Moscow đứng sau các cuộc biểu tình đòi trưng cầu dân ý ở miền đông nước này. Nga bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời vừa cho rút hàng chục nghìn binh sĩ khỏi biên giới với Ukraine.
Trần Trang (video: RT)
Người biểu tình Thái quyết chiến trận cuối
Người biểu tình phất cờ trước dàn cảnh sát và binh sĩ bảo vệ đài truyền hình quốc gia ở Bangkok. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hàng nghìn người biểu tình đã rời khu trại chính của họ ở một công viên tại Bangkok để tham gia cuộc biểu tình do thủ lĩnh thuộc phe đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu, nhằm thiết lập một chính phủ mới.
Ông Suthep kêu gọi những người ủng hộ tuần hành bên ngoài tòa nhà quốc hội, văn phòng thủ tướng và 5 đài truyền hình để ngăn cản hoạt động của các cơ quan chính quyền này.
"Chúng ta sẽ tuần hành đến tất cả các đài truyền hình, yêu cầu người dân thành phố bao vây xe và trụ sở cảnh sát để ngăn họ làm nhân dân bị thương", ông Suthep nói. "Chúng ta sẽ giành lại toàn quyền và thành lập một chính phủ của nhân dân và hội đồng lập pháp của nhân dân. Chúng ta sẽ quét sạch rác rưởi của chính quyền Thaksin khỏi đất nước này".
Đến giữa buổi sáng, ông Suthep dẫn một nhóm người biểu tình phất cờ tiến đến Tòa nhà Chính phủ, văn phòng chính thức của thủ tướng Thái Lan, nhưng nơi này đã không còn nhân viên nào làm việc từ hồi tháng một. Ông tuyên bố người biểu tình sẽ cắm trại qua đêm ở bên ngoài.
Căng thẳng nổ ra ở một điểm biểu tình khác khi cảnh sát xịt hơi cay và vòi rồng vào đám đông hàng trăm người đang cố tìm cách xông vào một trụ sở cảnh sát ở phía bắc Bangkok. Trung tâm Y tế Erawan, cơ quan quản lý các bệnh viện, cho hay 4 người biểu tình đã nhập viện sau khi hít phải hơi cay.
"Công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Chính phủ bất hợp pháp của Thaksin vẫn nắm quyền. Bước tiếp theo của chúng tôi là trao quyền về tay nhân dân", Pornprasert Chernalom, 39 tuổi, một người làm nghề buôn bán nhỏ ở phía tây Bangkok nói.
Theo cảnh sát, có khoảng 4.500 người chống chính phủ tham gia vào cuộc biểu tình trên. Giới chức cho hay khoảng 21.000 cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai để đảm bảo an ninh ở thủ đô, nhưng thực tế, sự hiện diện của họ trên các đường phố không đáng kể.
Cảnh sát phun vòi rồng để dẹp người biểu tình đang cố chiếm một trụ sở cảnh sát. Ảnh: Reuters |
Làn sóng biểu tình ở Bangkok quay trở lại hai ngày sau khi bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp tước quyền làm thủ tướng vì cáo buộc lạm quyền. Tuy nhiên, đảng Pheu Thái của bà Yingluck hiện vẫn nắm quyền lãnh đạo chính phủ và dự kiến tổ chức bầu cử toàn quốc vào ngày 20/7 tới với khả năng chiến thắng cao.
Người biểu tình cho rằng chính phủ hiện tại phải ra đi, hoãn bầu cử và tiến hành cải cách để chấm dứt ảnh hưởng của anh trai bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin bị lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong để tránh ngồi tù vì tội lạm quyền. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân thuộc tầng lớp nông dân ở Thái Lan.
Hàng nghìn người ủng hộ anh em nhà Shinawatra, hay còn gọi là phe áo đỏ, phản đối việc bà Yingluck bị phế truất, và cũng đang tiến về Bangkok để tổ chức biểu tình vào ngày mai. Họ hy vọng chính phủ đương nhiệm sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và đưa đảng của bà Yingluck trở lại nắm quyền.
Viễn cảnh phe áo vàng và áo đỏ đối đầu ở Bangkok cuối tuần này gây nên nhiều lo ngại, nhất là khi cả hai bên đều đưa các nhà hoạt động có vũ trang vào hàng ngũ của mình. 25 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi tháng 11 năm ngoái.
Anh Ngọc
Theo Vnexpress