Tin Tức tổng hợp

Trong đám tang người cha, ba đứa trẻ chỉ biết bấu chặt gấu áo mẹ, khép mình không dám khóc. Xót thương các cháu, bố mẹ đẻ chị Thao đưa mấy mẹ con về cưu mang, nuôi nấng...

Sạt mỏ đá, hai công nhân thiệt mạng

Nhiều tảng đá bất ngờ lăn từ sườn núi trúng nhóm công nhân đang làm việc phía dưới khiến hai người chết tại chỗ.


Chiều 23/4, anh Trần Huy Thành (31 tuổi) và Bùi Xuân Ánh (30 tuổi, cùng trú xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang sản xuất đá trong khu vực Đồng Thung (nằm giáp ranh xã Đông Vinh và xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa), thì bất ngờ nhiều khối đá lớn từ sườn núi lăn xuống.

11-JPG-8674-1398331973.jpg

Khu mỏ Đồng Thung, nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: Lê Hoàng.

Một tảng đá lao trúng người anh Thành và anh Ánh khiến các nạn nhân nằm bất động trên vũng máu. Phải mất khoảng thời gian dài, những người có mặt mới đưa được hai công nhân ra khỏi hiện trường, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, dập nội tạng, vỡ sọ não, nhiều xương sườn, xương cẳng chân vỡ nát, có dấu hiệu ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn trước khi vào viện.

Họ đã tử vong và được người thân đưa về quê an táng. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Trước đó ngày 7/4, vụ sập mỏ đá núi Vức (thuộc xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa) đã làm một người tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay, địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra năm vụ tai nạn lao động tại các mỏ khai thác đá, làm nhiều người chết và bị thương.

Lê Hoàng

 

Phát hiện tàu chìm nghi từ thời chiến tranh ở biển Sa Huỳnh

Con tàu sắt mà ngư dân vừa phát hiện được cho là ở giai đoạn 1967 - 1972. Hiện lực lượng công an cùng biên phòng ngày đêm canh giữ nghiêm ngặt vùng biển này.

Trao đổi với VnExpress.net ngày 23/4, ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết, ba ngày trước, trong lúc bà con ngư dân lặn bắt thủy sản vùng biển Sa Huỳnh đã phát hiện phần mũi một con tàu chìm cách bờ khoảng gần 100m.

23-4-Anh-1-Tau-chim-8099-1398227958.jpg

Vùng biển Sa Huỳnh, nơi phát hiện con tàu chìm từ thời chiến tranh.Ảnh:Trí Tín.

Mũi tàu ló trên nền cát nằm cách mặt nước ở độ sâu khoảng 5m. Con tàu to lớn, dài khoảng 35m, chất liệu bằng sắt. "Trên cơ sở từ năm 1967 đến 1972 quân đội Mỹ từng đóng đồn trên đồi Hải Thuyền ở địa phương, tôi cho rằngkhả năng đây là tàu hậu cần chở lương thực, nhiên liệu cho lính Mỹ", ông Kỳ nói.

Tuy nhiên, theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, nhận định trên khó có khả năng vì "nếu tàu của Mỹ bị nạn thì sẽ được trục vớt ngay".

Theo TS Khôi, con tàu trên có thể là tàu không số của quân đội Việt Nam bị chìm trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thời điểm ấy, vùng biển Đức Phổ, Bình Sơn là nơi được chọn để Quảng Ngãi tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc vào qua đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hiện tại, chính quyền địa phương xã Phổ Thạnh phối hợp với Đồn Biên phòng Sa Huỳnh phân công lực lượng túc trực bảo vệ vùng biển có tàu chìm chờ cơ quan chức năng xử lý.

Trí Tín

Cuộc sống mới của ba đứa trẻ bị cha ép uống thuốc độc

Bị ngộ độc thuốc diệt cỏ quá nặng, anh Vĩnh qua đời. Ba cháu bé thoát chết được mẹ đưa về bên ngoại chăm sóc.

Ngôi nhà xây dang dở nằm cuối thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) hầu như lúc nào cũng khóa cửa. Từ khi anh Kiều Văn Vĩnh qua đời, bốn mẹ con chị Nguyễn Thị Thao đưa nhau về nhà ngoại ở xã Phú Cát.

IMG-0900-9280-1398247099.jpg

Nnhững tháng ngày bình yên nhất của bé Linh từ khi chào đời. Ảnh: Phương Hòa.

Chuyện xảy ra từ hơn nửa năm trước, nhưng đau buồn vẫn hằn lên gương mặt tròn trịa của bé Xuân Mai (7 tuổi). Bé ít nói và hầu như không cười dù trước đó em rất hoạt bát. Nhiều hôm thấy con đi học về, mắt đỏ hoe, chị Thao gặng hỏi thì bé cho biết các bạn ở trường luôn miệng nói "Bố mày ác lắm" nên không cho chơi cùng. Mai đòi nghỉ học, mẹ và cô giáo phải động viên mãi em mới tiếp tục đến lớp. Cô bé thường xuyên bị đau đầu, học trước quên sau. Có hôm ngồi trước quyển sách, em bật khóc rưng rức khiến chị Thao không dám ép con học bài.

"Tôi rất sợ cháu bị trầm cảm nhưng không biết phải làm thế nào. Cháu là đứa lớn nhất nhà, đã ý thức được bi kịch của gia đình", chị Thao thở dài.

