Tin Thế Giới

Khát khao cháy bỏng cứu sống các nạn nhân chìm phà xuất phát từ chính việc các em là ai - các em là những học sinh trung học. Học sinh lớp 11 ở Hàn Quốc có truyền thống được thưởng cho một chuyến đi chơi xa trước khi phải bước vào kỳ thi nổi tiếng là khắc nghiệt để vào đại học. Những học sinh Danwon bước chân lên phà đi chơi như biết bao học sinh trên khắp đất nước, để rồi đi vào thảm họa...

Cảm giác tội lỗi giày vò người Hàn Quốc

Người đàn ông trung niên đứng trong hàng dài, kiên nhẫn chờ đợi. Ông mặc đúng kiểu doanh nhân Hàn, áo vest đen và cà vạt. Ông đã lái xe một giờ đến nơi có bàn thờ chung của các học sinh thiệt mạng trong vụ chìm phà, dù không quen biết một ai trên phà.

Ông là một trong 100.000 người đã đến nơi tưởng niệm các học sinh ở thành phố Ansan, sau khi phà Sewol chìm ở phía nam Hàn Quốc hôm 16/4 khiến hơn 300 người, trong đó hầu hết là học sinh của Ansan, chết hoặc mất tích.

"Tôi là một người cha, của hai đứa con", ông vừa nói vừa khóc, tay đè chặt lên ngực như muốn nén đau. "Tôi cảm thấy rất buồn vì không thể làm gì cho các gia đình có người thiệt mạng. Tôi chỉ có thể đến đây và nói tôi rất xin lỗi".

Người đàn ông này không quen biết một ai trên phà Sewol. Cuộc sống của ông có thể vẫn đầy niềm vui thú ở Seoul, không liên quan gì đến tấn thảm kịch giữa biển khơi. Nhưng ông cũng là hiện thân của sự đau khổ, cảm giác tội lỗi và giận dữ đang bao trùm lên mọi người Hàn Quốc.

sewol-2-5244-1398606761.jpg

Một người Hàn Quốc khóc nức nở khi viếng thăm bàn thờ chung của các em học sinh trường Danwon thiệt mạng trong tai nạn chìm phà. Ảnh: Reuters.

Con đường lớn dẫn đến đảo Jindo - nơi tập trung thân nhân và thi thể những người gặp nạn - nhuộm một màu vàng. Cứ khoảng hai mét lại có một dải ruban màu vàng buồn thảm lay động trước gió. Tại trường trung học Danwon, nơi khối 11 mất đi ba phần tư số học sinh trong thảm họa chìm phà, những dải ruban vàng được buộc đầy trước cổng. Trên các trang mạng của đất nước có độ kết nối trực tuyến cao nhất thế giới này, khắp nơi mang một màu vàng của hình chiếc nơ đơn giản.

Các sinh viên đại học đã thiết kế biểu tượng này và phát tán qua tin nhắn trên mạng Kakao Talk từ ngày 19/4. Ý nghĩa của nó là sự hy vọng, "một bước nhỏ, điều thần kỳ sẽ đến". Và khi con số người thiệt mạng ngày càng tăng, chiếc nơ vàng trở thành biểu tượng đau buồn của cả quốc gia.

Mọi người buộc những ruban vàng ở nhà và trường học. Hình ảnh chiếc nơ vàng xuất hiện nổi bật trên các chương trình tin tức. Âm nhạc trầm buồn phát trên TV kèm với hình ảnh nơ vàng chầm chậm hiện ra khắp đất nước. Các biên tập viên của truyền hình Hàn Quốc, vốn chuộng trang phục hồng chói hoặc xanh dương, những ngày này đều mặc vest đen hoặc xám. Chỉ có một chủ đề bao trùm mọi chương trình trên truyền hình - thảm họa chìm phà Sewol, từ việc điều tra đến kế hoạch quốc tang.

Trang Twitter và Facebook tiếng Hàn, người dùng chia sẻ nỗi buồn đau. Nội dung của hầu hết các thông điệp mô tả cảm giác chung, đó là giận dữ và bất lực. "Tôi rất tiếc đã không thể làm gì để cứu các bạn và giúp đỡ các bạn", một người dùng có tên sbja22 viết.

Khát khao cháy bỏng cứu sống các nạn nhân chìm phà xuất phát từ chính việc các em là ai - các em là những học sinh trung học. Học sinh lớp 11 ở Hàn Quốc có truyền thống được thưởng cho một chuyến đi chơi xa trước khi phải bước vào kỳ thi nổi tiếng là khắc nghiệt để vào đại học. Những học sinh Danwon bước chân lên phà đi chơi như biết bao học sinh trên khắp đất nước, để rồi đi vào thảm họa.

