Đàm phán Nga, Mỹ, EU và Ukraine sẽ xoay chuyển khủng hoảng Ukraine?
TTO - Chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận với Nga về một cuộc đàm phán bốn bên cùng Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Matxcơva và Kiev.
Một người biểu tình ly khai đứng bên trong hàng rào phong tỏa tòa nhà chính phủ ở Donetsk - Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và các đại diện của Ukraine về việc giải quyết khủng hoảng Ukraine sẽ được tổ chức vào tuần tới.
Theo Hãng tin AFP, một nhà ngoại giao EU cho biết cuộc đàm phán sẽ được tổ chức vào ngày 17-4 ở Vienna (Áo). Tuy nhiên các quan chức Mỹ khẳng định đàm phán có thể diễn ra một ngày trước đó tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Âu Victoria Nuland thừa nhận Mỹ không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán này. “Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc mở cánh cửa ngoại giao là điều rất quan trọng. Hãy chờ xem các nỗ lực ngoại giao có thể đem lại kết quả gì” - bà Nuland tuyên bố.
Trước đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc Nga đã điều điệp viên đến miền đông Ukraine để kích động biểu tình ly khai. Bà Nuland đánh giá Nga muốn gây sức ép lên Ukraine bằng chiêu điều 40.000 quân đến biên giới, cấm vận thương mại và tăng giá khí đốt.
“Các sự kiện này cho thấy an ninh Nga đang mở chiến dịch phá hoại và kích động chủ nghĩa ly khai ở Ukraine” - bà Nuland cáo buộc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ đang theo dõi mọi cử động của Nga để xác định xem có mở rộng các biện pháp trừng phạt Matxcơva hay không.
Trước đó Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc này và tố rằng NATO triển khai quân lớn gần biên giới Nga. Tuy nhiên Khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ngày 9-4 đã bác bỏ cáo buộc của Nga.
Theo Reuters, hôm qua người biểu tình ly khai ở thành phố Luhansk thuộc miền đông Ukraine tiếp tục bám trụ tại tòa nhà an ninh quốc gia ở trung tâm thành phố và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine.
Tất cả những người tham gia đã tán thành trên nguyên tắc. Phía Nga khẳng định rằng phải mời không chỉ các nhà lãnh đạo hiện tại của Kiev tham gia cuộc gặp, mà phải có cả đại diện phía nam và phía đông của đất nước: chỉ trong trường hợp đó thì các giải pháp sẽ được thông qua mới đảm bảo tính hiệu quả.Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi rằng quá trình chính trị ở Ukraine cần phải công khai và có tính đến quan điểm của tất cả các đảng phái chính trị và khu vực.
Hôm qua, ông Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại diện Ngoại giao EU Catherine Ashton. Các bên đã đồng ý gặp nhau vào tuần tới tại châu Âu với các đại diện của Ukraina và thảo luận về cách giải quyết tình hình. Ngày giờ chính xác sẽ được nêu ra khi có thể thỏa thuận về định dạng cuộc gặp.
Moscow nhấn mạnh với phương Tây rằng trong cuộc đàm phán cần phải thu hút không chỉ các nhà lãnh đạo Kiev hiện tại, mà cả đại diện của phe đối lập Ukraine.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Không thể ổn định tình hình và tiến hành cuộc đối thoại quốc gia, nếu các cơ quan chức Ukraine tiếp tục bỏ qua lợi ích của các khu vực phía đông nam đất nước. Kể từ khi cướp chính quyền, không có biện pháp tích cực nào về phía Nam và Đông Ukraine được thực hiện.
