Chính phủ Venezuela mời Tòa Thánh tham gia đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột
VRNs – Catholicnewsagency – Từ thủ đô Caracas,Venezuela, Hãng tin Catholic News Agency cho biết: Bộ trưởng ngoại giao của Venezuela đã gửi một lá thư cho Tòa Thánh, trong đó ông mời Tòa Thánh tham gia Hội Nghị Hòa Bình Quốc Gia – một hội nghị được triệu tập bởi tổng thống Nicolas Maduro.
Động thái này đến sau cuộc thảo luận giữa đại diện chính phủ Venezuela và phe đối lập. Sau cuộc thảo luận này, cả hai bên đều nhất trí rằng Tòa Thánh có thể tham gia vào tiến trình xây dựng hòa bình.
Lá thư được công bố hôm thứ 4 ngày 9.4.2014. Trong đó, bộ trưởng Jauna nhân danh tổng thống Maduro mời ĐTC Phanxicô tham gia vào các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo phe đối lập.
Trước đó, hôm thứ 3, đại diện của chính phủ và phe đối lập đã có một cuộc họp thăm dò để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực. Đã có 39 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương hoặc bị bắt giữ.
Tình trạng bất ổn tiếp tục leo thang khi hôm chủ nhật vừa qua, một nhà báo hàng đầu của mạng lưới truyền hình Globovision, ông Nairobi Pinto, đã bị bắt cóc ngay tại tư gia. Bạn bè của Pinto cho biết các lí do về chính trị là nguyên nhân sự mất tích của ông Pinto.
Đức Hồng Y Urosa Savino kêu gọi chính phủ của tổng thống Maduro hãy chú ý đến “tiếng nói của rất nhiều người đã lên tiếng chỉ ra rằng: chúng ta đang đi trên con đường sai lầm.”
Phát biểu tại giáo đường Do Thái Tiferet (thủ đô Caracas) hôm 7.4, ĐHY Savino nói: “ Đất nước Venezuela gặp rất nhiều vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay và đất nước cần sự nỗ lực của tất cả các công dân Venezuela để giải quyết những rắc rối đó.”
Jos. Đức Trung
Nhật Bản thông qua kế hoạch ủng hộ năng lượng điện hạt nhân
VRNs – Sài Gòn - BBC cho biết, chính phủ Nhật Bản đã thông qua một kế hoạch năng lượng trong đó có việc ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân, bất chấp sự lo lắng của công chúng sau thảm họa Fukushima.
Kế hoạch trên đã đảo ngược một quyết định trước đó của chính phủ trước, nhằm loại bỏ năng lượng hạt nhân.
Kế hoạch sẽ thiết lập các giai đoạn để chính phủ có thể khởi động lại một số lò phản ứng. Hiện tại, toàn bộ số lò phản ứng của Nhật Bản đều đang tạm dừng hoạt động.
Động thái trên được đưa ra sau khi những người tản cư đầu tiên của Fukushima trở về nhà của họ tại vùng cách ly.
Reuters cho biết thêm, chính phủ cũng đặt than và năng lượng thủy điện như các nguồn điện phụ tải nền.
“Kế hoạch này cho thấy rõ, chúng tôi sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân thông qua một loạt các biện pháp,” Bộ trưởng Công nghiệp Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các.
Motegi cũng cho biết, chính phủ có thể sẽ quyết định về một nguồn năng lượng hỗn hợp lý tưởng trong vòng hai hoặc ba năm tới.
Ông Motegi nói tiếp, Nhật Bản sẽ cố gắng có thể để tăng nguồn cung cấp năng lượng tái tạo. Chính phủ đã thiết lập một nhóm ngang Bộ để nghiên cứu thúc đẩy các nguồn năng lượng như vậy.
Một chú thích trong tài liệu được thông qua hôm thứ Sáu cho biết, kế hoạch trước đó đã đặt mục tiêu cho các nguồn năng lượng tái tạo phải đóng góp được 13,5% tổng số phát điện vào năm 2020 và khoảng 20% trong năm 2030. Nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện, đóng góp khoảng 10% năng lượng của đất nước như năm 2012.
Reuters nhận định, quyết định khôi phục lại năng lượng hạt nhân có khả năng không được lòng dân. Thủ tướng Shinzo Abe đã phải mất hàng tháng để thuyết phục các thành viên nghi ngờ của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do, cũng như của đảng liên minh New Komeito, nhóm phản đối năng lượng nguyên tử, nhằm chấp nhận bản dự thảo cuối của kế hoạch.
