Tin Tức tổng hợp

"Hẹn gặp nhé duyên đời để nợ/ Xa nhau rồi chẳng lẽ lại quên. Tôi đã khóc ngay trong cuộc điện thoại đầu tiên nói chuyện với các anh. Cảm ơn mọi người, sau 3 tuần tìm kiếm đã có kết quả. Tôi thấy mình hạnh phúc khi giờ có tận hai người anh"...

Cô dâu Việt định về thăm mẹ trước khi đi chuyến phà chìm

Chờ cha mẹ xây xong nhà mới sẽ đưa gia đình về Cà Mau chơi, nhưng Thanh cùng người chồng Hàn Quốc và cậu con trai 6 tuổi đã mất tích trên chiếc phà Sewol.

Ba ngày qua, từ khi hay tin vợ chồng cô con gái cùng đứa cháu ngoại 6 tuổi mất tích trong vụ chìm phà trên đường ra đảo Jeju, bà Nguyễn Thị Nga ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) như người mất hồn.

Chốc chốc người phụ nữ ngoài 60 tuổi này lại mang hình ảnh gia đình con gái Phan Ngọc Thanh ra xem rồi khóc ngất. Trước căn nhà cấp bốn đang xây dở gần cửa biển, người mẹ đặt hương án cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho 3 thành viên trong gia đình con được bình an dù cơ hội rất mong manh.

ba-Nga-2895-1397988776.jpg

Bà Nga rơi nước mắt khi nhắc đến vợ chồng con gái và cháu ngoại mất tích. Ảnh: Ái Nam.

Theo bà Nga, sáng 18/4, có người gần nhà biết tin vụ chìm phà Sewol. Họ thấy hình bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon rất giống cháu gái của bà nên chạy sang báo tin. Lúc này chồng bà là ông Phan Văn Chạy (Tư Chạy) cùng các con đang đi ghe ngoài biển đã được gọi về. Đến trưa, em chồng Thanh nhờ người biết tiếng Việt điện về báo bà Nga tin dữ.

"Hay tin xấu vợ chồng tôi điếng người. Ba đứa con trai động viên, an ủi vì sợ tôi xỉu do bệnh huyết áp. Trong đêm 18/4, tụi nó với con gái út tức tốc lên TP HCM liên hệ cơ quan chức năng để bay sang Hàn Quốc tìm kiếm vợ chồng Thanh với đứa cháu trai 6 tuổi mất tích", bà Nga nói.

Hiện người thân của Thanh từ Việt Nam sang đã có mặt tại Hàn Quốc để nắm thông tin. Đại sứ quán Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Bình đẳng giới nước này sẽ tổ chức đón gia đình chị tại sân bay và đưa ra Seoul, từ đó đi đến cảng Jindo. Hiện trường vụ tai nạn cách thủ đô Seoul khoảng 700 km.

Thanh là con gái thứ tư trong gia đình ngư phủ có cuộc sống tương đối khó khăn. Hết lớp 6 cô đã nghỉ học đi nhặt cá vụn, vá lưới thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Gần 9 năm trước, Thanh lên TP HCM làm công nhân may. Sau đó hơn 6 tháng thì chị được người đàn ông Hàn Quốc lớn hơn 24 tuổi chọn làm vợ. Hai người nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn và chú rể về quê vợ chơi một tuần trước khi đưa Thanh sang Hàn Quốc sống.

nha-ba-Nga-7552-1397988777.jpg

Căn nhà ông Tư Chạy đang xây bằng tiền con gái ở Hàn Quốc gửi về. Ảnh: Ái Nam

Người thân của Thanh cho biết, gia đình bên chồng em gái có nhà cách sân bay quốc tế Incheon khoảng 10 phút đi taxi và vợ chồng Thanh làm nghề trang trí nội thất. Trong 8 năm xa xứ, đều đặn cứ một đến hai ngày Thanh gọi điện cho mẹ để hỏi thăm người thân.

Vài tháng, cô lại gửi tiền về cho gia đình. Căn nhà ông Tư Chạy đang xây với chi phí dự kiến trên 100 triệu đồng cũng từ tiền Thanh gửi về. Trước khi rời thành phố để cùng chồng con ra đảo Jeju, cô còn gửi thêm 1.000 USD. Sáng 16/4, em gái Thanh đi nhận tiền của chị gửi về thì 2 giờ sau chiếc phà Sewol gặp nạn.

"Thanh sang Hàn Quốc rất được nhà chồng thương và đã bồng con về thăm cha mẹ 2 lần, mỗi lần độ nửa tháng. Quê con rể tôi ở đảo, nơi đó có vườn cam quýt của cha mẹ để lại và được vài người bà con trông coi. Cuối năm ngoái những người này trả lại vườn nên vợ chồng Thanh quyết định rời thành phố để về quê làm nông”, bà Nga cho biết. Tháng trước, Thanh định cùng chồng con về Cái Đôi Vàm chơi nhưng bà khuyên nên chậm lại, chờ cất xong nhà. "Nhà còn làm dang dở, trời thì nóng nực, tôi sợ chúng về không có chỗ chui ra chui vào, khổ cho mấy đứa nhỏ", bà Nga khóc.