Ngược lại, đã có những cử chỉ tiêu cực, bắt đầu từ việc bãi bỏ luật về ngôn ngữ địa phương và kết thúc với tuyên bố rằng sẽ không có chuyện liên bang hóa, không có vị trí đặc biệt cho tiếng Nga. Trong bối cảnh này, bỏ qua lợi ích hợp pháp của khu vực Nam và Đông Ukraine, cũng như sự bất bình của các khu vực này trước hành động chống lại họ của ban lãnh đạo hiện hành không cho phép Kiev làm việc hiệu quả trong bất kỳ định dạng đa phương nào. Chúng tôi ủng hộ việc các khu vực Nam và Đông Ukraine tham gia các sự kiện sắp tới.”Các ứng cử viên tổng thống có thể giới thiệu các khu vực của Ukraine tham gia vào cuộc đàm phán bốn bên. Không phải các thống đốc tài phiệt do Kiev bổ nhiệm, mà là đại diện của các lực lượng chính trị hàng đầu của đất nước do nhân dân tín nhiệm bầu làm người đứng đầu nhà nước.Nhà phân tích chính trị Sergei Mikheyev cho rằng kết quả của cuộc đàm phán đa dân tộc Ukraine với sự hỗ trợ của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu phải là cải cách hiến pháp: “Nếu không sửa đổi hiến pháp thì không hiểu đàm phán về những gì. Vấn đề đưa ra đàm phán phải là liên bang hóa Ukraine. Cần phải có ý kiến đại diện của người dân ở tất cả các vùng. Và điểm thứ hai là loại bỏ sự thống trị của những kẻ cực đoan và phát xít mới ở Kiev. Và nếu không làm những điều đó thì bàn bạc về cái gì? Chẳng nhẽ bàn về việc giúp đỡ những người đã đảo chính tại Kiev? Tại sao Nga lại phải làm chuyện này? Bây giờ hãy để cho Mỹ và châu Âu giúp đỡ những người đó, vì các nước đó đã giúp họ giành chính quyền.”Ủy ban đặc biệt lâm thời được lập ra tại Kiev sau cuộc đảo chính đang chuẩn bị dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ukraina và phải nộp dự luật sửa đổi Luật cơ bản cho Quốc hội trước ngày 15 tháng Tư. Nhưng một tuần trước ngày đó, Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov đã đề xuất với các đại biểu gia hạn công việc của Ủy ban đặc biệt thêm một tháng. Đã phải bỏ phiếu đến hai lần. Lần đầu tiên các đại biểu không ủng hộ việc hoãn thời hạn nộp dự thảo.Đây không phải là trường hợp đầu tiên trong quốc hội Ukraine, khi nghị định được bỏ phiếu nhiều lần, cho đến khi các nhà chức trách nhận được kết quả mong muốn. Thế nhưng, chính quyền Kiev hiện nay đã không thành công trong nỗ lực đồng thời thông qua một gói 40 dự luật - quả là một trường hợp chưa từng có trên thế giới. Hai lần đề xuất bỏ phiếu thì cả hai lần đều bị bác bỏ. Chủ tịch Oleksandr Turchynov không che giấu sự nổi sự không hài lòng của mình và cáo buộc các nhà lập pháp rằng họ đã phá phiên họp. Đáng chú ý là hầu hết các thành viên của đảng "Udar", những người đóng vai trò rất lớn trong việc lật đổ chế độ Viktor Yanukovych đã chống lại phương pháp bỏ phiếu như vậy. Điều này cho thấy trong số những người vài tháng trước đây tích cực tìm mọi cách để lật độ chế độ ở Kiev, ngày hôm nay không thống nhất ý kiến với nhau. Tại Ukraine hiện nay có một số lực lượng chính trị lớn, cộng đồng quốc tế nên nghe ý kiến của tất cả các thành phần này. Vì vậy, nếu không có sự đại diện rộng rãi của các khu vực Ukraine thì cuộc đàm phán bốn bên nhằm giải quyết khủng hoảng ở Ukraine sẽ không đạt được hiệu quả.
Đàm phán bốn bên về khủng hoảng Ukraine
BBC cho biết, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ và Ukraine dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về tình hình ngày càng tồi tệ ở Ukraine.
Đây sẽ là cuộc gặp bốn bên đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
Những người ủng hộ Nga ở phía trước tòa nhà chính quyền khu vực Donetsk. ẢNh BBC
Nga đã tiến hành sáp nhập Crimea hồi tháng Hai và cho quân đông đảo dọc theo biên giới.Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton sẽ gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Andriy Deshchytsia.
Kiev và Mỹ cáo buộc Moscow đã xúi giục sự bất ổn ở phía đông Ukraine, nơi người nói tiếng Nga chiếm chủ yếu, như một cái cớ để có thể kiểm soát được nhiều phần lãnh thổ hơn – một tuyên bố bị Nga bác bỏ mạnh mẽ.