Ở Hàn Quốc, trẻ em được coi là kho báu của mỗi gia đình, được nhận sự chăm sóc và quan tâm rất lớn. Nghe lời là một trong những phẩm chất được đánh giá cao ở các em. Người lớn giữ vai trò che chắn bảo vệ.

Bi kịch Sewol xé tan một mảnh trong cấu trúc văn hóa của xã hội hiện đại Hàn Quốc, khi người đầu tiên gọi cấp cứu lại là một em nhỏ chứ không phải thủy thủ đoàn. Cuộc gọi do một học sinh 17 tuổi tên là Choi Duk-ha thực hiện. "Cứu với, chúng cháu đang trên tàu, và cháu nghĩ tàu đang chìm", Choi khẩn thiết nói khi gọi cho số điện thoại cấp cứu. Những người lớn trên phà khi đó chưa kịp thực hiện cuộc gọi. Sau đó, Choi thiệt mạng trong phà.

Thủy thủ đoàn, những người được huấn luyện và có nhiệm vụ bảo vệ hành khách, đã thông báo cho toàn tàu ngồi yên tại chỗ chứ không kêu gọi hành khách chạy lên boong hoặc chỗ có xuồng cứu sinh. Các em học sinh, được nuôi dưỡng với lời răn dạy phải biết nghe lời, đã nghe lời thủy thủ đoàn. Những người sống sót cho biết ai mà tuân thủ thông báo ngồi im đều không kịp thoát thân.

Trong khi đó thì thủy thủ đoàn rời tàu, trở thành những người đầu tiên được tuần duyên cứu mạng. Những hình ảnh trên TV về họ khiến cả nước Hàn Quốc nổi giận - thuyền trưởng nhảy vào xuồng cứu sinh trong khi những hành khách nhỏ tuổi của ông ta vẫn kẹt trong phà và đang mặc áo phao - thứ có thể ngăn cản các em tìm đường chui ra khỏi các căn phòng ngập nước.

chung-hong-won-3988-1398573035.jpg

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won nhận trách nhiệm vì cứu hộ chậm chạp và nói không muốn trở thành gánh nặng của chính phủ. Ảnh: AP

Sai lầm có hệ thống

Phà Sewol lúc đầu có tên Naminoue, được đóng tại Nhật Bản. Nó hoạt động ở Nhật từ năm 1994 đến 2012. Công ty Chonghaejin Marinemua lại phà cuối năm 2012 và tân trang cho nó. Chonghaejin cơi nới thêm cabin hành khách ở các tầng ba, bốn và năm, tăng khả năng chở người và đồng thời thay đổi trọng lượng cũng như thăng bằng của con phà.

Phà Sewol vượt qua mọi cuộc kiểm tra và kiểm định do Đăng kiểm Hàng hải Hàn Quốc, một cơ quan tư nhân đại diện cho chính phủ, tiến hành. Phà Sewol sau khi cải tạo được phép chở khách từ Incheon đến đảo nghỉ dưỡng Jeju từ năm ngoái.

"Việc thay đổi kết cấu của phà là một phần nguyên nhân tai nạn", Yutaka Watanabe, giáo sư về khoa học và công nghệ hàng hải tại đại học Tokyo, người đã nghiên cứu nhiều tai nạn trong đó có vụ chìm phà tương tự ở Nhật năm 2007, nhận xét. "Họ mua một cái tàu cũ từ Nhật rồi xây thêm nhiều cabin, những cabin này đều ở phía trên con tàu và khiến thay đổi trọng tâm lên phía trên".

Các công tố viên đã lục soát công ty Chonghaejin Marine và Đăng kiểm Hàng hải. Họ cho biết chưa có kết luận về nguyên nhân chìm phà, nhưng đang điều tra việc hoán cải, việc lái tàu và tình trạng chở quá tải của Sewol.

Cảm giác bất lực vì không cứu được hành khách lan sang cả lực lượng tuần duyên cho dù họ đã cứu được những hành khách đang chới với ở những tầng cao nhất của con phà. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy các binh sĩ kéo các thành viên thủy thủ đoàn lên xuồng an toàn, trong khi con phà nghiêng hẳn, trồi lên hụp xuống mặt nước

Khi người Hàn Quốc nhìn sâu vào thảm kịch này, họ thấy sự sai lầm có hệ thống, từ việc công ty muốn chở thêm thật nhiều khách, cho đến hành động của chính cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ hành khách.

