Tin Tức tổng hợp

"Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo quản lý và tổ chức đào tạo theo quy định, đồng thời có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu", Thứ trưởng Ga nhắc nhở...

Thêm 6 ngành được tiếp tục tuyển sinh

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa ký quyết định cho phép 6 ngành đặc thù của 4 trường đại học tạm thời được tuyển sinh.

Cụ thể, ĐH Sư phạm TP HCM được tuyển sinh trở lại ngành Ngôn ngữ Nhật; ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP HCM) ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha; ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc; ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng có 2 ngành là Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình.

thi-1354293869-500x0-9189-1398399927.jpg

Hiện có 98/207 ngành bị đình chỉ đã được phép tuyển sinh trở lại. Ảnh: HH.

Lý do các trường này được tuyển sinh trở lại những ngành này là do đã đáp ứng điều kiện về giảng viên cơ hữu theo quy định.

"Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo quản lý và tổ chức đào tạo theo quy định, đồng thời có trách nhiệm lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu", Thứ trưởng Ga nhắc nhở.

Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã rà soát đào tạo tiến sĩ, năm 2012 rà soát đào tạo thạc sĩ, năm 2013 rà soát hệ đại học và 2014 sẽ là các trường cao đẳng. Một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ bị thu hồi giấy phép. 

Năm 2014, Bộ quyết định dừng đào tạo 207 ngành đại học. Nhiều trường đã lên tiếng về cơ chế cho những ngành đặc thù. Sau khi bổ sung số lượng giảng viên theo quy định, 62 ngành đại học và 30 ngành khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh trở lại. Hiện, tổng số ngành được tiếp tục tuyển sinh là 98 trên tổng số 207 ngành bị đình chỉ.

Hoàng Thùy

Hội An sẽ bỏ bán vé nếu người dân không được lợi

"Việc siết vé du khách vào phố cổ là vì lợi ích nhân dân. Nếu chứng minh được vì thu vé mà đời sống người dân gặp khó khăn thì tôi hứa danh dự sẽ bỏ quy định này", Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự khẳng định.


Trao đổi với VnExpress trước buổi họp báo sáng 26/4, ông Nguyễn Sự, Bí thư Hội An (Quảng Nam), chia sẻ việc quản lý chặt du khách ra vào phố cổ phải mua vé không phải là "tận thu" mà để chống thất thu. Trong những ngày qua bản thân ông nhận được nhiều tin nhắn của những người dân tỏ thái độ khó chịu trước những dư luận không hay về thành phố này và chính bản thân ông cảm thấy có lỗi.

- Ông nói gì về việc hơn một tuần nay du khách trong và ngoài nước phản ứng gay gắt, có ý định "tẩy chay" du lịch Hội An vì cho rằng thành phố tăng giá, siết vé?

- Sự việc vừa qua cho thấy mọi người rất quan tâm đến Hội An. Tôi và lãnh đạo thành phố không phẫn nộ mà phải cảm ơn dư luận, cộng đồng mạng và báo chí. Đây chính là vấn đề để người quản lý, người lãnh đạo, người tổ chức thực hiện nhìn lại mình, nhận ra cái vô lý thì mình phải bỏ, cái bất hợp lý thì phải điều chỉnh.

ongsu3-8441-1398520889.jpg

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhưng qua đây cũng cho thấy nhiều người chưa hiểu Hội An và chính Hội An cũng chưa làm cho du khách hiểu mình. Hội An là một quần thể kiến trúc và quần thể di tích chứ không phải là một di tích đơn lẻ. Những ngôi nhà trong phố cổ này đều là di tích, tạo nên quần thể di tích phố cổ và những ngôi nhà đó cần phải có tiền để trùng tu, sửa chữa khi xuống cấp.

Như sửa căn nhà 3 tỷ đồng thì ngân sách của thành phố đã cấp 1,6 tỷ đồng cho hộ dân đó. Có nhà trong hẻm sửa 2,2 tỷ đồng, ngân sách cũng chi ra 2 tỷ đồng vì nhà của họ tạo nên quần thể di tích này nhưng không có mặt tiền để kinh doanh, buôn bán. Để có đủ tiền trùng tu chỉ còn cách lấy tiền từ bán vé khách tham quan chứ không còn nguồn nào khác. Hội An không tăng giá vé mà chỉ siết chặt hơn việc bán vé đã áp dụng nhiều năm nay.

- Ông đánh giá gì về cách làm của Hội An trong việc siết vé vừa qua?

