Tin Thế Giới

"Tôi chỉ hy vọng là nếu còn sống, nó sẽ trở về nhà sớm. Chúng tôi rất nhớ nó, tất cả chúng tôi", tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời ông Ibrahim nói...

Gia đình hành khách MH370 không từ bỏ hy vọng

Ông Ibrahim Abdul Razak cha của một hành khách có mặt trên chiếc máy bay mất tích không từ bỏ hy vọng con trai mình cùng 238 người khác sẽ được tìm thấy bình an vô sự và vẫn hàng ngày cầu nguyện cho chiếc máy bay.

razak-4106-1397107852.jpg

Ông Ibrahim Abdul Razak (bên trái) trong buổi lễ cầu nguyện. Ảnh: Sinarharian

"Tôi chỉ hy vọng là nếu còn sống, nó sẽ trở về nhà sớm. Chúng tôi rất nhớ nó, tất cả chúng tôi", tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời ông Ibrahim nói. Con trai ông là Sofuan Ibrahim, 33 tuổi, lên chuyến bay MH370 để tới làm việc tại văn phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tối 8/4, gia đình ông tổ chức buổi cầu nguyện đặc biệt cho Sofuan Ibrahim cùng những người có mặt trên MH370. Khoảng 100 người gồm cả các thành viên gia đình và hàng xóm, cùng tham gia buổi cầu nguyện với hy vọng tạo nên phép màu cho cuộc tìm kiếm dai dẳng hơn một tháng qua.

Ông Ibrahim cũng bày tỏ lòng biết ơn tới hãng Hàng không Malaysia Airlines đã cập nhật thông tin liên tục về tiến trình tìm kiếm cứu nạn.

chew2-2674-1397116372.jpg

Ông bà Chew bên tấm ảnh con gái. Ảnh: Therakyatpost

Cùng chung tâm niệm, cha mẹ của Chew Kar Mooi, một hành khách trên chuyến bay cũng vẫn hy vọng cô an toàn. Bà Tan Tuan Lay, 53 tuổi cùng chồng Chew Kok Sia, 62 tuổi vẫn kiên nhẫn chờ đợi thông tin mới nhất về chiếc máy bay và cầu mong đội tìm kiếm sẽ tìm thấy Chew và các hành khách khác.

"Tôi vẫn chờ nó trở về. Chỉ cần không có mảnh vỡ của máy bay, tôi nghĩ con gái mình được an toàn. Tôi có linh cảm nó vẫn còn sống", bà Tan nói. Chew Kar Mooi, 31 tuổi, là nhân viên của Maybank ở Kuala Lumpur.

Bà Tan cho biết thói quen hàng ngày của mình sau khi máy bay biến mất là cầu nguyện và theo dõi TV để biết thông tin mới nhất. "Tôi đủ dũng cảm để đối mặt với những điều này. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ kết thúc sau khi máy bay được tìm thấy", bà nói trong khi liếc nhìn tấm ảnh của con gái.

10156975-10152759625274129-104-3064-7387

Bà Noorida cùng hai cháu gái. Ảnh: Astroawani

Bà Faridah Badur, có bốn người thân đi trên chiếc máy bay, nói gia đình vẫn hy vọng bốn người thân có mặt trên chuyến bay MH370 sẽ trở về an toàn.

Các hành khách đó là bà Noorida Mohd Hashim, 57 tuổi, bà Datin Biby Nazli Mohd Hashim, cùng hai cháu gái Maria và Dina. Họ lên chuyến bay đến Bắc Kinh du lịch mừng bà Noorida sắp về hưu.

Theo kế hoạch, ngày 1/4 vừa qua đúng là ngày bà Noorida nhận quyết định về hưu, sau 36 năm làm thư ký cho phó giám đốc Văn phòng Sức khỏe và Môi trường thuộc Tòa thị chính Kuala Lumpur.

Bà Faridah Badur cũng bày tỏ lòng cảm ơn người dân Malaysia tiếp tục cầu nguyện cho các hành khách có mặt trên chuyến bay bí ẩn.

pau2-2430-1397107852.jpg

Danica và hai con trai. Ảnh: Sydney Morning Herald

Trong khi đó, Danica Weeks, vợ của hành khách Paul Weeks có mặt trên chuyến bay dường như khá chật vật qua từng ngày chờ đợi thông tin. Chồng cô, Paul Weeks, 38 tuổi, lên chuyến bay MH370 hôm 8/3 để bắt đầu công việc mới ở Mông Cổ.

"Con nhớ cha, con nhớ cha. Khi nào cha về nhà, cha vẫn mất tích hả mẹ", câu hỏi của cậu bé Lincoln Weeks, ba tuổi khiến Danica đau xé lòng. Cô nói hình ảnh Paul hôn gió gia đình trước khi lên máy bay vẫn khắc sâu trong tâm trí cô.

Khánh Lynh

 

Ukraine dọa sử dụng vũ lực, nhóm ly khai cầu cứu Nga

Người biểu tình nhặt đang củng cố lại rào chắn xung quanh tòa nhà an ninh ở Luhansk. Ảnh: AFP.

Người biểu tình đang củng cố lại rào chắn xung quanh tòa nhà an ninh ở Luhansk. Ảnh: AFP.