Sáng 15/4, cô gọi điện báo tin cho mẹ rằng đã gửi xe cùng đồ đạc trên phà Sewol, vợ chồng với 2 con sẽ mua vé máy bay ra đảo. Vì vậy, khi hay tin Thanh cùng người thân mất tích ngoài biển, gia đình cô nhận định có thể họ không mua được vé máy bay nên đã đi phà. Mấy ngày qua, bà Nga gọi được vào máy điện thoại của Thanh nhưng không có người nghe máy.

Trước đó, ông Dương Chính Chức, tham tán phụ trách Lãnh sự và bảo hộ công dân của sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xác nhận với VnExpress về trường hợp một người Việt mất tích trên phà Sewol là Phan Ngọc Thanh. Người phụ nữ sinh năm 1985 quê ở Cà Mau này mới nhập quốc tịch Hàn Quốc năm ngoái và chính là mẹ của bé gái 5 tuổi Kwon Chi-yeon được cứu sống trên phà.

Bé Kwon Chi-yeon đã được trao trả lại cho người thân là em gái bố cô bé. Cảnh sát Hàn Quốc chưa công bố họ tên người chồng Hàn Quốc của Thanh.

em-be-vn-4036-1397911505.jpg

Bé Kwon sau khi được cứu lên bờ.

Báo Korea Times cho biết gia đình bé Kwon Chi-yeon, gồm cha mẹ và anh trai 6 tuổi lên chuyến phà Sewol để đến đảo Jeju lập nghiệp. Các y tá bệnh viện Hankuk ở thành phố Mokpo cho biết bé Kwon được cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Một hành khách tên Kim nhớ lại rằng bé Kwon ở một mình khi ông thấy bé ở một cabin trên phà. Kim ôm chặt bé gái khi trèo lên chiếc phà đang bị nghiêng. Bé được chuyền tay qua 4 người đàn ông khi họ tìm đường thoát khỏi phà chìm.

Đã 4 ngày kể từ khi phà Sewol bị chìm. Chuyến phà chở 475 hành khách và thuyền viên từ thành phố Incheon tới đảo Jeju. Trong số các hành khách, có hơn 325 học sinh từ trường trung học Danwon ở Ansan, phía nam Seoul, tham gia chuyến dã ngoại kéo dài 4 ngày. Con số thiệt mạng hiện lên đến gần 60 người.

Ái Nam

 

Hà Nội mở điểm tiêm cố định miễn phí văcxin sởi

Từ ngày 20/4, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sẽ đặt một điểm tiêm chủng miễn phí văcxin sởi cho trẻ dưới 6 tuổi tại số 70 Nguyễn Chí Thanh.

Trước đó, kế hoạch tiêm sởi và tiêm vét của Hà Nội được tổ chức trùng với lịch tiêm chủng hàng tháng (đầu tháng hoặc cuối tháng tùy từng xã, phường).

Quyết định trên được ngành y tế đưa ra trước thực tế Hà Nội hiện là điểm nóng về số tử vong cũng như số ca sởi. Bên cạnh đó, do lo ngại dịch, nhưng ngày gần đây nhiều bậc phụ huynh đưa con đến các điểm tiêm chủng văcxin sởi dịch vụ tăng vọt. Vì vậy nguy cơ thiếu, hết văcxin dịch vụ này là hoàn toàn có thể xảy ra.

DSC-5497-2916-1393400157-2074-1397923440

Tiêm vắcxin sởi là biện pháp ngừa bệnh hữu hiệu nhất hiện nay. Ảnh: Quý Đoàn.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, dịch sởi tại Hà Nội có biểu hiện lên đến đỉnh, thời gian dịch sẽ có dấu hiệu chững lại nhưng sẽ vẫn ở mức cao. Vì thế, ngành y tế đang quyết liệt triển khai các biện pháp, hy vọng đến hết tháng 4 sẽ khống chế được. Nếu tình hình nhu cầu của người dân cho trẻ đi tiêm đông thì Trung tâm sẽ lên phương án bổ sung nhiều điểm tiêm văcxin sởi miễn phí khác.

Trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày toàn thành phố có 20-22 ca mắc sởi mới. Như vậy từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 1.200 ca sởi, phân bố rải rác ở 354 trên tổng số hơn 500 xã phường của cả tất cả các quận huyện.