- Cách làm vừa rồi là có vấn đề. Anh em bán, soát vé nhiệt tình quá làm nảy sinh những bất hợp lý. Như khách lưu trú lại nhiều ngày, đã mua vé nhưng hôm sau họ vào lại bắt họ phải mua vé là không đúng. Cái này dứt khoát phải sửa. Khách đến đây 10 ngày hay lưu trú cả tháng chỉ cần mua vé một lần và được nhiều lần vào trong phố. Mà nếu như họ biết được 80% tiền thu được từ vé được dùng vào việc trùng tu, bảo tồn di tích thì tôi tin rằng không ai lại từ chối.

Khách lẻ thì được mời mua vé, nếu họ không mua thì vào thoải mái, không được ép hay chèo kéo. Đôi lúc họ vào phố cổ thăm người quen, chơi với bạn bè hay gặp người yêu của họ chẳng hạn, thì việc này anh ngăn cản làm chi. Việc đặt các điểm soát vé cũng thiếu hợp lý khi cắt đoạn, cắt khúc phố cổ.

ve23-1461-1398520889.jpg

Nhiều vé dùng đi dùng lại nhiều lần bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Nguyễn Đông.

- HĐND thành phố đã thông qua quy định về việc tăng cường kiểm tra vé đối với du khách. Khi thực hiện, bản thân ông có lường trước phản ứng của du khách và dư luận?

- Tôi có biết chủ trương này, vấn đề là phương pháp tổ chức chưa đúng, chưa thông tin rộng rãi đến người dân và du khách chứ mình không đổ thừa ai. Nhưng cộng đồng mạng phản ứng mỗi người một ý đã đẩy sự việc đi quá tầm kiểm soát. 

Điều đáng buồn là có những cái ảnh chụp sau 23h đêm rồi đưa lên mạng, nói Hội An vắng như chùa bà Đanh. Thử hỏi lúc đó còn ai đi ra đường nữa mà lại không vắng. Vừa rồi có thông tin mỗi năm UNESCO tài trợ cho Hội An một triệu USD. Tôi khẳng định làm gì có một đồng xu nào. Từ năm 1999 đến giờ, các tổ chức quốc tế, chủ yếu là Nhật Bản hỗ trợ cho Hội An trùng tu di tích là 4 tỷ đồng. UNESCO công nhận chỉ hỗ trợ kỹ thuật quản lý chứ không hỗ trợ kinh phí để trùng tu. 

ve5-3640-1398520889.jpg

Khách nước ngoài vẫn tấp nập ở Hội An trưa 26/4. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hôm qua tôi đứng trước quầy soát vé và chứng kiến một đoàn khách Trung Quốc đi vào phố cổ, vừa xuống ôtô đã bị hướng dẫn viên du lịch bỏ rơi. Nhân viên soát vé mời họ mua vé thì họ làm thinh đi vào phố cổ, anh em vẫn từ tốn. Xét cho cùng, khách họ không có lỗi, nên phải thông tin, nói rõ cho họ biết. Làm sao để người dân không phải khó chịu khi chứng kiến cảnh giằng qua, giật lại ở quầy bán vé. Hôm nay mọi chuyện đã tiến triển rất là tốt, khách ra vào Hội An tấp nập.

- Có ý kiến cho rằng việc thu phí khiến phố cổ vắng khách, gây khó khăn cho các hộ dân ở phố cổ trong việc kinh doanh, buôn bán. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Việc bán vé là phải duy trì và thành phố làm vì lợi ích người dân. Nhưng mới bắt đầu thực hiện được hơn một tuần nên chưa khẳng định được rằng vì bán vé chặt mà Hội An vắng khách. Còn nếu vì việc bán vé mà người dân phố cổ không kinh doanh, buôn bán được thì tôi lấy tư cách là người đứng đầu thành phố, xin hứa danh dự sẽ dừng bán vé, nhưng phải chứng minh được việc vì bán vé mà đời sống người dân phố cổ gặp khó khăn. 

Từ năm 2000 đến nay, thành phố thu được 255 tỷ đồng từ vé. Ngoài việc trích lại cho các điểm tham quan chính và bộ máy quản lý hết 94 tỷ đồng, Hội An nộp ngân sách 160 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền ngân sách chi cho trùng tu di tích lên đến 104 tỷ đồng, các hoạt động thu hút du lịch hết 35 tỷ đồng. Nhiều ngôi nhà xuống cấp được hỗ trợ tiền sửa chữa, như nhà số 16 Nguyễn Thái Học 1,6 tỷ đồng, nhà ở ngã tư Phan Châu Trinh – Trần Phú 1 tỷ đồng...

Nguyễn Đông thực hiện

Đường ống nước Sông Đà lại vỡ

Tối qua, đường ống nước sạch Sông Đà tiếp tục gặp sự cố, khiến hàng chục nghìn hộ dân ở thủ đô bị mất nước. Việc khắc phục hoàn tất sáng nay nhưng đến trưa mới có thể cấp nước trở lại.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, sự cố đường ống dẫn nước xảy ra vào chiều tối 25/4 trên đường Láng Hòa Lạc, tuy nhiên lần này không nghiêm trọng như những lần trước và khắc phục nhanh hơn.

Đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Ảnh.Bá Đô

Đường ống nước Sông Đà vỡ 6 lần nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Ảnh:Bá Đô.

"Đến 9h30 sáng nay, nước đã được cấp trở lại cho người dân, tuy nhiên mới chỉ đến được khu vực BigC còn lại các khu vực khác phải đến trưa mới có nước", ông Việt cho biết thêm.

Cũng trong chiều tối qua và sáng nay, VnExpress liên tục nhận được phản ánh của người dân thuộc khu vực Thanh Oai, Thanh Trì cho đến Ngã Tư Sở bị mất nước. Các hộ dân này đã phản ánh tới các đơn vị cấp nước nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Đây là lần thứ 6, đường ống nước Sông Đà bị vỡ, gây ảnh hưởng sinh hoạt của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai.... Sự cố gần đây nhất là vào chiều 1/4. Sau lần này, Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Liên quan việc đường ống liên tục bị vỡ trong thời gian ngắn, lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà không đưa ra được lý giải nào mới ngoài việc cho rằng nền đất yếu và đường ống nằm dọc Đại lộ Thăng Long nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các xe di chuyển qua.

Nhiều người chất vấn và đặt câu hỏi tại sao đường ống 'hay vỡ', Tổng giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà phản bác "nói vậy là chưa chính xác". "Chúng tôi không thể nói trong tương lai có vỡ được hay không vì nếu khẳng định thì không khác nào ăn cơm dân gian nói chuyện âm phủ", ông Hà phát biểu.

Cũng theo ông Hà, sau những lần sự cố xảy ra, Tổng công ty đã lập đội phản ứng nhanh để rút gọn thời gian xử lý sự cố nhằm cung cấp nước đảm bảo đời sống cho người dân: "Lần vỡ ống nước đầu tiên cần mất gần 90 tiếng để khắc phục. Nhưng đợt vỡ lần 5 chỉ mất 18 tiếng đã khắc phục xong".

Bá Đô

 

Tương Dương nóng 41 độ C

Đợt nắng nóng ở miền Trung và miền Bắc sẽ kéo dài đến hết hôm nay, trong đó, huyện Tương Dương (Nghệ An) có thể lên 41 độ C.

Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp phía tây kết hợp gió phơn tây nam, nhiệt độ các địa phương của miền Trung đạt mức cực đại.

Nắng nóng đạt cực đại ở miền Trung khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh minh họa: h.Hàiền Trung sẽ diễn ra đến hết ngày 26/4. Từ

Nắng nóng đạt cực đại ở miền Trung khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Ảnh minh họa: H.Hà.

Các trạm khí tượng Trung Bộ đo được nhiệt độ cao nhất là 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C như Đông Hà (Quảng Trị); Tuyên Hóa (Quảng Bình); Quỳ Hợp (Nghệ An); Hương Khê (Hà Tĩnh); Tương Dương (Nghệ An) lên đến 41 độ C. Mức nhiệt độ cao có thể khiến cuộc sống của người miền Trung bị đảo lộn.

Khu vực tây Bắc Bộ nền nhiệt độ thấp hơn chút, ở mức 35-38 độ C. Một số địa phương nhiệt độ cao hơn như Mường Lay 38 độ C; Mường La gần 40 độ C; Yên Châu gần 39 độ C. 

Hôm nay các khu vực trên tiếp tục xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ.

Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến hết hôm nay.

Chiều tối và đêm 26/4 đến 27/4, các tỉnh miền Trung sẽ có mưa dông từ phía bắc lan dần xuống các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế; nền nhiệt giảm mạnh, chấm dứt nắng nóng. Từ ngày 28/4 đến dịp nghỉ lễ 30/4, ngày 1/5, miền Trung có nắng gián đoạn vào ban ngày, chiều tối và đêm khả năng xuất hiện mưa rào và dông, nền nhiệt độ còn cao nhưng không có nắng nóng.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày mai (27/4) các tỉnh miền Bắc xuất hiện mưa trên diện rộng. Sang ngày 28, mưa tạm thời giảm. Sau đó, từ chiều tối ngày 29/4 đến 1/5, Bắc Bộ sẽ có mưa rào và dông trở lại, nền nhiệt độ trong thời kỳ này khá mát mẻ. Từ ngày 2 đến 4/5, mưa có xu hướng giảm hơn về diện và lượng trên toàn khu vực.

Hương Thu

Theo Vnexpress