Công chúng Nhật Bản đã quay lưng lại với điện hạt nhân sau khi xem cách mà Tokyo Electric Power Co đối phó với các thảm họa tại trạm Fukushima Daiichi, sau một trận động đất lớn và sóng thần tháng ba 2011.
Chile tiết lộ 39.000 tài liệu từ chế độ độc tài
VRNs – Sài Gòn - Reuters cho biết, một hồ sơ mật mới được tìm thấy tại Chile trong khuôn viên Villa Baviera, có thể là đầu mối quan trọng về hồ sơ của hàng trăm người đã bị thủ tiêu hoặc mất tích trong thời gian cầm quyền của chính phủ quân sự độc tài Augusto Pinochet từ năm 1973 đến năm 1990.
Các tài liệu này được tìm thấy vào năm 2005 và liệt vào loại tài liệu ‘bí mật quốc gia’ cho đến nay. Tuy nhiên nhân viên của Viện Nhân Quyền Quốc Gia đã vận động thành công cho việc công bố tài liệu này.
Bà Lorena Fries, chủ tịch Viện Nhân Quyền nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn phục hồi và kiểm chứng các tài liệu này. Ngoài ra, chúng tôi còn có những chứng cứ khác. Điều đáng mừng là các tài liệu này có thể giúp xác định số phận của những người đã từng ở Colonia Diginidad.”
Được biết, Colonia Dignidad hay còn gọi là Baviera là một trung tâm giam giữ bí mật do Paul Schafer, thuộc Đức quốc xã chỉ huy.
Đây là nơi giam giữ và tra tấn những người cho là đối đầu với chế độ độc tài Pinochet. Các nguồn chính thức ước tính có khoảng 4.500 tù nhân chính trị đã bị giam giữ và hơn 200 người vẫn còn mất tích.
Schafer trốn khỏi Chile năm 1997 khi đang bị điều tra trong một vụ lạm dụng tình dục. Năm 2005, tòa án kết án ông về tội lạm dụng tình dục 25 trẻ em. Ông đã chết trong tù vào năm 2010.
Tại Trung Tâm Dành Cho Gia Đình Của Các Tù Nhân Chính Trị Mất Tích, trực thuộc một tổ chức phi chính phủ, nhân viên trung tâm vẫn hy vọng tìm ra các thông tin liên quan đến các tù nhân này.
Lorena Pizarro nói: “Tất cả những người cổ vũ và tham gia việc tra tấn và giam giữ các tù nhân chính trị này sẽ phải trả lời cho tội ác của họ. Paul Schafer tuy là thủ lãnh nhưng ông không thể hành động một mình.”
Trinh Nguyễn
Ông Khamenei nói: Iran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân
VRNs – Sài Gòn - BBC cho biết, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ủng hộ các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới, nhưng cảnh báo Tehran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Iran và sáu cường quốc thế giới đang làm việc để tiến tới một thỏa thuận nhằm thay thế một hiệp ước tạm thời sẽ hết hạn vào tháng Bảy.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết, hai bên đã đạt được 60% trong thỏa thuận sau các cuộc đàm phán mới nhất tại Vienna.
Một quan chức cấp cao của Mỹ ít lạc quan hơn, nhưng cho biết tất cả các bên đã cam kết tiếp tục cố gắng.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức muốn Iran giảm quy mô làm giàu uranium. Những nước này lo sợ chúng có thể được sử dụng để tạo thành một quả bom hạt nhân.
Tuy nhiên, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nó là hoàn toàn hòa bình và hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vĩnh viễn.
Lãnh đạo Ayatollah Khamenei khẳng định với một nhóm các nhà khoa học hạt nhân Iran, các cuộc đàm phán cần phải tiếp tục nhưng các hoạt động của Iran trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hạt nhân sẽ không dừng lại hoàn toàn.
Ông nói tiếp,”những thành tựu hạt nhân của đất nước không thể bị dừng lại, và không ai có quyền mặc cả trên nó.”
Theo một thỏa thuận tạm thời vào tháng Một, Iran đồng ý cho ngừng các hoạt động hạt nhân nhất định trong sáu tháng để đổi lấy việc gỡ bỏ một phần của biện pháp trừng phạt từ quốc tế.
PV.VRNs