Ấn độ chạm mức kỷ lục nạo phá thai
VRNs - Theo hãng tin Asianews, số lượng các vụ phá thai ở Mumbai đã tăng 10% so với năm ngoái, và là mức tăng cao nhất trong bảy năm qua. Số liệu từ Sở Y tế thành phố, dựa trên dữ liệu từ các bệnh viện công và tư nhân, cho thấy số lượng các ca phá thai được thực hiện trong năm 2013 là 30.117 ca.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, số lượng các ca phá thai ba tháng giữa (từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 27 của thai kỳ, khi giới tính của thai nhi đã có thể được xác định) tăng 11% so các ca phá thai ba tháng đầu tăng 9%.
Đức Cha Savio Fernandes, giám mục phụ tá của Mumbai, nói với AsiaNews rằng “có thể có nhiều lý do đằng sau sự gia tăng này như: thành kiến chống lại trẻ em gái; việc nhận thức rằng thân xác chỉ thuộc về mình; những mối quan hệ bừa bãi; nghèo đói; sự lan rộng của nền văn hóa sự chết; Thiên Chúa bị bỏ xó bên lề sự tồn tại.”
Tuy phải đối mặt với tình trạng trên, Đức Cha Fernandes đã cung cấp một số lời khuyên để thay đổi.
Ngài nói: “đặt Thiên Chúa làm trung tâm của cuộc sống. Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo nên làm việc này, bắt đầu từ chính lối sống của họ, từ bài giảng của họ trước các thành viên của các tôn giáo khác, để tạo nên sự hài hòa.”
Đối với vị giám chức, “mỗi trường học, và thậm chí là chính phủ, nên tổ chức những khóa học bắt buộc về giá trị của giáo dục và sự thiêng liêng của đời sống con người.”
Cuối cùng ngài giải thích, “chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nên tìm ra những cách thức hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển cho người nghèo.”
Theo Pascoal Carvalho, một bác sĩ tại Mumbai và cũng là thành viên của Học viện Giáo hoàng về sự sống cho biết, “tỷ lệ nạo phá thai cao thường gắn liền với việc lựa chọn giới tính, do nền văn hóa ưa chuộng các bé trai.”
Ông cho biết tiếp, “đây chính là mặt tối của sự thay đổi nhân khẩu học ở Ấn Độ. Tại Maharashtra, nơi tự hào là một bang tiến bộ, tỷ lệ giới tính giảm mạnh từ 913 năm 2001 xuống 883 năm 2011. Tỷ số giới tính đang suy giảm cho thấy rằng, ít nhất từ 5 đến 7% các ca phá thai là do lựa chọn giới tính.” Kết quả là các bé gái phải chịu cái chết.
Năm 1994, chính phủ liên bang Ấn Độ đã thông qua một đạo luật về chẩn đoán công nghệ tiền sinh sản (PNDT) nhằm cấm việc sử dụng các xét nghiệm đặc biệt và thiết bị để xác định giới tính thai nhi. Tuy nhiên, đạo luật này đã không kiểm soát được sự gia tăng trong việc sát hại thai nhi, đặc biệt đối với các bé gái.
Năm 2011, các nhà chức trách đã ra lệnh tịch thu tất cả các máy siêu âm không đăng ký và ban hành hình phạt (phạt tiền hoặc phạt tù) cho các chủ sở hữu.
“Đáng buồn thay,” vị bác sĩ cho biết thêm, “các công ty dược trong và ngoài nước đang sản xuất và tích cực tiếp thị thuốc ngừa thai khẩn cấp cho phụ nữ trẻ hiện đại thông qua quảng cáo truyền hình và tạp chí.”
Như vậy, “văn hóa của sự chết, cái chết của những trẻ chưa sinh và không có khả năng tự vệ , là lời thú nhận sau cùng của sự phá sản đạo đức và xã hội.”
Hoàng Anh