Công ty vận hành Sewol từng phớt lờ cảnh báo về phà
Thuyền trưởng Lee Joon-seok bị áp giải đến văn phòng công tố ở Mokpo hôm 27/4. Ảnh: Reuters. |
AFP dẫn lời công tố viên cấp cao Yang Jong-jin cho biết, thuyền trưởng, tên Shin, từng cảnh báo công ty về việc phà Sewol có vấn đề nghiêm trọng về sự ổn định. Ông Shin là thuyền trưởng phà Sewol theo biên chế của công ty Chonghaejin Marine. Thuyền trưởng Lee Joon-seok được chỉ định thay thế Shin trong thời gian ông nghỉ phép.
Chonghaejin Marine mua phà Sewol từ Nhật Bản vào năm 2012, khi nó 18 năm tuổi, rồi cải tạo lại. Công ty lắp đặt thêm cabin hành khách ở tầng thứ ba, bốn và năm trên phà. Shin cho rằng việc cải tạo đã ảnh hưởng tới sự cân bằng và khả năng chống chòng chành trên biển của Sewol. Tuy nhiên, Chonghaejin gạt bỏ lời cảnh báo của Shin sang một bên.
Nguyên nhân cụ thể của vụ chìm phà vẫn đang được điều tra. Các chuyên gia cho rằng cú rẽ đột ngột có thể đã làm những thùng hàng di chuyển, dẫn tới việc con phà bị nghiêng về một phía trước khi chìm xuống biển. Họ cũng đang xác thực những báo cáo về việc con phà chở hàng hóa có khối lượng gấp ba lần mức cho phép.
Kim Han-sik, Giám đốc điều hành Chonghaejin, cùng ngày được triệu tập tới văn phòng công tố ở thành phố cảng Incheon. Người đàn ông 71 tuổi này hôm 17/4 gửi lời xin lỗi vì "thảm kịch kinh hoàng", một ngày sau khi phà Sewol gặp nạn. Kim nói rằng ông cùng các quan chức trong công ty chịu trách nhiệm vì một "lỗi nghiêm trọng", khiến sự việc xảy ra.
Thuyền trưởng thay thế Lee, cùng với 14 thuyền viên khác đang bị tam giam để điều tra. Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc hôm 28/4 công bố đoạn video có hình ảnh Lee bỏ lại hàng trăm hành khách còn mắc kẹt để thoát thân sang tàu cứu hộ. Bà Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc, coi hành động trên ngang với việc "giết người" và không nên được dung thứ.
Phà Sewol chở theo 476 người gặp nạn sáng 16/4 ở ngoài khơi tây nam Hàn Quốc khi đang trên đường tới đảo du lịch phía nam Jeju. Tính đến sáng 30/4, Hàn Quốc thông báo đã có 210 người chết, 174 người sống sót và còn 92 người mất tích. Hoạt động tìm kiếm trong những ngày gần đây bị đình trệ do dòng chảy mạnh và mảnh vỡ chặn lối vào một số cabin phía trong con phà chìm.
Như Tâm
Mỹ: Lãnh thổ NATO là bất khả xâm phạm
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters. |
"Nga đang tìm cách thay đổi bức tranh an ninh ở Đông và Trung Âu",Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington. "Dù họ (Nga) chọn đường lối nào, tôi có thể đảm bảo rằng: Mỹ cùng các đồng minh sẽ cùng ủng hộ Ukraine. Và quan trọng hơn cả, chúng ta cần phải nói rõ với điện Kremlin rằng lãnh thổ NATO là bất khả xâm phạm. Chúng ta sẽ bảo vệ từng tấc đất của mình".
Ông Kerry còn nhắc đến một điều khoản trong hiệp ước của NATO, theo đó, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên đồng nghĩa với việc tấn công cả liên minh quân sự này. Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Nga "không có bước đi nào" để thực hiện thỏa thuận 4 bên đạt được ở Geneva hôm 17/4, trong khi Ukraine đã thi hành ngay lập tức.
