Người phụ nữ không thể mỉm cười
Becky Deas sống tại Manchester, Anh, mắc hội chứng Moebius khiến cơ mặt của cô bị tê liệt, không thể mỉm cười. Cô cũng không thể chớp mắt hoặc nhìn sang hai bên. Đây là căn bệnh về thần kinh hiếm gặp, với tần suất 1/500.000 người mắc bệnh.
Không thể mỉm cười, Becky sử dụng giọng nói, cử chỉ để thể hiện hạnh phúc của mình với con trai. Ảnh: topnews. |
Được chẩn đoán mang bệnh từ khi 6 tháng tuổi khi gặp khó khăn trong việc bú bình, đến năm lên 10 tuổi cô mới ý thức rõ về tình trạng của mình. Ở trường, Becky bị bạn bè trêu chọc và gọi bằng biệt danh "người mặt cá".
Năm 2007, Becky mang thai con trai Logan. May mắn cậu bé khỏe mạnh hoàn toàn. Khi Logan hỏi tại sao chưa bao giờ mẹ mỉm cười cùng mình, Becky phải giải thích rằng khuôn mặt không cho phép cô thực hiện điều đó. Thay vào đó Becky sử dụng giọng nói, cử chỉ để thể hiện hạnh phúc của mình với con trai và cô con gái 9 tháng tuổi Lexi.
Các bác sĩ cho biết Becky có thể thực hiện phẫu thuật để tìm lại nụ cười nhưng cô đã từ chối.
Lý giải điều này, Becky cho biết: "Tôi biết mình là ai và tôi muốn các con tôi phải chấp nhận sự khác biệt. Tôi có thể không mỉm cười ở bên ngoài nhưng tôi luôn mỉm cười bên trong. Tôi chắc chắn rằng các con biết chúng đã mang lại hạnh phúc cho tôi như thế nào mỗi ngày. Tôi không cần một nụ cười trên khuôn mặt để thể hiện điều đó".
Becky cùng một người bạn và cô con gái Lexi, 9 tháng tuổi. Ảnh: topnews. |
"Một nụ cười thực sự đến từ trái tim. Mỗi người chúng ta khác nhau theo cách này hay cách khác và không có gì phải xấu hổ cả. Tôi không muốn các con tôi nghĩ rằng việc giống với những người khác là cần thiết. Chúng sẽ chấp nhận sự khác biệt", Becky nhấn mạnh.
Lê Phương (Theo Top News)
Ukraine tuyên bố quốc tang sau đụng độ đẫm máu
Người dân đặt hoa viếng những người thiệt mạng bên ngoài tòa nhà nơi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu hôm qua ở thành phố Odessa. Ảnh: Reuters |
"Ngày 2/5 là một ngày bi kịch của Ukraine. Tôi đã ký sắc lệnh để tang hai ngày ở Ukraine cho các anh hùng hy sinh trong cuộc chiến chống khủng bố này và cho những người thiệt mạng trong các sự kiện thảm kịch ở Odessa",AFP dẫn thông báo của Tổng thống Oleksandr Turchynov cho biết.
Ít nhất 9 người, trong đó có 4 quân nhân Ukraine, hôm qua thiệt mạng khi quân đội nước này tăng cường chiến dịch trấn áp người biểu tình đòi ly khai ở thị trấn miền đông Slavyansk.
Ít nhất 42 người khác cũng mất mạng ở thành phố cảng phía nam Odessa trong cuộc giao tranh bằng bom xăng giữa hai lực lượng thân Nga và thân Kiev. Hội đồng thành phố Odessa cho biết có 174 người bị thương, với 25 người trong số này vẫn đang nguy kịch. Ngày hôm qua được xem là ngày đẫm máu nhất ở Ukraine kể từ hôm 20/2, khi hơn 70 người thiệt mạng ở quảng trường Độc lập của thủ đô Kiev.