"Thảm kịch này khiến chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có phải tự bảo vệ lấy thân", Cynthia Yoo, phó giáo sư tại dại học Kyung Hee, nói. "Chúng ta không còn có thể tin tưởng rằng đang có những cơ quan chính phủ, có thanh tra thích hợp để bảo vệ an toàn cho dân chúng nữa. Tôi nghĩ rằng Sewol là một minh chứng điển hình cho tệ tham nhũng hoặc mơ hồ giữa các cơ quan chính phủ, hiệp hội và công ty. Đó là vấn đề quốc gia mà chúng ta cần phải thay đổi".

Hình ảnh các em học sinh và giáo viên được phát liên tục trên truyền hình cũng như mạng Internet, tạo nên một phần của quá trình tưởng niệm. Những đám tang đang diễn ra. Đằng sau những âm thanh khóc than là một hồi chuông lặng lẽ, đòi hỏi sự sửa chữa những sai lầm để tránh bi kịch và tổn thất lớn lao như thế xảy ra.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won hôm nay cũng đã thừa nhận và xin lỗi về phản ứng chậm đối với vụ tai nạn giai đoạn đầu và xin lỗi các gia đình nạn nhân vì nhiều vấn đề, từ việc ngăn chặn tai nạn tới việc xử lý sớm thảm họa.

"Có quá nhiều sai phạm và những hành động sai trái trong các bộ phận của xã hội, tồn tại cùng chúng ta quá lâu, và tôi hy vọng chúng sẽ được sửa chữa để những tai nạn như thế này sẽ không tái diễn", ông Chung nói và xin từ chức.

Ánh Dương (theo CNN)

Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won vừa xin từ chức và nhận trách nhiệm về cách xử lý yếu kém của chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết hoặc mất tích. 
chung-hong-won-3988-1398573035.jpg

Ông Chung hôm nay cúi đầu xin lỗi trong bài phát biểu xin từ chức. Ảnh: AP

"Điều đúng đắn tôi cần làm là nhận trách nhiệm và từ chức. Tôi đã muốn làm điều này từ trước nhưng việc xử lý tình huống là ưu tiên hàng đầu, và tôi nghĩ hành động có trách nhiệm là giúp đỡ trước khi ra đi", Yonhap dẫn lời ông Chung sáng nay nói trong một cuộc họp báo, 11 ngày sau vụ chìm phà Sewol. Đây được coi là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất Hàn Quốc. 

"Việc tôi giữ chức vụ là một gánh nặng quá lớn đối với chính phủ", Thủ tướng Chung nói. Ông cũng nhận trách nhiệm về phản ứng chậm đối với vụ tai nạn giai đoạn đầu và xin lỗi các gia đình nạn nhân vì nhiều vấn đề, "từ việc ngăn chặn tai nạn tới việc xử lý sớm thảm họa".

"Có quá nhiều sai phạm và những hành động sai trái trong các bộ phận của xã hội, tồn tại cùng chúng ta quá lâu, và tôi hy vọng chúng sẽ được sửa chữa để những tai nạn như thế này sẽ không tái diễn", ông Chung cho hay.

than-nhan-sewol-4718-1398573036.jpg

Tại cảng trên đảo Jindo, thân nhân hành khách mất tích trên phà Sewol theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của ông Chung. Ảnh: AP

Thủ tướng Chung từng bị la ó phản đối và ném chai nước khi đến thăm những bậc phụ huynh có con em mất tích một ngày sau tai nạn. Nhiều người giận dữ về tiến độ cứu hộ chậm và sự thay đổi thông tin thường xuyên của chính phủ, trong đó có lần chính quyền địa phương tuyên bố mọi người đều được giải thoát. 

Phà Sewol chìm trong chuyến đi xuống phía nam, từ cảng Incheon tới đảo nghỉ dưỡng Jeju. Hơn 300 người, hầu hết là học sinh và giáo viên một trường trung học đang đi dã ngoại, đã thiệt mạng hoặc mất tích. Số người chết đến nay lên tới 187. 

Trọng Giáp

Chuyển lậu nửa triệu USD trong ống quần

Cảnh sát Trung Quốc bắt một người đàn ông có ý định chuyển lậu hơn nửa triệu USD tiền mặt bằng cách dán chúng lên cơ thể.
1-2435-1398498639.jpg

Người đàn ông Hong Kong dán tiền vào ống chân bị bắt hôm 23/4. Ảnh: Xinhua.

Người đàn ông bị lực lượng an ninh phát hiện vào tối 23/4, trong lúc cố gắng vượt qua cửa khẩu Sha Tau Kok, giữa Hong Kong với tỉnh Quảng Đông, SCMP cho hay. Khi được yêu cầu mở hành lý để kiểm tra, người này bất ngờ bỏ lại đồ đạc rồi bỏ chạy nhưng bị cảnh sát biên phòng khống chế ngay sau đó.