Bộ Y tế trong ngày 19/4 cho biết ghi nhận thêm 116 ca sởi mới trong tổng số 241 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 32 tỉnh, thành phố. Đồng thời ghi nhận thêm 2 ca tử vong liên quan đến sởi. Như vậy, cả nước đã có gần 3.400 ca sởi trong tổng số hơn 9.000 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61 tỉnh thành.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn tình trạng lây nhiễm chéo. Chẳng hạn, ngày 19/4, bệnh viện này chỉ có 3 ca mắc sởi mới nhập viện, nhưng có đến 10 trẻ đang điều trị bệnh ở khoa khác nhưng bị mắc sởi. Con số này vào 2 ngày trước đó thậm chí còn cao hơn. Chẳng hạn, ngày 18/4 có 3 ca sởi mới nhưng có đến 39 trẻ bị sởi từ khoa khác chuyển đến.

Cũng trong ngày 19/4, các đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Lê Quang Cường đã đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại huyện Thạch Thất, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 3 đến ngày 19/4, trên cả nước đã có hơn 440.000 trẻ được tiêm chủng thường xuyên văcxin sởi và tiêm vét sởi, đạt tỷ lệ gần 58%. Trong đó, dù cũng được coi là điểm nóng về dịch nhưng tỷ lệ tiêm của khu vực miền Nam đạt rất thấp, 43%. Thậm chí tỷ lệ này ở Bình Phước là chưa được 10%, Long An hơn 15%, Đồng Nai 27%.

Tại khu vực miền Bắc, tỷ lệ tiêm đạt gần 69%. Trong đó, thấp nhất là Lai Châu hơn 25%, một số tỉnh ở dưới mức 50% là Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại điểm nóng dịch ở Hà Nội, tỷ lệ này theo báo cáo đạt hơn 83%.

Nam Phương

 

Cô gái tìm được ân nhân sau 8 năm biệt tin

Từ một status trên mạng, Đỗ Quyên Quyên tìm được hai chàng trai giúp cha con cô đẩy chiếc xe máy hỏng suốt chặng đường 130 km từ Hà Nội về Ninh Bình.

Sau khi tìm thấy ân nhân, cô gái 24 tuổi chia sẻ cảm xúc trên Facebook: "Hẹn gặp nhé duyên đời để nợ/ Xa nhau rồi chẳng lẽ lại quên. Tôi đã khóc ngay trong cuộc điện thoại đầu tiên nói chuyện với các anh. Cảm ơn mọi người, sau 3 tuần tìm kiếm đã có kết quả. Tôi thấy mình hạnh phúc khi giờ có tận hai người anh".

quyen1-7002-1398043737.jpg

Anh Vũ Văn Kỷ (sinh năm 1983) cùng bạn tên Hải là hai người đã giúp cha con Quyên đẩy xe đi hơn 130 km từ Hà Nội về Ninh Bình. Ảnh: NVCC.

Cuối tháng 3, Quyên viết trên Facebook cá nhân về câu chuyện xảy ra năm 2006. Khi ấy, cô học lớp 11 và luôn bị đau hốc mắt. Hai cha con chạy xe máy từ Ninh Bình lên Hà Nội khám bệnh và trở về lúc trời khuya. Đến cao tốc Pháp Vân thì xe bị hỏng. Mặc bố cô vẫy nhờ trợ giúp, những chiếc xe vẫn lao đi. Chợt có hai thanh niên một béo, một gầy, chừng 25 tuổi, ngập ngừng dừng lại.

Hai thanh niên cô gái nhớ tên là Kỷ và Hải, đã giúp bố con Quyên đẩy chiếc xe đi hơn 30 km đến cuối đường cao tốc thì gặp quán sửa xe. Họ không về luôn mà ở lại cùng thợ sửa giúp. Không có phụ tùng thay thế nên chủ quán cũng đành chịu. Anh Kỷ thuyết phục người bạn tiếp tục đẩy chiếc xe hỏng trong đêm, đi hơn 100 km về tới Yên Khánh (Ninh Bình).

Dọc đường, Kỷ hỏi han chuyện học hành, khám bệnh của Quyên. Anh còn hát to để quãng đường về bớt xa và hứa đưa cô đi ăn kem Tràng Tiền khi nào cô đỗ đại học. Tới nhà Quyên hơn 3h sáng, hai chàng trai ngồi bất động vì toàn thân tê mỏi. Đêm đó, họ ngủ lại nhà cô để chờ sáng mai về quê sớm.

Buổi trưa, Quyên đi học về thì họ đã đi. Hai bên lưu số điện thoại và thi thoảng liên lạc. Sau này, chiếc điện thoại của bố cô bị mất nên gia đình cũng biệt tin hai chàng trai từ đó. Quyên chỉ biết nhà họ ở gần nhau, cùng quê Hải Hậu (Nam Định). Gia đình anh Hải có tàu ra khơi, còn anh Kỷ từng là giáo viên dạy tiếng Trung tại Hà Nội.