NATO, liên minh gồm 28 nước, từng thông báo rằng không có kế hoạch quân sự ở Ukraine, quốc gia chưa tham gia vào liên minh. Tuần trước, NATO thông báo sẽ điều động thêm tàu, máy bay và binh sĩ tới Đông Âu để trấn an thành viên, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltics sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga hồi tháng 3.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cáo buộc Mỹ đã đứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine từ khi nó bắt đầu. Ông còn cảnh báo rằng, nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục được đưa ra, Moscow sẽ phải xem xét lại ai có thể tiếp cận những lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Nga.
"Tôi nghĩ những gì đang xảy ra đã cho thấy ai là người thực sự điều khiển diễn biến. Nhưng ngay từ đầu, Mỹ muốn núp trong bóng tối", RIA Novostidẫn lời ông Putin phát biểu hôm qua trong phiên họp Hội đồng tối cao Ủy ban Kinh tế Á - Âu ở thành phố Minsk. Theo Tổng thống Nga, khi Mỹ nhận vai trò đi đầu trong giải quyết khủng hoảng chính trị Ukraine, nó đã "cho thấy họ đứng sau các diễn biến, nhưng giờ họ xuất hiện với vai trò lãnh đạo".
Tổng thống Putin kêu gọi Kiev bắt đầu một cuộc đối thoại toàn quốc và không đổ lỗi cho các quốc gia khác. "Họ nên đối xử bình đẳng với quyền lợi của người dân sống ở các khu vực, trước hết, là miền đông và miền nam, tổ chức đối thoại và tìm kiếm một thỏa thuận", ông Putin trả lời khi được hỏi về các biện pháp cần thiết để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. "Đó là những gì cần làm. Tìm cách đổ lỗi cho bên ngoài là sai lầm".
Các cáo buộc xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/4 công bố lệnh trừng phạt bổ sung với hàng loạt quan chức và doanh nghiệp có liên hệ mật thiết với Điện Kremlin. Đáp lại, Nga tỏ thái độ cứng rắn và cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu tác động "đau đớn". Trung Quốc cũng phản đối lệnh trừng phạt mới của phương Tây bởi điều đó "không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề, mà còn gia tăng căng thẳng".
Như Tâm
Thái Lan bầu cử lại vào tháng 7
Người dân Thái Lan bị chặn lối vào một điểm bỏ phiếu ở Bangkok hôm 2/2. Hoạt động bỏ phiếu tại đây bị hủy do người biểu tình ngăn việc vận chuyển tài liệu bỏ phiếu. Ảnh: AFP. |
Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Puchong Nutrawong hôm nay cho biết cuộc tổng tuyển cử được ấn định tổ chức vào ngày 20/7. Quyết định này được thông qua trong các cuộc họp giữa Ủy ban bầu cử (EC) và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.
"Chúng tôi thống nhất ngày bỏ phiếu phù hợp nhất là 20/7. EC sẽ soạn thảo sắc lệnh của Hoàng gia và đệ trình lên nhà vua để được thông qua", ông Puchong nói.
Tuy nhiên theo AFP, hiện chưa rõ đảng Dân chủ đối lập có tham gia cuộc bầu cử mới hay không.
Tnh trạng không có chính phủ hay quốc hội với đầy đủ chức năng ở Thái Lan kéo dài từ tháng 12 năm ngoái. Kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 bị bác bỏ sau khi phe đối lập phản đối và cản trở hoạt động bỏ phiếu tại nhiều điểm bầu cử.
Những người biểu tình thuộc phe đối lập muốn bà Yingluck từ chức để mở đường cho việc thiết lập một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử. Các thành viên của hội đồng được lựa chọn và bổ nhiệm để cùng nhau tiến hành cải cách chính trị.
Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra hối thúc tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới càng sớm càng tốt nhằm củng cố vị trí, khi bà đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc về mặt pháp lý có thể khiến bà mất chức.
Trước đó, bà Yingluck bị cáo buộc là thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng trong một chương trình trợ cấp lúa gạo cho nông dân và lạm dụng quyền lực trong việc điều chuyển cán bộ.
Tình trạng bạo lực chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Thái Lan khiến 25 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Thùy Linh
Theo Vnexpress