Mỗi lần trái gió trở trời, cả ba cháu bé đều bị đau nhức, viêm phổi. Chị Thao lại phải đưa cả ba con đi khám và lấy thuốc. Cháu Đức Anh (5 tuổi) học lớp mầm non bán trú. Hôm nào không còn tiền đóng ăn trưa, bé lại được mẹ đón về. Trước đó, Đức Anh và Linh bị ngộ độc thuốc diệt cỏ nặng, cấp cứu ở Bệnh viện Nhi trung ương và lọc máu 5 lần mới qua khỏi.

Trên đôi lông mày vẫn còn in vết sẹo từ mảnh vỡ chiếc bát ăn cơm lần bố đánh mẹ, Linh áp má vào người chị Thoa, cười tươi khoe lúm đồng tiền xinh xắn. Mỗi khi anh chị đi học, Linh lại tha thẩn chơi một mình ngoài cổng. Hơn 4 tuổi nhưng cô bé chưa được đi học. Mẹ bé cho hay, có đủ tiền thì mới cho Linh đi nhà trẻ, không thì đợi 5 tuổi đi lớp mầm non rồi lên lớp 1 luôn như các anh chị của bé. Giờ chị không có việc làm, mấy mẹ con phải hoàn toàn nhờ vào ông bà ngoại.

Khi còn nằm ở Viện Nhi, có người phụ nữ nhìn bé đáng yêu nên xin chị Thao cho nhận về nuôi dưỡng. Thấy con quấn quýt không rời xa mẹ, chị Thao chối từ. Chị bảo: "Mẹ con rau cháo nuôi nhau cũng được, miễn là các cháu được khỏe mạnh, nên người. Trải qua bao đau khổ, giờ tôi chỉ muốn được ở bên các con".

IMG-0965-7018-1398247100.jpg

Ngôi nhà của chị Thao ở xã Liệp Tuyết luôn khóa kín cửa. Cuối tuần, bốn mẹ con thường đèo nhau về thắp hương cho anh Vĩnh. Ảnh: Phương Hòa.

Bây giờ ở bên ngoại, cuối tuần mấy mẹ con chở nhau trên chiếc xe đạp cọc về thăm nhà, thắp hương cho anh Vĩnh. Trước khi qua đời, chồng chị phá hết cửa nhà nên mỗi lần về, mấy mẹ con phải qua nhà ông bà nội ngủ nhờ. Cách đây vài tháng, bố chồng chị Thao cũng qua đời, chỉ còn mẹ kế và cậu em trai.

Bà Đỗ Thị Mười, mẹ kế anh Vĩnh, thương hoàn cảnh mấy mẹ con nên đề nghị chị Thao cứ ở bên ngoại chăm các cháu, bà trông nhà giúp. Ngôi nhà trống hoác, hướng ra đồng đón gió mát, xung quanh là vườn ngô đang thì tươi tốt. Chị Thao mới nhờ người lắp lại cánh cửa mới. Chị bảo chờ các con lớn thêm chút nữa rồi mấy mẹ con sẽ chuyển hẳn về đây. "Dù đó là nơi chứa đựng nhiều ký ức đau buồn về cuộc sống nhưng vẫn là nhà của mình. Con gái đi lấy chồng rồi đâu thể nhờ cậy mãi mẹ cha. Ông bà già rồi, còn chăm lo cho các cậu, các dì", chị nói.

Chị Thao kết hôn từ năm 18 tuổi. Không ai nghĩ người mẹ ba con ấy năm nay mới tròn 26 tuổi. Quyết định lấy anh Vĩnh, chị bị gia đình phản đối dữ dội. Bố anh Vĩnh khi sang nhà xin phép cho hai người đi lại cũng nói trước với chị là lấy con trai ông sẽ khổ. Nghĩ thương hoàn cảnh anh thiếu thốn tình cảm vì cha mẹ sớm chia tay, chị vẫn gật đầu chấp nhận. Giữa tháng 7/2013, chị Thao bị chồng đánh nên bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Anh Vĩnh bảo vợ về nhiều lần không được nên nhắn tin nói không nghe lời sẽ cho các con uống thuốc trừ sâu và anh đã làm thật.

Nhờ cấp cứu kịp thời, ba cháu thoát chết nhưng anh Vĩnh thì qua đời không lâu sau đó. Trước khi mất, anh nhắn tin cho vợ hỏi thăm sức khỏe các con và dặn dò chị chăm sóc con. Trong đám tang người cha, ba đứa trẻ chỉ biết bấu chặt gấu áo mẹ, khép mình không dám khóc. Xót thương các cháu, bố mẹ đẻ chị Thao đưa mấy mẹ con về cưu mang, nuôi nấng.

Cuối năm ngoái, chị ở bên nhà ngoại thường xuyên nên bỏ lỡ đợt xét hộ nghèo của xã Liệp Tuyết. Người mẹ trẻ hy vọng sớm làm được sổ để nhận hỗ trợ, có thêm ít vốn làm ăn và nuôi các con. Giờ chị hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ đẻ vì phải chăm các con ốm liên miên.

"Cuối năm nay xã có đợt xét hộ nghèo, Hội phụ nữ xã cũng đề nghị Hội phụ nữ thành phố Hà Nội hỗ trợ vay vốn cho gia đình chị Thao. Nhưng chị phải thường xuyên có mặt tại địa phương sinh sống thì mới nhận được hỗ trợ", bà Tạ Thị Mai Phương, cán bộ lao động thương binh xã hội xã Liệp Tuyết, cho hay.

Phương Hòa

Theo Vnexpress