"8 năm trôi qua, tôi học ở Hà Nội, ra trường rồi đi làm. Tôi nhiều lần đi trên đường cao tốc để về quê, ăn kem Tràng Tiền và kể chuyện này với những người thân thiết. Tôi gặp nhiều người, gắng sống cho tốt, nhưng vẫn nghĩ mình mang nợ các anh. Nếu là tôi trong hoàn cảnh đó có lẽ cũng không giúp đỡ nhiệt tình như vậy. Có duyên rồi nên không quên được, tôi phải đi tìm lại thôi", cô gái cho hay.

quyen3-2707-1398043737.jpg

Quyên hội ngộ anh Hải tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Đăng status, Quyên mong mọi người chia sẻ với hy vọng cuộc sống có phép màu giúp cô toại nguyện. Nhiều người hỏi cô vì sao không đi tìm từ nhiều năm về trước, Quyên chỉ nói khi đó còn nhỏ nên chưa có điều kiện tìm. Lớn lên, tiếp xúc với nhiều người, va chạm nhiều trong cuộc sống càng khiến cô nhớ về lòng tốt và sự tử tế của những người đã gặp năm xưa.

Sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng, Quyên nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn bè. Các diễn đàn mạng cũng vào cuộc giúp cô. Sau 3 tuần, cô nhận được hơn 500 e-mail, người bày cách rà lại hộ khẩu các xã ven biển Hải Hậu, người kể câu chuyện tìm người của họ nhằm tiếp thêm hy vọng cho cô. Quyên xúc động vì không ngờ chuyện riêng của mình lại trở thành sự quan tâm chung của nhiều người.

Bạn thân của anh Kỷ ở Sài Gòn đọc được câu chuyện trên. Chị nhận ra ngay vì thông tin trùng khớp và biết tính anh Kỷ rất hay giúp đỡ người khác. Vài ngày sau, chị giúp cho hai người nối liên lạc với nhau sau 8 năm dài đứt quãng.

Nghe giọng anh Kỷ trong điện thoại, Quyên vẫn ngờ ngợ vì không nhận ra. Trước đó, cô từng nhiều lần thất vọng vì không tìm đúng người. Khi đầu dây bên kia miêu tả ngôi nhà của Quyên, cô òa khóc vì biết đúng là anh.

Hai bên nói chuyện khá lâu. Sau đó, nhờ anh Kỷ mà Quyên có số điện thoại của người còn lại. Anh Hải đang trên đường giám sát xe tải từ Nam ra Bắc nên Quyên gặp được anh ở Hà Nội. Sáng 16/4, Quyên trở về nhà và cùng bố mẹ đến xã Hải Triều (Hải Hậu) để gặp anh Kỷ và thăm gia đình hai anh. Trong cảm nhận của cô, hai người thanh niên ngày xưa nay vẫn hiền, thân thiện và rất tốt bụng.

quyen2-2909-1398043737.jpg

Bố mẹ Quyên tâm sự, họ cũng nhiều lần muốn đi tìm những người năm xưa giúp đỡ, nhưng ở quê không biết tìm thế nào. Khi biết con gái đăng tin tìm người, ngày nào họ cũng gọi điện hỏi thăm. Bố mẹ Quyên chụp ảnh chung với anh Kỷ tại xã Hải Triều (Nam Định). Ảnh: NVCC.

Nhắc lại chuyện năm xưa, anh Kỷ chỉ cười: "Lúc thấy người vẫy xe trên đường cao tốc, tôi định không dừng lại vì có nhiều vụ cướp giật xảy ra. Nhưng khi nhìn thấy bố Quyên mặc chiếc áo xanh bộ đội và ánh mắt của cô bé đáng thương nên thuyết phục bạn mình cùng giúp. Không ngờ sau 8 năm, Quyên lại đi tìm. Đúng là duyên phận, mọi việc như một giấc mơ".

Sau khi giúp đỡ Quyên thì hai anh đều ra nước ngoài, vừa học vừa làm nên không thể liên lạc với gia đình cô. Sau này, anh Hải vào Nam sinh sống, còn anh Kỷ mua tàu đánh cá ra khơi. Giờ cả hai người đều có cuộc sống gia đình êm ấm. Họ nhận Quyên là em gái, nhận bố mẹ cô là bố mẹ nuôi.

"Trong hành trình tôi đi tiếp theo, có đôi cánh đại bàng này ở bên thì chẳng còn sợ gì nữa. Những ai lạc mất nhau thì tìm lại đi nhé. Nếu không thấy thì cũng sẽ nhẹ lòng hơn lúc chưa đi tìm. Tin tôi đi, cuộc sống luôn có phép nhiệm màu", Đỗ Quyên nhắn gửi.

Hoàng Phương

Theo Vnexpress