Địa điểm và thời gian chính xác diễn ra cuộc đàm phán vào tuần tới không được công bố rõ ràng, mặc dù một quan chức EU khẳng định rằng họ sẽ đến châu Âu.
Các nhà chức trách Ukraine đang hành động để dập tắt những cuộc nổi dậy ủng hộ Moscow dọc theo biên giới Nga. Chính phủ Ukraine cũng tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát trụ sở công quyền thành phố Kharkiv từ tay lực lượng ly khai thân Nga, BBC tiếng Việt cho biết thêm.
Kiev cũng hi vọng sẽ sớm chiếm lại trụ sở ở Luhansk và Donetsk.
Vào thứ Hai, những người biểu tình thân Nga đã chiếm giữ các tòa nhà công quyền tại ba thành phố trên.
AP cũng cho biết, chính phủ Ukraine và Mỹ đã cáo buộc Moscow xúi giục bất ổn nhằm kiếm cớ cho quân đội Nga xâm nhập như sự tiếp quản của Crimea tháng trước. Theo số liệu từ NATO, có gần 40.000 binh lính Nga tập trung dọc theo biên giới Ukraine.
Tại Washington, Ngoại trưởng John Kerry đã đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế nặng tay hơn nhằm hống lại Moscow.
“Những gì chúng ta thấy được từ Nga là một nỗ lực bất hợp pháp và không chính đáng nhằm gây bất ổn cho một nhà nước có chủ quyền, và tạo ra một cuộc khủng hoảng giả tạo trên đường biên giới quốc tế,” ông Kerry nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Kerry gọi các cuộc biểu tình ở miền đông Ukraine là một ‘cái cớ giả tạo để can thiệp quân sự như chúng ta đã thấy ở Crimea.’
Trong khi chính phủ Ukraine tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát trụ sở công quyền thành phố Kharkiv, thì tại Donetsk, một thành phố cách Kharkiv 250 km (155 dặm) về phía nam, những người biểu tình đã bắt đầu hình thành một chính phủ song song, sau khi kiểm soát được một trụ sở công quyền 11 tầng vào hôm Chúa nhật.
Hôm thứ hai, những người biểu tình đã tuyên bố thành lập một nền Cộng hòa chủ quyền Donetsk, và kêu gọi một cuộc trưng cầu về vấn đề này sẽ được tổ chức chậm nhất là vào ngày 11 tháng 5.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết trong tuần này, đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy một số người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraine đã được thuê và không phải là người dân địa phương.
Kremlin đã từng thúc đẩy cải cách hiến pháp ở Ukraine nhằm biến đất nước này thành một quốc gia liên bang, với quyền hạn rộng hơn cho mỗi vùng miền. Đề xuất cho thấy Nga mong muốn duy trì sự ảnh hưởng lên quốc gia hàng xóm và ngăn chặn việc Ukraine gia nhập Nga.
Nhóm ly khai ở phía Đông Ukraine kêu gọi Putin giúp đỡ, Kiev đưa ra cảnh báo
Theo Telegraph, nhà cầm quyền Ukraine đã đưa ra một tối hậu 48 giờ cho nhóm ly khai thân Nga ở các thành phố phía Đông hôm thứ Tư, nói với họ phải rời khỏi những tòa nhà công cộng mà họ đã chiếm đóng hoặc phải đối mặt với một hành động ‘mạnh mẽ’.
Vùng phía phía Đông Ukraine đòi ly khai. Ảnh telegraph
Trước lời de dọa trên của chính phủ Ukraine, nhóm ly khai thân Nga đang chiếm giữ tòa nhà an ninh quốc gia ở Luhansk, thành phố phía đông Ukraine kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin giúp đỡ, Reuters cho biết.
Vào đêm Chúa nhật, những người biểu tình ly khai đòi thống nhất với Nga đã chiếm đóng các tòa nhà chính phủ ở Kharkiv, Luhansk và Donetsk. Các quan chức Ukraine và Mỹ đã mô tả sự việc này như một kế hoạch được điều phối bởi Moscow nhằm gây bất ổn cho đất nước.
Lực lượng cảnh sát Ukraine và bộ nội đã giành lại quyền kiểm soát tòa nhà chính phủ ở Kharkiv vào sáng thứ Ba, tuy nhiên những người biểu tình vẫn đang tiếp tục chiếm giữ tòa nhà chính phủ ở Donetsk và Luhansk.