Ukraine và Nga lời qua tiếng lại gay gắt sau vụ bạo lực, trong đó Moscow bày tỏ sự "phẫn nộ" trước việc thành phố cảng tươi đẹp trở thành chiến trường mới của cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng nay ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Kiev và "những nước ủng hộ phương Tây chấm dứt tình trạng hỗn loạn và chịu trách nhiệm trước nhân dân Ukraine".
Về phía mình, Kiev tố "các nhóm phá hoại từ Moscow" đứng sau cuộc đụng độ. Tuy nhiên, hôm nay, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điện Kremlin đã không còn ảnh hưởng gì đối với các phiến quân ở đông Ukraine.
"Từ bây giờ, về cơ bản Nga đã đánh mất ảnh hưởng với những người này vì việc thuyết phục họ hạ vũ khí khi có một mối đe dọa trực tiếp đến mạng sống của họ là không thể", ông Dmitry Peskov nói.
Khi được hỏi Nga sẽ đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng đang leo thang tại nước láng giềng, ông Peskov cho hay ông không thể trả lời câu hỏi này. "Đó là một tình huống hoàn toàn mới với chúng tôi", ông nói.
Anh Ngọc
Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi gia đình nạn nhân phà Sewol
Tổng thống Park Geun-hye trao đổi với ông Lee Ju-young, Bộ trưởng Đại dương và Ngư nghiệp tại cảng Paengmok ở đảo Jindo hôm nay. Ảnh: Yonhap |
"Tôi hiểu các anh chị đang rất tuyệt vọng. Đã gần 20 ngày kể từ khi tai nạn xảy ra. Tôi cảm thấy mình cũng có trách nhiệm", Korea Herald dẫn lời bà Park nói khi đến thăm thân nhân của những người mất tích tại cảng Paengmok ở đảo Jindo.
Các gia đình đã dựng trại ở Paengmok để chờ đợi tin tức người thân suốt những tuần qua. Trong số 476 người được cho là có mặt trên con phà xấu số, không ai được tìm thấy sống sót từ khi nó chìm xuống biển. Đến hôm nay, thi thể của 244 người đã được trục vớt, nhưng vẫn còn khoảng 60 người mất tích.
Đây là lần thứ hai Tổng thống Park đến thăm các gia đình nạn nhân. Cuộc gặp diễn ra trong hội trường kín và giới truyền thông chỉ được lấy thông tin tại một cuộc họp báo sau đó. "Chắc hẳn trái tim của các anh chị đang bỏng rát. Tôi thực sự đau lòng vì điều đó. Tôi hiểu cảm giác mất đi gia đình là như thế nào. Tôi hiểu điều đó", bà nhắc lại.
Nữ lãnh đạo mất mẹ năm 1974, khi bà này bị bắn chết tại một sự kiện. 5 năm sau, cha bà, cố tổng thống Park Chung-hee cũng bị trợ lý thân cận ám sát.
Khi một trong các thân nhân hỏi bà Park về việc xử lý ông Lee Ju-young, Bộ trưởng Đại dương và Ngư nghiệp, cơ quan quản lý các vấn đề hàng hải, tổng thống trả lời: "Bất kỳ ai chịu trách nhiệm về vụ tai nạn, bất kỳ ai có sai sót đều sẽ bị điều tra và trừng phạt. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân của tai nạn. Chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc các quan chức không hoàn thành nhiệm vụ của họ".
Chính phủ Hàn Quốc bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì sự đối phó chậm trễ và yếu kém trước thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua. Một số quan chức nước này còn bị nghi ngờ có mối quan hệ thiếu minh bạch với chủ quản phà Sewol và những người khác liên quan đến tai nạn.
Theo một cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 28 đến 30/4, hai tuần sau khi phà Sewol bị chìm và khoảng một tháng trước cuộc bầu cử chính quyền địa phương, tỷ lệ ủng hộ bà Park đã giảm xuống dưới 48%, thấp hơn 11% so với hai tuần trước đó.
Anh Ngọc
Theo Vnexpress