"Tất nhiên chúng tôi phải đề nghị Nga giúp đỡ bởi tôi chưa nhìn thấy một sự lựa chọn khác", Reuters dẫn lời người đàn ông tên Vasiliy, tự nhận là chỉ huy nhóm người bên trong tòa nhà của cơ quan an ninh, nói. Địa điểm này là một trong số những tòa nhà chính phủ bị người biểu tình chiếm ở miền đông Ukraine khi các cuộc biểu tình nổ ra hôm chủ nhật. Những người biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý, đòi độc lập khỏi Kiev.

Trong buổi họp báo tổ chức bên trong tòa nhà vào cuối ngày hôm qua, Valery Bolikov, một đại diện của sở chỉ huy Quân đội miền đông và miền nam, nói rằng các cuộc đàm phán với các nhà chức trách hiện chưa đạt được thỏa thuận nào.

"Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục diễn ra, một số vấn đề đang được xem xét nhưng họ chưa có sự giải quyết hợp lý", ông Bolikov nói. Ông cho biết yêu cầu của Luhansk chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý, xem xét việc có nên cho thành phố này thêm quyền tự quyết với vai trò là một phần trong thể chế liên bang ở Ukraine hay không. "(Chúng tôi sẽ rời khỏi tòa nhà) sau khi đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý theo chế độ liên bang được thực hiện",

Ở bên ngoài tòa nhà, các binh sĩ đeo mặt nạ cầm vũ khí phong tỏa khu vực. Một nhân chứng nói ở đó có khoảng 300 khẩu súng.

Tatyana Pogukai, người phát ngôn cảnh sát địa phương, cho biết cảnh sát sẽ không có hành động nào trong lúc quá trình đàm phán diễn ra. "Chúng tôi không muốn xảy ra bạo lực", bà Pogukai nói. "Không ai muốn có người chết hay đổ máu cả".

Một lãnh đạo biểu tình trả lời báo chí phía ngoài tòa nhà an ninh ở thành phố Luhansk. Ảnh: AFP.

Một lãnh đạo biểu tình trả lời báo chí phía ngoài tòa nhà an ninh ở thành phố Luhansk. Ảnh: AFP.

Trước đó, chính quyền Kiev đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để thiết lập lại trật tự ở miền đông Ukraine.

"Một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này sẽ được đưa ra trong 48 giờ tới", Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov trả lời phóng viên ở thủ đô Kiev. "Với những người muốn đối thoại, chúng tôi đề xuất đàm phán và tìm giải pháp chính trị. Với số ít muốn xung đột, họ sẽ nhận được một câu trả lời mạnh mẽ từ nhà chức trách Ukraine".

Trước đó Nga cảnh báo Kiev không nên dùng vũ lực đối với những người nói tiếng Nga ở Ukraine, bởi nếu điều đó xảy ra Ukraine sẽ có thể bị cuốn vào một cuộc nội chiến.

Những người biểu tình ở miền đông Ukraine khẳng định Moscow không giúp đỡ họ và không có người Nga nào tham gia. Chính quyền Kiev cho rằng các hành động trên là một phần kế hoạch chia rẽ Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận cáo buộc này.

Như Tâm

Trung Quốc cách chức thân tín của cựu ủy viên Bộ Chính trị

Trung Quốc hôm qua khai trừ đảng, cách chức và điều tra ông Quách Vĩnh Tường, người từng nhiều năm là trợ thủ thân tín của cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. 
Img379621662-7141-1397095537.jpg

Ông Quách Vĩnh Tường là trợ thủ thân cận nhiều năm của cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Ảnh: Sohu 

Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định khai trừ đảng, cách chức, lập án điều tra, tịch thu tài sản bất hợp pháp với ông Quách Vĩnh Tường, nguyên phó chủ tịch Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (tương đương hội đồng nhân dân) tỉnh Tứ Xuyên, Xinhuadẫn thông cáo của Ủy ban hôm qua cho biết.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng có thông báo đẩy mạnh điều tra vụ việc của ông Quách, với cáo buộc ông này lợi dụng chức quyền mưu lợi cho cá nhân và người khác, nhận hối lộ với số lượng lớn thông qua con trai, suy thoái đạo đức. Ông Quách đã bị điều tra nội bộ từ giữa năm 2013 vì bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Quách Vĩnh Tường được cho là trợ thủ thân tín nhiều năm của ông Chu Vĩnh Khang. Từ năm 1998, Quách là chánh văn phòng bộ Đất đai và Tài nguyên, trong khi ông Chu là bộ trưởng.

Năm 2000, ông Quách được điều làm phó tổng thư ký chính quyền tỉnh Tứ Xuyên khi ông Chu là bí thư tỉnh ủy. Quách sau đó dần được thăng chức lên phó chủ tịch tỉnh, rồi phó chủ tịch Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân kiêm chủ tịch Hội nhà văn tỉnh.

Cuối tháng ba, Trung Quốc cũng cách chức và chính thức điều tra cựu phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Kế Văn Lâm, người từng nhiều năm là thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang. Trước đó, hàng loạt quan chức được cho là có quan hệ mật thiết với ông Chu đã bị điều tra, bao gồm cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, cựu chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn.

Tháng 12/2013, tờ New York Times từng dẫn nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, thông tin trên đến nay chưa được giới chức Trung Quốc xác nhận.

Đức Dương

Theo Vnexpress