Cảnh sát phát hiện nghi phạm mang theo 580.000 USD trong túi và dán trên người. Hình ảnh hiện trường cho thấy người này dán nhiều xấp tiền mệnh giá 100 USD quanh vùng thắt lưng, thậm chí dán cả vào chân để giấu dưới ống quần jean. Họ nghi ngờ người đàn ông đang tìm cách chuyển lậu số tiền trên sang Trung Quốc đại lục.

Truyền thông Trung Quốc mô tả sự việc là "cực kỳ nghiêm trọng". Các quan chức biên phòng tỉnh Quảng Đông từ chối cung cấp thông tin chi tiết do sự việc khá nhạy cảm.

Luật pháp Trung Quốc quy định khách du lịch chỉ được phép mang theo tối đa 5.000 USD ngoại tệ mà không cần nộp tờ khai. Vụ việc đang được cảnh sát điều tra.

Như Tâm

Người biểu tình đông Ukraine quyết chiến với quân đội

Lực lượng tự vệ địa phương đang chiếm giữ thị trấn miền đông Slavyansk hôm qua tuyên bố quyết không đầu hàng, trong khi quân đội Ukraine thiết lập một vành đai phong tỏa khu vực này.
tag-reuters-3-8577-1398480213.jpg

Tay súng giấu mặt đứng gác tại điểm kiểm soát gần tòa nhà chính quyền ở thị trấn Slavyansk. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ không giao nộp thị trấn", AFP dẫn lời Vyacheslav Ponomaryov, thủ lĩnh tự vệ địa phương phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua. "Chúng tôi sẽ chống cự lâu nhất có thể. Thị trấn đã bị phong tỏa. Chúng tôi sẵn sàng để bảo vệ nó".

"Chúng tôi không giao nộp khu vực nào cả", một người có vũ trang đứng gác tại khu vực từng bị quân đội Ukraine tấn công hôm 24/4 nói. Nếu quân đội của Kiev quay trở lại, "chúng tôi sẽ giáng đòn mạnh mẽ và không nhân nhượng", một binh sĩ khác đeo mặt nạ trượt tuyết, cầm súng Kalashnikov, quả quyết.

Về phía Ukraine, sau cuộc bạo lực xảy ra hôm 24/4 làm ít nhất 5 người chết, Kiev cho biết binh sĩ quân đội sẽ không tấn công Slavyansk lần nữa trong thời gian tới. Thay vào đó, họ thiết lập vành đai bao quanh thị trấn để không cho quân tiếp viện của lực lượng tự vệ tiếp cận Slavyansk và tránh thương vong cho dân thường.

Đặc nhiệm Ukraine chiếm giữ một chốt chặn bỏ hoang trong thành phố. Tiếng súng bắt đầu vang lên. Ảnh: AFP

Đặc nhiệm Ukraine chiếm giữ một chốt chặn bỏ hoang trong thành phố Slavyansk hôm 24/4. Ảnh: AFP

Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn thông báo từ Bộ Nội vụ Ukraine cho biết những người biểu tình ở Slavyansk hôm qua còn chặn đường xe buýt chở theo các quan sát viên quốc tế từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). 7 đại diện OSCE và 5 binh sĩ quân đội Ukraine đang bị tạm giữ trong tòa nhà cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ở thị trấn, vốn đã bị người biểu tình chiếm giữ trước đó.

Washington coi diễn biến trên là hành động "đàn áp và hèn nhát". "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về thông tin những tay súng chưa rõ danh tính đã bắt giữ phái đoàn quan sát viên, trong đó có đại diện của OSCE cùng những binh sĩ Ukraine, ở thị trấn Slavyansk", RT dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói.

Trong khi đó, ông Ponomaryov, cho rằng có "gián điệp" quân đội của chính quyền Kiev trong nhóm quan sát viên. "Tôi nhận được thông báo cho rằng trong số họ (nhóm người bị bắt giữ) có một nhân viên quân sự bí mật của Kiev. Những người đến đây với tư cách quan sát viên cho cộng đồng châu Âu lại đi cùng một gián điệp thực sự, điều này là không thích hợp".

Những cuộc biểu tình chống chính quyền mới ở Ukraine nổ ra đầu tháng 4 ở những vùng phía đông nước này, nơi có các cộng đồng nói tiếng Nga. Người biểu tình đòi trưng cầu dân ý về việc thành lập liên bang ở Ukraine. Quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov hôm 22/4 ra lệnh tái khởi động chiến dịch đặc biệt ở miền đông. Ít nhất 5 người thiệt mạng trong một cuộc đấu súng hôm 24/4 tại thị trấn Slavyansk sau khi quân đội Ukraine mở chiến dịch tấn công vào nơi này.

Như Tâm

Theo Vnexpress