Arsen Avakov, Bộ trưởng tạm quyền của Bộ Nội vụ Ukraine, nói rằng những bế tắc tại Lukhansk và Donetsk sẽ được ‘giải quyết trong vòng 48 giờ’. Ông cũng nói thêm: “Có hai lựa chọn: giải pháp chính trị thông qua đàm phán hoặc sử dụng vũ lực. Những nhóm thiểu số muốn xung đột sẽ nhận được một câu trả lời mạnh mẽ từ nhà cầm quyền Ukraine.”
Reuters cho biết thêm, những người biểu tình cũng đang tham gia một cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc, cái mà Kiev cho có thể là một lý do để Nga xâm lược. Những nhà lập pháp ở phía đông Ukraine cũng đề nghị ân xá cho những người biểu tình để xoa dịu căng thẳng.
Nhóm biểu tình đang chiếm giữ các tòa nhà chính phủ cũng yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu trong vùng về việc độc lập khỏi Kiev.
Căng thẳng đã gia tăng ở phía Đông Ukraine, nơi người nói tiếng Nga chiếm chủ yếu, kể từ khi vị tổng thống thân Moscow bị phế truất.
Một người đàn ông mặc trang phục lính ngụy trang nói, tên ông là Vasiliy và cho biết ông là người chỉ huy của tòa: “Tất nhiên chúng tôi phải yêu cầu Nga giúp đỡ, vì chúng tôi không thấy có sự lựa chọn nào khác”. Ông nói tiếp: “Putin hãy giúp chúng tôi !.”
Trong khi một số người biểu tình đấu tranh cho ý tưởng gia nhập Nga như Crimea, thì Valery Bolikov, người nói mình là đại diện cho nhóm chiếm giữ tòa nhà ở Luhansk, nói rằng: “(Chúng tôi sẽ chỉ rời khỏi tòa nhà) sau khi họ hoàn thành các yêu cầu của chúng tôi về việc thực hiện một cuộc trưng cầu về hình thức liên bang [tại Ukraine].”
Những người biểu tình nhấn mạnh rằng, họ không hề nhận sự trợ giúp từ Nga và không có người Nga nào trong hàng ngũ của họ, tuy nhiên chính phủ Ukraine nói rằng hành động này là một phần của một kế hoạch của Nga dẫn đến chia cắt đất nước, một cáo buộc mà Moscow phủ nhận.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cáo buộc Nga đang có hành động tương tự như đã làm ở Crimea.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Nga đã tuyên bố nhiều lần rằng, họ không thực hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào có ý nghĩa về quân sự trên lãnh thổ gần với biên giới Ukraine.”
Ông Putin hy vọng sáng kiến “san bằng” tình hình Ukraine sẽ tích cực
Theo Tiếng nói nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng rằng sáng kiến của Bộ Ngoại giao Nga "san bằng" tình hình xung quanh Ukraine sẽ có kết quả tích cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ông Putin đề xuất thảo luận về những gì Nga có thể thực hiện "để tăng cường quan hệ kinh tế với một trong những đối tác quan trọng của Nga là Ukraine", lưu ý rằng bây giờ Ukraine là một nơi đang diễn ra các quá trình chính trị phức tạp.Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đánh giá cuộc đàm phán với Liên bang Nga như một bước làm tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Lãnh đạo Vụ Chính sách thông tin Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Evgeny Perebiynis nói rằng, sự hiện diện của quá trình đàm phán chứng tỏ về sự ấm lên trong quan hệ giữa hai nước.
"Đối thoại luôn là điều tích cực, mặc dù nhỏ nhưng vẫn một bước tiến. Nếu chúng ta đạt được hiệu quả trong cuộc đối thoại này thì đấy sẽ là bước đi đúng hướng. Nhưng tôi chưa thể nói trước và thông báo rằng chúng tôi đã giải quyết tình hình. Không, chúng tôi mới tiến gần đến các biện pháp xử lý," ông nhấn mạnh.
Cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và các đại diện của Ukraine về việc giải quyết khủng hoảng Ukraine sẽ được tổ chức vào tuần tới.
Tổng hợp nhiều nguồn.